Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu

Mục lục

Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

1. Lịch sử nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Người dân miền núi trước đây chủ yếu canh tác theo hình thức du canh, thông thường có hai hình thức du canh:

– Du canh không quay vòng: đó là kiểu canh tác liên tục trên các đám nương rẫy, cho đến khi năng suất cây trồng bị suy giảm đến mức thấp nhất, thậm chí không cho thu hoạch thì người dân phải đi tìm đất mới. Kiểu du canh này thường gắn với du cư phá hoại mạnh mẽ môi trường đất.

– Du canh quay vòng: đó là kiểu canh tác nương, rẫy sau 4-5 năm cho đất nghỉ, đến khi độ phì được phục hồi thì trở lại canh tác trên mảnh đất đó. Hiện nay do dân số tăng nhanh việc trở lại canh tác trên mảnh đất cũ ban đầu thì thời gian cho đất nghỉ thường 7-10 năm, nay chỉ còn 3-4 năm thậm chí chỉ 1- 2 năm. Do vậy mà độ phì được tái lập lại không đủ và xói mòn ngày càng mạnh. Do canh tác bất hợp lý ở đất nương rẫy như vậy mỗi năm bề mặt đất mất từ 1,5 – 4cm [97].

Tiềm lực và khả năng đất đai vùng đồi núi ở nước ta là rất lớn, nhưng sản xuất trên đất dốc có nhiều khó khăn hơn, sản xuất ở đồng bằng, cái hạn chế trước tiên phải kể đến đó là đất dốc dễ bị xói mòn do mưa, dễ bị khô hạn do thoát nước rất nhanh. Bên cạnh đó thì giao thông không thuận tiện, cơ sở hạ tầng thiếu, cộng với trình độ dân trí quá thấp với các kiểu canh tác Lạc hậu… tất cả những điều đó đã gây nên sự nghèo đói ở những vùng này. Đó là chưa kể đồng bào rẻo cao, có đến 86,4% dân số miền núi sống du canh, du cư phát nương làm rẫy một cách tự nhiên hết chỗ này đến chỗ khác, biện pháp canh tác thì giản đơn theo lối “chọc lỗ bỏ hạt”, năng suất cây trồng rất thấp, đất đai bị rửa trôi, xói mòn thoái hoá nghiêm trọng phải bỏ đi làm chỗ khác, cây rừng bị chặt phá liên tục. Đến nay nhiều nơi không còn rừng nữa chỉ còn lại đồi trọc đầy sim mua và cỏ dại xen núi đá [53]. Tuy nhiên cho đến nay việc canh tác nương rẫy của đồng bào vùng cao vẫn còn chưa chấm dứt hẳn vì
nó đã gắn với phương thức canh tác truyền thống của người dân địa phương [50].

Sau một thời gian dài canh tác theo kiểu du canh, du cư khi đất đai xói mòn rửa trôi, năng suất cây trồng, vật nuôi giảm mạnh thì Nông lâm kết hợp đã dần dần phát triển nhằm hạn chế những hậu quả này.

Nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở nước ta mới bắt đầu phát triển từ những năm 1960 trở lại đây. Theo Nguyễn Trọng Hà, 1966 [22] các công trình nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Quí Khải, Cao Văn Minh, Nguyễn Xuân Quát, Bùi Ngạnh 1964 đã xây dựng các thí nghiệm chống xói mòn ở Cầu Hai – Phú Thọ. Tôn Gia Huyên và Cs (1965) (dt Nguyễn Văn Tiễn, 1975) [83] đặt thí nghiệm và xây mô hình chống xói mòn tại đồi ấp Bắc nông trường Quốc doanh Sông Cầu – Bắc Thái đã cho những kết quả khả quan.

Năm 1983 – 1985, Nguyễn Văn Tiễn (1988) [82] thí nghiệm trồng xen Sắn với Lạc cùng với các băng Cốt khí và hàng rào xanh kết hợp bón phân khoáng hợp lý trên đất dốc nghèo dinh dưỡng. Kết quả cho thấy ngoài việc thu thêm sản phẩm Lạc từ 5,3 – 6,4 tạ/ha và đã làm năng suất Sắn đạt 12,1 – 16,6 tấn/ha, thì lượng đất xói mòn đã giảm từ 2,8 – 4,5 lần so với trồng Sắn thuần.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp trên thế giới[/message]

Thái Phiên và Cs (1986) [53] tổng kết kết quả nghiên cứu “Trong 5 năm của chương trình nhà nước giai đoạn 1980 – 1985” về “Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác khai hoang và chống xói mòn đất mới khai hoang” đã tập hợp các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất đỏ vàng, khai hoang, phục hoá trên địa bàn đất dốc toàn quốc. Nhiều mô hình bảo vệ đất chống xói mòn trên các loại đất với cơ cấu cây trồng chính được thực hiện và áp dụng trong sản xuất.

Hiện trạng môi trường và quản lý tài nguyên rừng Việt Nam đang nằm dưới những áp lực nặng nề. Các hệ sinh thái Việt Nam đang bị phá vỡ, tài nguyên đất rừng, đất và nước đang bị suy thoái trầm trọng, nguồn sống của đồng bào vùng cao chủ yếu vẫn là dựa vào rừng, đốt nương làm rẫy. Trong 9 triệu người dân tộc ít người thì có tới 2.879.685 người thuộc 482.612 hộ sống bằng phương thức canh tác nương rẫy. Trong đó người Tày có 7%, người Nùng 16%, người Thái 45%, trừ người Kinh ra còn lại tất cả các dân tộc ít người khác sống bằng canh tác nương rẫy (dt Lê Trọng Cúc và Cs, 2001) [10].

Ở nước ta đất dốc chiếm tỷ lớn (72% diện tích đất canh tác là đất có độ dốc, nên cần có phương thức sử dụng và bảo vệ đất dốc trên quan điểm bền vững. Nhiều tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này và đưa ra một số biện pháp kỹ thuật như sau:

– Ở độ dốc dưới 120 dùng các biện pháp nông nghiệp: trồng xen, trồng gối…

– Ở độ dốc từ 120 – 250 có thể dùng các biện pháp: Che phủ bằng thảm thực vật theo phương thức Nông lâm kết hợp; Che phủ bằng vật không sống như rơm rạ, các tấm nhựa, ni lon; Các biện pháp công trình làm thềm bậc thang, rãnh sườn dốc…

– Ở độ dốc trên 250 dùng các biện pháp lâm nghiệp [40], [44].

Tuy nhiên trong thực tế do sức ép về dân số của nước ta, tỷ lệ diện tích đất canh tác/đầu người thấp nên nhiều nơi nông dân đã trồng độc canh cây nông nghiệp ngay trên cả đất có độ dốc trên 250. Vì vậy việc canh tác Nông lâm kết hợp là giải pháp tốt nhất để canh tác đất dốc lâu bền trong giai đoạn hiện nay ở nước ta [90].

Các tác giả Trần Ngọc Ngoạn và Cs (1999) [49] cho rằng: Nông lâm kết hợp là thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống sử dụng đất, ở đó có các cây, con nông nghiệp (cây trồng, cây cỏ, vật nuôi…) được bố trí kết hợp với các cây lâm nghiệp theo không gian hoặc luân canh và có sự tương tác giữa cây, con nông nghiệp và lâm nghiệp về cả mặt sinh thái và kinh tế.

Theo Buch, M (1997) [105] và Chương trình hỗ trợ LNXH tại Việt Nam (2002) [5], hiện nay phương pháp khoa học nghiên cứu phát triển Nông lâm kết hợp ở nước ta được các nhà khoa học đưa ra theo 2 xu hướng:

Xu hướng 1: Gọi là cải tiến tiềm năng chi phí cao. Theo xu hướng này sẽ cải tiến tạo giống có tiềm năng sinh học cao, đầu tư các công trình và tăng đầu vào đáp ứng tiềm năng đề đạt được đầu ra cao. Xu hướng này có nhược điểm là kém bền vững về mặt ổn định của hệ thống, đầu tư cao không phù hợp với điều kiện nông dân vùng đồi núi có thu nhập thấp, mặc dù nó có ưu điểm là tạo đà cho kinh tế phát triển do hiệu quả thu nhập cao.

Xu hướng 2: Gọi là cải tiến tiềm năng chi phí thấp. Theo xu hướng này Nông lâm kết hợp sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương bằng các cách phối hợp khác nhau giữa hệ canh tác cây trồng, vật nuôi, đất, nước, khí hậu, con người, từ đó chúng sẽ bổ sung cho nhau tạo hiệu quả tổng hợp lớn nhất với mục tiêu là:

Bảo đảm tính bền vững; Tỷ lệ rủi ro thấp; Chi phí thấp; Dễ thích ứng; Dễ áp dụng; Ít gây trở ngại; Được chấp nhận cả về mặt tâm lý xã hội. Như vậy lịch sử phát triển Nông lâm kết hợp ở nước ta đã từng bước chuyển biến theo từng giai đoạn. Ngày nay nó được áp dụng rộng rãi ở mọi vùng miền để góp phần sử dụng đất bền vững và tăng lợi ích kinh tế cho người dân vùng đồi núi.

2. Phân loại Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Ở Việt Nam trên cơ sở kết quả hoạt động nghiên cứu Nông lâm kết hợp, một số tác giả như Hoàng Hoè, Nguyễn Đình Hưởng, Nguyễn Ngọc Bình đã phân hệ canh tác Nông lâm kết hợp ở nước ta thành 8 hệ thống chính gọi là “hệ canh tác” là đơn vị cao nhất, dưới hệ canh tác là các “phương thức” hay “kiểu” canh tác và cuối cùng là các “mô hình” Nông lâm kết hợp ở các nông hộ [87]. Theo nguyên tắc phân loại này hệ canh tác Nông lâm kết hợp ở Việt Nam được chia thành 8 hệ sau:

Hệ canh tác nông – lâm; Hệ canh tác lâm – súc; Hệ canh tác nông – lâm – súc; Hệ cây gỗ đa tác dụng; Hệ lâm – ngư; Hệ nông – lâm – ngư; Hệ ong – cây lấy gỗ; Hệ nông – lâm – ngư – súc [87], [93], [97]. Các hệ này được chia thành 27 kiểu canh tác/hệ thống khác nhau theo thành phần chính trong hệ thống ở từng vùng sinh thái, các hộ gia đình sản xuất Nông lâm kết hợp gọi là các mô hình Nông lâm kết hợp

Các tác giả trên đã tập hợp các mô hình Nông lâm kết hợp điển hình và phân chia các vùng sản xuất Nông lâm kết hợp chính, trên cơ sở phân vùng địa lý tự nhiên để xác định khả năng thực hiện ở mỗi vùng.

– Vùng Ven biển: với các loài cây ngập mặn, chịu phèn, chống cát di động.

– Vùng đồng bằng: các hệ thống như VAC (vườn – ao – chuồng), trồng cây phân tán, đai xanh phòng hộ.

– Vùng đồi núi và trung du: Các hệ thống VR (vườn – rừng), VAC (vườn – ao – chuồng), RVC (rừng – vườn – chuồng), trồng rừng kết hợp nuôi ong lấy mật (R- O), RVCRg (rừng – vườn – chuồng – ruộng), …

– Vùng đồi núi cao chăn thả dưới tán rừng, làm ruộng bậc thang với rừng phòng hộ đầu nguồn [87], [97].

Nhìn chung cách phân loại về hệ thống Nông lâm kết hợp ở nước ta và trên thế giới về bản chất cấu thành hệ thống là hoàn toàn giống nhau, cũng có thể trước khi phân loại Nông lâm kết hợp ở Việt Nam các nhà khoa học đã vận dụng phương pháp phân loại của thế giới nhưng rất cụ thể. Điều đó cho phép chúng ta vận dụng một cách linh hoạt hơn những kết quả nghiên cứu về các hệ thống Nông lâm kết hợp trên thế giới ứng dụng vào điều kiện từng vùng sinh thái ở Việt Nam.

3. Thực tế sản xuất Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng toàn quốc của Bộ NN&PTNT, 2005 thì tính đến ngày 31/12/2005 quỹ đất lâm nghiệp của cả nước là 19.028.690 ha chiếm khoảng hơn một nửa diện tích tự nhiên. Trong đó đất có rừng là 12.616.700, đạt độ che phủ toàn quốc 37%, đó là do kể từ năm 1999 đến nay chúng ta đã nỗ lực trồng rừng. Diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn nhiều 6.411.990 ha [4].

Đất nông nghiệp hơn 7,3 triệu ha, trong đó đất trồng cây hàng năm là 5,6 triệu ha, cây lâu năm là 1,4 triệu ha và đất có mặt nước dùng vào nông nghiệp là 0,273 triệu ha. Như vậy, tỷ lệ đất sử dụng còn thấp, đất nông nghiệp mới chỉ chiếm 21% trong tổng diện tích đất tự nhiên và điều đáng nói là nước ta đã có đến có khoảng hơn 10 triệu ha đất dốc bị thoái hoá nghiêm trọng. Thực trạng cho thấy quĩ đất đai của nước ta quá ít, và đất đã được sử dụng lại càng ít. Hơn nữa chúng ta có đến 75% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Bình quân đầu người về đất nông nghiệp là 0,108 ha/người (trong khi đó bình quân của thế giới là 1,2 ha/người) [90]. Hiện nay ở Việt Nam Nông lâm kết hợp đang ngày càng phát triển và nó thực sự mở ra hướng đi mới trong nền sản xuất nông – lâm nghiệp nước nhà. Các hệ thống NLKH đang tồn tại ở Việt Nam như: VAC (vườn – ao – chuồng), VR (vườn – rừng), RVCA (Rừng – vườn – ao – chuồng), RVCRg (Rừng – vườn – chuồng – ruộng), R- ong (rừng – ong)… đang ngày càng phát huy hiệu quả bảo vệ đất, nước, tăng năng suất cây trồng góp phần ổn định cuộc sống của người dân miền núi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên giàu có nhờ thực hiện Nông lâm kết hợp.

Trong sự phát triển cộng đồng do CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng với UBND huyện Lục Ngạn, ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Hà Bắc triển khai xây dựng một số mô hình canh tác trên đất dốc, nhằm khai thác sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên đất, đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp. Đã phổ cập hệ thống canh tác cho nông dân với mô hình Nông lâm kết hợp, có hàng rào xanh cho hiệu quả tốt nhất là:

Với độ dốc lớn hơn 200 khoảng cách hàng rào xanh tốt nhất là dưới 5m.

– Với độ dốc nhỏ hơn 200 thì khoảng cách tốt nhất là 5 – 7m.

– Với Cốt khí thì hàng rào kép có hiệu quả tốt nhất.

Mô hình đã chọn được tổng hợp cây trồng phù hợp nhất là:

– Vải thiều + Đậu, đỗ + băng Cốt khí.

– Ong + cây ăn quả + rừng tự nhiên.

Đây là những mô hình mang lại lợi ích kinh tế lớn, tăng thu nhập cho những hộ nghèo [78].

Trên cơ sở khảo sát và thử nghiệm một số mô hình Nông lâm kết hợp trên đất đồi núi tỉnh Lạng Sơn, Vũ Biệt Linh, 1995 đã đưa ra kết quả về một số mô hình phổ biến và đạt hiệu quả cao ở vùng này là: Hồi – Chè dưới tán rừng tự nhiên; Quýt – rừng tái sinh; Cà phê – Chè – Dứa – rừng trồng; Cà phê – Vải – Chè – rừng tái sinh tự nhiên; Mận – Hồng – rừng tái sinh tự nhiên; Cà phê – Chuối – rừng trồng [41].

Năm 1995 – 1996 tại huyện Na Rì – Bắc Kạn, Trường Đại học Nông Lâm chủ trì dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm góp phần ổn định phát triển nông thôn vùng cao”. Dự án đã thiết kế 26 mô hình SALT đưa các giống cây ăn quả và đặc sản có giá trị kinh tế cao như Vải, Nhãn, Hồng không hạt, Mận tam hoa, Cam, Quýt và cây Hồi trồng xen với các cây họ Đậu và cây lương thực. Kết quả cho thấy cây ăn quả Vải và Nhãn có tỷ lệ sống 55 %, các cây khác có tỷ lệ sống 80 – 83% và sinh trưởng phát triển tốt. Qua kết quả đánh giá sơ bộ các mô hình canh tác Nông lâm kết hợp là thành công, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng xây dựng mô hình trình diễn là hướng đi đúng cần được nhân rộng.

Ở Đoan Hùng – Phú Thọ các mô hình Nông lâm kết hợp được xây dựng là: Mỡ – SắnDiễn bao đồi; Mỡ – Thông- Sắn- Diễn bao đồi; Mỡ – Lạc; Bạch đàn trắng- Sắn – Cốt khí- Diễn bao đồi; Thông – Sắn; Thông – Mỡ – Lúa (Lạc ) – Chè – Trẩu – Cốt khí – Muồng lá nhọn. Các mô hình trên đã hạn chế xói mòn và cho hiệu quả khả quan về kinh tế [29].

Nguyễn Trần Trọng, 1996 [80] khi nghiên cứu về mô hình Nông lâm kết hợp đã đưa ra hệ thống trồng kết hợp trong hệ sinh thái vùng đồi núi như sau:

– Cây phòng hộ: Muồng đen, Keo dậu, Keo lá tràm, Phi lao, Trẩu, Mít.

– Cây công nghiệp dài ngày như Chè, Cà phê; cây công nghiệp ngắn ngày như: Lạc, Mía, Đậu tương; cây lương thực, thực phẩm như: Lúa nước, Lúa nương, Ngô, cây có củ, rau các loại. Các loại cây ngắn ngày thường trồng xen giữa hai hàng cây lâu năm chưa khép tán hoặc trồng thành băng ở chân đồi.

Từ năm 1990 chương trình chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên đất dốc SALT đã được triển khai tại Việt Nam, chương trình đã xây dựng được rất nhiều mô hình, được nông dân chấp nhận, thu nhập từ canh tác SALT cũng được nâng cao. Kết quả các thí nghiệm đã khẳng định, canh tác theo mô hình SALT giảm đáng kể lượng đất mặt bị xói mòn, ngay trong năm đầu đã hạn chế được từ 50 – 57% lượng đất bị xói mòn [24].

Trong phong trào phát triển kinh tế đồi rừng hiện nay, các địa phương đã có nhiều nỗ lực tìm ra các biện pháp canh tác thích hợp vừa tiến hành sản xuất vừa bảo vệ môi trường đất đai và môi trường sinh thái, nhiều mô hình canh tác tiến bộ đã được giới thiệu và áp dụng có kết quả tốt. Việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất dốc giữa kiến thức lâu đời của người dân địa phương với những kỹ thuật tiên tiến theo phương thức Nông lâm kết hợp là một phương thức canh tác chiến lược cần được phổ cập rộng rãi đối với vùng đồi núi [73], [89].

Đặng Văn Minh, (2005) [46] khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng tới chất lượng đất của mô hình sản xuất trang trại Nông lâm kết hợp tại trung tâm thực hành, thực nghiệm, Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên đã đưa ra kết luận: Canh tác trên đất dốc theo mô hình trang trại Nông lâm kết hợp đã có ảnh hưởng tích cực tới việc duy trì chất lượng đất.

Đặng Kim Vui và Cs, 2005 [96] khi nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật cải tiến một số mô hình Nông lâm kết hợp trên địa bàn huyện Võ Nhai – Thái Nguyên đã chỉ ra: để làm tăng năng suất cây trồng và đảm bảo canh tác lâu bền trên đất dốc ngoài việc lựa chọn hệ thống cây trồng phù hợp thì cần phải trồng xen các loài cây cải tạo đất như Cốt khí, Muồng đen, Keo dậu.

Như vậy Nông lâm kết hợp được tiến hành không chỉ nhằm nâng cao năng suất cho sản xuất nông – lâm nghiệp mà còn tạo ra môi trường ổn định sinh thái cho mỗi vùng.

4. Một số chính sách đổi mới của Nhà nước về phát triển Nông lâm nghiệp

Song song với những hướng đi mới trong việc quy hoạch sử dụng đất của nước ta trong thời kỳ mới thì các chính sách “đổi mới” của Đảng và nhà nước ta đã được ban hành, góp phần thể chế hoá đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới, xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Nghị định 02/CP ngày 15/1/1994 [75] của Chính phủ ban hành “Quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình Cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp”

Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 [76] quy định về việc giao khoán đất và sử dụng đất vào mục đích NLN trong các doanh nghiệp nhà nước

Nghị định 163/CP ngày 16/11/1999 [77] về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và Cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Nghị định 64/CP ra ngày 27/3/1993 [74] đó nói đến vai trò của cấp xã trong việc giao đất nông nghiệp trong điều 8, 12, 15 của quyết định về giao đất nông nghiệp .

Ngày 15/4/1991, Tổng cục Địa chính [88] đã ra thông tư số 106/QHKT hướng dẫn QHSD đất cấp xã. Thông tư này đề cập đến QHSD đất nông nghiệp.

Ngày 6/1/1991 Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra quyết định số 364/CT [6] về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.

Ngày 10 tháng 12 năm 2003, Chủ tịch nước ký lệnh số 23/2003/L/CTN công bố Luật đất đai [42]. Điều 13 của luật này đã phân loại đất đai theo 3 nhóm đó là: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Điều 50, 51 đã chỉ rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và hộ gia đình trong và ngoài nước.

Rõ ràng các chính sách trong quản lý sử dụng đất Nông – lâm nghiệp của Đảng ta đã và đang tạo cho người dân một cơ chế mở để có kế họach an tâm đầu tư vào phát triển sản xuất đặc biệt là xây dựng hệ thống Nông lâm kết hợp, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình và xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đồi núi.

Những nghiên cứu về Nông lâm kết hợp ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?