Tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên

Tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, là một trong bảy vùng kinh tế – sinh thái của nước ta hiện nay. Toàn vùng có 61 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 thành phố (Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Kon Tum, Bảo Lộc), 4 thị xã và 52 huyện; 722 đơn vị hành chính cấp xã gồm 77 phường, 48 thị trấn và 597 xã; 7.394 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 2.764 buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã “đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng”(1).

Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Trong 10 năm, giá trị tổng sản phẩm (GDP) tăng 2,8 lần, với mức tăng trưởng bình quân 11,9%/năm. Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước đã thu hẹp khoảng cách rất nhanh.

Hiện nay, Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, với những sản phẩm chủ lực có nhu cầu thị trường cao như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy, phục vụ trực tiếp công nghiệp chế biến và tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Công nghiệp tuy chưa phát triển mạnh so với mục tiêu, nhưng đã thay đổi lớn cả về quy mô và chất lượng sản xuất; xuất hiện một số ngành công nghiệp mới như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu. Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch đều phát triển khá nhanh; giữ được vai trò chi phối của thành phần kinh tế nhà nước. Hoạt động xuất khẩu từng bước mở rộng thị trường và tăng dần xuất khẩu trực tiếp. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội có bước phát triển. Hệ thống đường sá đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông – Tây. Hệ thống thủy lợi từng bước được xây dựng, nâng năng lực tưới lên gấp ba lần so với năm 2001, đáp ứng 60% nhu cầu tưới của toàn vùng.
Cùng với chính sách chung phát triển miền núi trong cả nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Nguồn lực đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Riêng các chính sách đặc thù và các chương trình mục tiêu quốc gia từ 2001 – 2010 đã đầu tư trên 14 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,93% tổng chi ngân sách nhà nước của toàn vùng (chưa kể các nguồn đầu tư và hỗ trợ khác của Nhà nước và cộng đồng xã hội). Đến nay, hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói vươn lên khá và trung bình. Nhiều nơi hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm; định hình được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của đồng bào.

Kết cấu hạ tầng nông thôn nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện đáng kể. Trên 85% số buôn làng dân tộc thiểu số tại chỗ định canh định cư vững chắc. Đường giao thông nông thôn đã đến hầu hết các buôn làng, kể cả vùng sâu, biên giới. Số buôn làng có điện lưới quốc gia; số hộ được dùng điện, nước sạch không ngừng tăng. Hệ thống trường lớp mở rộng đến buôn làng với phương châm có dân sinh là có trường lớp. Chính sách cử tuyển và ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên được thực hiện với khả năng cao nhất. Nhận thức về giáo dục, chăm sóc sức khỏe trong nhân dân chuyển biến rõ nét. Đời sống văn hóa ở buôn làng từng bước được cải thiện. Đã xây dựng hàng nghìn nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông văn hóa; thực hiện chủ trương cấp miễn phí báo, tạp chí, tặng máy thu hình, thu thanh. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương đã phát ổn định với thời lượng khá lớn bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số. Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian; phục hồi văn hóa cồng chiêng, biên soạn luật tục dân tộc; khuyến khích bảo tồn văn hóa dân tộc.

Tuy đạt được những thành tựu to lớn, nhưng Tây Nguyên vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Đây vẫn là địa bàn nhạy cảm và phức tạp về an ninh chính trị. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1975 đến nay, Tây Nguyên luôn là địa bàn trọng điểm chống phá của thực dân, đế quốc, các thế lực thù địch, phản động. Chúng tìm mọi cách để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, gây chia rẽ Kinh – Thượng… hòng thực hiện những mưu đồ đen tối.

Về phương diện kinh tế – xã hội, Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, chậm phát triển so với nhiều vùng trong cả nước. Một yếu tố khách quan không thuận lợi là Tây Nguyên ở xa các trung tâm kinh tế lớn; xuất phát điểm đi lên thấp và thiếu nguồn lực đồng bộ, đủ mạnh để đầu tư phát triển. Do vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ; hệ thống đường sá thiếu và chất lượng thấp. Hệ thống thủy lợi và hạ tầng các khu cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống dân cư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Các tiềm năng, lợi thế về đất, rừng, tài nguyên khoáng sản mặc dù rất lớn nhưng mới tập trung khai thác chiều rộng, chưa khai thác chiều sâu để phát huy hiệu quả. Công tác quản lý sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là quy hoạch phát triển thủy điện và giải quyết vấn đề rừng, lâm nghiệp chưa tốt, đã tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của toàn vùng.

Nhiều vấn đề xã hội còn nổi lên bức xúc, nhất là đất đai và không gian sinh sống của các buôn làng. Qua nhiều giai đoạn, do chúng ta xử lý vấn đề này chưa tốt, cộng với áp lực của dân di cư tự do, áp lực từ các dự án kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, các công trình thủy điện… đã làm cho không gian sinh sống của của các buôn làng bị thu hẹp. Đến nay, qua nhiều năm nỗ lực giải quyết bằng nhiều chính sách nhưng vẫn còn hàng chục nghìn hộ thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các bộ phận dân cư.

Trình độ dân trí hạn chế cũng là lực cản đối với quá trình phát triển. Hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa trình độ học vấn của đồng bào thấp, tỷ lệ người không biết chữ còn nhiều; kiến thức về pháp luật, sản xuất, đời sống, văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường… còn thấp; tập quán sản xuất và tiêu dùng lạc hậu. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa phát triển được “xã hội học tập”; chất lượng giáo dục quá thấp so với mặt bằng chung; công tác đào tạo, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Do sự tác động của cơ chế thị trường nên việc đầu tư vào sự nghiệp văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa chưa được chú trọng; đời sống văn hóa tinh thần nhiều nơi yếu kém; chưa có một hệ thống thiết chế văn hoá – thông tin đồng bộ ở xã, buôn làng. Việc phát triển các hình thức nghệ thuật, văn hóa quần chúng để người dân thưởng thức ngày càng khó khăn. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật chưa đến được với dân; công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật xuống cơ sở kém hiệu quả.

Tình hình dân di cư tự do chưa được giải quyết cơ bản càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của Tây Nguyên. Các tỉnh như Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng còn hàng chục nghìn hộ di cư tự do cần tái định cư nhưng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình ổn định dân di cư tự do hàng năm quá ít, không thể đầu tư hạ tầng đồng bộ đưa dân vào vùng quy hoạch. Vì vậy, ở các tỉnh hiện còn hàng nghìn hộ phải sống tạm bợ, một số ở sâu trong các khu rừng, thường xuyên bị ngập lụt, đời sống khó khăn, đói nghèo, phá rừng, săn bắn trái phép, có nơi gây tranh chấp đất đai với dân tại chỗ, nhất là trong vùng đồng bào Mông. Về lâu dài vẫn chưa có một giải pháp toàn diện để giải quyết triệt để vấn đề di cư tự do.

Những khó khăn trên đặt ra cho Tây Nguyên nhiều vấn đề cấp thiết. Bộ Chính trị xác định trong giai đoạn tới phải tập trung “xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc. Nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững” (2). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua và nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc.

Để thực hiện mục tiêu trên, có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, về lâu dài cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế vùng trong cả nước, trong đó có vùng Tây Nguyên. Nhưng trước hết phải coi xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội là ưu tiên hàng đầu, là động lực của sự phát triển; nhất là đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, phát triển hệ thống thuỷ lợi, nhân rộng mô hình thuỷ lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi chia cắt, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh. Xem xét lại các quy hoạch phát triển thủy điện gắn với bảo vệ môi trường; đa dạng hóa phương thức đầu tư¬ kinh doanh phát triển thủy điện để có lợi cho người dân trong vùng dự án.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tổng hợp nghề rừng, tổ chức khai thác tốt diện tích rừng hiện có, bảo đảm yêu cầu về tái sinh rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm. Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa các chính sách, pháp luật, xây dựng hệ thống quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng, tạo động lực lâu dài cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Xem giữ rừng là vấn đề chiến lược kinh tế trong chiến lược chung về quốc phòng, an ninh lâu dài ở Tây Nguyên.

Đặc biệt trong sự phát triển chung hiện nay phải xác định quan điểm lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm. Các dân tộc thiểu số đã hy sinh rất nhiều cho cách mạng, đóng góp nhiều vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và ổn định, phát triển vùng Tây Nguyên từ sau năm 1975 đến nay. Do đó, trong chính sách đối với Tây Nguyên sắp tới phải coi sự ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của toàn vùng và là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Kinh – Thượng. Cần phải có quan điểm, chính sách, giải pháp đúng đắn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào; coi trọng tính đặc thù, đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán dân tộc khi giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể.

Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; bảo đảm cho tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả mùa nắng lẫn mùa mưa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu. Sớm tổ chức điều tra toàn diện về tình hình sản xuất, đời sống của các buôn làng, từ đó xây dựng các chính sách và giải pháp tổng thể nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nông hộ, mở mang các ngành nghề phi nông nghiệp với sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước để từng bước đưa sản xuất thoát ra khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hòa nhập vào kinh tế thị trường. Tiến hành kiểm kê thực trạng sử dụng đất của đồng bào để có hướng giải quyết một cách căn bản lâu dài, bảo đảm cho đồng bào sống được và làm chủ mảnh đất của mình.

Có những chính sách và giải pháp cần thiết để nâng cao trình độ dân trí, năng lực quản lý xã hội và kỹ năng phát triển kinh tế cho cán bộ và đồng bào các dân tộc. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số; xây dựng đời sống văn hóa và nâng mức hưởng thụ văn hóa của người dân; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học – kỹ thuật vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào trong việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.

Tiếp tục xác định quan điểm đúng đắn về sự tồn tại của cộng đồng dân di cư tự do đến Tây Nguyên là đã trở thành dân cư của Tây Nguyên. Từ đó, xác định trách nhiệm tập trung chăm lo sản xuất và đời sống cho đồng bào; xây dựng quy hoạch và tuyên truyền, tổ chức đưa dân vào vùng quy hoạch. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và từng bước hình thành các thôn, làng, cụm, điểm dân cư; bảo đảm các điều kiện cần thiết theo hướng lâu dài và toàn diện để giúp các cộng đồng dân di cư tự do hòa nhập với sự phát triển của Tây Nguyên./.

—————————————–
(1), (2) Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2020

Tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?