Mục lục
Sự cần thiết của việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử
1. Do yêu cầu thực hiện khối lượng công việc tăng lên nhanh chóng
Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa, dịch vụ XNK, phương tiện vận tải, hành khách xuất nhập cảnh ra vào nước ta, số lượng thương nhân tham gia hoạt động XNK và số lượng tờ khai XNK đều tăng theo hàng năm. Theo dự báo chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm tới các chỉ tiêu này sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể:
– XK hàng hóa tăng trưởng bình quân 11-12%/năm trong thời kỳ 2011-2020. Trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 11/%/năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030 (nguồn Bộ Công Thương).
– NK hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 10-11%/năm trong thời kỳ 2011-2020. Trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân dưới 11%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân dưới 10/%/năm (nguồn Bộ Công Thương).
– Số lượng hành khách XNC bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển theo chỉ tiêu phát triển ngành Du lịch: Năm 2015 thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tăng trưởng khách quốc tế 8,4%/năm. Năm 2020 thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế; tăng trưởng khách quốc tế là 7%/năm. Năm 2025 thu hút 14 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng tương ứng 6%. Năm 2030 thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng tương ứng 5,2% (nguồn Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
– Số lượng, chủng loại phương tiện vận tải XNC: theo dự báo đến năm 2015 sẽ vào khoảng 900.000 lượt, tăng trung bình 10% năm. (Nguồn Cục CNTT và Thống kê HQ)
– Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK: Theo dự báo, đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp sẽ vào khoảng 100.000 doanh nghiệp và đến năm 2020 sẽ là 150.000 doanh nghiệp. (Nguồn Cục CNTT và Thống kê HQ)
– Số lượng TK hàng hóa XNK: Theo dự báo, đến hết năm 2015, tổng số TK hàng hóa XNK sẽ vào khoảng 2,5 triệu tờ khai (trong đó: XK khoảng 1,2 triệu TK và NK khoảng 1,3 triệu TK). (Nguồn Cục CNTT và Thống kê HQ)
– Ngày 28/12/2011,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2471/2011/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD, cán cân thương mại được cân bằng.
– Chiến lược đã đề ra ba nhóm mục tiêu cụ thể, gồm:
– Một là, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 – 12%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030.
– Hai là, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hoá bình quân 10 – 11%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân dưới 11%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân dưới 10%/năm.
– Ba là, phấn đấu giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 – 2030.
– Chiến lược cũng nêu định hướng xuất khẩu chung gồm: Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
* Định hướng phát triển ngành hàng:
– Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung): Có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.
– Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp): Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
– Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu): Phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
– Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác): Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
* Định hướng phát triển thị trường:
– Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
– Phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, khu vực và tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
– Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
– Tổ chức xây dựng và từng bước phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
– Định hướng về cơ cấu thị trường đến năm 2020: châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 46%, châu Âu khoảng 20%, châu Mỹ khoảng 25%, châu Đại Dương khoảng 4% và châu Phi khoảng 5%.
* Định hướng nhập khẩu
– Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
– Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường.
– Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu.
Nhằm đạt được những mục tiêu nói trên, Chiến lược cũng đã vạch ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện gồm:
– Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế: gồm Phát triển sản xuất công nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp.
– Phát triển thị trường;
– Chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu;
– Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động dịch vụ logistics;
– Đào tạo phát triển nguồn nhân lực;
– Kiểm soát nhập khẩu;
– Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng.
2. Do yêu cầu quản lý của Nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp
Trước yêu cầu phát triển đất nước, đòi hỏi ngành HQ phải nâng cao năng lực quản lý để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế của Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới, ngăn chặn các giao dịch thương mại bất hợp pháp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, lợi ích người tiêu dùng, an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường.
Hoạt động quản lý Nhà nước về HQ phải đảm bảo thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động XNK, đầu tư, du lịch, dịch vụ v.v… Cụ thể: thủ tục HQ phải đơn giản, công khai, minh bạch; thông quan nhanh, giảm thiểu chi phí cho DN; cung cấp thông tin nhanh chóng, công khai; cân bằng giữa quản lý và phục vụ.
3. Do yêu cầu hội nhập và xu hướng phát triển của Hải quan quốc tế
Trong giai đoạn hiện nay, với xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới đặc biệt là việc gia nhập sâu, rộng vào tổ chức WTO, Việt Nam cần phải thực hiện các yêu cầu, các cam kết với các nước, các tổ chức đã tham gia, ký kết như APEC, ASEAN, WTO v.v… Những công việc mà ngành HQ phải thực hiện là đơn giản hóa thủ tục HQ theo công ước Kyoto sửa đổi, thực hiện việc xác định trị giá hải quan theo Hiệp định trị giá GATT, thực hiện Công ước hệ thống mô tả hài hòa và mã hóa hàng hóa (công ước HS), thực hiện cam kết liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa (Hiệp định TRIPs), đảm bảo hệ thống pháp luật về hải quan đầy đủ, thống nhất, rõ ràng và công khai, phù hợp với các cam kết quốc tế, thực hiện nghiêm chỉnh, bình đẳng cho mọi đối tượng. Việc thực hiện thủ tục hải quan chứng tỏ thiện chí, nỗ lực tích cực của Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu của các tổ chức này, vì lợi ích quốc gia và quốc tế.
Xu thế phát triển của hải quan quốc tế ngày nay là ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý một cách có hiệu quả. Việc ứng dụng thủ tục hải quan điện tử là con đường phát triển của hầu hết các nước và là yêu cầu của HQ quốc tế trong xu hưóng toàn cầu hóa.
4. Sự phát triển của thương mại quốc tế về cả nội dung lẫn hình thức
Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của thương mại và dịch vụ quốc tế, khối lượng công việc của Hải quan các quốc gia ngày càng gia tăng một cách đáng kể. Ngày càng xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ và kinh doanh thương mại mới đòi hỏi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan HQ phải thích nghi đáp ứng. Một trong những loại hình đó là thương mại điện tử. Chỉ trong vài thập niên lại đây, thương mại điện tử đã có tốc độ phát triển rất cao và theo dự báo nó sẽ tiếp tục thống trị nền kinh tế thế giới trong suốt thế kỷ XXI. Chính vì vậy, áp dụng thủ tục hải quan điện tử vừa là việc làm bắt buộc, vừa là xu thế chung của Hải quan Việt Nam và các nước.
Xu hướng tự do hóa, toàn cầu hóa thương mại quốc tế, yêu cầu cơ quan hải quan các quốc gia phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương mại, dịch vụ hợp pháp hoạt động và phát triển. Với mục tiêu đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu tối đa chi phí trong quá trình làm thủ tục, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, ngày nay các quốc gia đã không ngừng cải tiến thủ tục hải quan sao cho vừa đơn giản, vừa phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế, vừa đảm bảo công tác quản lý. Một trong những phương thức mà các nước trên thế giới đã và đang áp dụng đó là thực hiện thủ tục HQĐT. Đây là phương thức tiên tiến, hiện đại phù hợp với quá trình phát triển chung của thế giới.
5. Do yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành Hải quan
Trước tình hình thế giới có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, bên cạnh những nhiệm vụ truyền thống, hải quan các nước còn có thêm nhiệm vụ chống khủng bố, chống rửa tiền, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội v.v… Trong điều kiện nguồn nhân lực của Hải quan là có hạn, đứng trước yêu cầu trên, đòi hỏi cơ quan Hải quan các quốc gia phải cải cách và hiện đại hóa hải quan. Một trong những nội dung cốt lõi của hiện đại hóa Hải quan là thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Như vậy, thực hiện thủ tục hải quan điện tử vừa là yêu cầu nội tại của các quốc gia vừa là đòi hỏi của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ các nước đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, coi thủ tục hải quan điện tử như là một nội dung cơ bản, thiết yếu của HQ hiện đại, góp phần trực tiếp, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và kinh tế đất nước phát triển.
Trong tình hình trên, với biên chế có hạn, chỉ vào khoảng 12.000 người (tính đến tháng 6/2013), nguồn nhân lực của ngành Hải quan không thể tiếp tục tăng mãi theo tốc độ gia tăng công việc và nếu như có tăng cũng không thể quản lý được một cách hiệu quả. Chính vì vậy, một vấn đề đặt ra cho ngành Hải quan là phải thay đổi tư duy về phương pháp quản lý. Thay đổi từ phương thức thủ tục hải quan truyền thống sang phương thức thủ tục hải quan điện tử, áp dụng phương pháp QLRR vào trong hoạt động của Hải quan, thay thế dần phương thức quản lý theo từng lô hàng XNK tại cửa khẩu sang quản lý thông tin toàn bộ quá trình hoạt động XNK của doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phân loại doanh nghiệp dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu có sẵn từ cơ quan Hải quan và thu thập được để có phương pháp quản lý cho phù hợp; hướng doanh nghiệp vào quỹ đạo chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động XNK.
Theo Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015 ban hành theo Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
– Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
– Nhiệm vụ trọng tâm cải cách, phát triển và hiện đại hoá giai đoạn 2011-2015 của Ngành Hải quan Việt Nam:
+ Thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo các nội dung sau: Triển khai việc tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest); Xử lý dữ liệu thông quan điện tử (e-Clearance); Thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment); Tiếp nhận, trao đổi thông tin giấy phép và C/O điện tử (e-C/O và e-Permit) với các cơ quan liên quan.
+ Triển khai Đề án Quản lý rủi ro, trong đó trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro cả trước, trong và sau thông quan.
+ Xây dựng các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm) theo quy hoạch được duyệt; đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra giám sát (máy soi container, máy soi hành lý, hệ thống camera giám sát, bộ công cụ hỗ trợ…).
+ Triển khai chương trình Doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và điều kiện đặc thù của Việt Nam.
+ Xây dựng và vận hành hệ thống Chỉ số đánh giá hoạt động của ngành.
Mô hình quản lý mà ngành hải quan Việt Nam xây dựng sẽ là mô hình quản lý Hải quan hiện đại, tập trung thống nhất được xây dựng trên nền tảng CNTT với các nội dung: tập trung xử lý thông tin ở cấp Tổng cục và các Cục Hải quan; công nghệ quản lý dựa trên kỹ thuật QLRR; sử dụng tập trung và có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Để xây dựng mô hình này, việc nghiên cứu, học tập mô hình các nước là việc làm cần thiết. Nó giúp chúng ta tiếp thu được các kinh nghiệm của các nước đi trước, tránh được những thất bại đồng thời có thể rút ngắn được khoảng cách với các nước. Xuất phát từ mục tiêu phát triển, nguồn lực hiện tại, đặc điểm tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… đề tài chỉ tập trung nghiên cứu tình hình thực hiện thủ tục hải quan điện tử của một số nước ở vùng Đông Nam Á và Đông Á. Trong thời gian qua, bản thân người viết và các đồng nghiệp có cơ hội tham gia các hội thảo về mô hình thủ tục hải quan điện tử của một số nước như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc với các chuyên gia đến từ các quốc gia có mô hình hải quan điện tử. Vì vậy, những thông tin thu thập được từ lý thuyết lẫn thực tế đã giúp cho bản thân người viết có thêm kiến thức để vận dụng vào đề tài này.
Sự cần thiết của việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Vai trò của thủ tục hải quan điện tử - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ