Mô hình Harrod – Domar
Dựa vào tư tưởng của Keynes, vào những năm 40 của thế kỷ XX, hai nhà kinh tế học của học viện MIT (Hoa Kỳ) là Roy Harrod ở Anh và Evsay Domar ở Mỹ đã cùng đưa ra mô hình giải thích mối quan hệ giữa sự tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp ở các nước phát triển. Mô hình này cũng đề xuất những quan điểm về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các nhu cầu về vốn tư bản, đặc biệt là vai trò của vốn đầu tư đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Mô hình Harrod- Domar được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển nhằm xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các nhu cầu về vốn.
Những mô hình này tập trung vào mức đầu tư, lao động, năng suất, và sản lượng, với mục tiêu là muốn đưa ra dạng hàm sản xuất phù hợp cho nền kinh tế. Ở cấp độ kinh tế vi mô hay từng doanh nghiệp riêng lẻ, các hàm sản xuất này cho biết mối quan hệ giữa số người lao động và máy móc với qui mô sản lượng của doanh nghiệp. Ở cấp độ quốc gia hay toàn bộ nền kinh tế, hàm sản xuất mô tả mối quan hệ giữa qui mô lực lượng lao động của một quốc gia và giá trị trữ lượng vốn với mức tổng sản lượng nội địa của đất nước đó (tổng sản lượng). Mối quan hệ trong toàn nền kinh tế này được gọi là hàm tổng sản luợng.
Ký hiệu Y là tổng sản lượng (tổng thu nhập), K là trữ lượng vốn (tư bản), và L là cung lao động; hàm tổng sản lượng có thể được biểu thị một cách tổng quát nhất như sau:
Y = F(K, L) (1.1)
Trong các nghiên cứu và lý thuyết của mình, Harrod và Domar đã miêu tả hàm sản xuất có dạng như phương trình (1.1) nêu trên một cách cụ thể hơn, đó là sản lượng được giả định là một hàm tuyến tính chỉ theo vốn. Hàm sản xuất theo Harrod và Domar được biểu thị như sau:
Y = 1/v x K hay Y = K/v (1.2)
Trong đó v là hằng số và tổng sản lượng Y được tính bằng tích giữa trữ lượng vốn (K) và hệ số 1/v. Khi sắp xếp lại phương trình (1.2), ta sẽ có được hằng số v chính tỷ số Vốn – Sản lượng:
v = K/Y
Tỷ số vốn trên sản lượng (v) là một thông số rất quan trọng trong mô hình Harrod –Domar. Tỷ số này cung cấp một chỉ báo về mức độ thâm dụng vốn của quá trình sản xuất. Tỷ số này khác nhau giữa các quốc gia biểu thị sự khác biệt về công nghệ mà các quốc gia này sử dụng để sản xuất cùng loại hàng hóa. Ở các quốc gia sản xuất một tỷ trọng lớn các sản phẩm thâm dụng vốn (nghĩa là sản phẩm sản xuất ra đòi hỏi một lượng tương đối các máy móc sản xuất), tỷ số vốn trên sản lượng (v) sẽ cao hơn ở các quốc gia sản xuất nhiều sản phẩm thâm dụng lao động (hàng thủ công, nông sản cơ bản…). Ngoài ra, sự khác nhau về tỷ số vốn trên sản lượng giữa các quốc gia còn có thể giải thích từ sự khác biệt trong hiệu quả sử dụng vốn. Một số đo v lớn có thể có nguyên nhân từ việc sản xuất kém hiệu quả và lượng vốn sản xuất không được tận dụng một cách hữu hiệu.
Các nhà kinh tế học thường tính tỷ số vốn tăng thêm trên sản lượng (ICOR) để xác định tác động đối với sản lượng của lượng vốn tăng thêm. Tỷ số vốn tăng thêm trên sản lượng giúp ta đo lường năng suất của mỗi lượng vốn được tăng thêm, trong khi tỷ số vốn bình quân trên sản lượng thể hiện mối quan hệ trung bình giữa tổng trữ lượng vốn và tổng sản lượng của một quốc gia. Trong mô hình Harrod Domar, vì tỷ số vốn trên sản lượng được giả định là không đổi, nên tỷ số vốn bình quân trên sản lượng bằng tỷ số vốn tăng thêm trên sản lượng, vì thế ICOR = v.
Lượng vốn cần thiết cho tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng kinh tế được hình thành từ những nguồn nhất định, mà cụ thể nhất trong lý thuyết của Harrod – Domar chính là tiết kiệm. Hai tác giả đã đưa ra phương trình biểu thị mối liên kết giữa tăng trưởng, tiết kiệm và năng suất vốn như sau:
g = (s/v) – d (1.3)
Trong đó: s là tiết kiệm, v là năng suất vốn, d là tỷ lệ khấu hao
Quan điểm của hai tác giả qua phương trình (3) trên là: vốn đầu tư là yếu tố cơ bản tạo ra tăng trưởng kinh tế, và tiết kiệm giúp hình thành nguồn vốn để thực hiện đầu tư. Hai yếu tố then chốt cho quá trình tăng trưởng đó là tiết kiệm (s) và năng suất vốn (v). Tiết kiệm nhiều hơn và thực hiện đầu tư một cách có hiệu quả hơn, thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng.
Một trong những ưu điểm của mô hình Harrod – Domar đó là tập trung cốt lõi vào tiết kiệm. Tiết kiệm giúp hình thành nguồn vốn cơ bản cần thiết cho các hoạt động đầu tư, từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc hai tác giả quá chú trọng vào vai trò của tiết kiệm cũng tạo ra một vài nhược điểm cho mô hình này. Mặc dù tiết kiệm là điều kiện cần để một quốc gia tăng trưởng, nó không nhất thiết phải là điều kiện đủ để quốc gia này tăng trưởng trong dài hạn. Đầu tư được tài trợ bằng tiết kiệm phải thật sự được bù đắp bằng thu nhập cao hơn trong tương lai, và không phải nền kinh tế nào cũng đạt được kết quả đó. Những quyết định đầu tư không hiệu quả, sự lạc hậu của chính sách hay những biến động không lường trước được của giá cả các nhân tố sản xuất cũng có thể thay đổi tác động của đầu tư đối với tăng trưởng. Chính vì vậy, tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào đầu tư mới cũng như tính hiệu quả của việc đầu tư. Đầu tư mới này có thể đến từ các nguồn bên ngoài quốc gia, hay còn gọi là Đầu tư nước ngoài, có thể dưới dạng trực tiếp (Foreign Direct Investment – FDI) hay gián tiếp (Foreign Indirect Investment – FII).
Vì vậy, để một quốc gia đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, nguồn vốn đầu tư cần thiết cho nền kinh tế không những phụ thuộc vào tiết kiệm, mà còn từ đầu tư mới. Đầu tư mới này có thể đến từ hai nguồn: Đầu tư trong nước và Đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, dòng vốn vốn FDI ngày càng trở nên là một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Thông qua FDI, không những nhiều hàng hoá thâm dụng vốn mới được tạo ra làm tăng tài sản vốn vật chất của nền kinh tế mà chi phí để sản xuất ra chúng còn giảm đi do sự cải thiện trong năng suất nhờ công nghệ mới, qua đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
Mô hình Harrod – Domar
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT