Vai trò của ODA trong phát triển công trình giao thông

công cụ thị trường mở

Vai trò của ODA trong phát triển công trình giao thông

Thứ nhất: ODA có vai trò bổ sung cho nguồn vốn thiếu hụt trong nước để phát triển hệ thống công trình giao thông.

Để có thể phát triển được công trình GTVT đồng bộ và hiện đại cần có một khối lượng vốn khổng lồ. Tuy nhiên, đa số các nước đang phát triển như Việt Nam, do nội lực trong nước còn hạn hẹp nên nguồn vốn trong nước không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1993 – 2001, với tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khoảng 16 tỷ USD thì có tới 52% vốn đầu tư được huy động từ vốn ngoài nước, chủ yếu là ODA, Ngân sách nhà nước tham gia khoảng 46%, còn lại là vốn huy động bằng các hình thức khác. Giai đoạn 2002 – 2010, dự báo nhu cầu đầu tư cho giao thông trên dưới 789.977 ngàn tỷ đồng, trong đó ước các khoản ODA sẽ huy động được khoảng 40%, tương đương 315.990 ngàn tỷ đồng (20,386 tỷ USD). Trong giai đoạn tiếp theo, từ 2011 – 2020, dự báo nhu cầu đầu tư cho phát triển giao thông khoảng 1.329.388 ngàn tỷ đồng, trong đó ước các khoản ODA sẽ huy động được là khoảng 32%, tương đương 425.404 ngàn tỷ đồng (27,445 tỷ USD). Rõ ràng, khi nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về vốn đầu tư cho giao thông càng lớn. Nguồn vốn trong nước không đủ sức bù đắp sự thiếu hụt vốn đầu tư phát triển công trình giao thông. Do đó, nguồn vốn ODA ngày càng giữ một vị trí quan trọng.

Bên cạnh đó, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ODA để phát triển công trình giao thông có lợi hơn hẳn so với việc tạo vốn bằng hình thức vay thương mại để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; bởi vì, vốn ODA là khoản cung cấp có nhiều ưu đãi với mục tiêu trợ giúp các nước đang phát triển. Tính ưu đãi của ODA cao hơn bất cứ hình thức tài trợ nào khác. Tính chất ưu đãi của các khoản vay này thể hiện ở các khía cạnh như lãi suất thấp, thời hạn vay dài (30 năm – 40 năm), có thời gian ân hạn từ khi vay đến khi trả vốn gốc lần đầu, thường khoảng 10 năm trở lên. Thông thường ODA có một phần là viện trợ không hoàn lại (tức là cho không). Yếu tố không hoàn lại cộng với cho vay ưu đãi thường chiếm ít nhất 25%. Vì vậy, đối với các nước đang phát triển việc tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế dưới hình thức ODA để phát triển công trình giao thông là rất quan trọng.

Thứ hai: ODA đầu tư cho giao thông giúp các nước nhận tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại.

Đầu tư cho hệ thống giao thông luôn đòi hỏi những công nghệ tiên tiến. Khi tiến hành đầu tư công trình giao thông, việc áp dụng tốt công nghệ tiên tiến sẽ vừa rút ngắn được thời gian thi công công trình, nhanh đưa công trình giao thông đó vào sử dụng vừa mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất rõ rệt. Bên cạnh đó, việc áp dụng các thành tựu công nghệ tiến tiến tự thân nó làm giảm giá thành đầu tư, tiết kiệm các nguồn lực.

Thực tế cho thấy, nền tảng kỹ thuật – công nghệ của Việt Nam còn kém phát triển. Khi bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ công nghệ rất lạc hậu. Dựa vào các chương trình, dự án tiếp nhận ODA đầu tư cho giao thông, chúng ta có thể tiếp thu nhanh chóng những công nghệ tiên tiến mà nếu chỉ sử dụng vốn công nghệ trong nước thì không thể hoàn thành được công trình hoặc tiến độ hoàn thành rất chậm. Tiêu biểu cho việc tiếp thu thành tựu công nghệ hiện đại trong thi công công trình giao thông nhờ vào việc tiếp nhận ODA là: Công nghệ hàn ray trong cải tạo hệ thống đường sắt Việt Nam; công nghệ đúc hẫng với khẩu độ dầm cầu lớn; công nghệ khoan cọc nhồi thiết diện lớn; công nghệ cầu dây văng đối xứng trong các dự án xây dựng cầu… Những công nghệ tiên tiến đó không chỉ phục vụ tốt cho việc thực hiện thi công tại các dự án ODA mà sau đó đã trở thành một nguồn vốn công nghệ quý báu để Việt nam thực hiện công trình giao thông khác bằng nguồn lực tài chính của quốc gia.

Ngoài ra, việc sử dụng vốn ODA có kèm theo việc cung cấp thiết bị và vật liệu độc lập cũng giúp các nước tiếp nhận ODA tiếp cận được với những phương tiện thi công hiện đại, những loại vật liệu mới từ đó từng bước nâng cao trình độ kỹ thuật, cải tiến kết cấu vật liệu rút ngắn thời gian thi công ở công trình khác.

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, công nghệ mà các nước tiếp thu được không chỉ có nghĩa là chuyển giao từng mục, từng phần công nghệ mà là chuyển giao toàn bộ tri thức về các mặt kinh tế, kỹ thuật, tài chính và xã hội để chuẩn bị cho một dự án đầu tư phát triển có thể thành công. Một phần rất quan trọng trong đó là công nghệ quản lý một dự án đầu tư công trình giao thông, từ khâu chuẩn bị đến việc triển khai thực hiện dự án cho đến khi thanh quyết toán. Nhờ tiếp thu được cách thức quản lý này, các dự án đầu tư công trình giao thông sử dụng vốn ODA đều đảm bảo được tiến độ thực hiện với chất lượng được đánh giá cao.

Thứ ba: ODA đầu tư cho giao thông giúp các nước tiếp nhận ODA đào tạo nguồn nhân lực

+ Các dự án về huấn luyện, đào tạo chuyên môn nhằm tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước nhận hỗ trợ. Các dự án này có thể được thực hiện tại các nước hoặc tổ chức cung cấp ODA hoặc ngay tại nước tiếp nhận. Trong khuôn khổ dự án, nhà tài trợ sẽ tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo chuyên môn cho các cán bộ ở nước tiếp nhận ODA, như Việt Nam, tham gia dự án, giúp họ có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ của mình trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

+ Chương trình về cử chuyên gia nhằm giúp các nước đang phát triển thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thông qua đó các cán bộ dự án của nước tiếp nhận ODA được tiếp xúc với các quy trình làm việc tiên tiến, học hỏi ở các chuyên gia tác phong làm việc, sự hiểu biết và các vấn đề kỹ thuật chuyên môn. Các cán bộ đã từng làm việc ở các dự án ODA sau này đều trở thành những người có trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và tác phong làm việc rất hiệu quả.

Những lợi ích này thật khó có thể lượng hóa được tuy nhiên đây chính là những lợi ích căn bản, lâu dài mà ODA đem lại cho các nước nhận tài trợ.

Thứ tư: Sử dụng tốt ODA sẽ tạo đà kích thích các nguồn vốn khác trong phát triển công trình giao thông.

Sử dụng tốt ODA trong phát triển hệ thống công trình giao thông hiện đại sẽ tạo đà kích thích và thu hút các nguồn vốn, đặc biệt là vốn trong nước (Vốn ngân sách nhà nước, vốn dân cư) tham gia phát triển công trình giao thông, nhất là giao thông nông thôn và các bộ phận nhánh của giao thông đường bộ có vốn đầu tư thấp. Từ đó thúc đẩy hình thành và phát triển nhanh chóng mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội của mọi miền.

Thứ năm: Nhờ có việc thu hút và sử dụng có hiệu quả ODA vào phát triển công trình giao thông sẽ tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người lao động.

Vai trò này của ODA được đánh giá trên hai góc độ: Một là, việc triển khai dự án xây dựng công trình giao thông bằng nguồn vốn ODA sẽ tạo ra việc làm trong chính dự án đó. Hai là, khi công trình giao thông được hoàn thành sẽ tạo thị trường, thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển kinh doanh, dịch vụ trên các vùng lãnh thổ mới, từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Việc này còn đồng nghĩa với việc các dự án giao thông sử dụng vốn ODA đã góp phần tích cực thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền.

Mặc dù ODA đóng vai trò quan trọng và rất cần thiết trong phát triển KT – XH nói chung, trong phát triển công trình giao thông nói riêng, song cũng cần nhận thức rằng: ODA không phải là cho không. ODA là khoản cung cấp có vay có trả, gắn với những ràng buộc của nước, tổ chức cung cấp viện trợ. Nhiều trường hợp, nước phát triển đã sử dụng ODA như một công cụ chính trị, xác định vị trí, ảnh hưởng của mình tại các nước và các khu vực tiếp nhận ODA của họ.

Trong Báo cáo nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới (1999) các tác giả đã đặt vấn đề: Vậy thì, viện trợ khi nào có tác dụng, khi nào không? Và họ đã khẳng định: “Ở những giai đoạn và địa điểm khác nhau, viện trợ nước ngoài hoặc rất hiệu quả, hoặc hiệu quả ở mức độ nào đó… Đôi khi lại thất bại hoàn toàn” [36, tr. 2].

Vì vậy, việc tiếp nhận nhiều hơn và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả ODA là một bài toán không dễ có ngay lời giải. Các nhà quản lý và các đơn vị sử dụng vốn ODA cần có những chính sách và hành động cụ thể nhằm phát huy được những thế mạnh, hạn chế nhiều nhất những ảnh hưởng bất lợi của ODA, có như vậy mới đạt được mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Vai trò của ODA trong phát triển công trình giao thông

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?