Khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử

thương mại điện tử

Mục lục

Khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử

Trong bối cảnh công nghệ phát triển với một tốc độ nhanh chóng, pháp luật cần phải được xây dựng để kịp thời điều chỉnh những hiện tượng xã hội mới phát sinh. Việc thiếu khung khổ pháp lý trong nhiều hệ thống xét xử để điều chỉnh những vấn đề liên quan tới hiệu lực pháp lý của các giao dịch điện tử là rào cản rất lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử.

Thực tế, trong những giao dịch thương mại điện tử, chào hàng, đặt hàng hoặc hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử đã tạo nên một giao dịch điện tử hoàn chỉnh. Tuy nhiên, rất nhiều quy định pháp lý, liên quan tới hợp đồng và những giao dịch thương mại khác đưa ra đòi hỏi tài liệu phải ở dạng văn bản, được ký, lưu trữ hoặc dưới hình thức bản gốc.

1. Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL

Nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử, năm 1996 Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đã soạn thảo một luật mẫu về thương mại điện tử, hình thành những quy định mẫu về thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu nhằm bảo vệ về mặt pháp lý cho những tổ chức, cá nhân mong muốn tham gia thương mại điện tử. Luật mẫu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho các nước trong quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử của mình. Tinh thần của Luật mẫu là bảo đảm những giao dịch thương mại điện tử được thừa nhận giá trị pháp lý và nếu cần thiết thì sẽ có những hành động thích hợp để tăng cường khả năng thi hành cho những giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL được soạn thảo dựa trên sáu nguyên tắc cơ bản, gồm:

– Tương đương thuộc tính: tài liệu điện tử có thể được coi có giá trị pháp lý như tài liệu ở dạng văn bản nếu thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật nhất định;

– Tự do thoả thuận hợp đồng;

– Tôn trọng việc sử dụng tự nguyện phương thức truyền thông điện tử;

– Giá trị pháp lý của hợp đồng và tính ưu việt của những quy định pháp lý về hình thức hợp đồng: những đòi hỏi đối với hợp đồng để có giá trị pháp lý và khả năng được thi hành phải được tôn trọng;

– Áp dụng về mặt hình thức hơn là quan tâm tới nội dung: luật chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng, mà không đề cập nội dung, trên cơ sở phải thoả mãn những đòi hỏi pháp lý nhất định;

– Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng phải đi trước. Nhiều quốc gia đã thể hiện các nguyên tắc và nội dung của Luật mẫu UNCITRAL vào hệ thống pháp luật quốc gia của mình.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới đã khái quát năm vấn đề pháp lý về thương mại điện tử cần được quy định trong pháp luật quốc gia gồm:

– Thừa nhận các thông điệp dữ liệu: đưa ra các quy định pháp lý đối với các nội dung giao dịch thương mại qua các phương tiện điện tử;

– Quy định kỹ thuật về chữ ký điện tử nhằm bảo đảm tính xác thực, toàn vẹn, bảo mật của thông tin được trao đổi trong thương mại điện tử;

– Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử;

– Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử;

– Tội phạm và vi phạm trong thương mại điện tử.

2. Sự thừa nhận pháp lý đối với thông điệp dữ liệu

Thông điệp dữ liệu là hình thức thông tin được trao đổi qua phương tiện điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử. Thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu là cơ sở cho việc thừa nhận các giao dịch thương mại điện tử, thể hiện dưới các khía cạnh: có thể thay thế văn bản giấy (hoặc văn bản kèm chữ ký), có giá trị như bản gốc, có giá trị lưu trữ và chứng cứ, xác định trách nhiệm các bên và thời gian, địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu. Tài liệu giấy thông thường luôn được coi là cơ sở pháp lý đáng tin cậy, sao chụp được và không thể biến đổi trong các giao dịch sử dụng nó. Những cơ sở nêu trên cũng được thừa nhận đối với một tài liệu điện tử khi thoả mãn những quy định pháp luật yêu cầu thông tin phải dưới dạng chữ viết và có thể truy cập được.

Để bảo đảm khả năng truy cập được, phần mềm sử dụng cho việc truy cập phải có khả năng bảo đảm việc lưu giữ tài liệu đó. Nhằm chứng minh ý định giao kết hợp đồng dưới dạng văn bản thông thường, toà án có thể căn cứ vào các bằng chứng ngoài hợp đồng như biên bản ghi những cuộc đàm phán giữa các bên. Theo cách này, pháp luật cần thừa nhận giá trị bằng chứng của thư điện tử hoặc bản ghi được lưu trữ trên phương tiện điện tử thể hiện ý định giao kết hợp đồng giữa các bên.

Để xác định thời điểm và địa điểm gửi, nhận thông tin bằng phương tiện điện tử, pháp luật đưa ra phương pháp giả định. Theo đó, thời gian gửi tài liệu điện tử phụ thuộc việc người nhận có thông báo với người gửi về hệ thống thông tin được chỉ định trước hay không. Nếu có chỉ định trước, tài liệu điện tử sẽ được truyền theo thoả thuận đó, tài liệu coi là được nhận khi nó vào hệ thống thông tin được chỉ định.

Trong các trường hợp khác, tài liệu sẽ được nhận khi nó lọt vào phạm vi kiểm soát của người nhận. Vị trí gửi, nhận được xác định là tại trụ sở kinh doanh. Việc gửi tài liệu điện tử sẽ được coi là diễn ra tại trụ sở kinh doanh của người gửi (hoặc nơi cư trú trong trường hợp không có trụ sở kinh doanh). Tương tự, việc nhận tài liệu được coi là diễn ra tại trụ sở kinh doanh của người nhận. Nếu một bên có nhiều trụ sở kinh doanh, vị trí gửi hoặc nhận sẽ là trụ sở kinh doanh có quan hệ gần gũi nhất với giao dịch được thực hiện.

3. Quy định về chữ ký điện tử

Chữ ký điện tử là một công nghệ cho phép xác nhận người gửi và bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu. Về bản chất, chữ ký điện tử tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính như: khả năng nhận dạng một người, tạo tính chắc chắn về mối quan hệ của người đó với hành vi ký và cho thấy việc người đó chấp nhận nội dung tài liệu ký. Có nhiều loại chữ ký điện tử khác nhau như chữ ký số, chữ ký sinh trắc học, chữ ký dựa trên số nhận dạng cá nhân (số PIN), chữ ký tạo bằng thẻ thông minh …

Pháp luật thương mại điện tử cần có các quy định thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, cụ thể hoá các tiêu chí kỹ thuật và xác định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Có hai phương pháp xây dựng pháp luật về chữ ký điện tử: quy định chung dựa trên nguyên tắc trung lập về mặt công nghệ và quy định cụ thể về chữ ký số. UNCITRAL khuyến nghị sử dụng phương pháp thứ nhất để dự trù khả năng hình thành các công nghệ chữ ký điện tử mới. Hầu hết các nước theo khuyến nghị này.

4. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Với sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ thông tin, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng. Phần lớn các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ như tác phẩm văn học – nghệ thuật, tài liệu khoa học – kỹ thuật, chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu có tính sáng tạo, nhãn hiệu thương mại, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế kiểu dáng công nghiệp … đều có thể xuất hiện dưới hình thức cho phép truyền tải dễ dàng qua Internet và các mạng mở khác.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Thương mại điện tử là gì? Khái niệm về thương mại điện tử[/message]

Nhiều vấn đề mới liên quan tới tên miền; tính năng liên kết, dẫn chiếu giữa các tài liệu trên môi trường nối mạng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng… khiến các quy định về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước đây không còn phù hợp. Để có thể bảo hộ tốt trong thương mại điện tử, pháp luật về sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh.

Thứ nhất, việc hình thành những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mới như phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu nguồn đòi hỏi phải có những quy định mới thừa nhận và bảo hộ chúng, cách thức bảo hộ có thể như với đối tượng của quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật cần chỉ rõ các thuộc tính cơ bản phân biệt với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác, xác lập các quyền nhân thân, quyền sở hữu và các nghĩa vụ liên quan, đưa ra các giới hạn, ngoại lệ đối với các quyền và nghĩa vụ, hình thành cơ chế xử lý vi phạm.

Thứ hai, nhiều đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể được biểu hiện dưới dạng các ứng dụng công nghệ thông tin như tên miền, giao diện website, từ khoá sử dụng để tìm kiếm thông tin và các ứng dụng công nghệ thông tin khác. Do pháp luật chưa quy định cụ thể (chưa xác định chúng thuộc đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào) nên không biết cơ chế bảo hộ. Ví dụ: website có nên coi là hình thức biểu hiện của một tác phẩm nghệ thuật không? Tên miền của một công ty có được hưởng các cơ chế bảo hộ như nhãn hiệu thương mại không? …

Ngoài ra, Internet và các mạng mở khác là môi trường lý tưởng cho việc trao đổi, chia sẻ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Một tác phẩm văn học có thể nhanh chóng bị phát tán trên Internet; các bí mật kinh doanh được lưu trên máy tính một công ty có thể bị tiết lộ ra bên ngoài qua kết nối Internet; một bản nhạc mới được phát hành, nếu đưa lên mạng thì ai cũng có thể tải về sử dụng… Môi trường mới tác động đến các quyền và nghĩa vụ liên quan tới mọi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ phải hình thành các quy định thêm về giới hạn, ngoại lệ thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho phù hợp.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã có những nghiên cứu sâu về tác động của môi trường số hoá đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Năm 1996, WIPO đã thông qua hai hiệp định là Hiệp định về Quyền tác giả và Hiệp định về Tín hiệu ghi âm và biểu diễn, cùng có đủ thành viên tham gia và bắt đầu có hiệu lực trong năm 2002. Các hiệp định này có điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh trong môi trường Internet. Nhiều quốc gia đã chuyển tải các quy định của WIPO vào pháp luậtquốc gia như Mỹ, châu Âu, Canađa.

5. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Các đối tác tham gia vào một giao dịch thương mại điện tử trên Internet hoặc các mạng mở khác không nhất thiết hoặc không thể gặp mặt nhau, họ tiến hành các giao dịch chủ yếu thông qua những công nghệ mới và trong một môi trường khác biệt so với truyền thống. Thông thường, người tiêu dùng không biết rõ các thông tin về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp như người bán, khả năng bị thiệt hại cao hơn, vì vậy cần có những quy định pháp luật bảo vệ họ.

Năm 2000, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ban hành Hướng dẫn về Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử với những nguyên tắc cơ bản sau:

– Bảo vệ minh bạch và hiệu quả;

– Phù hợp với thông lệ thị trường, quảng cáo và kinh doanh trung thực;

– Cung cấp các thông tin rõ ràng về doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ, chi tiết giao dịch, quy trình xác nhận;

– Cơ chế thanh toán an toàn, dễ sử dụng và phải thông tin cho khách hàng về mức độ an toàn của cơ chế đó;

– Có các quy định về giải quyết tranh chấp và được bảo vệ bí mật cá nhân.

6. Tội phạm và những vi phạm trong thương mại điện tử

Mạng Internet là một trong những thành tựu lớn nhất của loài người. Viễn thông, hệ thống ngân hàng, tiện ích công cộng và hệ thống xử lý khẩn cấp đều hoạt động trên mạng. Nhưng có những người sử dụng Internet vào mục đích xấu. Lịch sử tồn tại chưa lâu của Internet đã chứng kiến nhiều hành vi vi phạm. Mặc dù thường rất khó để xác định những động cơ của những hành vi vi phạm này, nhưng hậu quả của chúng làm giảm niềm tin vào hệ thống Internet.

Tội phạm trên mạng là những hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thông qua việc sử dụng máy tính. Tội phạm trên mạng có thể được phân thành: tội phạm trên mạng chống lại con người, tài sản và chính phủ.

Tội phạm trên mạng chống lại con người bao gồm việc truyền gửi những văn hoá phẩm đồi truỵ hoặc quấy rối tình dục có sử dụng một máy tính. Tội phạm trên mạng chống lại tài sản bao gồm việc xâm phạm máy tính bất hợp pháp qua không gian trên mạng, phá hoại hệ thống máy tính, truyền gửi những chương trình gây hại, sở hữu những thông tin máy tính bất hợp pháp.

Hiện đang nổi lên những loại hình tội phạm chống lại chính phủ như nạn khủng bố trên mạng, những tổ chức, cá nhân xâm nhập vào website của cơ quan công quyền để đe doạ chính phủ và khủng bố người dân của một nước. Hành vi xâm phạm có mức độ nhẹ hơn gọi là các vi phạm trên mạng và bị xử lý hành chính.

7. Tình hình luật thương mại điện tử trên thế giới

Trong thương mại điện tử, người mua và người bán giao tiếp trong thế giới ảo, họ không thấy mặt nhau, không biết rõ về nhau, vậy, làm sao họ có thể tin tưởng mà giao dịch với nhau? Cho nên, trong thương mại điện tử cần có 3 yếu tố sau để đảm bảo sự tin tưởng và minh bạch:

– Tính rõ ràng (Transparency): trên website của người bán phải đăng tải mọi thông tin về các điều khoản mua bán và người mua cũng nên đọc kỹ những thông tin này trước khi quyết định mua.

– Tính tin cậy (Reliability): bao gồm tính tin cậy trong thông tin đăng tải (người bán phải nỗ lực trong việc đưa tin trung thực và cập nhật những thông tin này thường xuyên), tính tin cậy trong giao dịch điện tử (người bán phải đảm bảo sử dụng công nghệ truyền tin an toàn), tính tin cậy về hệ thống hoạt động (đảm bảo không gây ra sai sót nghiêm trọng) và tính tin cậy trong vấn đề chứng thực (như chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử).

– Tính bảo mật và riêng tư (Confidentiality và Privacy): những thông tin về khách hàng, đặc biệt là những thông tin quan trọng như thẻ tín dụng, email, điện thoại v.v… phải được bảo mật và tôn trọng, có nghĩa người bán không được tự ý lưu trữ và bán hay sử dụng trái phép những thông tin này.

Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ hay bản quyền là những vấn đề đang được quan tâm rất nhiều trên mạng.

Có 4 yêu cầu đảm bảo cho một giao dịch thành công, an toàn đó là:

– Privacy (tính riêng tư): làm sao để đảm bảo rằng thông tin truyền tải trên mạng không được copy hay truy cập bởi bên thứ ba ngoài người nhận và người gửi? Giải pháp: mã hóa và giải mã ở người nhận.

– Integrity (tính trọn vẹn): làm sao đảm bảo rằng thông tin gửi đi không bị thay đổi trong quá trình gửi?

– Authentication (sự chứng thực): làm sao để người nhận và người gửi có thể chứng thực tư cách của nhau? Giải pháp: chữ ký số (digital signature)

– Non-repudiation (sự không thể phủ nhận): làm sao chứng minh thông điệp đã được gửi hay đã được nhận?

Bốn yêu cầu trên chính là những vấn đề cốt lõi của luật thương mại điện tử.

Khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?