Mục lục
Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế
Trong quá khứ đã có rất nhiều nghiên cứu điều tra mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI và tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy mối quan hệ giữa dòng vốn FDI và tăng trưởng kinh tế là khá phổ biến. FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hai hướng: trực tiếp và gián tiếp, trong đó tác động gián tiếp của FDI đến tăng trưởng kinh tế còn gọi là tác động lan tỏa. Các nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp và cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Một số nghiên cứu đề cập việc đo lường tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế nói chung theo cách tác động trực tiếp, trong khi những nghiên cứu khác lại tập trung nghiên cứu tác động của FDI đối với hoạt động sản xuất, thương mại quốc tế, đầu tư địa phương theo hướng tác động lan tỏa.
1. Tác động của FDI đối với hoạt động sản xuất
FDI sẽ tác động vào hoạt động sản xuất từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều này xuất phát từ lập luận cho rằng các công ty đa quốc gia sở hữu công nghệ sản xuất tiên tiến nên sẽ “kích thích” nâng cao trình độ kỹ thuật – công nghệ trong nước. Thật vậy, quá trình cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới mình, nâng cao trình độ sản xuất để có thể tồn tại trên thương trường, nhất là khi họ muốn đối đầu với những công ty đa quốc gia. Ngoài ra, các công ty đa quốc gia thường sử dụng kỹ thuật quản lý hiện đại để tối đa hóa trong sử dụng các nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, do đó thu hút các công ty đa quốc gia sẽ tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực bằng cách nâng cao năng suất, thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, FDI góp phần cải thiện kỹ năng lực lượng lao động địa phương, hỗ trợ sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)[/message]Theo Hong (1997), trong nghiên cứu điều tra (giai đoạn 1970-1990) tại Hàn Quốc về vai trò của vốn đầu tư nước ngoài và vay thương mại trong thúc đẩy tăng năng suất đã cho thấy hiệu ứng dòng chảy của vốn đầu tư nước ngoài tốt đối với năng suất hơn so với vay thương mại. Hơn nữa, nghiên cứu nhấn mạnh rằng khu vực tư nhân ở Hàn Quốc đã thành công trong việc thu hút vốn nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thăm dò dầu khí, điện tử và ngành công nghiệp nặng.
Blomström and Kokko (1996) đã đề cập đến vai trò tốt các công ty đa quốc gia trong việc tăng năng suất sản xuất ở Kenya, đặc biệt là đóng góp của họ trong thúc đẩy công nghệ tiên tiến đối với các công ty địa phương. Các kết quả tương tự cũng đã đạt được trong các nghiên cứu tại Cameroon (Ghura, 1997) và tại Cộng hòa Séc (Djankov and Hoekman, 2000).
Tuy nhiên, bên cạnh những nghiên cứu cho thấy tác động tốt của FDI đến năng suất một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng FDI đã tác động không rõ ràng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, ví dụ như nghiên cứu của Blomström and Kokko (1996); Kokko et al. (1996); Hansen and Rand (2006); Blalock and Gertler (2008).
2. Tác động của FDI đối với thương mại quốc tế
Nhiều công ty đa quốc gia đạt được hiệu quả kinh doanh thông qua việc quảng cáo, tiếp thị và bán các sản phẩm sử dụng thương hiệu uy tín. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập của các công ty này vào thị trường nước ngoài. Ngày nay, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế mới theo quy định của WTO, tuy nhiên hầu hết các sản phẩm từ các nước đang phát triển không đáp ứng các tiêu chuẩn này. Vai trò của FDI rất quan trọng trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết để cạnh tranh trong thị trường toàn cầu và cũng để nâng cao chất lượng sản xuất trong nước.
Một số nghiên cứu đã điều tra mối quan hệ giữa FDI và thương mại quốc tế. Chen and Chang (1995) tìm thấy mối quan hệ tốt giữa vốn FDI vào Trung Quốc và xuất khẩu của Trung Quốc. Aitken et al. (1997) nhấn mạnh tác động tốt của các công ty đa quốc gia đến các công ty địa phương thông qua lợi ích nhận được từ quá trình cung cấp các dịch vụ cho các công ty đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân phối. Đối với Thái Lan, quốc gia này đã đạt được tăng trưởng bình quân hàng năm 12,6% từ năm 1989 đến năm 1992, thành tựu này không thể không nói đến sự đóng góp của các công ty đa quốc gia trong việc thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là trong các sản phẩm điện tử (Hoekman et al., 1996). Lutz et al. (2003) kiểm tra hiệu ứng lan tỏa của FDI lên xuất khẩu và kết quả nghiên cứu đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về tác động lan tỏa xuất khẩu từ FDI. Đối với Việt Nam, trong nghiên cứu của Anwara and Nguyen (2011) từ dữ liệu bảng của 19 đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2007 cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa xuất khẩu, nhập khẩu và dòng vốn FDI. Theo đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã góp phần gia tăng đáng kể cho cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Những nghiên cứu khác đã tập trung vào nghiên cứu tác động của FDI vào tăng trưởng kinh tế bằng cách nghiên cứu chiến lược phát triển ở nước đó là chiến lược nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hay hạn chế, thay thế nhập khẩu. Nghiên cứu của Balasubramanyam et al. (1996) xem xét tác động của FDI vào tăng trưởng kinh tế ở nước sở tại liên quan đến sự thay đổi trong chiến lược sản xuất. Ông thừa nhận rằng đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước sở tại tùy theo loại hình chiến lược sản xuất và ông kết luận rằng chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sẽ thu hút dòng vốn FDI, từ đó gia tăng xuất khẩu góp phần tăng trưởng kinh tế. Kết quả phân tích của Alvarez and Lo’pez (2008) cũng cho thấy xúc tiến xuất khẩu là một chiến lược đặc biệt hữu ích vì nó góp phần tác động lan tỏa năng suất. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực lên năng suất sẽ tốt khi và chỉ khi các chi phí chìm liên quan đến xuất khẩu nhỏ hơn đáng kể so với hiệu ứng lan toả tốt.
3. Tác động của FDI đối với đầu tư địa phương
Khi nghiên cứu về tác động của FDI đến tăng trưởng, bên cạnh nghiên cứu tác động của FDI đến sản xuất, thương mại quốc tế, một vấn đề quan trọng không kém là nghiên cứu tác động của FDI đến đầu tư trong nước theo xu hướng FDI và đầu tư trong nước hỗ trợ hay thay thế nhau. Một số nghiên cứu đã điều tra mối quan hệ này với kết quả thu được là khác nhau. Trong một nghiên cứu ở Nhật Bản, Bayoumi and Lipworth (1997) thấy rằng vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ vốn đầu tư địa phương chứ không phải là thay thế nó. Năm 2003, Kim and Seo đã nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI, đầu tư trong nước và tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc bằng cách sử dụng dữ liệu quý giai đoạn 1985–1999, và áp dụng một số kỹ thuật chuỗi thời gian (mô hình VAR). Phát hiện của họ đã không hỗ trợ việc FDI lấn át đầu tư trong nước tại Hàn Quốc. Ngược lại, Fedderke and Romm (2006), với dữ liệu chuỗi thời gian (1960-2003) ở Nam Phi, cho thấy rằng FDI tác động hỗ trợ đầu tư trong nước trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn thì không. Gần đây, Tang et al. (2008) bằng cách sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian quý giai đoạn 1988-2003 đã phát hiện FDI có hiệu ứng bổ sung cho đầu tư trong nước của Trung Quốc thông qua phổ biến công nghệ.
Tóm lại, các nghiên cứu trên cho thấy có nhiều kết luận khác nhau về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế. Vai trò của FDI thể hiện khác nhau giữa các quốc gia, có thể là tốt, xấu, hoặc không đáng kể. Tác động này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thể chế và công nghệ trong nền kinh tế của nước chủ nhà. Ngay cả trong một quốc gia, kết luận vẫn chưa rõ ràng đối với các khoảng thời gian khác nhau trong quá trình quan sát và phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, nhìn chung dòng vốn FDI luôn được xem là một yếu tố quan trọng có tác dụng hỗ trợ nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, xuất khẩu… đặc biệt, tác động lan tỏa đã góp phần rất lớn trong tăng trưởng và phát triển kinh tế các quốc gia đang phát triển.
Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT