Mục lục
Vai trò của tín dụng chính sách
Thứ nhất, tín dụng chính sách là giải pháp thoát nghèo, đảm bảo ASXH.
Tín dụng chính sách giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách khác thoát nghèo, tăng thu nhập: Theo một báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) có chủ đề “Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới” thì tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010. WB đã đánh giá đây là con số thực sự ấn tượng, có sự đóng góp không nhỏ của chính tín dụng chính sách, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương sáng trong công cuộc giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân [20].
Mới đây, nhóm công tác TCVM Việt Nam đã thực hiện một khảo sát cho thấy: 90% đối tượng khảo sát bày tỏ sự hài lòng của mình khi vay vốn tín dụng chính sách vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu bản thân họ. Tín dụng chính sách mang vốn đến tận xã, nơi gần kề với người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, họ được ưu đãi về điều kiện vay, thủ tục vay…v.v. Mức cho vay thấp cũng vừa tầm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách vì hơn ai hết họ cũng là những khách hàng cảm thấy yên tâm với lượng vốn đó khi sử dụng và cũng yên tâm khi trả nợ gốc, lãi cho đơn vị thực hiện tín dụng chính sách. Con số 90% sự hài lòng khi vay vốn tín dụng chính sách đã được các tổ chức TCVM khảo sát chưa thể nói lên tất cả nhưng phần nào chứng tỏ được nhu cầu rất lớn của nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách [3].
Đa số người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Tín dụng chính sách có thể chưa cung cấp được hết (đến 100%) người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn nhưng cũng đã đáp ứng được đa số cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội. Tín dụng chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và các đối tượng chính sách vào đúng thời điểm cần thiết nhất, giúp họ khởi tạo SXKD, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu, giúp họ thoát nghèo, đảm bảo ASXH dù việc này còn cần thời gian [8].
Hiện nay, tại Việt Nam, tín dụng chính sách cung cấp dịch vụ tài chính nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách theo phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá” để họ tiến hành hoạt động SXKD, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh nhỏ. Đồng thời, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tránh, giảm rủi ro về kinh tế và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. Trong khi thu nhập không tự động tăng lên, nguồn vốn vay đáng tin cậy không cần tài sản thế chấp ban đầu là cơ sở nền tảng cho việc lên kế hoạch khởi động sản xuất, mở rộng kinh doanh, cộng thêm phối hợp với các ngành để hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm [8].
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Đặc điểm tín dụng chính sách[/message]Tín dụng chính sách giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách tạo dựng tài sản, cải thiện môi trường và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục: Quy luật kinh tế chứng minh rằng khi đã có thu nhập thì con người sẽ nghĩ đến cách sử dụng thu nhập đó. Có nhiều hình thức sử dụng, tuy nhiên với người nghèo và các đối tượng chính sách tại Việt Nam đại đa số hướng đến tích lũy tài sản, tiết kiệm. Ngoài ra, nếu được định hướng, họ có thể vay vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai, vật nuôi hoặc cải tạo nhà ở.
Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo và các đối tượng chính sách thay vì phải chạy ăn từng bữa để tồn tại, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai. Lúc đó, họ sẽ có nhiều điều kiện để quan tâm đến cải thiện điều kiện, môi trường sống, và đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ y tế, giáo dục…
Tín dụng chính sách góp phần bình đẳng giới: Thực tế tại Việt Nam cho thấy đại bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách đa số sống ở khu vực nông thôn, nơi khó khăn để có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội. Những năm gần đây, tín dụng chính sách đã chứng minh được vai trò của nó trong việc góp phần thực hiện bình đẳng giới. Trong xã hội ta, ở đâu đó, nhất là khu vực nông thôn vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn là người chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm. Họ là người chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương ngay tại gia đình mình. Tiếp cận tín dụng chính sách, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn đã có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội. Khi đã có thu nhập hơn, có tài sản tích lũy cũng là khơi thông tư tưởng, giúp họ hiểu được quyền của mình trong gia đình và cộng đồng xã hội [3].
Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo hiệu quả xã hội: Hoạt động tín dụng thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Trong một nghiên cứu của WB công bố trên trang Global Findex – cơ sở dữ liệu tài chính toàn cầu, năm 2011 ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng họ có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn [8]. Nhiều khi để giải quyết nhu cầu tài chính của mình họ phải tự xoay xở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người nghèo buộc phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn. Chính vì vậy, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đến với người nghèo và đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã mở ra cánh cửa thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho họ và được họ đánh giá cao. Một tầng lớp không nhỏ khi được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng nghĩa với việc hiệu quả xã hội được nâng lên.
Thứ hai, tín dụng chính sách góp phần vào sự phát triển kinh tế.
Tín dụng chính sách làm tăng hiệu quả kinh tế: Tín dụng chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách để SXKD, cải thiện đời sống…Tín dụng chính sách còn thực hiện cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Thực tế, tại vùng nông thôn cũng như vùng khó khăn, kinh tế hộ gia đình chiếm đại đa số. Khi những hộ gia đình là hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã ý thức được việc cần vốn đầu tư phát triển kinh tế thì việc tín dụng chính sách rất cần thiết đối với họ. Gia đình là tế bào của xã hội, kinh tế hộ gia đình phát triển chắc chắn mang lại KTXH phát triển. Do đó, giải quyết chính sách tín dụng đối với các đối tượng này góp phần vào sự phát triển KTXH. Các doanh nghiệp hoạt động SXKD dựa trên vốn chủ sở hữu và vốn vay. Một doanh nghiệp, sau vốn chủ sở hữu là tập trung vốn vay để phát triển SXKD. Mặc dù mức cho vay tối đa của tín dụng chính sách không lớn và có thể không đáp ứng được đủ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng ở những khu vực khó tiếp cận với tín dụng thương mại thì tín dụng chính sách cũng là nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả. Hơn nữa, để có thể vay vốn được từ ngân hàng thì các doanh nghiệp cần phải nâng cao uy tín của mình đối với ngân hàng, đảm bảo được các nguyên tắc tín dụng. Muốn vậy, trong các dự án kinh doanh của mình, doanh nghiệp phải chọn dự án có mức sinh lãi cao nhất. Để các dự án khả thi, doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường khai thác thông tin để định lượng hoạt động kinh doanh của mình có hiệu quả. Điều đó làm tăng hiệu quả kinh tế của dự án, phương án.
Mặt khác, một trong những quy định tín dụng của ngân hàng là khâu giám sát sử dụng vốn vay. Với việc giám sát này của ngân hàng, bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, phải nhạy bén với những thay đổi của thị trường, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng nông thôn mới: Hiện nay, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tuy vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng nhìn chung, khu vực này đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong đời sống người dân đặc biệt người nghèo. Được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi cho khu vực này đặc biệt tín dụng chính sách về tận thôn, bản, gắn bó với người dân nghèo trong phát triển kinh tế. Tín dụng chính sách góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; góp phần tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn.
Thứ ba, tín dụng chính sách góp phần ổn định chính trị đất nước.
Tín dụng chính sách được thực hiện là một chính sách hợp ý Đảng, lòng dân, góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị. Người nghèo và các đối tượng chính sách vẫn là một tầng lớp chiếm đại đa số trong xã hội mà không được quan tâm thường dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Do đó, tín dụng chính sách đã góp phần giác ngộ tư tưởng cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Khi tiếp cận được tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, chuyên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống sẽ góp phần đảm bảo ổn định chính trị.
Thứ tư, Tín dụng chính sách làm cầu nối và tạo điều kiện phát huy chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị – xã hội
Các tổ chức CTXH ở Việt Nam thống nhất giữa mặt chính trị và xã hội. Điều này thể hiện sự tập hợp đoàn kết các lực lượng quần chúng đông đảo để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức CTXH của giới nữ, có nhiệm vụ đoàn kết, vận động, tổ chức hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức CTXH của giai cấp nông dân, vận động giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của nông dân.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức CTXH, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên tích cực tham gia và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức CTXH tập hợp tầng lớp thanh niên, đội hậu bị của Đảng, thu hút thế hệ trẻ vào các hoạt động xã hội bổ ích, lành mạnh.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao trong hoạt động CTXH, khi tham gia quản lý tín dụng chính sách đã phát huy chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức CTXH.
Vốn tín dụng chính sách đã làm cầu nối để các tổ chức CTXH phát huy vai trò của mình đã được Đảng và Chính phủ giao trong việc gắn kết, kêu gọi các hội viên tham gia vào một hoạt động xã hội bổ ích đó là sử dụng vốn vay hiệu quả, phát huy được hiệu quả đồng vốn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đảm bảo ASXH.
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH cũng là một hoạt động mang tính CTXH. Khi thực hiện vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo, các đối tượng chính sách đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm và gắn kết hoạt động của các ngành, các cấp, chính quyền và các tổ chức CTXH từ cơ sở đến trung ương. Trong thực tế, thông qua việc bình xét cho vay vốn, và quá trình thành lập các tổ TK&VV trong hoạt động tín dụng chính sách tại NHCSXH, các tổ chức CTXH đã phát huy được vai trò đoàn thể của mình, giúp đỡ thiết thực để người nghèo vươn lên vượt qua đói nghèo.
Thực hiện vốn tín dụng chính sách, người nghèo, các đối tượng chính sách đã có điều kiện sinh hoạt qua các tổ chức CTXH nên các phong trào hoạt động của các tổ chức CTXH được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, thông qua hoạt động tín dụng chính sách, các tổ chức CTXH có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, làm cho sinh hoạt Hội, đoàn thể có nội dung phong phú hơn, có thể lồng ghép được các hoạt động chính trị khác, góp phần tiết giảm chi phí xã hội.
Phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức CTXH đã phát huy được những điểm mạnh của một bên là quản lý ngân hàng – tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay và thu hồi vốn vay theo quy định; một bên là các tổ chức CTXH có mạng lưới ở tất cả các địa bàn, cùng góp sức tuyên truyền chủ trương, chính sách; bình xét cho vay; đưa vốn tín dụng ưu đãi, hướng dẫn, giám sát sử dụng vốn hiệu quả với mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn…
Từ đó khẳng định, tham gia thực hiện tín dụng chính sách với NHCSXH không chỉ đem lại lợi ích cho NHCSXH mà còn mang lại hiệu quả hoạt động cho các tổ chức CTXH. Do đó, có thể khẳng định vốn tín dụng NHCSXH làm cầu nối và tạo điều kiện phát huy chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức CTXH.
Thứ năm, Tín dụng chính sách góp phần tăng cường vai trò quản lý của Chính quyền địa phương
Hoạt động tín dụng của NHCSXH thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ Trung ương đến các địa phương, có HĐQT và Ban đại diện HĐQT gồm chính quyền, đại diện một số ban ngành tham gia. Theo đó, hoạt động của NHCSXH góp phần tăng cường vai trò quản lý của chính quyền địa phương. Thông qua việc tham gia quản lý tín dụng chính sách, chính quyền địa phương phát huy tích cực hơn vai trò quản lý các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa tại địa phương. Vốn tín dụng được chuyển tải đúng đối tượng, vốn được giám sát ngay tại cơ sở sử dụng đúng mục đích, gắn liền với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn hội viên biết cách làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm chi phí hoạt động cho vay.
Thứ sáu, Tín dụng chính sách góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng trong cả nước
Các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước đặc biệt vùng dân tộc và miền núi đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Nhiều vùng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường đã hình thành và từng bước phát triển, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc trong cả nước; góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Ngoài các chương trình tín dụng chính, NHCSXH còn thực hiện các chương trình tín dụng nhằm vào những đối tượng cụ thể theo vùng, miền theo từng giai đoạn. Cụ thể, chương trình tín dụng thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình tín dụng cho vay đối tượng đi XKLĐ tại huyện nghèo, cho vay xây chòi tránh lũ ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, cho vay trả chậm nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tùy đặc trưng vùng miền, Chính phủ có các chương trình hỗ trợ, từ đó NHCSXH thực hiện tín dụng chính sách nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay những đối tượng ở những vùng này nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng.
Nhìn chung, vai trò tín dụng chính sách đối với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo ASXH, phát triển kinh tế và ổn định chính trị là điều hiển nhiên nhưng nó không bao giờ được coi là điều kiện đủ. Tín dụng chính sách chỉ được coi là một trong rất nhiều điều kiện cần thiết để phân bổ nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định CTXH.
Vai trò của tín dụng chính sách
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT