Nguồn vốn của doanh nghiệp

chi ngân sách nhà nước

Mục lục

Nguồn vốn của doanh nghiệp

1. Khái niệm nguồn vốn của doanh nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động SXKD và đầu tư, DN có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn vốn của doanh nghiệp phản ánh nguồn gốc, xuất xứ của vốn mà DN huy động sử dụng cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn vốn là nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp. Nguồn vốn tạo ra sự tăng thêm tổng tài sản cho doanh nghiệp.

2. Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp

Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, DN có nhiều sự lựa chọn trong việc huy động vốn, DN có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Để lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp và hiệu quả DN cần phân loại nguồn vốn. Nguồn vốn được phân loại theo các tiêu thức cơ bản sau đây:

* Căn cứ vào quan hệ sở hữu vốn

Theo tiêu thức này, vốn của DN được hình thành từ hai nguồn: Vốn CSH và Nợ phải trả. Ta có: Giá trị tổng tài sản = Vốn CSH + Nợ phải trả

– Vốn chủ sở hữu: là phần vốn thuộc quyền sở hữu của chủ DN. DN có đầy đủ cả 3 quyền đối với số vốn này, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Vốn chủ sở hữu bao gồm: phần vốn góp ban đầu của các chủ sở hữu để hình thành nên vốn điều lệ của DN và phần vốn được bổ sung trong quá trình hoạt động của DN như: vốn góp bổ sung của các chủ sở hữu, lợi nhuận để lại (quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, lợi nhuận chưa phân phối…)

– Nợ phải trả: Nợ phải trả là biểu hiện bằng tiền của những nghĩa vụ mà DN có trách nhiệm thanh toán cho các tác nhân kinh tế khác trong một khoảng thời gian nhất định.

Nợ phải trả bao gồm: Nợ chiếm dụng (các khoản phải trả nhà cung cấp, phải trả người lao động, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước…) và nợ vay (vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở các NHTM, vay các tổ chức tín dụng, vay thông qua phát hành trái phiếu DN…)

Khi sử dụng nguồn vốn này DN cần chấp hành đầy đủ quy định hiện hành về tín dụng, DN phải trả một số tiền nhất định cho việc sử dụng vốn vay gọi là chi phí sử dụng vốn vay. Chi phí sử dụng vốn vay làm tăng áp lực thanh toán cho DN, nhưng thông thường chi phí sử dụng vốn vay thấp hơn chi phí sử dụng vốn chủ, và khi sử dụng vốn vay DN có được lợi ích từ “lá chắn thuế”. Do đó, đây vẫn là nguồn vốn chủ yếu được các DN sử dụng để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động của DN.

Phân loại theo quan hệ sở hữu vốn là cách phân loại cơ bản và quan trọng giúp DN xác định được cơ cấu nguồn vốn tối ưu cho phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh và điều kiện cụ thể của DN, nhờ đó tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn, tối đa hoá khả năng sinh lời.

* Căn cứ vào phạm vi huy động vốn

Theo tiêu thức này nguồn vốn của DN được chia thành hai loại: nguồn vốn bên trong doanh nghiệp và nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp.

– Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp (nguồn vốn nội sinh): là số vốn DN tạo ra từ chính hoạt động của bản thân DN. Nó thể hiện khả năng tự tài trợ cho đầu tư và hoạt động SXKD của DN. Nguồn vốn bên trong của DN bao gồm: Lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và các quỹ trích lập từ lợi nhuận.

– Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp (nguồn vốn ngoại sinh): là số vốn DN có thể huy động được từ bên ngoài DN, phục vụ cho đầu tư và hoạt động SXKD. DN có thể huy động từ các nguồn như: Vay cá nhân, NHTM, tổ chức tín dụng; phát hành cổ phiểu, trái phiếu; thuê tài sản; tín dụng thương mại; gọi vốn góp liên doanh, liên kết…

Phân loại theo phạm vi huy động vốn là cách cách phân loại giúp DN thấy rõ khả năng tự tài trợ cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Từ đó, nhà quản lý chủ động trong việc lựa chọn nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của DN.

Xem thêm: Khái niệm vốn của doanh nghiệp

* Căn cứ vào thời gian huy động vốn

Theo tiêu thức này nguồn vốn của DN được chia thành 2 loại: nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn tạm thời.

– Nguồn vốn tạm thời (nguồn vốn ngắn hạn): là các nguồn vốn có tính chất ngắn hạn (dưới 1 năm) mà DN được sử dụng để đáp ứng nhu cầu phát sinh tạm thời như: thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, trả lương cho người lao động, nộp thuế cho Nhà nước… Nguồn vốn này thường bao gồm các khoản vay ngắn hạn,
các khoản vốn chiếm dụng của người lao động và của nhà cung cấp.

– Nguồn vốn thường xuyên (nguồn vốn dài hạn): là tổng thể các nguồn vốn có tính chất ổn định lâu dài mà DN có thể sử dụng vào hoạt động kinh doanh như mua sắm, hình thành TSCĐ, đầu tư vào một bộ phận TSLĐ thường xuyên và các TSDH khác.

Tại một thời điểm, nguồn vốn thường xuyên được xác định theo một trong các công thức sau đây:

Nguồn vốn thường xuyên = Vốn chủ sở hữu + Nợ dài hạn

Nguồn vốn thường xuyên = Giá trị tổng tài sản – Nợ ngắn hạn

Nguồn vốn thường xuyên = Nguồn VLĐ tx + Giá trị còn lại của TSDH

Để hiểu rõ về nguồn vốn thường xuyên, ta làm rõ nguồn vốn lưu động thường xuyên của DN (NWC)

Nguồn VLĐ thường xuyên của DN là nguồn có tính chất dài hạn, tài trợ cho tài sản lưu động thường xuyên cần thiết trong hoạt động kinh doanh của DN (có thể tài trợ 1 phần hoặc toàn bộ).

Tại một thời điểm, nguồn vốn lưu động thường xuyên của DN được xác định theo công thức:

NWC = Tài sản lưu động – Nợ ngắn hạn

Nguồn vốn lưu động thường xuyên làm cho tình trạng tài chính của DN được vững chắc và an toàn hơn, vì DN dùng nguồn dài hạn để tài trợ cho vốn lưu động, nhưng khi DN sử dụng nguồn vốn thường xuyên để tài trợ cho TSLĐ thì DN phải trả chi phí cao hơn

Phân loại theo thời gian huy động vốn giúp DN huy động những nguồn vốn có thời gian phù hợp với thời gian sử dụng các yếu tố cần thiết cho quá trình kinh doanh, tổ chức nguồn vốn đảm bảo sự phù hợp với cơ cấu tài sản, từ đó lựa chọn mô hình nguồn tài trợ phù hợp cho DN.

3. Mô hình tổ chức nguồn vốn của doanh nghiệp

* Mô hình thứ nhất: Toàn bộ TSCĐ và TSLĐ thường xuyên được đảm bảo bằng nguồn vốn thường xuyên, toàn bộ TSLĐ tạm thời được đảm bảo bằng nguồn vốn tạm thời.

Mô hình này giúp DN hạn chế được rủi ro trong thanh toán, giảm chi phí sử dụng vốn. Tuy nhiên, khó đảm bảo duy trì ổn định trong dài hạn và thiếu sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn.

* Mô hình thứ hai: Toàn bộ TSCĐ, TSLĐ thường xuyên và một phần TSLĐ tạm thời được đảm bảo bằng nguồn vốn thường xuyên, phần TSLĐ tạm thời còn lại được đảm bảo bằng nguồn vốn tạm thời.

Mô hình này giúp doanh nghiệp có khả năng thanh toán và mức độ an toàn tài chính cao. Nhưng do doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn dài hạn đầu tư cho một phần TSLĐ tạm thời nên chi phí sử dụng vốn cao.

* Mô hình thứ ba: Toàn bộ TSCĐ và một phần TSLĐ thường xuyên được đảm bảo bằng nguồn vốn thường xuyên, còn một phần TSLĐ thường xuyên và toàn bộ TSLĐ tạm thời được đảm bảo bằng nguồn vốn tạm thời.

Mô hình này giúp doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng vốn ít hơn do DN sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư một phần TSLĐ thường xuyên, nhưng mức độ an toàn tài chính của DN sẽ thấp hơn, khả năng gặp rủi ro cao hơn so với mô hình thứ nhất và thứ hai.

Nguồn vốn của doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?