Mục lục
Luận văn thạc sỹ : Phân tích ảnh hưởng của sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế đến quyết định của nhà đầu tư
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quá trình toàn cầu hóa cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn quốc tế đòi hỏi thông tin tài chính phải nâng cao chất lượng và phải so sánh được với nhau; để so sánh được với nhau các thông tin tài chính phải được ghi nhận trên cùng hệ thống chuẩn mực kế toán chung, là tiền đề để hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) được hình thành. Trên thực tế, các quốc gia có thể áp dụng các chuẩn mực kế toán khác nhau để lập các báo cáo tài chính và các chuẩn mực kế toán có thể có sự khác biệt. Sự khác biệt của hệ thống các chuẩn mực kế toán xuất phát từ sự khác nhau về văn hóa, hệ thống pháp lý, chính trị, quá trình hình thành và phát triển của các hiệp hội nghề nghiệp. Và các báo cáo tài chính của cùng một doanh nghiệp được lập trên các hệ thống chuẩn mực khác nhau có thể có sự khác biệt.
Chuẩn mực kế toán quốc tế đang dần được áp dụng chung trên hơn 100 quốc gia trên thế giới và tại các quốc gia chưa áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng đang diễn ra quá trình hòa hợp giữa hệ thống chuẩn mực kế toán của quốc gia đó với chuẩn mực kế toán quốc tế. Ví dụ điển hình, Mỹ đã ký hiệp ước Norwalk năm 2002 nhằm thúc đẩy quá trình hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và Hệ thống các nguyên tắc kế toán đã được chấp nhận của Mỹ (US GAAP -Generally Accepted Accounting Principles); căn cứ vào hiệp ước này, Ủy Ban chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ chỉnh sửa một số điểm trong chuẩn mực kế toán quốc tế và đến năm 2011 Mỹ sẽ chuyển qua sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Một ví dụ khác vào tháng 1 năm 2006, Ủy Ban chuẩn mực kế toán Canada cũng đã thông qua kế hoạch 5 năm hội tụ giữa Hệ thống các nguyên tắc kế toán đã được chấp nhận của Canada (GAAP Canada) với chuẩn mực kế toán quốc tế.
Các nghiên cứu gần đây trên thế giới đã khẳng định rằng chuẩn mực kế toán quốc tế là một chuẩn mực chuẩn các quốc gia cần sử dụng để tham chiếu và thực hiện. Nghiên cứu của Mary E.Barth của Stanford Graduate School of Business, Wayne R.Landsman của University of North Carolina at Chapel Hill -Accounting Area và Mark H.Lang của University of North Carolina at Chapel Hill, ngày 1 tháng 9 năm 2007, đã tiến hành nghiên cứu trên 21 quốc gia trên thế giới và nhận thấy khi sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, chất lượng kế toán đã được cải thiện hơn và đưa ra khẳng định chuẩn mực kế toán quốc tế là một chuẩn mực kế toán gắn liền với chất lượng kế toán cao.
Mingyi Hung và K.R.Subramabyam (2007), nghiên cứu ảnh hưởng của báo cáo tài chính được lập trong giai đoạn từ 1998 đến 2002, chỉ ra rằng thông tin về tổng tài sản và giá trị sổ sách của tài sản cũng như việc thay đổi của giá trị sổ sách và thu nhập đáng tin cậy hơn khi áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế so với trường hợp áp dụng chuẩn mực kế toán chung của Đức.
Có thể nói rằng, chuẩn mực kế toán quốc tế là hệ thống chuẩn mực chuẩn để các quốc gia tham chiếu khi xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán của mình. Và có ba cách tiếp cận phổ biến (1) chấp nhận chuẩn mực kế toán quốc tế là chuẩn mực của quốc gia; (2) dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế để hình thành chuẩn mực kế toán quốc gia; (3) tự phát triển các chuẩn mực quốc gia và điều chỉnh dần khoảng cách với chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, với các chuẩn mực kế toán đầu tiên được ban hành vào ngày 31/12/2000, việc xây dựng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) dựa trên việc kế thừa và điều chỉnh các chuẩn mực kế toán quốc tế cho phù hợp với đặc điểm và tình hình của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng có điều chỉnh đó lại làm cho các chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay có sự khác biệt so với các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Việc yêu cầu các thông tin trên báo cáo tài chính phải trung thực, hợp lý và đáng tin cậy là một yêu cầu chính đáng, dựa vào đó nhà đầu tư phân tích và đánh giá ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sự khác biệt trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam so với chuẩn mực kế toán quốc tế có thể sẽ dẫn đến các khác biệt về các thông tin trong báo cáo tài chính ảnh hưởng không chính xác đến quá trình phân tích và so sánh để ra các quyết định của nhà đầu tư.
Với tình hình chung như vậy đề tài “Phân tích ảnh hưởng của sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế đến quyết định của nhà đầu tư” hy vọng sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn toàn diện hơn khi ra các quyết định đầu tư.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích sự khác biệt của một số khoản mục giữa hai hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư;
Ví dụ minh họa và khuyến nghị.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những khác biệt của một số khoản mục giữa hai hệ thống chuẩn mực kế toán có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư;
Phạm vi nghiên cứu chỉ nghiên cứu ở các khác biệt của hệ thống hai chuẩn mực ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư mà không đi sâu phân tích sự khác biệt của từng chuẩn mực kế toán.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… và phương pháp chuyên gia.
Dữ liệu sử dụng: đa nguồn.
■ Các dữ liệu sơ cấp đã được thu thập thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán tài chính.
■ Các dữ liệu thứ cấp đã được thu thập thông qua tìm hiểu các nghiên cứu về chuẩn mực kế toán quốc tế, nghiên cứu sâu vào các chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu tìm hiểu các phân tích về sự khác biệt của chuẩn mực kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế ảnh hưởng đến báo cáo tài chính và các nghiên cứu về tình hình sử dụng thông tin kế toán trong đầu tư cũng được quan tâm xem xét.
■ Các dữ liệu về các thông tin tài chính được thu thập tại các Báo cáo tài chính tại các Báo cáo thường niên đã được công bố. Riêng báo cáo tài chính của Công ty A đã được sự cho phép của Giám đốc tài chính của công ty, vì không phải là công ty niêm yết và theo yêu cầu của công ty nên sẽ không nêu tên công ty trong nghiên cứu này.
■ Hầu hết các dữ liệu được thu thập từ internet, các trang web của chính phủ và các trang web học thuật chẳng hạn như fpts.com.vn, iasplus.com.
5. Kết cấu luận văn
Nội dung luận văn bao gồm:
Lời mở đầu.
Chương 1: Khái quát về lý thuyết ra quyết định đầu tư. Khái quát chung về hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế.
Chương 2: Phân tích sự khác biệt của một số khoản mục trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam so với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
Chương 3: Minh họa sự khác biệt của một số khoản mục giữa hai hệ thống kế toán trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp Việt Nam và các khuyến nghị đối với nhà đầu tư.
Kết luận.
Download Luận văn thạc sỹ : “Phân tích ảnh hưởng của sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế đến quyết định của nhà đầu tư”
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT