Ảnh hưởng của nợ xấu

tạo động lực cho người lao động

Ảnh hưởng đối với doanh nghiệp có nợ tồn đọng

Áp lực của một doanh nghiệp có nợ tồn đọng là vô cùng to lớn do các khoản nợ sẽ tạo ra những chi phí không mong đợi và sẽ ăn mòn dần vốn của doanh nghiệp. Trên thực tế lãi suất đối với khoản vay được gia hạn thường gấp 1,5 lần lãi suất cho vay làm cho chi phí đối với khoản vay của doanh nghiệp tăng lên, trong khi doanh nghiệp đã không trả được khoản lãi vay bình thường thì để trả khoản lãi phạt này dường như càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không chỉ vay vốn ở ngân hàng mà còn vay ở rất nhiều nơi khác, do đó khi một khoản vay được coi là khó trả thì dẫn đến hậu quả là các khoản vay còn lại cũng đều được coi là khó trả và lúc này doanh nghiệp không chỉ bận tâm về chủ nợ là ngân hàng mà phải đối mặt với tất cả các chủ nợ khác, mọi quyết định, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều bị tác động. Trên danh nghĩa thì chủ nợ không có quyền trong quyết định của doanh nghiệp, song đứng trước khả năng khoản nợ của mình không được trả chủ nợ cũng tìm mọi cách để giảm thiểu rủi ro này, bằng cách này hay cách khác, các chủ nợ không nhân nhượng trong việc thu hồi nợ, thậm chí có thể đẩy doanh nghiệp đến phá sản để thu hồi nợ.

Trong trường hợp này theo Luật Phá sản, khi một doanh nghiệp mất khả năng chi trả, doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản, vì vậy khả năng này hoàn toàn có thể xẩy ra. Dưới sức ép của ngân hàng, của các chủ nợ khác, doanh nghiệp buộc bị tuyên bố phá sản vì khi đó, họ được trả nợ trước, đó là biện pháp tốt đối với các chủ nợ để thu hồi nợ, nhưng hậu quả của việc phá sản doanh nghiệp là rất lớn. Chủ doanh nghiệp phá sản sẽ khó để có thể làm lại từ đầu khi mà các đối tác biết rằng người ấy là chủ một doanh nghiệp bị phá sản, toàn bộ công nhân viên của doanh nghiệp thất nghiệp, tạo gánh nặng cho gia đình và cho cả xã hội.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ xấu là một trong những cản trở trong tiến trình cổ phần hóa các DNNN, làm ảnh hưởng đến quá trình sắp xếp, cải tổ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của khu vực này, từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Ảnh hưởng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng

Ảnh hưởng của các khoản nợ xấu đến các TCTD là rất lớn, một tác động lớn đối với TCTD khi có nợ xấu là làm giảm hiệu quả tín dụng và làm tăng chi phí cho TCTD. Tỉ lệ nợ xấu là một trong những con số được đưa vào để tính hàng loạt chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng như: Nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, tỉ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu, tỉ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất. Hoạt động tín dụng kém hiệu quả cũng sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của ngân hàng. Không những thế các chi phí phát sinh do nợ xấu gây ra là rất lớn, nó bao gồm cả chi phí trả lãi tiền gửi, chi phí quản lí nợ xấu và các chi phí khác liên quan. Những chi phí này làm giảm thiểu đáng kể, thậm chí gây lỗ cho các ngân hàng khi hạch toán kết quả kinh doanh.

Nợ xấu tăng cao có thể dẫn đến tình trạng thua lỗ và giảm lòng tin của người gửi tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của TCTD. Tình trạng nợ xấu cao và kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ phá sản của TCTD, gây hậu quả không chỉ đối với bản thân TCTD đó mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng.

Xem thêm: Khái niệm nợ xấu

Một tác động khác của nợ xấu không thể không nói đến, đặc biệt là trong tình hình hiện nay là nợ xấu gây cản trở cho quá trình cổ phần hóa của các ngân hàng thương mại. Nợ xấu gây khó khăn trong quá trình định giá giá trị của ngân hàng, một khâu quan trọng để tham gia cổ phần hóa và điều này cũng làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thể chế thị trường đặt ra vấn đề cổ phần hóa các DNNN để có thể thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp cũng như tạo ra một nền kinh tế phát triển vững mạnh, tuy nhiên vấn đề cổ phần hoá hiện đang gặp khó khăn lớn do khâu định giá doanh nghiệp còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Thực tế cho thấy đối với các ngân hàng thương mại, tình trạng nợ xấu quá lớn chưa giải quyết được để loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Những ngân hàng này nếu không xử lí được khoản nợ khi cổ phần hoá sẽ làm nhà đầu tư e ngại do khi nắm giữ cổ phần. Điều đó cho thấy, nợ xấu là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng, từ đó có thể đánh giá được năng lực tài chính và hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các ngân hàng đó.

Nếu các khoản nợ xấu này lớn, tức là khả năng thu hồi các khoản nợ khách hàng của ngân hàng thấp. Do đó, ngân hàng phải dùng vốn để trang trải cho các khoản thất thoát này thì đến một chừng mực nào đó sẽ không thể thực hiện việc “xóa sổ” những khoản thất thoát này, ngân hàng có thể bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Ngân hàng là ngành kinh tế nhạy cảm, phụ thuộc vào lòng tin của khách hàng nên khi thông tin khả năng trả nợ ngân hàng là không chắc chắn, người gửi tiền sẽ đổ xô đi rút tiền làm ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản. Ngoài ra ngân hàng Trung ương của bất kì quốc gia nào cũng đều có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động một cách an toàn và ổn định. Vì nếu có sự thất thoát trong hoạt động tín dụng dù chỉ ở một ngân hàng và ở một mức độ nhất định nào đó cũng sẽ đe doạ tới sự an toàn và ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Ảnh hưởng đối với nền kinh tế

Mối quan hệ giữa ngân hàng – khách hàng – nền kinh tế là hết sức chặt chẽ. Theo đó, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế bởi khả năng khai thác và đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế bị hạn chế khi nợ xấu phát sinh và tồn đọng. Mặt khác nợ xấu phát sinh do khách hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) kém hiệu quả sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế do vốn ứ đọng, SXKD đình trệ. Sự phá sản của doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một cú sốc lớn đối với cả nền kinh tế. Thất nghiệp, bất ổn về an ninh, mất nguồn thu từ thuế hay thiếu sản phẩm đều là các yếu tố làm giảm GDP, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước khác. Nợ xấu ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp, cản trở việc cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN trong quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam.

Ngoài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nợ xấu còn gây tác động gián tiếp đến thu ngân sách, làm tăng rủi ro thâm hụt ngân sách Nhà nước và trầm trọng hơn các khoản nợ công.

Tóm lại, nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, các ngân hàng mà nợ xấu còn ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô như ngân sách Nhà nước và tăng trưởng nền kinh tế. Nợ xấu là một trong những yếu tố lớn cản trở dòng luân chuyển vốn, tác động đến sự ổn định tài chính và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, khi nợ xấu đủ lớn gây ách tắc trong hệ thống tài chính và nền kinh tế thì xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách để trả lại sự chu chuyển bình thường của dòng vốn trong hệ thống tài chính ngân hàng, cũng như tạo ra sự luân chuyển luồng vốn trong hệ thống nền kinh tế, tác động đến tăng trưởng và yếu tố xã hội. Xu thế hội nhập hiện nay cho thấy cần thiết phải nghiên cứu tỉ mỉ và cẩn thận vấn đề xử lý nợ xấu. Vấn đề nợ xấu lớn trong các Ngân hàng thương mại Việt Nam là một thách thức trên con đường hội nhập. Có xử lí được vấn đề này, năng lực cạnh tranh của các Ngân hàng thương mại mới được cải thiện. Nhất là từ sau năm 2010, các hạn chế, phân biệt giữa ngân hàng trong và ngoài nước bị xoá bỏ, chấm dứt sự bảo hộ ở nhà nước, các Ngân hàng thương mại đã thực sự đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hệ thống Ngân hàng thương mại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu cần được quan tâm, chú ý hơn.

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?