Mục lục
Nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp
Cơ cấu nguồn vốn cho biết tỷ lệ vốn chủ sở hữu và nợ phải trả của DN. Cơ cấu nguồn vốn là chỉ tiêu phản ánh rủi ro tài chính mà DN phải đối mặt, nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy việc xây dựng một cơ cấu nguồn vốn tối ưu luôn được doanh nghiệp quan tâm, muốn vậy doanh nghiệp cần phải xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn. Có thể khái quát và chia các nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn của DN thành 2 nhóm sau đây:
1. Nhân tố bên trong doanh nghiệp
Các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm: quy mô của doanh nghiệp, cơ cấu tài sản của DN, rủi ro kinh doanh, khả năng sinh lời, tốc độ tăng trưởng. Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm, cân nhắc tới các nhân tố này trong việc lựa chọn cơ cấu nguồn vốn.
- Quy mô của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có quy mô lớn thường có tiềm lực tài chính vững chắc, những doanh nghiệp này thường thực hiện đa dạng hoá đầu tư để phân tán rủi ro và tăng hiệu quả đầu tư. Doanh nghiệp quy mô lớn có uy tín cao, có giá trị thương hiệu lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường tín dụng, thuận lợi trong việc huy động nợ vay… nên những DN này có xu hướng sử dụng nhiều nợ vay hơn để có lợi nhiều hơn từ tấm chắn thuế. Do đó, về mặt lý thuyết thì doanh nghiệp có quy mô lớn có thể duy trì một hệ số nợ cao, cơ cấu nguồn vốn nghiêng về vốn vay. Như vậy, quy mô của DN ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nợ vay của DN, từ đó ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn của DN.
- Cơ cấu tài sản của doanh nghiệp
Cơ cấu tài sản thể hiện ở tỷ lệ đầu tư TSCĐ và TSLĐ so với tổng tài sản của DN. Tùy vào đặc điểm sản xuất kinh doanh mà cơ cấu TS của các DN sẽ khác nhau. Các DN sản xuất phải đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất lớn thì đòi hỏi TSCĐ lớn, còn các DN hoạt động thương mại, dịch vụ thì cơ cấu TSLĐ lớn. Cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn có mối quan hệ chặt chẽ đòi hỏi sự tương thích về mặt thời gian, tài sản cố định thường được tài trợ bởi nguồn vốn dài hạn, ổn định và chủ động, vì vậy cơ cấu tài sản cố định càng lớn hệ số vốn chủ sở hữu của DN càng cao, cơ cấu nguồn vốn của DN sẽ nghiêng về vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, cơ cấu tài sản còn phụ thuộc vào việc sản phẩm mang tính độc đáo và mới lạ… các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm độc đáo, có tính khác biệt cao, vì chưa nắm bắt được tâm lý và nhu cầu thị trường nên để đảm bảo an toàn DN thường sử dụng vốn chủ sở hữu, khi đó cơ cấu nguồn vốn nghiêng về vốn chủ.
- Rủi ro kinh doanh
Rủi ro kinh doanh là sự dao động hay không chắc chắn của lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT). Những doanh nghiệp có rủi ro kinh doanh cao phải đối mặt với mối lo về nguy cơ thua lỗ và phá sản cao. DN có rủi ro kinh doanh cao có xu hướng giảm nợ vay, nghĩa là giảm rủi ro tài chính để giảm rủi ro tổng thể của DN. Do đó, cơ cấu nguồn vốn của DN thiên về vốn chủ sở hữu.
- Khả năng thanh toán
Trong kinh doanh, một trong những vấn đề nhà quản trị lo ngại là các khoản nợ phải thanh toán, các khoản nợ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính, uy tín và kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo thanh toán các khoản nợ đến hạn thì doanh nghiệp phải duy trì một mức vốn hợp lý để đáp ứng kịp thời việc trả nợ. Số vốn đó thường là vốn chủ sở hữu, vì vậy doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao là những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn chủ sở hữu lớn.
- Khả năng sinh lời
Doanh nghiệp có mức sinh lời cao thích sử dụng nợ vay hơn vì các yếu tố khác không đổi sẽ tận dụng được tấm chắn thuế nhiều hơn. Nếu tỷ suất lợi nhuận trước lãi vay và thuế trên tổng tài sản (BEP) lớn hơn lãi suất huy động vốn thì đây sẽ là cơ hội cho DN gia tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE). Do đó, các DN có BEP cao thường thích sử dụng nợ vay hơn.
- Tốc độ tăng trưởng
Khi doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng cao, nhu cầu vốn lớn. Nguồn vốn nội bộ thường chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vốn, do đó phải sử dụng thêm nguồn vốn bên ngoài. Theo thuyết trật tự phân hạng khi đó doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nợ hơn vốn cổ phần.
Khi doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng thấp, doanh nghiệp sẽ dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh đòi hỏi phải vay nợ, vì khi đòn bẩy tài chính cao rủi ro có thể gặp phải sẽ lớn. Giai đoạn này doanh nghiệp cần sự an toàn nên doanh nghiệp ưu tiên sử dụng vốn cổ phần hơn nợ.
- Chu kỳ sống và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp
Trong quá trình phát triển của DN có các giai đoạn: ra đời, phát triển ổn định, hưng thịnh, suy thoái, thậm chí giải thể hay phá sản. Ở mỗi giai đoạn, DN có cơ hội tiếp cận và khả năng huy động các nguồn vốn khác nhau là khác nhau. Do đó, cơ cấu nguồn vốn cũng sẽ linh động thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Nếu DN đang hoạt động trong giai đoạn phát triển hưng thịnh thì CCNV thường thiên về VCSH. Ngược lại, nếu DN đang trong giai đoạn suy thoái thì hệ số nợ thường có xu hướng tăng.
- Độ dài chu kỳ sản xuất sản phẩm
Chu kỳ sản xuất sản phẩm phụ thuộc và đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành. Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai thác như hầm mỏ, khoáng sản, khoan dầu… hay những doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nặng như sản xuất tàu thủy, tàu hỏa, chế tạo máy bay… thì chu kỳ sản xuất dài, vòng quay của vốn chậm, khi đó CCNV sẽ nghiêng về VCSH. Còn DN hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng… chu kỳ sản xuất kinh doanh ngắn, vòng quay vốn nhanh, khi đó CCNV sẽ nghiêng về vốn vay.
Chu kỳ sản xuất sản phẩm cũng phụ thuộc rất lớn vào loại sản phẩm mà DN sản xuất, những loại sản phẩm có tính phức tạp về kỹ thuật, sản phẩm tinh xảo, hiện đại… thường có chu kỳ sản xuất dài, khi đó CCNV nghiêng về vốn chủ sở hữu và ngược lại.
- Quyền kiểm soát doanh nghiệp
Chủ sở hữu là người có quyền kiểm soát DN, chủ nợ thì không có quyền đó, các DN mới thành lập hoặc coi trọng quyền kiểm soát thay vì phát hành thêm cổ phiếu mới ra công chúng để huy động thêm vốn sẽ lựa chọn vốn vay để đảm bảo quyền kiểm soát DN, khi đó hệ số nợ của DN cao. Ngược lại, các DN đã hoạt động ổn định, không ngại chia sẻ quyền kiểm soát sẽ huy động vốn cổ phần mới trên thị trường, khi đó hệ số vốn chủ sở hữu cao.
- Mức độ chấp nhận rủi ro của người lãnh đạo doanh nghiệp
Người lãnh đạo sẽ quyết định cơ cấu nguồn vốn của DN. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh lợi nhuận luôn tồn tại song hành và tỷ lệ thuận với rủi ro , phương án kinh doanh hứa hẹn tỷ suất lợi nhuận cao cũng có nghĩa rủi ro cao, nếu nhà lãnh đạo mạo hiểm, mong bước phát triển đột phá thì họ dám đương đầu và chấp nhận rủi ro, khi đó họ vay nợ nhiều hơn, sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, cơ cấu nguồn vốn sẽ nghiêng về nợ vay và ngược lại.
- Chi phí phá sản
Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều nợ vay thì rủi ro càng lớn và nguy cơ phá sản càng lớn. Khi hệ số nợ cao mà DN lại muốn vay thêm nợ thì DN phải trả cho chủ nợ một mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro mà chủ nợ có thể phải gánh chịu. Nguy cơ phá sản cao làm chi phí vay vốn tăng, khi đó DN sẽ giảm vay nợ.
- Hệ số tín nhiệm
Trong nền kinh tế thị trường các quan hệ kinh tế phát triển đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Nếu DN có hệ số tín nhiệm cao thì sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các loại hình nguồn vốn lớn, DN có xu hướng vay nợ để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để đánh giá hệ số tín nhiệm của DN một cách chính xác Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo Chính phủ, dịch vụ này sẽ hỗ trợ các DN huy động vốn, khi đó cơ cấu nguồn vốn sẽ thay đổi theo hướng sử dụng nhiều nợ.
- Mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và chủ nợ
Trong thực tế, số nợ DN vay được phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa lãnh đạo DN và chủ nợ. Nếu mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở uy tín, lâu dài thì khả năng vay nợ của DN dễ dàng và DN có xu hướng tăng sử dụng nợ vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
- Mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người điều hành doanh nghiệp
Mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người điều hành DN nảy sinh khi các cổ đông luôn kỳ vọng tối đa hóa giá trị DN, vì vậy áp lực chủ sở hữu gây ra cho người điều hành DN rất lớn. Nếu mối quan hệ này hài hòa thì người điều hành sẽ tập trung phát triển DN, có thể huy động vốn để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động của DN, khi đó hệ số nợ tăng.
Nếu mối quan hệ này đơn thuần là mối quan hệ lợi ích đi làm thuê ăn lương thì người điều hành sẽ đưa ra cơ chế điều hành an toàn, tránh trách nhiệm… lúc đó nhà điều hành DN chỉ sử dụng vốn chủ để đảm bảo an toàn cho các quyết định của họ.
2. Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp
Doanh nghiệp hoạt động trong thời kỳ nào cũng chịu những ảnh hưởng nhất định của môi trường thời kỳ ấy. Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến mọi hoạt động của doanh nghiệp trong đó có cơ cấu nguồn vốn, việc nghiên cứu các nhân tố giúp doanh nghiệp xem xét tác động tích cực và tác động tiêu cực của chúng, từ đó có thêm căn cứ để xây dựng cơ cấu nguồn vốn tối ưu.
- Chính sách kinh tế của Nhà nước
Chính sách kinh tế của Nhà nước thể hiện các quan điểm phát triển nền kinh tế, hình thành môi trường kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước với vai trò quản lý vĩ mô nền kinh tế sẽ thông qua cơ chế chính sách để khuyến khích hay hạn chế hoạt động của DN. Các chính sách kinh tế quan trọng có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp cũng như cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm một số chính sách sau:
– Chính sách đầu tư: Thông qua các chính sách về đầu tư, Nhà nước sẽ định hướng DN đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề nhất định nhằm đạt các mục tiêu đã định của Nhà nước.
Nếu DN đang hoạt động trong lĩnh vực khuyến khích đầu tư, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho DN vay vốn để DN mở rộng đầu tư, cải tiến công nghệ, nhằm tăng cường sức cạnh tranh, như vậy trong thời điểm “phát triển nóng” đó, cơ cấu nguồn vốn sẽ nghiêng về vốn vay. Trường hợp ngược lại, nếu DN hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước hạn chế đầu tư, hoạt động của DN bị thu hẹp, DN trả các khoản vốn vay, cơ cấu nguồn vốn thay đổi theo hướng hệ số nợ giảm .
– Chính sách tiền tệ: Nếu chính sách tiền tệ của Nhà nước ổn định, lãi suất thấp, chi phí sử dụng vốn vay giảm… giúp doanh nghiệp đa dạng hoá kênh huy động vốn, điều kiện vay vốn dễ dàng và thuận lợi, khi đó cơ cấu nguồn vốn cảu doanh nghiệp sẽ nghiêng về sử dụng vốn vay. Ngược lại, nếu chính sách tiền tệ không ổn định, lãi suất cho vay tăng, DN sẽ giữ mức an toàn và chủ động tài chính bằng việc sử dụng vốn chủ sở hữu.
– Chính sách thuế: Thuế là một công cụ rất quan trọng của Nhà nước để điều tiết nền kinh tế. Nếu DN hiểu và biết cách vận dụng linh hoạt thì sẽ tận dụng được những tác động tích cực của thuế trong việc xây dựng cơ cấu nguồn vốn.
Thuế TNDN đem lại lợi ích rất lớn cho DN khi sử dụng nợ vay. Trong điều kiện những yếu tố khác không đổi, thuế suất thuế TNDN càng cao, thì khoản lợi từ tiền thuế càng lớn, DN nên vay nợ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu hơn là phát hành cổ phiếu vì chi phí trả lãi vay là chi phí trước thuế, DN có thể giảm được số tiền thuế TNDN phải nộp, vì vậy nếu thuế suất thuế TNDN cao thì DN sử dụng càng nhiều nợ vay, cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp thiên về nợ phải trả.
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân tác động đến quyết định phân phối lợi nhuận của DN. Nếu thuế suất thuế thu nhập cá nhân có xu hướng gia tăng sẽ khuyến khích một số DN giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, góp phần tăng vốn CSH, từ đó làm giảm hệ số nợ của DN. Vì vậy cân đối giữa vay nợ và sử dụng vốn cổ phần sẽ tùy thuộc một phần vào các mức thuế suất tương ứng của thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân.
- Giai đoạn phát triển của nền kinh tế
Trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, đạt được tỷ suất sinh lời cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng vay nợ nhiều hơn để tăng mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, từ đó gia tăng hơn nữa tỷ suất lợi nhuận vốn CSH.
Ngược lại, trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái, kinh doanh trở nên khó khăn hơn, lợi nhuận sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ giảm vay nợ để đảm bảo khả năng thanh toán và các nghĩa vụ tài chính khác. Như vậy, tuỳ từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế cơ cấu nguồn vốn của DN sẽ thay đổi tương ứng.
- Mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế
Mở cửa và hội nhập kinh tế toàn cầu là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia. Khi nền kinh tế hội nhập, DN sẽ phải cạnh tranh với tất cả các DN trên thế giới, muốn tồn tại và phát triển doanh nghiệp phải giành lợi thế cạnh tranh. Mức độ cạnh tranh tăng có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận, tăng nguy cơ phá sản nếu DN hoạt động không hiệu quả. Để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm nợ vay, cơ cấu nguồn sẽ được duy trì ở mức an toàn.
- Triển vọng phát triển của thị trường vốn
Thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển sẽ đa dạng kênh huy động vốn cho DN, DN có thể tìm được các nguồn tài trợ trung và dài hạn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu ngày càng được các doanh nghiệp ưa thích sử dụng bởi khả năng huy động vốn với khối lượng lớn. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, bởi các DN không phải đối mặt với gánh nặng trả nợ như khi phát hành trái phiếu hay đi vay.
Bên cạnh thị trường cổ phiếu thì thị trường trái phiếu cũng góp phần tăng vốn cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên do đặc điểm của trái phiếu là tính thanh khoản thấp, lãi suất không cao, không có quyền kiểm soát DN… nên trái phiếu không hấp dẫn được các nhà đầu tư, vì vậy các doanh nghiệp không kỳ vọng nhiều vào việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Trong trường hợp thị trường cổ phiếu trầm lắng và vốn vay ngân hàng đã được huy động ở mức cao thì DN sẽ thực hiện huy động vốn qua phát hành trái phiếu.
Thị trường cho vay là một kênh đáp ứng rất lớn nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Nếu thị trường cho vay diễn biến tích cực, các ngân hàng cạnh tranh lãi suất, giảm thiểu các điều kiện vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sử dụng nguồn vốn vay… thì các doanh nghiệp có xu hướng tăng vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, khi đó cơ cấu nguồn vốn có sự thay đổi đáng kể.
- Quan điểm của người cho vay
Thông thường người cho vay thích các DN có cơ cấu nguồn vốn nghiêng về vốn chủ sở hữu, bởi vì CCNV như vậy thì khá an toàn, đảm bảo khả năng thanh toán khi các khoản nợ đến hạn. Nếu DN có hệ số nợ ở mức tương đối cao thì lòng tin của người cho vay với DN sẽ giảm xuống, tác động ngược lại khiến DN khó vay thêm nợ hơn.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng căn cứ việc xếp hạng tín nhiệm các DN để xác định giới hạn và điều khoản cho vay. Các DN có hệ số nợ cao thường có mức tín nhiệm ở mức thấp. Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm có thể hạ mức tín nhiệm trái phiếu với các DN vay thêm nhiều nợ khiến các DN buộc phải tài trợ bằng vốn cổ phần khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh.
Nghiên cứu lý thuyết và kiểm định thực tiễn về cơ cấu nguồn vốn của DN cho thấy có rất nhiều nhân tố tác động với mức độ và chiều hướng ảnh hưởng khác nhau tới cơ cấu nguồn vốn, do đó xác định được cơ cấu nguồn vốn tối ưu là vấn đề hết sức khó khăn. Song, nhận thức chính xác các nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn sẽ giúp DN hướng tới gần tới cơ cấu nguồn vốn tối ưu hơn.
Nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Nguyên tắc hoạch định cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ