Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới

xóa đói giảm nghèo

Mục lục

Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới

1. Lịch sử nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới

Đi sâu tìm hiểu cội nguồn lịch sử của Nông lâm kết hợp King (1987) khẳng định rằng ở Châu Âu thời kỳ Trung cổ người ta phát quang rừng, đốt cành nhánh và canh tác cây lương thực mục đích là để tận dụng dinh dưỡng của đất rừng. Tuy nhiên kiểu canh tác này không phổ biến và tồn tại lâu dài, nhưng ở Phần Lan và Đức kiểu canh tác này tồn tại đến mãi những năm 1920.

Du canh được đánh giá là phương thức canh tác cổ xưa nhất lúc này con người đã tích luỹ được ít nhiều những kiến thức sơ đẳng về tự nhiên. Loài người đã vượt qua được thời kỳ này bằng các cuộc cách mạng về kỹ thuật và chăn nuôi, trồng trọt, song không phải tất cả các nước mà có không ít các nước vận động rất chậm trong cuộc cách mạng này [116].

Sau du canh sự ra đời của phương thức Taungya ở vùng nhiệt đới được xem như là một sự báo trước cho phương thức Nông lâm kết hợp sau này. Theo Blanford (1858) (dt Phạm Quang Vinh và Cs, 2005) [93] nguồn gốc của phương thức này là từ ngôn ngữ địa phương của Myanma: Taung nghĩa là canh tác, ya là đồi núi, như vậy Taungya là phương thức canh tác trên đất đồi núi, điều đó cũng đồng nghĩa với phương thức canh tác trên đất dốc. Sau đó hệ thống Taungya được đưa vào sử dụng rất sớm ở Ấn Độ và được truyền bá rộng rãi qua Châu á, Châu Phi và Mỹ La Tinh. Ngày nay hệ thống Taungya được biết đến với những tên gọi khác nhau, ở một số nước nó được gọi như là một sự biểu tượng đặc biệt của phương thức du canh ở Inđônêxia người ta gọi là Tumpansary, ở Philippin là Kaingyning, ở Malaixia là Ladang…

Nông lâm kết hợp là một lĩnh vực khoa học mới đã được đề xuất vào thập niên 1960 bởi King (1969). Qua nhiều năm, nhiều khái niệm khác nhau được phát triển để diễn tả hiểu biết rõ hơn về NLKH. Sau đây là một số khái niệm về Nông lâm kết hợp khác nhau được phát triển cho đến ngày nay.

Nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý đất vững bền làm gia tăng sức sản xuất tổng thể của đất đai, phối hợp sản xuất các loại hoa màu (kể cả cây trồng lâu năm), cây rừng và/hay với gia súc cùng lúc hay kế tiếp nhau trên một diện tích đất, và áp dụng các kỹ thuật canh tác tương ứng với các điều kiện văn hóa xã hội của dân cư địa phương [101].

Nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý đất đai trong đó các sản phẩm của rừng và trồng trọt được sản xuất cùng lúc hay kế tiếp nhau trên các diện tích đất thích hợp để tạo ra các lợi ích kinh tế, xã hội và sinh thái cho cộng đồng dân cư tại địa phương (PCARRD, 1979) (dt Phạm Xuân Hoàn, 1994) [27].

Nông lâm kết hợp là một hệ thống sử dụng đất trong đó phối hợp cây lâu năm với hoa màu và/hay vật nuôi một cách thích hợp với điều kiện sinh thái và xã hội, theo hình thức phối hợp không gian và thời gian, để gia tăng sức sản xuất tổng thể của thực vật trồng và vật nuôi một cách vững bền trên một đơn vị diện tích đất, đặc biệt trong các tình huống có kỹ thuật thấp và trên các vùng đất khó khăn [120].

Nông lâm kết hợp là tên chung của những hệ thống sử dụng đất trong đó các cây lâu năm (cây gỗ, cọ, tre, hay cây ăn quả, cây công nghiệp…) được trồng có suy tính trên cùng một đơn vị diện tích qui hoạch đất với hoa màu và/hoặc với vật nuôi dưới hệ thốngxen theo không gian hay theo thời gian. Trong các hệ thống Nông lâm kết hợp có mối tác động hỗ tương qua lại về cả mặt sinh thái lẫn kinh tế giữa các thành phần của chúng [118].

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Các nhân tố làm tiền đề cho sự phát triển nông lâm kết hợp trên phạm vi toàn cầu[/message]

Các khái niệm trên đơn giản mô tả Nông lâm kết hợp như là một loạt các hướng dẫn cho một hệ thống sử dụng đất liên tục. Tuy nhiên, Nông lâm kết hợp như là một kỹ thuật và khoa học đã được phát triển thành một điều gì khác hơn là các hướng dẫn. Ngày nay nó được xem như là một ngành nghề và một cách tiếp cận về sử dụng đất trong đó đã phối hợp sự đa dạng của quản lý tài nguyên tự nhiên một cách bền vững [117].

Vào năm 1997, Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về Nông lâm kết hợp (gọi tắt là ICRAF) đã xem xét lại khái niệm Nông lâm kết hợp và phát triển nó rộng hơn như là một hệ thống sử dụng đất giới hạn trong các nông trại. Ngày nay nó được định nghĩa như là một hệ thống quản lý tài nguyên đặt cơ sở trên đặc tính sinh thái và năng động nhờ vào sự phối hợp cây trồng lâu năm vào nông trại hay đồng cỏ để làm đa dạng và bền vững sự sản xuất cho gia tăng các lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường của các mức độ nông trại khác nhau từ kinh tế hộ nhỏ đến “kinh tế trang trại” [5], [28].

ICRAF đã định nghĩa nó như là một hệ thống quản lý tài nguyên tự nhiên năng động và lấy yếu tố sinh thái làm chính, qua đó cây được phối hợp trồng trên nông trại và vào hệ sinh thái nông nghiệp làm đa dạng và bền vững sức sản xuất để gia tăng các lợi ích kinh tế, xã hội và sinh thái cho người canh tác ở các mức độ khác nhau.

Các định nghĩa trên chỉ ra những đặc trưng cơ bản của Nông lâm kết hợp đó là:

– Thông thường có hai hoặc nhiều loài cây (có thể gồm cả động vật) nhưng ít nhất một trong chúng phải là những cây gỗ sống lâu năm.

– Một hệ thống Nông lâm kết hợp luôn có hai hoặc nhiều sản phẩm đầu ra.

– Chu kỳ của một hệ thống Nông lâm kết hợp luôn lớn hơn một năm.

– Một hệ thống Nông lâm kết hợp dù đơn giản nhất vẫn phức tạp hơn hệ thống độc canh cả về phương diện kinh tế cũng như sinh thái học (bao gồm cả cấu trúc và chức năng sinh thái học).

Hơn thế ở đây còn có ba đặc tính mà xét về phương diện lý luận thì tất cả các hệ thống Nông lâm kết hợp đều phải có đó là: Khả năng sản xuất; Tính bền vững; Tính khả thi [53], [60], [61], [65], [97], [102].

Như vậy bản chất của hệ thống Nông lâm kết hợp là hệ thống sử dụng đất để canh tác nông nghiệp nhưng có sự kết hợp giữa cây (hoặc/và) con nông nghiệp với cây lâm nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích, đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên sự kết hợp này có thể diễn ra đồng thời hoặc cũng có thể kế tiếp nhau về mặt không gian hay thời gian. Xét về thành phần một hệ thống NLKH gồm có:

– Các cây thân gỗ sống lâu năm.

– Các cây thân thảo (Cây nông nghiệp hoặc cỏ…)

– Vật nuôi (gia súc, gia cầm, thuỷ sản…) [97], [102].

Tóm lại: Mục đích cuối cùng của các hệ thống Nông lâm kết hợp là tận dụng triệt để đất đai về mặt không gian và thời gian cũng như là một biện pháp canh tác bảo vệ đất, vấn đề đặt ra là con người chúng ta sử dụng các hệ thống này như thế nào cho hợp lý để canh tác lâu bền trên đất dốc, đó là nhiệm vụ mà các nhà khoa học cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu…

2. Phân loại Nông lâm kết hợp trên thế giới

Nông lâm kết hợp được coi là một trong những hệ thống sử dụng đất lâu đời nhất trên trái đất, nhưng những thông tin về hệ thống này thường bị hạn chế khi mô tả hoặc đánh giá hiệu quả. Để có thể xây dựng được một hệ thống phân loại có cơ sở chắc chắn được chấp nhận như là tài liệu ban đầu cho việc cải tiến và xây dựng các hệ thống Nông lâm kết hợp mới có hiệu quả hơn, tháng 9 năm 1982 chương trình “Điều tra thống kê các hệ thống Nông lâm kết hợp” được đưa vào hoạt động. Kết quả thu thập được của A.F.S.I đã cho phép ICRAF có đủ dữ kiện và thông tin trong việc xây dựng và trình bày hệ thống phân loại của các hệ thống sử dụng đất trên thế giới. Đây là những căn cứ để đánh giá các hệ thống và phát hiện những thiếu sót trong nghiên cứu. Những tiêu chuẩn phân loại phổ biến thường được áp dụng dựa vào các cơ sở:

Cấu trúc, chức năng, tương quan kinh tế – xã hội, trình độ quản lý và ảnh hưởng sinh thái học của hệ thống. Từ những cơ sở phân loại trên mà các nhà nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới đã chia ra thành một số kiểu hệ thống chính:

– Hệ thống nông – lâm: cây trồng gồm cả cây gỗ, cây bụi và các cây thân thảo (những cây nông nghiệp, công nghiệp và cây lâm nghiệp).

– Hệ thống lâm – súc: Cây gỗ, đồng cỏ và chăn thả gia súc dưới tán các cây gỗ.

– Hệ thống nông – lâm – súc: Gồm cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, kết hợp với đồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Các hệ thống Nông lâm kết hợp đặc biệt: Nuôi ong với cây rừng kết hợp với cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng ngập mặn…

Từ những kiểu hệ thống Nông lâm kết hợp chính này mà hình thành nên nhiều kiểu Nông lâm kết hợp khác nhau, mỗi hộ nông dân có sản xuất đa thành phần trong diện tích canh tác được
coi là mô hình Nông lâm kết hợp hộ gia đình [97], [119], [123].

3. Tình hình phát triển Nông lâm kết hợp trên thế giới hiện nay

Trên thế giới hiện nay Nông lâm kết hợp ngày càng phát triển và thực sự là phương thức canh tác mang lại hiệu quả nhiều mặt cho người dân vùng đồi núi. Các nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu hệ thống canh tác ở vùng đồi núi theo hướng đa dạng hoá cây trồng, bảo vệ đất, chống xói mòn, xây dựng hệ thống canh tác lâu bền trên đất dốc trong đó chủ yếu bằng các phương thức Nông lâm kết hợp. Hệ canh tác nương rẫy, vườn rừng Nông lâm kết hợp mà trong đó các thành phần gồm cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày được đưa vào kinh doanh trong các hộ gia đình góp phần tăng thu nhập và bảo vệ đất đai [119], [125].

Nông lâm kết hợp ở Ấn Độ:

Ấn độ nổi tiếng thế giới với cuộc “cách mạng xanh” về canh tác Nông lâm kết hợp trong đó hệ canh tác trong các vườn gia đình, vườn rừng được áp dụng phổ biến. Nhờ cuộc cách mạng này mà Ấn Độ từ một nước đông dân chẳng những không bị thiếu mà còn xuất khẩu lương thực. Trong các cây trồng của Ấn Độ, dừa là cây đáng chú ý, người ta gọi nó là cây của Chúa trời (Tree of heaven) hoặc cây bách dụng (Tree of hundred uses). Hồ tiêu, Cà phê, Ca cao, Cao su cũng là các loài cây được chú ý, nó được trồng kết hợp trong các hộ gia đình. Các mô hình thường gặp là:

– Dừa -Sắn – cà phê – Hồ tiêu – đai bảo vệ

– Dừa – Khoai sọ – đai bảo vệ

– Dừa – ca cao

– Dừa – chuối – đai bảo vệ [121].

Nông lâm kết hợp ở Indonesia

Từ 1972 hoạt động Nông lâm kết hợp ở nước này do các công ty lâm nghiệp, nông nghiệp tổ chức và quản lý. Việc chọn đất khai hoang để trồng cây lâm nghiệp, nông dân được các cán bộ kỹ thuật công ty hướng dẫn trồng cây lâm nghiệp kết hợp với cây nông nghiệp. Sau khi trồng cây nông nghiệp hai năm nông dân bàn giao lại rừng cho công ty, sản phẩm nông nghiệp do họ toàn quyền sử dụng. Với phương thức này tại khu rừng trồng ở Savadan trên diện tích 300ha người ta đã thu được 1426 tấn Lúa, 126 tấn Sắn, 73 tấn Ngô và 19,5 tấn Đậu đỗ. Tổng giá trị thành tiền là 155.000
USD, thực lãi 116.000 USD (bình quân 385 USD/ha/vụ) [dt Phạm Quang Vinh và Cs, 2005 [93]. Các mô hình trồng xen chủ yếu là:

– Sầu riêng – cây gỗ – Quế – Cà phê.

– Vườn cà phê – 2 hoặc 3 tầng cây gỗ hoặc xen cây ăn quả.

– Cây lấy gỗ – Nhục Đậu khấu – Quế.

– Cây ăn quả – cây gỗ – cây nông nghiệp.

Nông lâm kết hợp ở Philippin.

Philippin được nhiều người biết đến với các mô hình canh tác trên đất dốc (SALT). SALT là phương thức canh tác đồng thời các cây ngắn ngày với các cây lâu năm giữa các hàng Keo dậu, các hàng này được trồng rất dày tạo ra các băng xanh có tác dụng ngăn chặn dòng chảy, hạn chế xói mòn và cải tạo đất. Hiện nay SALT đã được phát triển theo nhiều mức độ và loại hình khác nhau như: SALT 1, SALT 2, SALT 3, SALT 4 [5], [93], [97].

Nông lâm kết hợp ở Brazil:

Ở Brazil Nông lâm kết hợp phổ biến là:

– Cây Doi (Syzygium romatium) kết hợp với Hồ tiêu đen (Pipper nirgrum), lúc đầu Doi được trồng dưới tán Hồ tiêu leo trên cột gỗ, sau 4 – 6 năm Hồ tiêu chết Doi bắt đầu cho sản phẩm.

– Ca cao thường được trồng xen với Doi và Quế trong các vườn gia đình.

– Ca cao kết hợp với cao su, ở Brazil có khoảng 200.000ha trồng kết hợp giữa Ca cao và Cao su.

Ngày nay Nông lâm kết hợp đang ngày một phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước nhiệt đới và các nước á nhiệt đới [87].

Như vậy Nông lâm kết hợp trên thế giới đã được hình thành và phát triển từ khá lâu và ngày càng được các nhà khoa học quan tâm, đi sâu nghiên cứu để tìm ra những giải pháp và hướng đi đúng đắn trong việc tái sử dụng nguồn tài nguyên đất dốc.

Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

3 thoughts on “Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới

  1. Pingback: Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Vai trò của thành phần cây trồng trong hệ thống nông lâm kết hợp đến việc bảo vệ đất dốc trên thế giới - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  3. Pingback: Các biện pháp bảo vệ đất đất dốc trong canh tác nông lâm kết hợp trên thế giới và ở Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?