Nghiên cứu về lựa chọn chế độ tỷ giá

tăng trưởng kinh tế

Mục lục

Nghiên cứu về lựa chọn chế độ tỷ giá

1. Nghiên cứu trên thế giới về lựa chọn chế độ tỷ giá

Trong nghiên cứu của Jeffrey A. Frankel, (1999), “No single currency regime is right for all countries or at all times” [51], tác giả đã khẳng định không thể tồn tại một chế độ tỷ giá phù hợp với mọi quốc gia, và không có một chế độ tỷ giá nào phù hợp với một quốc gia mãi mãi. Điều quan trọng nhất để trả lời câu hỏi một quốc gia nên áp dụng chế độ tỷ giá cố định hay thả nổi là phải xem xét quy mô và mức độ mở cửa của quốc gia đó.

Cũng trong một nghiên cứu năm 2003 của mình, “A proposed monetary regime for small commodity exporters: Peg to the Export Price (PEP)” (Đề xuất chế độ tỷ giá đối với các nước xuất khẩu nhỏ: Neo với giá của hàng xuất khẩu), Jeffrey A. Frankel [52] đã nêu lên một ý tưởng, một quan điểm mới. Ông đã liệt kê những sự lựa chọn của một quốc gia nhỏ với nền kinh tế mở và đồng thời nêu rõ những bất cập của từng sự lựa chọn. Chẳng hạn, nếu thả nổi tỷ giá và NHTW thực thi chính sách tiền tệ độc lập, nền kinh tế nhỏ không có khả năng chống đỡ được những cú sốc về thương mại; nếu neo với USD, sẽ nguy hiểm khi USD tăng giá; nếu nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, sẽ không khả thi nếu gặp cú sốc về giá hàng hóa nhập khẩu; nếu quay trở lại chế độ bản vị vàng, sẽ thất bại nếu giá vàng thế giới biến động mạnh. Từ đó, Frankel đã đưa ra đề xuất rất mới: chế độ tỷ giá neo với giá của mặt hàng xuất khẩu chủ lực (PEP) sẽ phù hợp với những nước chuyên môn hóa sản xuất một mặt hàng nông sản hoặc khoáng sản đặc thù, tất nhiên với điều kiện giá của mặt hàng đó tính bằng nội tệ là cố định. Tác giả đã quan sát và đưa vào phân tích của mình một số quốc gia, để từ đó kết luận rằng Achentina nên neo tỷ giá với giá lúa mì; Indonexia, Ecuado, Mehico, Venezuela: giá dầu mỏ; Chile: kim loại đồng; Ghana: giá vàng….Có thể nói đây là một ý tưởng rất mới, rất riêng, đáng để suy nghĩ. Tuy nhiên, với trường hợp của Việt Nam, điều này sẽ khó thực hiện, dù chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng nhưng chưa có mặt hàng xuất khẩu chủ lực nào đủ sức mạnh để trở thành cái neo ổn định cho tỷ giá, kể cả dầu thô.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Vai trò của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế[/message]

Bài nghiên cứu của Nguyen Tran Phuc and Nguyen Duc Tho, (2009), “Exchange Rate Policy in Vietnam, 1985-2008”, ASEAN Economic Bulletin, Vol.26, No. 2, August 2009 [75] đã có những lập luận khá thú vị khi cho rằng chế độ tỷ giá tại Việt Nam hiện không phải là “thả nổi có quản lý” (managed float) như NHNN Việt Nam và người dân vẫn thường nói. Theo nghiên cứu của hai tác giả, Chính phủ và NHNN Việt Nam hiện đang duy trì việc “quản lý” nhiều hơn là “thả nổi” đối với tỷ giá. Hơn nữa, Chính phủ chưa xác định rõ mục tiêu nào là quan trọng nhất cho từng thời kỳ: Tỷ giá ổn định? Lạm phát trong tầm kiểm soát? Hay giảm thâm hụt cán cân thanh toán? Điều đó đã dẫn tới sự lúng túng, bị động khi nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều xáo trộn. Bài nghiên cứu đã rất quan tâm tới tỷ giá thực đa phương (REER) và cho rằng sự thay đổi của chỉ số này cần phải được theo dõi sát sao.

2. Nghiên cứu tại Việt Nam về lựa chọn chế độ tỷ giá

Trong luận án của mình “Đổi mới và hoàn thiện chính sách quản lý ngoại hối ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (1995), tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo [18] đã đề cập tới tỷ giá và chế độ tỷ giá. Trong đó, tác giả đã phân tích lợi thế cũng như hạn chế của chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods và chế độ tỷ giá linh hoạt, từ đó khẳng định “chế độ tỷ giá hỗn hợp phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu hơn cả”. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là 3 quốc gia Châu Á được viện dẫn trong luận án nhằm khẳng định việc áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý của Nhà nước một cách mềm dẻo, linh hoạt, khi thắt chặt, lúc nới lỏng phù hợp với từng giai đoạn đã tạo điều kiện cho nền kinh tế các nước này phát triển không ngừng. Ở Việt Nam, tại thời điểm 1995, cơ chế 2 tỷ giá cố định, cứng nhắc đã được thay thế bằng việc Ngân hàng Nhà nước công bố 1 tỷ giá chính thức và biên độ dao động so với tỷ giá chính thức. Dù luận án đã được thực hiện cách đây 16 năm, một khoảng thời gian đủ dài để mang tới nhiều thay đổi cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam, điều chúng ta không thể phủ nhận là những lập luận của tác giả sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu tiếp theo về tỷ giá.

Trong luận án “Hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá nhằm nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ ở Việt Nam”(2004), tác giả Lê Thị Tuấn Nghĩa [14] đã kết hợp nghiên cứu hai nội dung quan trọng là cơ chế điều hành tỷ giá và hiệu quả của CSTT, đồng thời dành một thời lượng khá lớn để phân tích các công cụ của CSTT như nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất, hạn mức tín dụng, tỷ giá…. Kinh nghiệm từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, và Trung Quốc đã được giới thiệu với trọng tâm là ba (03) công cụ: nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu, và dự trữ bắt buộc. Tác giả đã đề cập tới điều kiện Marshall-Lerner và mô hình của Mundell-Flemming trong phần cơ sở lý luận, tuy nhiên chưa tiến hành kiểm định với thực tế Việt Nam. Như đã trình bày trong Lời mở đầu, phạm vi nghiên cứu được nghiên cứu sinh xác định rõ là chính sách tỷ giá (không phải là chính sách tiền tệ, mặc dù chính sách tỷ giá là một bộ phận của chính sách tiền tệ), bao gồm việc lựa chọn chế độ tỷ giá và điều tiết tỷ giá thông qua công cụ phá giá tiền tệ, biên độ dao động và dự trữ ngoại hối. Đồng thời, nghiên cứu sinh đã tiến hành thu thập số liệu để kiểm định điều kiện Marshall-Lerner ở Việt Nam. Như vậy, công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh không có sự trùng lắp với đề tài luận án của tác giả Lê Thị Tuấn Nghĩa.

Tác giả Dương Thị Thanh Mai [12], trong luận án “Vận dụng mô hình phân tích chính sách tỷ giá ở Việt Nam”(2002) đã thu thập kinh nghiệm về điều hành tỷ giá tại ba quốc gia Venuezuela, Thái Lan và Trung Quốc (không phân chia thành các giai đoạn của các chế độ tỷ giá), đồng thời tiến hành kiểm định điều kiện Marshall – Lerner với trường hợp Việt Nam với năm gốc 1992 (kết quả kiểm định cho thấy tổng hệ số co giãn của cầu xuất nhập khẩu đối với tỷ giá danh nghĩa là 0,581, không thỏa mãn điều kiện Marshall – Lerner). Trong luận án của mình, nghiên cứu sinh tiến hành phân tích các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng theo từng giai đoạn của chế độ tỷ giá, đồng thời không chỉ so sánh Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc mà còn với ba quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nghiên cứu lại nằm ở hệ số co giãn cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với tỷ giá (kết quả kiểm định của nghiên cứu sinh thỏa mãn điều kiện Marshall – Lerner). Phải chăng sự khác biệt này là do hai nghiên cứu được tiến hành trong hai thời kỳ khác nhau (1989-2000 và 2000-2011)? Để có thể lý giải được câu hỏi quan trọng này đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu sâu sắc hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vụ Quản lý Ngoại hối, đã thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, “Cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp
trong điều kiện hiện nay” (2009), với sự tham gia của Thạc sỹ Nguyễn Quang Huy (Chủ nhiệm đề tài) và các thành viên Ths. Đào Xuân Tuấn, Phí Đăng Minh, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Nhung, Ngô Thị Thu Trà, Hoàng Hải Lê, và Lê Thị Thanh Thủy [7]. Đề tài đã khẳng định cơ chế tỷ giá hiện nay của Việt Nam là cơ chế linh hoạt có quản lý, việc sử dụng công cụ tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ tỷ giá đã góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ và tác động của biến động tỷ giá trên thị trường nước ngoài, hạn chế tình trạng nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra trong năm 2010-2011, có thể thấy chính sách tỷ giá của Việt Nam lại trở nên bị động và không phát huy được hiệu quả như vài năm trước đó. Điều đó chứng tỏ một mô hình phù hợp cho chính sách tỷ giá vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.

Các tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Đinh Tuấn Minh, Tô Trung Thành, Lê Hồng Giang, Phạm Văn Hà [6] thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà nội đã có bài nghiên cứu “Lựa chọn chính sách tỷ giá trong bối cảnh phục hồi kinh tế” (2010). Theo nhóm tác giả, Việt Nam đang theo đuổi cơ chế neo tỷ giá có điều chỉnh, và hiện nay cơ chế này hoạt động không hiệu quả. Cùng với việc so sánh tỷ giá chính thức và tỷ giá trị trường tự do trong năm 2009, tỷ giá thực tế và tỷ giá danh nghĩa giai đoạn 2000-2009, các tác giả cũng đã tính toán tỷ giá thực đa phương ở Việt Nam để đi đến kết luận: VND lên giá nhiều so với các đồng tiền của các nước đối tác. Đây là nguyên nhân của sự sụt giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và sự gia tăng nhập siêu của nền kinh tế nội địa. Bài nghiên cứu đã có 3 đề xuất quan trọng, đó là i, Việt Nam chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý; ii, khi từ bỏ cơ chế neo tỷ giá, NHNN Việt Nam phải trở nên độc lập và iii, hiện đại hóa thị trường ngoại hối.

Nghiên cứu về lựa chọn chế độ tỷ giá

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?