Thực tiễn về cách thức hội tụ kế toán quốc tế của một số các quốc gia trong khu vực châu Á

tiền gửi tiết kiệm

Mục lục

Thực tiễn về cách thức hội tụ kế toán quốc tế của một số các quốc gia trong khu vực châu Á

Ngoài việc khảo sát cách thức hội tụ kế toán quốc tế của các quốc gia lớn, luận án còn tập trung khảo sát về cách thức hội tụ của một số các quốc gia Đông Nam Á và mở rộng thêm một vài quốc gia châu Á khác để đúc kết thành một số cách thức chính. Có tám quốc gia được chọn, trong đó có năm nước của khối ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và ba quốc gia châu Á khác là Hàn quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Các quốc gia được chọn với những tiêu chuẩn sau:

– Không thuộc nhóm bảy quốc gia (G7) có những nền kinh tế lớn hay các quốc gia mới nổi (BRIC). Các quốc gia lớn có cách hội tụ riêng do ưu thế về chính trị trong đàm phán hội tụ của họ (Ramanna, 2011).

– Có công bố kế hoạch hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

– Có thị trường chứng khoán.

– Là quốc gia gần gũi với Việt Nam về địa lý hoặc văn hóa để học hỏi kinh nghiệm trong việc lựa chọn cách thức hội tụ. Việc chọn khảo sát các quốc gia này không nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam hướng tới niêm yết chứng khoán trên thị trường chứng khoán của các quốc gia này.

Khi xem xét về hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã trình bày ở phần trên cho thấy bản thân IASB đã đưa ra một định hướng hội tụ, trong đó chia thành hai đối tượng riêng biệt. Các công ty niêm yết sẽ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và các công ty không niêm yết sẽ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho DNNVV. Hướng đi này giúp các quốc gia tập trung hội tụ từng bộ phận, trong đó ưu tiên hướng về việc nâng cao chất lượng thông tin của thị trường chứng khoán và giải quyết dần các vấn đề còn lại đối với DNNVV. Do hội tụ là vấn đề rộng và phức tạp nên có một số tác giả đã đưa ra các cách thức hội tụ khác nhau điển hình như Kimura & Ogawa (2007), Bader (2009), Saito (2011), Yallapragada et al (2014). Việc phân chia các cách thức hội tụ dựa trên các tiêu chí khác nhau như xét về mức độ dẫn đến cách thức hội tụ hay thực tiễn quá trình hội tụ. Luận án tiếp cận trên cơ sở xem xét các cách thức ứng dụng vào thực tiễn nhằm
đánh giá cách thức hội tụ của các quốc gia. Xét về thực tiễn cách thức hội tụ, Bader (2009) chia thành hai hướng lớn là tiệm cận và chấp nhận toàn bộ:

– Các quốc gia tiệm cận như Hoa Kỳ, Trung quốc… sẽ điều chỉnh hệ thống chuẩn mực quốc gia cho gần hơn và đi đến hội tụ toàn bộ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong một lộ trình nhất định.

– Các quốc gia chấp nhận toàn bộ như các nước thuộc EU, Úc… sẽ áp dụng toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế như hệ thống quốc gia.

Trong những năm qua, thực tiễn hội tụ quốc tế không diễn ra hoàn toàn êm ả theo hai hướng trên. Một số quốc gia hay vùng lãnh thổ như Úc, EU mặc dù chấp nhận toàn bộ nhưng lại dùng cơ chế phê duyệt để loại bỏ hoặc điều chỉnh một số yêu cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế để phù hợp với đặc điểm quốc gia. Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến một số quốc gia ngần ngại áp dụng toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, nhất là trong những quy định liên quan đến giá trị hợp lý như Trung quốc (Ramanna, 2011).

Ngoài ra, sự chậm trễ trong tiến trình hội tụ của Hoa Kỳ khiến một số quốc gia khác hoãn việc hội tụ để chờ đợi một kết quả cuối cùng của quá trình hội tụ giữa hai tổ chức trên, như trường hợp của Singapore (ASC, 2012a), Nhật (Yamaji et al, 2012).

Việc nghiên cứu các quốc gia được chọn cho phép tác giả đưa ra ba cách thức hội tụ cơ bản như sau:

1. Hội tụ toàn bộ

Trong cách thức này, các quốc gia chấp nhận toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế bao gồm cả chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho DNNVV hầu như không có bất cứ điều chỉnh nào. Các quốc gia chọn cách thức này là Philippines và Singapore.

– Philippines quyết định chuyển từ các chuẩn mực dựa trên hệ thống của Hoa Kỳ sang chuẩn mực quốc tế từ năm 1996. Từ năm 2005, Philippines chấp nhận toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và hầu như không điều chỉnh (World Bank, 2006a). Hội đồng Chuẩn mực báo cáo tài chính Philippines (FRSC) tham gia giám sát hoạt động của IASB, tham gia quá trình góp ý các dự thảo của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và khi chúng được ban hành bởi IASB thì cũng đồng thời được chấp nhận là Chuẩn mực báo cáo tài chính Philippines (PFRS). Hội đồng Chuẩn mực báo cáo tài chính Philippines thành lập Ủy ban Hướng dẫn để ban hành các hướng dẫn áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Philippines (FRSC, 2012). Năm 2010, Philippines chấp nhận toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính dành cho DNNVV (PFRS for SME). Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Philippines được định nghĩa là các doanh nghiệp không niêm yết theo Luật Chứng khoán, không cần một giấy phép thứ hai của cơ quan nhà nước (ví dụ ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…), thỏa mãn các điều kiện về quy mô… (Philippines Securities and Exchange Commission, 2010).

– Singapore công bố kế hoạch hội tụ toàn bộ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tháng 3/2012, Hội đồng Chuẩn mực kế toán Singapore công bố việc hội tụ sẽ không hoàn thành trong năm 2012 và cam kết sẽ tiếp tục quá trình hội tụ toàn bộ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Lý do như đã nêu trong phần trên là Hội đồng Chuẩn mực kế toán Singapore cũng chờ đợi quá trình hội tụ IASB – FASB hoàn thành. Đối với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế dành cho DNNVV, năm 2010 Hội đồng Chuẩn mực kế toán Singapore
cũng công bố định hướng chấp nhận toàn bộ không điều chỉnh từ tháng 1/2011 cho các công ty không niêm yết và thỏa các tiêu chuẩn về quy mô.

Các chuẩn mực này được ban hành đúng kế hoạch và mang tên chuẩn mực báo cáo tài chính dành cho DNNVV (SFRS for SME) (ASC, 2012b)

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế[/message]

2. Hội tụ theo hướng tiệm cận

Các quốc gia theo hướng này không chấp nhận toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà điều chỉnh, bổ sung hệ thống hiện hành để “tiệm cận” với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế theo một lộ trình nhất định. Thuộc nhóm này có Thái Lan và Indonesia.

– Tại Thái Lan, Luật Kế toán năm 2000 quy định tất cả các doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực kế toán Thái Lan (TAS) và Liên đoàn kế toán Thái Lan (FAP) được giao chức năng ban hành chuẩn mực. Từ năm 2006, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan và Liên đoàn kế toán Thái Lan đã ký một thỏa thuận chuyển đổi hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2008, có 29 chuẩn mực kế toán có hiệu lực, phần lớn được xây dựng trên nền tảng của chuẩn mực quốc tế giai đoạn 2003 – 2004, đồng thời pha trộn nhiều yếu tố của kế toán địa phương và Hoa Kỳ (World Bank, 2008). Trong kế hoạch hội tụ được thực hiện hai bước với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế công bố năm 2010, bước thứ nhất Liên đoàn kế toán Thái Lan sẽ điều chỉnh 23 chuẩn mực hiện hành và bổ sung thêm bốn chuẩn mực chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà chuẩn mực kế toán Thái Lan chưa có; các chuẩn mực này sẽ áp dụng cho tất cả công ty
niêm yết vào ngày 1/1/2011. Bước thứ hai sẽ tiếp tục điều chỉnh 4 chuẩn mực hiện hành và ban hành thêm 4 chuẩn mực chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà chuẩn mực kế toán Thái Lan chưa có để hình thành bộ chuẩn mực hội tụ gần như hoàn toàn với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (một vài chuẩn mực như IAS 41 chưa được đề cập thời điểm áp dụng) (PwicewaterhouseCoopers, 2011). Điều cần lưu ý là Liên đoàn kế toán Thái Lan tiến hành hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế phiên bản 2010. Bên cạnh đó, Liên đoàn kế toán Thái Lan cũng ban hành các chuẩn
mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp không niêm yết (TFRS for NonPublicly Accountable Entities).

– Các chuẩn mực kế toán Indonesia (PSAK) do Hội đồng Chuẩn mực kế toán Indonesia (DSAK), thuộc Hội Kế toán công chứng Indonesia (IAI) ban hành, áp dụng cho các công ty niêm yết, ngân hàng và các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Các công ty con của công ty niêm yết cũng phải áp dụng PSAK. Ngoài ra, từ năm 2010, Hội đồng Chuẩn mực kế toán Indonesia ban hành chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp không liên quan đến lợi ích công chúng. Kế hoạch hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được Hội Kế toán công chứng Indonesia công bố năm 2008 và dự kiến hoàn thành năm 2012, tuy nhiên việc thực hiện rất chậm do thiếu nguồn lực, trở ngại ngôn ngữ, cách làm (Hội Kế toán công chứng Indonesia dịch và nghiên cứu ban hành từng chuẩn mực phù hợp với môi trường quốc gia) và bản thân chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế thay đổi quá nhanh. Tính đến tháng 3/2010, chỉ mới có 68% chuẩn mực đã phù hợp hoặc khá phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, còn 21% chưa phù hợp và 11% chưa được ban hành (World Bank, 2011a)

3. Hội tụ từng phần

Đây là cách thức trung gian trong đó việc hội tụ được tiến hành khác nhau đối với những đối tượng khác nhau. Thuộc về cách thức này có Malaysia, Hàn quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Phần lớn các quốc gia này áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (có thể có vài loại trừ) cho các công ty niêm yết và mở rộng thêm một số trường hợp như có quy mô lớn hoặc thuộc một số lĩnh vực đặc thù như tài chính, bảo hiểm. Các doanh nghiệp không niêm yết và quy mô nhỏ được phép áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia hiện hành và không hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng cho DNNVV. Riêng Hồng Kông tách thành hai hệ thống chuẩn mực áp dụng cho doanh nghiệp không niêm yết, một là áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và một áp dụng cho DNNVV.

– Malaysia công bố kế hoạch hội tụ năm 2008 và dự kiến sẽ hoàn thành và áp dụng từ năm 2012. Tháng 11/2011, Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia (MASB) ban hành Chuẩn mực báo cáo tài chính Malaysia (MFRS), một khuôn khổ tuân thủ toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và được xem là tương đương với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

MFRS có hiệu lực từ 1/1/2012. Đối tượng là các công ty không phải là tư nhân. Công ty tư nhân theo định nghĩa của Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia là doanh nghiệp không phải lập báo cáo theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước Malaysia và không phải là công ty con của một công ty thuộc đối tượng. Hiện nay, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản được hoãn áp dụng cho đến năm 2014 với lý do chờ các dự án về IAS 18 và IAS 41 của IASB hoàn thành. Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia vẫn duy trì hệ thống kế toán riêng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng chi phối của chuẩn mực báo cáo tài chính Malaysia, (MASB, 2012).

– Hàn quốc công bố lộ trình hội tụ toàn bộ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào tháng 3/2007. Từ năm 2007 đến năm 2010, Hội đồng Chuẩn mực kế toán Hàn Quốc (KASB) ban hành đầy đủ các K-IFRS, là bản dịch toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ra tiếng Hàn và áp dụng cho tất cả các công ty niêm yết từ 1/1/2011. Các công ty không niêm yết có thể sử dụng K-IFRS hoặc Chuẩn mực kế toán tài chính Hàn quốc (KAS). Hàn quốc công bố dự kiến sẽ hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng cho DNNVV trong “dài hạn”, (KASB, 2012).

– Hồng Kông quyết định hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế từ năm 2001 và thực hiện hội tụ toàn bộ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế năm 2005 với tên gọi Chuẩn mực báo cáo tài chính Hồng Kông (HKFRS). Các công ty không niêm yết, có quy mô nhỏ và thỏa một số điều kiện được áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính dành cho DNNVV (SME-FRS) cũng được ban hành năm 2005 (HKICPA, 2006). Các chuẩn mực này không hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng cho DNNVV. Năm 2010, HKICPA ban hành một hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp không niêm yết có quy mô lớn (HKFRS for Private Companies). Các doanh nghiệp thuộc loại này cũng được chọn tiếp tục áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Hồng Kông (HKICPA, 2010).

– Đài Loan công bố kế hoạch hội tụ năm 2009, trong đó cách tiếp cận là dịch toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ra tiếng Trung quốc và ban hành dưới tên gọi Taiwan-IFRS. Các chuẩn mực này sẽ bắt buộc áp dụng đối với các công ty niêm yết và các tổ chức tài chính từ 1/1/2013. Các công ty còn lại sẽ áp dụng từ 1/1/2015 (ARDF, 2009). Vấn đề hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho DNNNV hiện chưa có quyết định.

Thực tiễn về cách thức hội tụ kế toán quốc tế của một số các quốc gia trong khu vực châu Á

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?