Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt 2013

Vài điu chia s t kinh nghim du lịch Đà Lạt ca tôi

 Sau khi trở về thành phố (chiều ngày 28/02/2013), tôi đánh giá chuyến đi du lịch Đà Lạt bằng xe Phương Trangthành công tốt đẹp và tự nghĩ cần phải gửi một lời cảm ơn đến toàn thể anh em trên forum đã cung cấp thông tin và cho lời khuyên quý báu để tôi có thể sắp xếp và thực hiện chuyến đi đến thành phố của hoa và tình yêu. Nhân đây, xin ghi lại vài dòng về những thông tin cần chỉnh sửa của kế hoạch, những điểm tâm đắc của cá nhân để mọi người tham khảo.

I. ĐÍNH CHÍNH THÔNG TIN KẾ HOẠCH

Trước hết, tôi xin đảm bảo kế hoạch nêu trên là khả thi. Cảm giác đầu tiên khi nhìn vào bản tham khảo này là nội dung khá dày đặc dễ khiến nảy sinh suy nghĩ không thể đi được hết tất cả những điểm được nêu. Tuy vậy, sau khi thực hiện xong tôi cảm thấy đây là kế hoạch khá hợp lý về cung đường và không tốn quá nhiều sức lực; nói cách khác, chúng ta vẫn có thể ăn ngủ ngon vào cuối mỗi ngày và hoàn toàn không mệt lả khi về đến Sài Gòn (minh chứng là tôi vẫn có thể hoàn thành bài viết này). Xin nói rõ là đang đề cập đến phần kế hoạch ngày, còn phần kế hoạch ăn 05 bữa gồm sáng trưa chiều tối và khuya nhằm tập trung càng nhiều thông tin tham khảo càng tốt nên theo thực tế thì không thể ăn hết chừng ấy món, chỉ có thể chọn lựa để tránh lặp lại thực đơn và phù hợp sở thích từng người thôi.

Thứ đến, có vài điểm đã thay đổi địa chỉ mà tôi cập nhật được như sau:
_Bánh bèo số 4 dốc La Sơn Phu Tử cắt Hai Bà Trưng đã dời về đường Phan Đình Phùng số 222/? (vì căn nhà này không có số, nằm giữa 222/4 và 222/6) nên không biết xác định thế nào nhưng rất dễ nhận biết vì khá đông khách, khi tôi đến nơi trong trời mưa lâm râm mà vẫn khó xếp được chỗ để xe.
_Bánh căn đường Phan Đình Phùng dời về số 42F đường Trần Phú
_Phần Ăn sáng cơn tấm Bắc Hương (gần café Tùng) là không chính xác, thật ra quán này là Mai Hương- vốn khá nổi tiếng ở khu Hòa Bình. Ở Đà Lạt, ít nhất có đến hai quán Mai Hương nhưng quán ở khu Hòa Bình được nhiều người biết đến hơn vì địa thế thuận lợi.

II. ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ

2.1. NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC
Đà Lạt gợi lên trong tôi cảm giác thật tốt đẹp không chỉ là cảnh vật, nơi chốn mà đặc biệt là những con người với tấm lòng hiếu khách, câu này nghe hơi sáo ngữ nhưng có trải qua mới biết được nên chắc rằng sẽ có nhiều người đồng cảm với tôi. Lần đi này đọng lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp nhất là bốn đối tượng sau:

Thứ nhất là khách sạn Vũ Nhi- 12C Nam Kỳ Khởi Nghĩa (0633 825 897). Khách sạn này là lựa chọn cuối cùng sau khi tôi đã tham khảo nhiều địa chỉ khác. Ngoài khoảng cách khá thuận tiện (đi bộ 500m là đến trung tâm khu Hòa Bình, 200m là đến chợ) thì lòng hiếu khách của vợ chồng chủ khách sạn này làm tôi cảm thấy rất hài lòng. Khác với các khách sạn khác yêu cầu tiền đặt cọc (một khoảng tiền nhỏ gửi bằng đường chuyển khoản trước khi đến nơi để đặt chỗ, rất phiền vì chúng ta phải mất công ra ngân hàng) chị chủ yêu cầu tôi gọi điện xác nhận trước khi đi (vì tôi đặt phòng trước 1 tháng). Cả khi gọi điện xác nhận lần khi đến nơi tôi đều được tiếp đón niềm nở, chào hỏi bằng đúng tên như người thân trong gia đình; phòng được dọn mỗi ngày; hỏi thăm mỗi buổi chiều sau khi chúng tôi đi chơi về và chúc sức khỏe khi lên xe về thành phố… Chọn được một nơi ở như vậy tôi rất yên tâm khi giữa thành phố lành lạnh mình lại có được một chốn về ấm áp mỗi ngày.

Thứ hai là lẩu dê Phúc Nguyên. Vô tình đọc được một dòng tả về địa chỉ này trước đây 2 năm, tôi đã tìm đến và rất thỏa mãn về nhà hàng để rồi hai năm sau tôi vẫn quyết định trở lại Phúc Nguyên bất chấp nhiều địa chỉ khác khá nổi tiếng. Nằm trên cung đường Trần Hưng Đạo hướng ra Trại Mát phía Bắc thành phố Đà Lạt, đây là điểm đến lý tưởng sau một quãng đường say với cái lạnh như cắt của chiều tối phố núi, với cái thâm u của những biệt thự trong bóng hoàng hôn, với ánh đèn xa xa của nhà ai nơi cuối dốc. Lần này tôi đến sớm hơn nên nhà hàng vẫn chưa đông người, một thoáng e sợ thực tế không đẹp như kỷ niệm nhưng khi món lẩu dọn lên, đập vào hai quả trứng gà (kiểu ăn lẩu dê đặc biệt mà chỉ lên đến Đà Lạt, đến Phúc Nguyên mới có) thì tôi như tìm thấy một hoài niệm đẹp; lúc bấy giờ ăn uống không còn là nhu cầu sinh lý mà là nhu cầu tinh thần và có phần thẩm mỹ.

Thứ ba, một nơi mà sau nhiều năm đi Đà Lạt, đến giờ tôi mới biết là Phân Viện Sinh học Đà Lạt (Tây Nguyên). Nằm trên đường đi Langbian (tay trái), địa điểm này dễ bị bỏ qua vì tên gọi và những tưởng tượng về nội dung mà du khách thường gắn với tính hàn lâm, khoa học của nó. Đến đây khi trời lâm râm mưa, sau khi qua cổng với giá vé rẻ nhất trong tất cả các điểm du lịch ở Đà Lạt chúng tôi được chào đón bởi cô chủ hàng cây cảnh phía sau viện và được hướng dẫn lên phía cửa chính hướng Nam, hàng thông mờ trong mưa chiều mở ra một cảnh khá tịch lặng. Bước qua dãy hành lang tôi thoáng thất vọng vì nơi đây không phải điểm du lịch mà là một cơ quan khoa học với cái trầm tịch và lặng lẽ vốn có. Nhưng khi lên đến lầu, nơi trưng bày các mẫu vật được sắp xếp một cách khoa học và khá đẹp mắt tôi mới hiểu được du lịch không chỉ là thỏa mãn mà còn là học tập, và học tập ở phân viện Sinh học Đà Lạt không phải là không có thỏa mãn… Đằng sau từng mẩu xương, từng minh họa là những nỗ lực miệt mài nghiên cứu và cống hiến của các nhà khoa học đang lặng lẽ làm việc nơi đây, đến phân viện là một cách trân trọng và ghi nhận những con người đáng quý vẫn đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của một Đà Lạt nhộn nhịp 12km ở phía Nam và Langbian thu hút du lịch 3km phía Bắc; ở giữa, khuất vào những tán cây, vào con đường nhỏ là nơi ta rất cần đến nhưng chẳng mấy người biết. Sau khi tham quan xong, ghé xuống khu lưu niệm chúng tôi bất ngờ vì giá cả khá hợp lý, nên thay vì ghé chợ mua đồ len và bánh mức thì chúng tôi tập trung ở đây, chọn những món hàng mang nhãn Phân viện sinh học mà khó có thể tìm được bên ngoài. Do mải miết với những món hàng đặc biệt và chạy trốn cơn mưa cao nguyên lạnh căm, tôi bỏ quên mất gói đồ len ở hàng bánh và hôm sau khi quay trở lại hú họa (vì nếu có mất thì cũng chịu!) thì vẫn nhận lại được cùng lời chào mừng niềm nở của cô chủ. Ra cổng, cái vẫy chào cùng nụ cười thân thiện của anh bảo vệ (người đã vui vẻ cho chúng tôi vào mà không cần mua vé khi tôi bảo hôm qua bỏ quên đồ) đã làm cho tôi thấy thật ấm lòng và cảm nhận rõ lòng hiếu khách của con người xứ núi và thật gần gũi, lý thú khi nghĩ về cách kinh doanh du lịch một cơ quan khoa học.

2.2. VÀ VÀI VIỆC KHÔNG ƯNG Ý

Bên cạnh những ấn tượng đẹp, lần này vài điểm đến làm bản thân tôi không mấy có thiện cảm gồm nhà hàng Long Hoa và tiệm cơm tàu Như Ý.

Thứ nhất, nhà hàng Long Hoa (số 06 đường 3 tháng 2) là nơi tôi quyết định đến dùng cơm trưa vì tính phổ biến của thương hiệu cũng như loại rượu đặc biệt không có bán ngoài thị trường ở đây. Tuy nhiên khi đến nơi thì tôi vô cùng khó chịu và phải bỏ đi vì cách phục vụ rất hiếm thấy. Buổi trưa nhà hàng không mấy đông khách nhưng bốn chiếc xe đã chiếm hết phía trước, tôi buộc phải loay hoay chờ nhân viên của quán ra giúp xếp xe nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai bước ra từ sau tấm cửa kính, nhìn vào thì thấy nhân viên đang bận sửa hoa nên bỏ quên khách ngoài cửa. Bất đắc dĩ buộc phải đẩy cửa vào ra hiệu nhờ anh phục vụ bước ra ngoài thì tôi được yêu cầu dắt xe qua bên kia đường để cập hông khu vực công cộng gắn bảng chỉ dẫn Đường đi bộ, đang phân vân thì anh này bỏ vào trong. Tôi lại loay hoay thì một nhân viên khác bước ra, vốn hy vọng tôi liền chuyển sang thất vọng vì anh này ra chỉ để… nhìn rồi bước vô. Thiết nghĩ một nhà hàng có danh tiếng, được nhiều lời khen trên cộng đồng net lẫn xuất hiện trên bảng đồ du lịch, doanh nghiệp này cần chú ý về cách tiếp đón khách hàng như một yêu cầu tối thiểu để duy trì uy tín và tín nhiệm mà khách hàng đã ưu ái dành cho. Dù cho chất lượng món ăn của nhà hàng có cao đến đâu nhưng khâu phục bị bên ngoài kiểu đuổi khách thế này thì quả thật khó lòng cho tôi có thể bước vào nhà hàng Long Hoa thêm lần nào nữa (thật ra thì tôi chỉ mới mở cửa kính chứ chưa bước vào!). Hình ảnh Đà Lạt, một thương hiệu nổi tiếng bị ảnh hưởng vì một hành động nhỏ, có lẽ tôi hơi khắt khe nhưng lẽ đương nhiên, hình ảnh hay thương hiệu đều phải được xây dựng lên từ nền móng những điều rất nhỏ như vậy!

Điểm thứ hai mà tôi sẽ không đến nữa là tiệm cơm tàu Như Ý, nằm gần rạp Giải Phóng, số 143 B Phan Đình Phùng. Sau khi vất vả tìm được quán trong con hẻm nhỏ, tôi bị nhân viên tấn công bằng chiến lược dồn ép khi cô liên tục đẩy tôi chọn đủ các món canh, xào, mặn, ngọt, nước uống… rồi bỏ đi mất không thấy đoái hoài gì. Nghĩ rằng có sự gần trùng nên chúng tôi yêu cầu nhân viên xóa bớt một món thì cô này trả lời: Em sẽ xem, nếu nhà bếp chưa làm thì được còn rồi thì thôi. Một câu trả lời hợp lý, sẽ hợp lý hơn khi cô bước ngay vào nhà bếp để truyền đạt, nhưng đằng này cô lại bước ra ngoài chờ một bàn khác gọi món. Từ lúc này tôi bắt đầu khó chịu và biết chắc rằng mình vừa làm một chuyện ngớ ngẩn khi gọi món rồi muốn rút lại ở kiểu tiệm cơm thế này! Chờ hồi lâu đĩa rau trộn được dọn ra, do quá đói chúng tôi đành ăn rau không đến gần hết thì món xào được dọn ra, gần hết món thứ hai thì cơm và canh xuất hiện, đến khi ăn no thì món mặn được dọn ra trong khi quán không phải là đông khách lắm; một thố cơm không được tính 20.000, giá các món còn lại làm Như Ý tương đương một nhà hàng khang trang tại thành phố Hồ Chí Minh nếu không tính đến mặt bằng nhỏ hẹp trong hẻm như một quán cơm bụi của mình. Quá mệt mỏi để phản ứng! Món ăn bình thường, chất lượng phục vụ quá thấp khiến tôi ngạc nhiên là vì sao tiệm này được sự đề xuất khi tôi tìm kiếm thông tin quán ăn ở Đà Lạt.

2.3. SUY NGHĨ

Bên cạnh những điều được mất, có những điều làm tôi cứ băn khoăn, giá như… Vẫn biết là khó có thể thay đổi gì nhiều nhưng con đường hoàn thiện luôn phải bắt đầu bằng bước đầu tiên thế nên tôi vẫn muốn nêu lên những điều còn đọng lại trong tôi.

Thứ nhất, Quán gà Tuyết Hoa, đầu đường vào Thung Lũng Vàng. Với vị trí khá sâu từ thành phố nhưng lại là duy nhất trên con đường dài dẫn vào khu du lịch Thung Lũng vàng nên quán ăn này dĩ nhiên được lựa chọn dù không có trong danh sách đã chuẩn bị. Ngồi trên mặt bằng tựa nhà sàn cao nhìn ra rừng thông và vườn cây, hưởng cái lành lại của Đà Lạt bên bếp lửa nướng gà không khỏi khiến chúng tôi hài lòng khi đến đây. Tuy vậy, phong cách phục vụ của quán không mấy chuyên nghiệp nên vì đến cuối cùng, khi những đoàn khách xung quanh ra về, chúng tôi phải ngồi dùng bữa trưa giữa một bãi rác (dù nhân viên đã dọn dẹp qua!?). Nhà vệ sinh của quán tốt hơn là không vào và cũng khó lắm tôi mới dám nhắc đến vì ấn tượng còn đọng lại, giá thức ăn được tính cao đến mức không hợp lý.,. Giữa những điều được mất thì Tuyết Hoa là quán ta nên thử một lần rồi không bao giờ đến nữa!

Thứ hai, điều làm tôi tiếc nhất là tuyến xe lửa Đà Lạt- trại Mát của ga xe lửa Đà Lạt. Vốn bị bỏ hoang nay được khôi phục lại phục vụ, công trình kiến trúc cổ này với tuyến đường sắt 7km lên Trại Mát là điểm mà tôi chờ đợi nhất khi đến Đà Lạt. Tham khảo trước và chọn chuyến tàu xuất phát lúc 7h45, những mong được thưởng thức cái lạnh của gió rừng và làn khói của đầu máy xe lửa cổ quyện trong sương sớm, tôi thoáng hụt hẫng vì sau khi vội vàng đến ga đúng giờ thì được biết là phải đủ 15 khách xe mới chạy, lịch tàu chia làm 05 chuyến với thời gian ổn định có lẽ hơi vô ích! Tuy nhiên cũng phải chấp nhận điều này vì tính kinh tế trong hoạt động kinh doanh. Một hành khách lớn tuổi đi cùng cho biết bác đã đến đây rồi phải quay về, hôm nay phải gọi điện trước và được biết 08h có đoàn khách du lịch nên có thể ghép đoàn để cùng thưởng thức chuyến xe lửa này. Niềm hy vọng lại được nhen nhóm thế là chúng tôi đến ô cửa kính Đà Lạt- trại Mát mua vé thì không có người ngồi, hỏi một nữ nhân viên mặc đồng phục ngồi ở ô tàu Thống Nhất bắc nam kế bên thì mới biết chưa có người, phải 08 giờ mới bắt đầu bán vé tour đó. Thế là tiếp tục chuỗi dài chờ đợi của những hành khách đi lẻ, đến hơn 08h thì đoàn khách du lịch nọ cũng đến, biết chắc là xe lửa có thể chạy nên chúng tôi đến mua vé thì bị từ chối (vì đoàn khách kia còn bận chụp hình lưu niệm bên ngoài). Mãi sau khi hướng dẫn viên của tour kia mua vé xong thì một nhân viên khác mới gọi chúng tôi đến mua vé chỗ ô cửa bắc nam, hành khách lớn tuổi phàn nàn vì từ sáng đến giờ nhiều lần yêu cầu “được mua vé” nhưng đều bị nhân viên trực ấy từ chối. Nghĩ rằng có thể bắt đầu thưởng thức không khí Đà Lạt khi đoàn tàu chuyển bánh thì chúng tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, tàu chạy chậm hơn cả xe đạp, thỉnh thoảng phải dừng lại vì đường ray chưa phát quang xong, hai bên nhiều đoạn chạy dọc theo cống rãnh xả nước của các hộ dân, các bãi rác cạnh vườn hoa… bốc lên mùi khó chịu, quang cảnh nhiều lần đập vào mắt hành khách là những hàng hiên sát bên treo móc đủ loại “đồ đạc trong ngoài”,… Tuy vậy, trên đường từ Trại Mát về xe chạy khá êm, vài cậu bé hai bên đường vẫy chào tàu lửa làm tôi thoáng tưởng mình gặp người thân; nhìn một Đà Lạt khác từ rìa phía Đông với đầy đủ những lấm lem, bụi bặm mới thấy được ta đã, đang và sẽ còn phải cố gắng làm Đà Lạt đẹp hơn lên từng ngày.

Thứ ba, các khu du lịch kiểu công viên, vườn hoa, hồ nước của Đà Lạt như một nguồn thơ đang đi đến hồi cạn kiệt. Được phú cho vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng bậc nhất đất nước, Đà lạt hút hồn người bằng những khóm hoa rực rỡ, hồ nước mênh mông, bằng những con đường quanh co cùng những cây cầu chạy xuyên qua suối,… ấy là nét duyên mà không phải đâu cũng có. Thế nhưng hàng loạt khu du lịch ngoài trời mọc lên trên khắp thành phố với cùng một mô hình “vườn hoa- ngắm cảnh, hồ nước- đạp vịt” không khỏi khiến du khách nhàm chán. Vấn đề là giữa thiên nhiên phải tìm ra được điểm nhấn riêng; nét thu hút của cảnh vật không phải ở bản thân chúng mà phải là hồn người mà du khách tìm thấy trong cảnh, là sự gặp gỡ của những tâm hồn. Bởi thế, đi vườn hoa thành phố thì chẳng ai đi vườn hoa Minh Tâm; đi thác Vàng thì không cần đi Thung lũng vàng, thung lũng tình yêu, hồ Than thở; đi hồ Tuyền Lâm thì không cần đi những hồ những thác khác,…

III. TÓM LẠI

Những điều viết trên đây xuất phát từ một người tha thiết yêu Đà Lạt và những mong cho Đà Lạt ngày càng đẹp hơn. Hy vọng những dòng này có thể phần nào như lời cảm ơn vì thông tin tôi nhận được và là một kinh nghiệm hữu ích cho những ai sắp đến Đà Lạt. Chúc mọi người sẽ có chuyến đi trọn vẹn!

 CÁC THÔNG TIN THAM KHẢO KHÁC

1. Phương tiện đi lại
– Từ Hà Nội: Có chuyến bay thẳng Hà Nội – Đà lạt mà bạn, 01 chuyến/ngày, bay khoảng 11 h trưa, giá vé một chiều từ hơn 1,4 triệu đến hơn 1,6 triệu, tùy thuộc vào loại chỗ mà bạn có thể book được, còn có cả vé khoảng 1,2 triệu đấy, bạn book sớm thì chắc sẽ có chỗ loại đó.
– Từ Sài Gòn: Bạn có thể đi các hãng xe sau
+ Xe Thành Bưởi – cứ 1 tiếng có 1 chuyến, xe 50 chỗ rất thoải mái, ĐT: 08 38308090.
+ Xe xe Phương Trang Đà Lạt – rất uy tín, ĐT: 08 383083087 (tại HCM) và 0633 585858 (tại Đà Lạt). xe Phương Trang đi Đà Lạt có mấy tuyến trong ngày.
+ Xe Mai Linh – chỉ có xe 16 chỗ.

2. Khách sạn, phòng ốc ngủ nghỉ

Về khách sạn, tùy nhu cầu của bạn mà lựa chọn.
– Nếu bạn thích tiện lợi, trong phố, gần chợ thì bạn chọn các khách sạn ở khu trung tâm như (Golf 3, Anh Đào, Cẩm Đô, Thi Thảo, Ngọc Lan… Bình dân hơn thì tới dãy KS ở Phan Bội Châu, 3/2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa) các khách sạn này nằm ngay tại khu trung tâm, bất cứ giờ nào muốn đi dạo hay tìm quán ăn khuya cũng dẽ hơn. Tuy nhiên đây là những cấu trúc quần thể nhà sát nhà, kiến trúc hiện đại xô bồ chen chúc nhau với phía trước là khu kinh doanh san sát nên ngoài cái lạnh và quần áo khác lạ ra thì còn lại nó giống thành thị nơi bạn ở.

– Nếu thích sang trọng thì chọn Hoàng Anh Gia Lai, Palace hay Novotel. Tuy nhiên hơi xa trung tâm 1 chút, bù lại thì được ở trong khung cảnh sang trọng lịch sự.
– Nếu thích xa xa nữa và ở villa thì qua bên Bích Đào Villa, khá đẹp
– Ngoài ra những khách sạn được mọi người recommend khác là: Bluemoon, Rum Vàng

+ Bluemoon: 36 $/phòng , khuyến mãi 50%. Phòng mới,thiết bị trong phòng ok, tuy nhiên chắc do book giá km nên cho em phòng hơi nhỏ và view xấu. Các mẹ nhớ yêu cần garden view nhé. Ăn sáng ngon, nhiều món, đạt chuẩn theo e là 3.5 sao. Cách chợ 7-10′ đi bộ.

Tuy nhiên nếu đi Đà Lạt để đi chợ không thì phí quá. Cái khác biệt của DL là những con đường dốc, sự yên lặng, những khoảng sân cỏ đầy hoa, kiến trúc thời xưa. Có nhiều KS đáp ứng điều đó, nơi mà mở cửa sổ ra bạn thấy xung quanh là thông, cỏ hoa, hay ít nhất là không gian riêng biệt, thấy những con đường dốc và phía trên dốc hay phía dưới là nhà cửa không quá san sát nhau.

– Giá tham khảo:

Trên 500$: Palace, phòng president.
Trên 160 USD/đêm: Palace, phòng hạng chót (nhưng mà được ngủ cũng sướng mê người).
Trên 1tr/đêm : Ngọc Lan Hotel hoặc Sami hotel (trên đường Lê Hồng Phong)
Bình dân : 200k —-> 500k (tùy lúc cao hay thấp điểm) ở Hotel đường Bùi Thị Xuân, Phạm Ngọc Thạch và Phan Đình Phùng.

Ngọc Lan:~ 53$, 4*
Empress:~ 44$, 3*
Hoàng anh gia lai rì dọt: 45$, 3* (hơi xa trung tam, khoảng 2 km)
Golf 1: 32$
Golf 3: 43$
Sài Gòn đà lạt: 60$
Cẩm đo: 25$, 3*
Blue m00n rì sọt: 55$, 3 sao có bể bơi nước nóng

3. Địa chỉ Ăn uống

– Món bánh bèo nóng ở cây số 4. Bạn cứ chạy theo Phan Đình Phùng ra khỏi trung tâm đến ngã tư chợ cây số 4, hỏi bánh bèo cây số 4 quán Bà Hường họ sẽ chỉ. “Quán” nằm trong một chợ nhỏ, bình dân. Món bánh bèo chén được đổ ra dĩa, một dĩa 4 cái, chan lên đó là chạo tôm sấy và đặc biệt nhất là món nước sốt thịt thơm ngon nóng bỏng với mùi vị hấp dẫn (không chan nước mắm pha lành lạnh). Trời se lạnh mà cắn một cái là tứa nước miếng, ấm cả môi. Món này duy nhất nơi này có, mình về SG đã lâu chưa từng được ăn nơi nào ngon hay có hương vị như thế. Bán từ chiều 3g.

Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt 2013
  – Nem nướng Bà Hùng, thực ra thì nem ở đâu cũng như nhau, nhưng không hiểu sao quán nem nướng này lại nổi tiếng đến như dzậy, đi ăn nghe quảng cáo là quán dùng nguyên liệu là thịt bò xay nhuyễn và nướng trực tiếp trên bếp than củi, nên có vị ngọt tự nhiên mà thơm lựng mùi… than , khi ăn cuốn với bánh tráng và rau thơm, chấm nước chấm nữa mà phê gì đâu nơi (mỗi quán đều có một công thức pha nước chấm của riêng mình ), àh quên, thêm chai bia nữa chứ, nếu hông được Tiger, Heineken, hay cái gì trên trời thì uống SG được rùi, hihi… 17/suất, (mà hình như giờ cũng lên 20k rùi). Quán có nhiều cơ sở lắm, ở Phan Đình Phùng nà, Ngã 3 Chùa nà, nhưng người ta bảo nơi gốc của quán (đường Chi Lăng) là ngon nhất ^^…

– Món kem trái cây bốn mùa ở Quán Thanh Thảo, 76 Ng Văn Trỗi (đoạn 1 chiều), bên tay phải, cái gì Thanh Thảo mình không nhớ. Giá cố định không lo chặt chém, mà du khách cũng mấy ai biết đâu, toàn người địa phương. Dĩa kem trái cây gồm 1 cục kem lạnh ở giữa, xung quanh là trái cây theo mùa, bơ, thanh long, mít, nhãn, mận .v.v cùng những lát dừa mỏng vừa ăn, kèm theo thứ nước sốt dừa sữa rất đặc biệt bảo đảm không nơi nào có. Giá hiện nay là 7000đ/ dĩa, ăn ngon lắm lắm

– Bạn nên và rất nên ăn món bánh xèo Đà Lạt. Bánh nhỏ, giòn theo kiểu miền trung. Cái đặc biệt ở chỗ luôn kèm rau sống tươi ngọt của Đà Lạt, ăn chấm với nước chấm thật ngon. Đà Lạt ăn bánh xèo không cuốn đủ thứ, mà cứ gắp miếng bánh giòn rụm chấm vào chén mắm rồi bỏ miệng, tiếp đến là gắp rau chấm mắm pha ăn. Một miếng bánh, ba bốn gắp rau tươi, ăn vừa mát vừa ngọt. Cái món rau tươi mát ngon lành này chỉ có ở Đà Lạt, khiến cho một dĩa bánh luôn bay luôn 2 -3 dĩa rau. Ngày xưa mình hay ăn ở ngã ba BTX – dốc chùa, nhưng giờ họ dẹp rồi. Còn lại các quán bên ngoài toàn là chặt chém. Có bạn nào ở DL xác nhận lại giùm những địa chỉ bán bánh xèo theo giá địa phương với, plzzzzz bánh xèo ở đường Ấp Ánh Sáng (kế bên bến xe, ngay bùng binh) đi vào bạn nhìn thấy quán nào có 4 lò là đúng đó ah, còn 2 quán còn lại chỉ bán có 2 lò bánh thôi. 25k/dĩa/10 bánh.

– Món mỳ quảng kiểu chan nước dùng như nước sốt với thịt hầm mềm ở ấp Ánh Sáng, phải đi bộ vì nó quanh quất trong những đường hẻm bé xíu, bạn có thể hỏi đường tới. Ấp Ánh Sáng là 1 con đường nhỏ ở chợ cũ, ngay bùng binh hồ Xuân Hương. Quán tên Xí, đi vào đường đó, nhìn bên phải kiếm bảng hiệu nhà may Duyên đầu hẻm quẹo vào, con dốc đó, bỏ hẻm đầu, đền hẻm thứ 2. Mình không thích món mỳ quảng nhưng ăn ở đây thì rất ngạc nhiên và thích vì cách nấu lạ và ngon miệng. Quán bán vào lúc chiều 2g đến 5h là hết ah (khỏang 4h là hết, khi nào trời mưa ế thì đến 5h) giá 15k/tô.

– Chè ở đường 3/2, đối diện có cái đình, bán từ chập 4g chiều đến 10g tối. Có đủ món chè nóng, lạnh và rất quen thuộc, đơn giản như chè đậu đen, khoai môn, trôi nước, chuối nướng, chè bắp .v.v. Nhưng FN khẳng định các bạn cố gắng nếm qua đủ các món, kể cả các món xưa nay không thích, sẽ rất ngạc nhiên vì tại sao họ nấu ngon như vậy. Cũng chỉ là đậu đen, cũng chỉ là trôi nước .v.v. nhưng từng món đều xuất sắc và hoàn hảo, khi bạn ăn sẽ cảm nhận được mùi vị ngon tuyệt. 3000đ/chén, 4000đ/chuối nướng.

– Bún Công ở 2A Phù Đồng Thiên Vương nổi tiếng với món bún bò Huế: 25k/tô, ngon lắm luôn

– Trên đường Phan Đình Phùng có quán mỳ vằn thánh con trai của tiệm Tàu Cao ngoài Hòa Bình, mình quên tên. Hiện giờ có nhà bên cũng mở quán y chang nên bà con dễ lầm. Quán mình thích (và dân DL hay ăn) có hai anh em chủ quán ròm ròm, quán bên cạnh thì ông già già hơi mập.
– Bánh canh Xuân An nổi tiếng từ xưa và cũng nấu dở lâu rồi, chỉ có du khách mới tìm đến ăn.

– Một địa chỉ ăn trưa chiều mình không nhớ tên lẫn quên cả tên đường, giá cả bình dân, nấu nướng hợp vị. Quán nằm cuối con dốc 3/2, chạy tới bùng binh thì rẽ phải (đọan lên bệnh viện) cách saloon xe là tới. Tên quán 2 chữ, liên quan đến người Hoa. Cơm dĩa lớn (bò xào, thập cẩm xào ..) giá 18-22K, ngoài ra còn rất nhiều món khác như hủ tiếu xào, phở xào .v.v. Phở Hiếu ở Tăng Bạt Hổ gần trung tâm ăn cũng ngon, chạy xuống phía dưới dốc có quán bánh căn bán buổi chiều tới tối.

4. Địa điểm vui chơi

– Thác Cam Ly (cách trung tâm thành phố 2km, nằm cuối đường Hoàng Văn Thụ): Vốn xưa kia là nơi sinh sống cùa một buôn làng người dân tộc thiểu số đông đúc (ngày nay vẫn còn lại một nhà thờ Cam Ly khá lớn được xây dựng từ thời Pháp).Thác đổ dài như mái tóc của một thiếu nữ nổi tiếng qua lời bài hát “ Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly , khóc tình đầu dang dở…”.

thac 1 Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt
  – Cáp treo: Đưa vào hoạt động vào tháng 3/2003. Chiều dài toàn tuyến đi về là 2,3km. Điểm đi là đồi Rô Bin và điểm đến là Thiền Viện Trúc Lâm. Hiện do Công ty du lịch Lâm Đồng quản lý.

– Thác Đatanla: Cách trung tâm TP Đà Lạt 5 km trên đường đèo Prenn vào thành phố, được công nhận thắng cảnh quốc gia năm 1998. Thác khá sâu đi bộ khoảng 15 phút. Từ trên đường đèo xuống đến thác độ 300m. Theo một số truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì Đatanla là nơi dũng sĩ K’Lang và nàng sơn cước Hơbiang găp nhau.Nơi đây, chàng K’lang đã giao chiến với bầy thú dữ gồm 2 con rắn hổ tinh, bảy con chó sói và 2 con cáo… Vực Tử Thần dưới chân thác còn là nơi để du khách nếm cảm giác mạo hiểm qua trò chơi chinh phục vách đá bằng dây. Khách có thể đi bộ hoặc ngồi máng trượt từ cổng xuống tới đầu thác.

– Thác Prenn: (nằm ở chân đèo Prenn, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km): khi bác sĩ Yersin mới khám phá ra Đà Lạt, buôn Prenn là một buôn dân tộc bản địa rất sầm uất với cả trăm nóc nhà sàn đông đúc nhưng theo thời gian, buân này không còn. Trong khuôn viên thác có cầu treo dân tộc, có hồ nuôi cá sấu, có mô hình đền Hùng làm theo phiên bản ở Phú thọ; tượng Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Prenn có một đặc sản là cháo cá lóc. Thác do công ty Cp Dịch vụ Du lịch Đà Lạt quản lý.

– Hồ Than Thở: (cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Bắc). Ban đầu là một hồ nhỏ, về sau người Pháp cho xây đập chắn nước tạo thành hồ. Xung quanh hồ Than Thở có nhiều truyền thuyết, tình sử thú vị như câu chuyện Thảo Tâm gắn liền với sự tích Đồi Thông 2 mộ, có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ gắn với 2 câu thơ: “ Đà Lạt có thác Cam Ly, có hồ Than Thở người đi sao đành.”

634511754255625000images601608 thuy ta Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt
 – Thung lũng Tình yêu: cách Đà Lạt 5,5 km về phía Bắc, có nhiều đồi thông đẹp, thoai thoải thích hợp cho đi chơi picnic vào ngày nghỉ. Nếu ai có em bé thì có thể cho các bé chơi các trò chơi thiếu nhi trong này, chưa có em bé thì xuống hồ ngồi nhà chòi ngắm cảnh hay thuê thiên nga dạo giữa hồ, nhớ mua một ít trái cây măm măm cho thích. Ở đây bán hoa trồng sẵn trong chậu và đồ lưu niệm cũng đẹp lắm,nhất là xương rồng.

– Vườn hoa thành phố: Ngoài các giống hoa truyền thống mà du khách đã biết như cẩm tú cầu, hồng, hồng ri, xác pháo, mimosa; tại vườn hoa còn có hàng chục giống hoa mới được du nhập vào Đà Lạt, một khu vườn địa lan, phong lan khá lớn và thuộc loại đẹp nhất của thành phố hoa. Nếu đi thung lũng tình yêu hoặc đồi mộng mơ rồi thì ko cần đi vườn hoa thành phố nữa (vì cũng ná ná như nhau thôi), nên vào các vườn hoa hoặc vườn dâu của người dân tham quan, đẹp và thoải mái hơn nhiều (mua cho họ ít hàng là được).

– Vườn hoa Minh Tâm (đường Mimosa cách trung tâm Đà Lạt 3km): Vốn là một biệt thự tư nhân được cải tạo lại thành một vườn hoa,tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng được bố trí tập trung theo đặc điểm dốc của địa hình tạo cho vườn hoa có một sắc màu riêng. Phía tay phải của vườn hoa có nhiều ngôi nhà rông, nhà sàn xinh xắn tĩnh mịch thích hợp cho những đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật.

– Lâu đài mạng nhện ( đường Huỳnh Thúc Kháng): Xây dựng năm 1990 như là một công trình có lối kiến trúc kỳ dịma2 chủ nhân của nó là nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Công trình được kiến trúc như trong một câu chuyện cổ tích của con người ở đâu đó trên trái đất với những mạng nhện, những cây nấm to, đôi hươu cao cổ, một ngôi nhà rông cách điệu, một em bá đang cắp sách đi học, hai ông bà cãi nhau, Biệt thự có nhiều phòng ngủ, mỗi phòng mang tên một con thú hoặc trái cây thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên như phòng Mối, phòng con Hổ, con kiến, phòng Trái Bầu.

– Thung lũng vàng (đường Ankroet, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm Đà Lạt 15km về phía Bắc). Khu du lịch này hiện đang là một trong những điểm tham quan dã ngoại hấp dẫn ở Đà Lạt nhờ có những đồi thông nguyên sinh, vườn cây cảnh Bonsai quý, vườn đá cảnh lấy từ núi rừng Lâm Đồng, một vườn lan sinh thái tập hợp hàng trăm giống lan đặc chủng của núi rừng Tây Nguyên.

– Hồ Đankia – Suối Vàng: Nằm cách trung tâm Đà Lạt 18km về hướng Bắc, Hồ Đankia –suối Vàng trông như một thiếu nữ vừa bước vào tuổi thanh xuân nằm phơi mình bên những đồi thong xanh biếc chập chùng. Nơi đây, năm 1893 bác sĩ A Yersin đã từng ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên của núi non hùng vĩ trên cao nguyên Lang Biang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghĩ dưỡng trên cao nguyên khai sinh ra thành phố Đà Lạt. Nơi đây có nhà máy thủy điện Ankroet nhà máy thủy điện được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1943. Theo quy hoạch đây là 1 trong 4 khu du lịch tổng hợp quốc gia gọi vốn đầu tư.

– Thác Pongour (nằm trên địa bàn xã tân Hội huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt 45km, cách đường quốc lộ 20 khoảng 7 km): được công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 2000, theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì thác gắn liền với câu chuyện về nàng Ka Nai một tù trưởng xinh đẹp đã có công xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng của đồng bào K’Ho. Tương truyền KaNai có 4 con tê giác và pongour là dấu về các con tê giác cắm sừng xuống đất. Từ nhiều năm nay, Pongour có ngày hội thác vào rằm tháng giêng hàng năm với nhiều trò chơi dân gian, các nghi lễ văn hóa truyền thống của các dân tộc bàn địa. thác do công ty TNHH Đất Nam (TP. HCM) quàn lý và khai thác.

– Thác Hang cọp: Thuộc địa bàn thôn Túy sơn, Xã Xuân Thọ, nằm cách Đà lạt khoảng 15 km về phía Đông bắc. Tên gọi thác hang cọp là do người dân địa phương đặt ngay dưới chân thác có 1 cái hang cọp khá rộng ttryue6n1 có 1 con cọp 3 chân hung dữ đã từng ở. Sau đó , vào khoảng cư6i1 năm 50 con cọp dữ này đã bị người dân bẫy được giờ vẫn còn lại cái hang to.

– Dinh Bảo Đại (biệt điện số 3): Nằm trên đường Triệu Việt Vương, tọa lạc trên một quả đồi cao có những cánh rừng thông xanh bao bọc khá đẹp. Dinh là nơi ở của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến Việt Nam. Dinh được xây dựng năm 1933 – 1938 theo kiến trúc châu Âu với mái hình khối, bố cục tuy cân dối nhưng không đối xứng. Dinh có tổng cộng 25 phòng, tầng trên dành riêng cho gia quyến, của Vua, tầng dưới dung làm nơi làm việc và tiếp khách. Năm 1988 người ta đã tình cờ phát hiện ra một số bảo vật gồm 122 món ngọc ngà, châu báu của triều Nguyễn do bà Từ Cung ( mẹ vua Bảo Đại) đem vào từ Huế, số bảo vật này là của cải riêng của Hoàng Thái Hậu Từ Cung và một số đời Vua trước để lại. Đáng chú ý có nhiều đồ dung bằng ngọc như thau rửa mặt bằng vàng nạm 16 viên ngọc, các loại bát ngọc, đĩa ngọc, một số đồ dung bằng vàng. Số bảo vật này đang được lưu giữ tại kho bạc Tỉnh Lâm Đồng. Có thể đây là bộ sưu tập về ngọc đầy đủ nhất, quý giá nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam còn lưu giữ được cho đến ngày nay.

– Dinh toàn quyền (dình):Tọa lạc trên ngọn đồi cao 1.533m với một vị trí khá đẹp, một mặt nhìn xuống hồ Xuân Hương, một mặt nhìn ra những cảnh quan ở phía dưới các thung lũng. Khi còn đương chức, Toàn quyền Decoux đã cho xây dưng Dinh thự này làm nơi nghỉ mát mỗi mùa hè và sau cho xây dựng đường hầm bí mật để khi có sự cố thoát ra ngoài, nhiều năm nay không được sữa chữa nên đã bi hư hại. Hiện nay là nhà khách của UBND tỉnh Lâm Đồng.

– Dinh 1: Từ Dinh 2 theo đường Trần Hưng Đạo Hùng Vương đến ngã 3 Trại Hầm rẽ trái khoảng 400m du khách sẽ đến với Dinh 1. Nguyên là cơ ngơi của một người Pháp được Vua Bảo Đại mua lại, cho xây dựng thành Tổng hành dinh của Chính phủ Hoàng Triều Cương Thổ. Sau đến đời Ngô Đình Diệm thì đã được tu bổ them thành một lâu đài tráng lệ và kiên cố. Dưới tòa nhà chính có 1 số đường hầm thoát hiểm, của chính của đường hầm nằm ngay cạnh phòng ngủ của Ngô Đình Diệm ( lưng chừng cầu thang lên lầu nên khó phát hiện và từ ngoài nhìn vào giống như cửa phòng bình thường). Một phần của tầng hầm nổi trên mặt đất và có đường thoát hiểm thông qua phía sau Biệt điện nơi có sân đỗ cho máy bay trực thăng.

– Biệt điện Trần Lệ Xuân ( số 5 Yết Kiêu, phường 5 Tp Đà Lạt).Dịch vụ: Tham quan kiến trúc, bán hang lưu niệm. Hiện là trung tâm lưu trữ quốc gia IV.

– Trường ĐH Đà Lạt: Cách trung tâm Đà Lạt 2km, nằm trong một ngọn đồi đầy thông, nơi sinh viên lang thang từ giảng đường này qua giảng đường khác bằng những lối mòn nhỏ trong thung lũng, rừng thông, trong những con đường hàng Tùng, đường Thông Reo, đường Anh Đào. Nếu may mắn bạn sẽ được thấy hoa anh đào nở hồng vào tháng 12, bung đầy ngọn suốt một con đường. Anh Đào rất lạ, vài năm mới nở đầy tràn một lần.

– Đà Lạt sứ quán: Nằm cạnh Thung lũng tình yêu, được biết đến như là một bảo tàng nghệ thuật về nghề thêu tranh nghệ thuật (thêu tay trên lụa) Việt Nam, bảo đảm không thể quên được. Khách đến đây có dịp hiểu thêm về nghề thêu tay trên lụa và tham gia “ phố ẩm thực” với các món ăn đặc sản của miền Trung bánh bột lọc, cơm hến, bún bò Huế… Có bán tranh đấy, nhưng giá cả hơi chóng mặt

– Khu du lịch đồi Mộng Mơ: ở đây cũng tựa tựa Thung lũng tình yêu, nhưng mộng mơ hơn, mỗi nơi mỗi vẻ, nơi nào cũng đẹp, trong đó bạn có thể nghe nhạc dân tộc, đi dạo Vạn Lý Trường Thành muốn rụng chân, đặc biệt có một nhà vòm mái lá hay rơm gì đấy thuận tiện cho việc sinh hoạt tập thể, và cũng có hồ nước nữa.

– Hồ Tuyền Lâm (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 7 km).Sau khi vãn cảnh chùa xong du khách sẽ thả bộ theo những bậc tam cấp để xuống bến thuyền đi vào các khu dã ngoại hồ Tuyền Lâm như Suối Tía, Đá Tiên, Đarahoa. Ở trong khu vực dã ngoại cho thuê sẵn chòi, võng dù, bạt để du khách nghỉ lưng qua trưa, du khách sẽ làm quen với rượu cần, nếm thịt nướng, ngủ nhà sàn, .Hồ Tuyền Lâm là hồ lớn nhất của Đà Lạt với tổng diện tích 2.760 ha, diện tích mặt nước là 320 ha. Du kháchco1 thể leo lên lưng voi để chụp hình hay thuê voi đi dạo trong rừng.

– Khu du lịch Lang Biang (cách trung tâm Đà Lạt 10 km về phía bắc). Sản phẩm chính là du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, khám phá văn hóa. Quý khách được ngủ lều, dự lễ hội cồng chiêng của người K’Ho Cil, K’Ho Lạch sống ở chân núi. Đến với Lang Biang, du khách được nghe huyền thoại về “thiên tình sử” giữa một chàng trai và một cô gái dân tộc. Chàng là K’Lang, nàng là Ho7biang…Dấu vết còn lại của thiên tình sử diễm lệ này là hồ Đa Nhim ngày nay (theo tiếng dân tộc: Đa Nhim là nước mắt). Trong những ngày đẹp trời, dãy núi Lang Biang trông như bộ ngực phụ nữ căng tràn đầy sức sống.

– Chùa Linh Sơn: Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa cổ kính và đẹp của Đà Lạt, xây dựng từ năm 1936 – 1940, phong cách kiến trúc Á Đông, hai mái xuôi hơi cong ở phía cuối trên có hai con rồng uốn khúc đối xứng vươn lên giữa trời cao. Phía trước có 4 trụ lớn và phía dưới diềm mái là hoa văn hình chữ “vạn” cách điệu. Trong chính điện có tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen được đúc bằng đồng từ năm 1952, cao 1,70 m nặng 1.250kg. Bên phải nội điện có quả chuông nặng 450kg treo trên giá làm bằng gỗ quý.

– Chùa Linh Phong (chùa Sư Nữ): Cách Đà Lạt khoảng 6km chùa có kiến trúc kiểu những đình làng, cổng Tam Quan 2 tầng, lợp mái ngói; phía dưới gồm 3 cửa cuốn hình vòng cung, trên có một cửa hình chữ nhật uốn góc và bảng hiệu “Linh Phong Tự”. Chính điện thờ tượng phật A Di Đà, toàn thân sơn son thiếp vàng, cao 1.8m và được tạc vào năm 1949. Hai bên là tượng Phật Bà Quan Âm và Đại Thế Chí. Phía sau là nơi thờ Tổ Đạt Ma và Hòa Thượng Thích Quảng Đức.

– Chùa Linh Phước: Năm cách Đà Lạt 8km thuộc khu vực Trại Mát, gần bên đường quốc lộ 27 đi Phan Rang, xây dựng khoảng năm 1949 – 1952. Chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca cao 4.9m (kể cả tòa sen); hai bên nội điện là 2 hàng cột rồng khảm sành với nghệ thuật điêu luyện, trên là những bức phù điêu khảm bằng miểng chén về lịch sử cuộc đời Đức Phật. Mặt trước của chùa là tiền đường bảo tháp cao 27m. Có thể kết hợp tham quan ga xe lửa Trại Mát cách đó 300m và thác Hang Cọp cách chùa 6km thành một tour tham quan.

– Trúc Lâm thiền viện: một nơi mình đánh giá là rất đặc trưng Đà Lạt. Thiền viện thanh tịnh trên ngọn núi Phụng Hoàng, bạn có thể ngồi nghe gió thổi và nhìn hồ Tuyền Lâm rộng lớn với những đồi núi thông phía dưới thung lũng. Muốn xem cảnh thung lũng, hồ ở Đà Lạt thì đẹp nhất là nơi này, bạn không cần vào thung lũng tình yêu làm gì nữa. Muốn tham quan chùa chiền thì thiền viện Trúc Lâm là nơi tĩnh lặng và đẹp, không gian rộng lớn.

– Nhà thờ Domain: một kiến trúc nằm trên đồi rất thánh thiện. Bạn có thể mua sản phẩm len, tranh thêu tay mứt ở đây do các masoeur hoặc học trò của dòng (khó nghèo) làm ra. Từ đây chạy đến viện sinh học cũng thuận đường. Nếu có trẻ con đi kèm thì nên ghé vì có nhiều động thực vật (đông vật hết nhúc nhích được rồi nha), hoặc chỉ là mua sản phẩm len ở đây có giá gần như rẻ nhất, ít nói thách.

5. Các dịch vụ hỗ trợ

Xe buýt: Từ Đà Lạt, có các tuyến xe buýt đi Nam Ban (Lâm Hà), Đ’Ran (Đơn Dương), Đức Trọng, Di Linh, Đại Lào (thị xã Bảo Lộc). Và ngay TP.Đà Lạt, công ty xe Phương Trang có nhiều tuyến đến các thắng cảnh như từ trung tâm đi Trại Mát (qua chùa Linh Phước), Xuân Trường (qua khu Sở trà Cầu Đất), Lang Biang, Thái Phiên (qua hồ Than Thở), Thung Lũng Tình Yêu.

Massage: Thường gắn với các khách sạn lớn như Đà Lạt Novotel, Hoàng Anh Gia Lai, Ngọc Lan, Cẩm Đô (3-5 sao), khu biệt thự Lê Lai, Đài Liên (Hải Thượng). Massage bình dân có cơ sở Nguồn Sáng (đường Phạm Hồng Thái) và cơ sở 2 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Hoa Biển (85 Hải Thượng, ĐT 3560707), Massage Chân (5 Hải Thượng).

TAXI: Đà Lạt hiện có 5 hãng taxi Thắng Lợi 1 (3830830), Thắng Lợi 5 (3835583), Mai Linh (351111), xe Phuong Trang (3556556) và taxi HTX. Nếu có nhu cầu thuê đi tham quan cả ngày đến các điểm trong tỉnh hay trong thành phố Đà Lạt, khách có thể lien hệ để thỏa thuận giá cả với Hợp tác xã taxi (bãi đậu xe ở trước bến xe buýt đầu đường vào ấp Ánh Sáng gần bờ hồ Xuân Hương).

Xe điện vòng quanh bờ hồ Xuân Hương của hãng Mai Linh.

Thuê xe máy: có nhiều điểm cho thuê xe, nhiều nhất trên đường vào chợ Đà Lạt (Nguyễn Thị Minh Khai) từ phía bờ hồ đi vào, nhìn bên tay phải sẽ thấy có nhiều bản nhỏ treo trên xe với chữ tiếng Anh hoặc tiếng Việt (Cho Thuê Xe Máy) hoặc ở các phố có đông khách sạn như Nam Ký Khởi Nghĩa, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân đều có dịch vụ cho thuê xe.

Xe đạp đôi: Tập trung nhiều ở đường Nguyễn Thị Minh Khai quanh hồ Xuân Hương hay đầu đường Bùi Thị Xuân

Đi xe ngựa: Đến Đà Lạt không thể không đi xe ngựa bởi đó là một thú vui truyền thống của du khách. Hiện nay Đà Lạt có khoảng 30 xe ngựa phục vụ trở khách tham quan trong đó có 1 số xe đã được đóng mới rất đẹp (4 bánh thay vì 2 bánh thông thường). Xe ngựa sẵn lòng phục vụ khách tới tất cả điểm du lịch trong thành phố, xe ngựa vòng quanh bờ hồ. Bến xe ngựa ở ngã 3 máy nước gần nhà hàng Thanh Thủy.

Dancing: Mở cửa thường xuyên có khách sạn Hải Sơn, Golf 3, Ánh Dương, Ánh Hồng (Nguyễn Chí Thanh), Cung Đàn Xưa (Khe Sanh), nhạc trẻ Bảo Ty (Bùi Thị Xuân) và khách sạn Sammy (cà phê bar)

Tráng rọi ảnh: Đà Lạt có khoảng 15 minilab, tập trung ở quanh khu Hòa Bình.

Bãi đậu xe: Bãi xe vãng lau (từ ngoài bờ hồ vào, bãi xe năm bên tay phải), bãi xe khách sạn Hải Sơn, bãi xe du lịch 4-12 chỗ ngồi ở trên khu Hòa Bình cạnh rạp 3 tháng 4. Vào những ngày cao điểm, các trường học ở gần các khách sạn mini cũng trở thành bãi gởi xe vào ban đêm

Karaoke: Nằm rãi rác trên nhiều phố nhưng nhiều nhất là trên đường Hai Bà Trưng với Sắc Màu Cuộc Sống (ĐT 3821638), Tím Xuân (ĐT 3823173), Nice (ĐT 3835303), Dạ Khúc (ĐT 8323197), Dấu Chấm Hỏi (ĐT 3816567), Family (ĐT 3818282) và đường Phù Đổng Thiên Vương với Sài Gòn Ca Dao (ĐT 3824382), Binbo (ĐT 3553495), Diều no gió (ĐT 3552406), Đồi Xanh (ĐT 3831236).

Các quán khác như: Quỳnh Hương (Cô Giang, ĐT 3825522), Nhật Quang (33/19 Phan Đình Phùng, ĐT 38313912), Giáng Ngọc (số 2 chợ Chi Lăng, ĐT 3828554), Hướng Dương (Quang Trung, ĐT 3829650), Minh (94 Nguyễn Văn Trỗi, ĐT 3824815 và 7A Nguyễn Trãi, ĐT 3813066), Anh Em (80B Bùi Thị Xuân), Việt Hưng (83A Nguyễn Công Trứ, ĐT 3825482), Trúc Vàng (1B Thông Thiên Học, ĐT 3520913), Ocean Palace (28 đường 3 tháng 4, ĐT 3531732), Bin Bin (282 Phan Đình Phùng, ĐT 3837573), Minh (42 Hải Thượng, ĐT 3828816), Hải Yến (78 Hải Thượng, ĐT 3822799), Mic (Nguyễn Trãi), Diễm Quỳnh (Yersin).

Nhạc sống kiểu phòng trà có cà phê & Trà quán Dương Tùng (09 Đồng Tâm, ĐT 3542161), Ocean Palace (số 28 đường ¾, ĐT 3531732), Cung tơ chiều (gần dinh Bảo Đại).

MÁY ATM:Tập trung ở quanh khu Hòa Bình, chi nhánh các ngân hàng thương mai, Bưu điện trung tâm, trong 1 số khách sạn lớn , đường Phù Đổng Thiên Vương.

ATM Vietcombank: Bưu điện Tp.Đà Lạt trước cổng ĐH Đà Lạt, khách sạn Novotel Đà Lạt, Golf2, chi nhánh Vietcombank Lâm Đồng (Trần Phú), đường Ng Thị Minh Khai.ATM Đông Á: Tại chi nhánh đường Hải Thượng, Bưu Điện Tp.Đà Lạt.ATM Đầu Tư và Phát Triển:Chi Nhành NH ĐT&PT đường Trần Phú, Bưu Điện Tp.Đà Lạt.ATM Sacombank: Tại chi nhánh đường 3/2, quầy giao dịch viễn thông Lâm Đồng (16 Trần Phú).ATM Agribank: Tại chi nhanh đường Trần Phú, Bưu Điện Tp.Đà Lạt, Phù Đổng Thiên Vương.

Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt 2013

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?