Khái niệm tăng trưởng kinh tế: Gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ
2.2 Lý thuyết chung về tăng trưởng kinh tế
2.2.1 Khái niệm tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế (TTKT) không phải là một khái niệm xa lạ trong các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Đó là một quá trình dịch chuyển cơ cấu làm thay đổi tất cả các khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, thu nhập tăng làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo áp lực thay đổi sản xuất, công nghệ cho phù hợp. Các nhà kinh tế học đều thừa nhận rằng TTKT phụ thuộc vào các nhân tố chính là lao động, vốn, tài nguyên (đất đai), tri thức, công nghệ và kỹ năng của người lao động. Đây là sự tăng trưởng về số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trên mỗi đầu người trong một khoảng thời gian cụ thể. Khái niệm “sản lượng” bao gồm toàn bộ các loại hàng hóa và dịch vụ mà mọi người trong xã hội đều có thể thụ hưởng (Nguyễn Trọng Hoài, 2007).
Theo Mankiw (2016), TTKT là sự gia tăng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, thường được đo bằng GDP. Barro và Martin (2004) định nghĩa TTKT là sự tăng trưởng bền vững của sản lượng quốc gia theo thời gian, thể hiện qua sự tăng trưởng GDP thực.
Như vậy, TTKT để chỉ sự gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế theo thời gian. Nó thường được đo lường bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, thể hiện khả năng sản xuất và tiêu thụ của nền kinh tế. TTKT có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự gia tăng đầu tư, cải tiến công nghệ, và mở rộng lực lượng lao động. TTKT là một chỉ số quan trọng phản ánh sự phát triển của một quốc gia, ảnh hưởng đến mức sống của người dân và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các yếu tố như vốn, đầu tư, công nghệ, dân số…đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
2.2.2 Đo lường tăng trưởng kinh tế
TTKT có thể được đo lường qua nhiều chỉ số khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp và chỉ số quan trọng thường được sử dụng:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP):
- GDP danh nghĩa: Là tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, không điều chỉnh theo lạm phát.
- GDP thực tế: Là GDP đã được điều chỉnh để loại bỏ tác động của lạm phát, cho phép so sánh giữa các thời kỳ khác nhau mà không bị sai lệch bởi sự biến động giá cả.
- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): GNP đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ do công dân một quốc gia sản xuất, bao gồm cả thu nhập từ nước ngoài và loại trừ thu nhập của người nước ngoài trong nước. GNP phản ánh mức độ phát triển kinh tế của công dân hơn là toàn bộ nền kinh tế.
- GDP thực tế bình quân đầu người: Chỉ số này tính toán GDP thực tế của một quốc gia chia cho số dân, từ đó cho thấy lượng của cải sản xuất ra trên mỗi người dân trong nền kinh tế. Điều này giúp đánh giá mức sống và mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia.
Trong nghiên cứu này, sử dụng chỉ số GDP thực tế bình quân đầu người, Chỉ số này cho phép so sánh giữa các quốc gia có quy mô khác nhau, phản ánh xu hướng phát triển kinh tế của một quốc gia từ đó cung cấp cái nhìn rõ ràng về vị thế kinh tế của từng quốc gia trong bối cảnh toàn cầu.
2.2.3 Các học thuyết tăng trưởng kinh tế
TTKT là một phạm trù đã được các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu khá nhiều từ rất lâu và phát triển thành các học thuyết. Nghiên cứu tổng hợp các lý thuyết TTKT theo nhiều trường phái khác nhau nhằm hệ thống hóa các cơ sở lý luận những nhân tố tác động đến TTKT, làm nền tảng để lý giải cho quá trình xây dựng mô hình, giả thuyết nghiên cứu cũng như kết quả nghiên cứu của luận án. Nội dung các học thuyết kinh tế được tóm tắt lại trong Bảng 2.1 bên dưới:
Bảng 2.1. Tóm lược các lý thuyết TTKT
Học thuyết | Nội dung đặc trưng |
---|---|
Mô hình tăng trưởng cổ điển (Smith, 1776), (Ricardo, 1817) | – Nguồn lực cơ bản góp phần TTKT là đất đai, lao động và vốn; – Nền kinh tế dưới sự dẫn dắt của “bàn tay vô hình”; Chính phủ không cần can thiệp vào nền kinh tế; – Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất. |
MH tăng trưởng theo quan điểm của C.Mác | – Bốn nguồn lực cơ bản để TTKT là: vốn, lao động, tài nguyên, khoa học-công nghệ; – Khẳng định khoa học công nghệ góp phần vào TTKT; – Vai trò của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều chỉnh phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. |
Trường phái “Tân cổ điển” | – Vai trò của Chính phủ trong sự phát triển kinh tế rất mờ nhạt; – Chú trọng vai trò của các yếu tố khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong việc góp phần thúc đẩy TTKT. |
Thuyết TTKT của Keynes | – Sản lượng thực tế đạt ở mức cân bằng nhỏ hơn mức sản lượng tiềm năng; – Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ đối với TTKT. |
MH Harrod-Domar | – Mỗi nền kinh tế đều cần phân bổ một phần thu nhập để bù đắp sự hao mòn của trữ lượng vốn đã đầu tư; – Vai trò của tiết kiệm và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nhấn mạnh như những yếu tố quan trọng đối với quá trình TTKT. |
MH tăng trưởng ngoại sinh (Solow, 1956) | – Ba yếu tố chính đang ảnh hưởng đến TTKT: năng suất các yếu tố tổng hợp, nguồn vốn và lực lượng lao động; – Khẳng định tiết kiệm tạo ra nguồn vốn, và các yếu tố ngoại sinh như tăng dân số cùng tiến bộ công nghệ ảnh hưởng đến cả mức sản lượng lẫn tốc độ TTKT. |
MH tăng trưởng nội sinh (Lucas, 1988), (Romer, 1990), (Jones, 1995) | – Nhân tố thúc đẩy TTKT dài hạn là yếu tố nội sinh (được hình thành ngay trong quá trình TTKT); – Yếu tố tiến bộ công nghệ không được xem là yếu tố ngoại sinh mà nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vốn, nhân lực. – Ủng hộ vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế trong dài hạn. |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp)
![Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS](https://luanvanaz.com/wp-content/uploads/2022/09/luigi-pozzoli-Db8xEYwtdWw-unsplash.jpg)
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT