Khái niệm nợ xấu

Hiệu quả đầu tư phát triển

Nợ xấu hay nợ khó đòi thường được nhắc đến với các thuật ngữ “bad debt”, “non-performing loan” (NPL), “doubtful debt”. Thuật ngữ “bad debt” là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trên báo chí còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các chuyên gia thường sử dụng thuật ngữ “non-performing loans” (NPL), trong khi kế toán quốc tế lại hay dùng thuật ngữ “non-accrual loans” (theo hệ thống chuẩn mực kế toán của Mỹ US GAAP) hay “impaired loans” (theo Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 39). Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại khá nhiều khái niệm nợ xấu khác nhau. Có thể nhắc tới một số khái niệm nợ xấu như sau:

– Khái niệm nợ xấu của Ngân hàng Thế giới

Theo khái niệm của Ngân hàng Thế giới thì nợ xấu là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản.

Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc thường quá ba tháng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.

– Khái niệm của nhóm chuyên gia tư vấn Advisory Expert Group (AEG)

Nhóm chuyên gia tư vấn AEG của Liên Hợp Quốc cho rằng định nghĩa về nợ xấu không nên mang tính chất mô tả mà chỉ nên được sử dụng như hướng dẫn cho các ngân hàng. AEG thống nhất định nghĩa như sau: “Một khoản nợ được coi là nợ xấu khi quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày; hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thỏa thuận; hoặc các khoản phải thanh toán đã quá hạn dưới 90 ngày nhưng có lý do chắc chắn để nghi ngờ về khả năng khoản vay sẽ được thanh toán đầy đủ”. Nói cách khác, nợ xấu được xác định trên 2 yếu tố: quá hạn trên 90 ngày và khả năng trả nợ bị nghi ngờ.

Xem thêm: Khái niệm nợ

– Khái niệm nợ xấu của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS)

BCBS không đưa ra định nghĩa cụ thể về nợ xấu. Tuy nhiên, trong các hướng dẫn về các thông lệ chung tại nhiều quốc gia về quản lý rủi ro tín dụng, BCBS xác định, việc khoản nợ bị coi là không có khả năng hoàn trả khi một trong hai hoặc cả hai điều kiện sau xảy ra: Ngân hàng thấy người vay không có khả năng trả nợ đầy đủ khi ngân hàng chưa thực hiện hành động gì để cố gắng thu hồi; người vay đã quá hạn trả nợ quá 90 ngày [60]. Dựa trên hướng dẫn này, nợ xấu sẽ bao gồm toàn bộ các khoản nợ đã quá hạn trên 90 ngày và có dấu hiệu người đi vay không trả được nợ.

BCBS cũng đề cập tới các khoản vay bị giảm giá trị sẽ xảy ra khi khả năng thu hồi các khoản thanh toán từ khoản vay là không thể. Giá trị tổn thất sẽ được ghi nhận bằng cách giảm trừ giá trị khoản vay thông qua một khoản dự phòng và sẽ được phản ánh trên báo cáo thu nhập của ngân hàng. Như vậy, lãi suất của các khoản vay này sẽ không được cộng dồn và sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng tiền mặt thực tế nhận được.

– Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)

Chuẩn mực kế toán quốc tế về ngân hàng thường đề cập các khoản nợ bị giảm giá trị (impaired) thay vì sử dụng thuật ngữ nợ xấu (non-performing). Chuẩn mực kế toán IAS 39 được khuyến cáo áp dụng ở một số nước phát triển vào đầu năm 2005 chỉ ra rằng cần có bằng chứng khách quan để xếp một khoản vay có dấu hiệu bị giảm giá trị. Trong trường hợp nợ bị giảm giá trị thì tài sản được ghi nhận sẽ bị giảm xuống vì những tổn thất do chất lượng nợ xấu gây ra.

Về cơ bản IAS 39 chú trọng tới khả năng hoàn trả của khoản vay bất luận thời gian quá hạn chưa tới 90 ngày hoặc chưa quá hạn. Phương pháp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng thường là phương pháp phân tích dòng tiền tương lai chiết khấu hoặc xếp hạng khoản vay của khách hàng. Hệ thống này được coi là chính xác về mặt lý thuyết, nhưng việc áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nó vẫn đang được Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế chỉnh sửa lại trong Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.

– Khái niệm nợ xấu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Trong Hướng dẫn tính toán các chỉ số lành mạnh tài chính tại các quốc gia, IMF đưa ra định nghĩa về nợ xấu như sau: “một khoản vay được coi là nợ xấu khi quá hạn thanh toán gốc hoặc lãi 90 ngày hoặc hơn; khi các khoản lãi suất đã quá hạn 90 ngày hoặc hơn đã được vốn hóa, cơ cấu lại, hoặc trì hoãn theo thỏa thuận; khi các khoản thanh toán đến hạn dưới 90 ngày nhưng có thể nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng cho thấy người vay sẽ không thể hoàn trả nợ đầy đủ (người vay phá sản). Sau khi khoản vay được xếp vào danh mục nợ xấu, nó hoặc bất cứ khoản vay thay thế nào cũng nên được xếp vào danh mục nợ xấu cho tới thời điểm phải xóa nợ hoặc thu hồi được lãi và gốc của khoản vay đó hoặc thu hồi được khoản vay thay thế [68].

Từ những định nghĩa trên có thể thấy được sự tương đồng trong cách nhận thức về nợ xấu giữa các định chế tài chính trên thế giới. Theo đó, một khoản nợ được coi là nợ xấu khi xuất hiện 1 hoặc cả 2 dấu hiệu sau: (1) Quá hạn trả nợ gốc và lãi; (2) Khi khách hàng vay vốn bị tổ chức tín dụng (TCTD) hoặc ngân hàng coi là không có khả năng trả nợ. Bản chất của nợ xấu là một khoản tiền cho vay mà chủ nợ xác định không thể thu hồi lại được và bị xóa sổ khỏi danh sách các khoản nợ phải thu của chủ nợ. Đối với các ngân hàng, nợ xấu tức là các khoản tiền cho khách hàng vay, thường là các doanh nghiệp, mà không thể thu hồi lại được do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản. Nhìn chung, một doanh nghiệp luôn phải ước tính trước những khoản nợ xấu trong chu kỳ kinh doanh hiện tại dựa vào những số liệu nợ xấu ở kì trước.

Nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó có thể thấy được sức khỏe tài chính, kỹ năng quản trị rủi ro của TCTD đó. Nợ xấu tăng cao có thể dẫn đến TCTD bị thua lỗ và giảm lòng tin của người gửi tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của TCTD. Tình trạng này kéo dài sẽ làm TCTD bị phá sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Chính vì vậy, việc nhận diện nợ xấu và xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng trong tái cấu trúc hệ thống tài chính.

Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy: Nợ xấu là những khoản nợ quá hạn trả nợ trên 90 ngày và/hoặc được đánh giá là khó có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi.

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

4 thoughts on “Khái niệm nợ xấu

  1. Pingback: Ảnh hưởng của nợ xấu - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Hình thức xử lý nợ xấu - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  3. Pingback: Khái niệm thị trường mua bán nợ xấu - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  4. Pingback: Đặc trưng của hoạt động mua bán nợ xấu trên thị trường mua bán nợ xấu - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?