Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

xuất nhập khẩu

Mục lục

Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

Cách tiếp cận này đã chỉ rõ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, yếu tố kinh tế cần được ưu tiên hơn khi đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam thay vì nhìn nhận vai trò ngang nhau của ba yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội.

Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia/mỗi ngành để xác lập danh mục các tiêu chí đánh giá bởi những đặc thù nhất định. Khi mà cơ cấu/cấu trúc của một ngành luôn chứa nhiều yếu tố bất định thì bản thân nó là yếu tố cần được lưu tâm trước hết. Chỉ số hiệu suất vốn đầu tư đang cần phải được cải thiện nhanh để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thì người ta sẽ ưu ái hơn trong chính sách phát triển. Tương tự như vậy đối với các tiêu chí khác. Trong phạm vi nghiên cứu này, nghiên cứu sinh lựa chọn bảy tiêu chí sau đây để đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành CNĐT nói riêng:

(1) – Cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp

Cơ cấu công nghiệp (CCCN) được hiểu là một hệ thống phức hợp các ngành, các vùng, các thành phần… có tác động biện chứng với nhau trong những không gian và thời gian nhất định, trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định, được xác định cả về mặt định lượng và định tính, cả về số lượng và chất lượng cũng như phương thức mà chúng hợp thành.

Xem xét CCCN cần tiếp cận theo tư duy biện chứng, vận động. Tuy vậy, người ta thường xem xét CCCN trên các mặt chủ yếu sau:

– Cơ cấu ngành kinh tế-kỹ thuật, là tổng hợp các ngành, tỷ lệ tương quan và mối liên hệ kinh tế-kỹ thuật giữa các ngành trong tổng thể CCCN.

– Cơ cấu vùng lãnh thổ – xem xét CCCN theo sự phân bố về không gian và vùng lãnh thổ. Cơ cấu vùng thường được xác định bởi các ranh giới địa lý hay hành chính nhưng bản thân trong đó lại hàm chứa cơ cấu các ngành kinh tế – kỹ thuật. Như vậy, cơ cấu vùng thực chất là cơ cấu các ngành được sắp xếp theo các vùng địa lý, hành chính nhất định mà thôi.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam[/message]

– Cơ cấu thành phần kinh tế trong công nghiệp có nguồn gốc từ việc phân định quyền sở hữu với các tổ chức công nghiệp. Cần chú ý rằng, cơ cấu thành phần có ý nghĩa rất lớn đến việc trả lời câu hỏi ai quyết định trật tự phát triển công nghiệp.

Chuyển dịch CCCN là một qúa trình tất yếu, vừa mang tính khách quan, ngẫu nhiên vừa thể hiện sự định hướng có chủ đích của Nhà nước. Qúa trình chuyển dịch CCCN ở Việt Nam thời gian tới không chỉ là ý đồ chủ quan của các định hướng mang tính áp đặt mà còn là sự nhận thức khách quan trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế trên cơ sở các nguồn lực hiện có.

Đặt vấn đề như vậy để có thể nhìn nhận tính bền vững của cơ cấu ngành CNĐT Việt Nam trong giai đoạn tới đây theo những nét sau:

Thứ nhất, tiếp tục đón nhận sự chuyển dịch ngành CNĐT của các cường quốc điện tử đến Việt Nam theo hiệu ứng “đàn sếu” [35]. Như vậy, sự chuyển dịch cơ cấu ngành CNĐT trong quá trình hội nhập trước hết chịu ảnh hưởng của dòng chuyển dịch khu vực và quốc tế. Nói cách khác, tỷ trọng tham gia vào ngành CNĐT của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Đây là một xu hướng mang tính khách quan mà chúng ta cần nhận thức để chủ động đón nhận.

Thứ hai, sự xuất hiện các khu công nghệ cao trong đó công nghiệp điện tử làm nòng cốt là cửa ngõ, là trụ cột cho việc nắm bắt và chủ động hội nhập. Việc kêu gọi dòng chảy, đầu tư để thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đặt ra một xu hướng rõ nét là nền kinh tế cần các “điểm mở” để mở cửa với thế giới bên ngoài. Các điểm mở này sẽ là động lực, là xúc tác để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bài học của Trung Quốc trong việc phát triển ngành CNĐT thông qua các khu công nghiệp cao sẽ mãi có giá trị về vấn đề này, chỉ tiếc là chúng ta đã chậm đón nhận và triển khai xu hướng rất khách quan này.

Thứ ba, trong ngành CNĐT khu vực dân hữu sẽ phát triển nhanh chóng hơn so với khu vực quốc hữu dẫn đến tỷ trọng của khu vực dân hữu sẽ lớn hơn khu vực công hữu trong giá trị sản xuất công nghiệp là một xu hướng tất yếu bởi sự yêu cầu của tính năng động kinh tế. Xu hướng này đòi hỏi phải được nhận thức để khu vực công hữu chỉ tham gia ở những nơi cần thể hiện vai trò của công hữu (ví dụ đối với những sản phẩm điện tử liên quan tới Quốc phòng, An ninh…).

(2) – Tỷ trọng VA/GO

Khi phản ánh giá trị sản xuất công nghiệp (GO) và giá trị tăng thêm (VA) của một sản phẩm, một ngành hay một nền kinh tế, có nghĩa là đã làm rõ được chi phí trung gian (IC). VA là phần giá trị mới tăng thêm bao gồm cả lợi nhuận trong nền kinh tế, trong một ngành hay một doanh nghiệp. IC là toàn bộ chi phí vật chất và chi phí dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất đề tạo ra giá trị giă tăng. IC không làm tăng thêm của cải cho xã hội mà chỉ là tiêu dùng của cải vật chất và dịch vụ của xã hội để tiến hành tái sản xuất. Mối quan hệ giữa GO, VA và IC được biểu đạt như sau:
GO = VA + IC hay VA = GO – IC [19]

Thông thường, VA là chỉ tiêu lõi phản ánh tăng trưởng kinh tế, đồng thời là chỉ tiêu định lượng phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế. Chỉ số VA thường xét cho đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc trên giác độ ngành hoặc nhóm ngành kinh tế, còn chỉ tiêu GDP được xét trên giác độ toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo cách tính trên, VA tăng hay giảm phụ thuộc vào tốc độ tăng hay giảm của GO trong tương quan với IC, đo đó chúng ta có thể ứng dụng chỉ tiêu VA/GO để phản ánh xu thế tăng trưởng có chất lượng của một ngành.

Đây là chỉ tiêu đang rất được quan tâm, đặc biệt là ngành công nghiệp. Phần lớn các ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đạt được yêu cầu đối với chỉ số VA, trong khi chỉ số GO liên lục tăng với tốc độ gia tăng khá nhanh, điển hình là nhóm ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Là ngành có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng cao, kinh ngạch xuất khẩu đứng thứ 10 trong 153 nước xuất khẩu dệt may nhưng chỉ số VA rất thấp, đáng cảnh báo hơn, vài năm vừa qua chỉ số VA/GO có xu hướng giảm dần.

(3) – Hiệu quả sử dụng vốn

Hiệu suất sử dụng vốn đầu tư (ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư để tạo ra được một đơn vị GDP gia tăng. Hệ số này phản ánh hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Với nội dung đó, hệ số ICOR được coi là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Hệ số ICOR thấp có nghĩa là đầu tư có hiệu quả và ngược lại. Tuy nhiên, theo quy luật kinh tế, lợi tức cận biên giảm dần, khi nền kinh tế tăng trưởng thì hệ số ICOR sẽ tăng lên, tức là để duy trì cùng một tốc độ tăng trưởng, cần một tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao hơn.

Có thể có ba cách tính chỉ số ICOR, tuy nhiên luận án áp dụng cách tính sau:

ICOR  (lần) = Vt1 / (Gt1 – Gt0)

Trong đó:
– Vt1: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn ngành của năm báo cáo;
– Gt1: GDP (VA) của ngành tính theo giá thực tế của năm báo cáo;
– Gto: GDP (VA) của ngành tính theo giá thực tế của năm trước.
Đối với một ngành kinh tế – kỹ thuật như ngành CNĐT, các chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản… cũng có thể được coi là một trong các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng.

(4) – Năng suất lao động

Năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế = GDP (giá cố định)/số lao động (giờ lao động). Nếu GDP bình quân trên mỗi lao động càng lớn thì năng suất lao động xã hôi càng cao và ngược lại.
Dưới góc nhìn từ ngành hay doanh nghiệp, GDP có thể được thay thế bằng các chỉ số khác có sẵn như giá trị sản phẩm, từ đó có chỉ số giá trị sản phẩm trên một giờ lao động hoặc chỉ số giá thành lao động trên một đồng giá trị sản phẩm. Đây là những chỉ số theo dõi chi phí và năng suất lao động.

Nếu như lao động là một trong bốn yếu tố kinh tế cơ bản tác động đến tăng trưởng công nghiệp thì chất lượng lao động hay năng suất lao động lại thể hiện chất lượng tăng trưởng công nghiệp.

Vì tính đặc thù của mỗi ngành công nghiệp nên khó có thể so sánh năng suất lao động bình quân của ngành này với ngành kia mà cần phải so sánh năng suất lao động của các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc năng suất lao động của một ngành công nghiệp giữa các quốc gia với nhau.

Là ngành công nghiệp công nghệ cao, CNĐT sử dụng ít lao động hơn, vì vậy về mặt lý thuyết năng suất lao động của ngành có thể sẽ cao hơn nhiều so với các ngành công nghiệp khác. Trên thực tế rất khó có nguồn số liệu chính sách về tổng số giờ lao động, vì vậy trong phạm vi nghiên cứu này, năng suất lao động được tính theo công thức: NSLĐ = GDP ngành (VA)/số LĐ.

Thực ra nếu tính theo công thức này thì khó cho ra kết quả chính xác và không phản ánh hết thực chất năng suất lao động ngành CNĐT vì: (i) ngành CNĐT sử dụng ít lao động hơn các ngành khác; (ii) khu vực DNNN đang giảm mạnh số lượng và đẩy mạnh cổ phần hóa vì vậy số lượng lao động giảm nhiều và ít hơn nhiều so với các khu vực kinh tế.

(5) – Mức độ phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)

Khi đưa ra tiêu chí này ở các buổi sinh hoạt khoa học, cũng như hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đã cố gắng thảo luận rằng, nên coi mức độ phát triển CNHT là tiêu chí đánh giá hay là nguyên nhân của sự tăng trưởng kém chất lượng của CNVN nói chung, CNĐT nói riêng. Nghiên cứu sinh cho rằng, có lẽ đây là căn gốc của sự phát triển bền vững công nghiệp dù ở nhiều quốc gia không phân tách rõ ràng khái niệm này. Nhìn chung người ta hay nói rằng CNVN phát triển chưa đạt chất lượng cao là vì CNHT chậm phát triển. Hay nói cách khác, nó được coi như là một nguyên nhân quan trọng. Chính vì tầm quan trọng như vậy mà nghiên cứu sinh muốn đưa nó thành một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng tăng trưởng của một ngành công nghiệp.

CNHT là nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế

Hình minh họa 1.1 cho thấy các ngành CNHT thường được ví như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi chính là ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghiệp. Như vậy, CNHT có một số vai trò nổi bật sau đây đối với các ngành công nghiệp cũng như đối với toàn bộ nền kinh tế quốc gia:

Bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế. Việc cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, các bán thành phẩm ngay trong nội địa làm cho nền công nghiệp chủ động, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu. CNHT không phát triển làm cho các ngành công nghiệp chính thiếu sức cạnh tranh và phạm vi phát triển cũng giới hạn trong một số ít các ngành.

Chống nhập siêu. Do luôn luôn phải nhập khẩu nguyên liệu và các bán thành phẩm cho sản xuất lắp ráp trong nước, hầu hết các nước đang phát triển lâm vào tình trạng nhập siêu. Phát triển CNHT sẽ giải quyết căn bản tình trạng nhập siêu của nền kinh tế các quốc gia đang phát triển, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính. Cùng với việc chủ động trong nguồn cung ứng, chi phí của sản phẩm công nghiệp cũng giảm đáng kể do cắt giảm chi phí vận chuyển, lưu kho, tận dụng nhân công rẻ và nguồn nguyên liệu ngay tại nội địa. Việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh “thế giới phẳng” ngày nay sẽ tạo ra các sản phẩm có đặc thù riêng của quốc gia, có sức cạnh tranh hơn hẳn các sản phẩm chỉ được lắp ráp bởi các linh kiện và nguồn cung ứng toàn cầu. CNHT thuộc khu vực hạ nguồn (thương hiệu, marketing, chuỗi tiêu thụ, bán hàng…) đặc biệt gia tăng giá trị cho các sản phẩm công nghiệp, đây chính là điểm quan trọng làm cho hàng hoá của quốc gia có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Phát triển hệ thống DNVVN. Ở tất cả các quốc gia, CNHT do hệ thống DNVVN đảm nhiệm, đây là khu vực doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, là nền tảng sáng tạo của quốc gia. Đặc biệt, phát triển hệ thống DNVVN là một trong các biện pháp hữu hiệu đối phó với khủng hoảng kinh tế, là đối trọng để cân bằng với các tập đoàn kinh tế khổng lồ hay bị tác động nhanh và mạnh nhất của các khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Mỗi sản phẩm có thể chia thành ba giai đoạn chính: thượng nguồn gồm các công đoạn nghiên cứu – triển khai, thiết kế, sản xuất các bộ phận linh kiện chính; trung nguồn là công đoạn lắp ráp, gia công; hạ nguồn là thương hiệu, tiếp thị, xây dựng mạng lưới lưu thông, khai thác và tiếp cận thị trường.

Theo hình vẽ, có thể thấy rõ, các giai đoạn thượng nguồn và các hạ nguồn là khu vực tạo ra giá trị gia tăng cao. Đây chính là công đoạn của các ngành CNHT. Trong khi khu vực trung nguồn với các hoạt động lắp ráp, gia công là khu vực ít tạo ra giá trị gia tăng nhất. Như vậy, một quốc gia chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp khi khu vực thượng nguồn như nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện, các bán thành phẩm… được cung ứng ngay trong nội địa. Chẳng hạn, các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, may mặc… nếu một quốc gia chỉ thực hiện các công đoạn tạo ra sản phẩm là khu vực trung nguồn, còn hầu hết khu vực thượng nguồn phải nhập khẩu thì giá trị gia tăng của các sản phẩm này gần như không có. Tương tự như vậy, đối với các sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, ví dụ như hải sản xuất khẩu, hạt điều, dầu mỏ… Nếu phần hạ nguồn được thực hiện ngay trong nước, sản phẩm được mang thương hiệu của quốc gia thì giá trị thu về từ sản phẩm cao gấp nhiều lần so với sản phẩm xuất khẩu ngay từ khâu nguyên liệu thô hoặc sơ chế.

(6) – Giải quyết việc làm và giảm thiểu các vấn đề xã hội

Góc nhìn này lồng ghép các vấn đề xã hội và quá trình giải quyết các vấn đề xã hội trong tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế có chất lượng là tăng trưởng kéo theo sự gia tăng các chỉ tiêu phúc lợi xã hội; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và giảm thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, y tế giáo dục và đảm bảo công bằng xã hội. Trên thực tế, việc định lượng tăng trưởng có chất lượng trong mối tương quan với các vấn đề xã hội là tương đối khó. Nghiên cứu sinh xin nêu ra một số thước đo trên khía cạnh tiến bộ và công bằng xã hội;

Có thể nói, một trong những kết quả của tăng trưởng kinh tế là tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp. Tuy nhiên, trong những điều kiện nhất định, tăng trưởng kinh tế không giải quyết việc làm, không giảm đi tỷ lệ thất nghiệp bởi cực tăng trưởng hướng hoàn toàn vào lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Do đó, chất lượng tăng trưởng luôn gắn liền với giải quyết việc làm. Các thước đo chất lượng tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm bao gồm so sánh tốc độ tăng số lao động trong nền kinh tế quốc dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thời gian lao động không được sử dụng ở nông thôn…

Trong một thời gian dài, phân bố không gian công nghiệp Việt Nam bất hợp lý làm nẩy sinh nhiều vấn nạn xã hội từ quá trình tích tụ phát triển công nghiệp với tốc độ cao. Điển hình là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn nạn này. Đây là một trong những thành tố quan trọng của chất lượng tăng trưởng công nghiệp.
Một nền công nghiệp tăng trưởng có chất lượng, tăng trưởng tất yếu sẽ theo xóa đói giảm nghèo. Việc phân bổ nguồn lực phải được tính toán và thực hiện một cách tối ưu nhằm tới mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo. Các chỉ tiêu như tỷ lệ nghèo đói của quốc gia và của các vùng, tốc độ giảm tỷ lệ nghèo đói, tỷ lệ phần trăm giảm nghèo so với phần trăm tăng trưởng công nghiệp… thường được sử dụng để phản ánh mối quan hệ giữa tăng trưởng và giảm nghèo.

(7) – Mức độ khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường

Tăng trưởng công nghiệp cùng việc tổ chức sản xuất của con người luôn gắn liền với việc khai thác các nguồn tài nguyên và môi trường thiên nhiên để sản xuất. Tăng trưởng kinh tế và sử dụng tài nguyên môi trường có quan hệ với nhau và được xem xét qua rất nhiều chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu như: nhịp độ tăng trưởng GO cả nước và VA của các ngành trong tương quan so sánh với mức độ cạn kiệt tài nguyên và tình hình ô nhiễm môi trường.

Thông thường khi đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các ngành công nghiệp, người ta sẽ lựa chọn một số tiêu chí như: chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí, tiếng ồn… Theo Cục Môi trường và An toàn Công nghiệp – Bộ Công Thương, với ngành CNĐT, việc đánh giá mức độ gây ô nhiễm là không dễ dàng dù cơ bản là chất thải rắn.

Chất thải rắn ngành điện tử không giống như các chất thải thông thường khác, chúng đa phần là các kim loại và hợp chất có khả năng gây rối loạn quá trình trao đổi chất và năng lượng, gây ra những khuyết tật có thể gây ung thư, viêm nhiễm, rối loạn nội tiết.

Khi ở trạng thái cô lập, những kim loại hay hợp chất của chất thải điện tử thường rất bền vững nhưng khi tiếp xúc với không khí hay độ ẩm, ánh sáng…thì xảy ra các phản ứng hoá học khiến chúng dễ hoà tan trong nước và không khí, hơn nữa chúng thường không mùi, không vị làm cho việc phát hiện, đề phòng gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?