Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

nguồn nhân lực

Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

Trong “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010” Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện rõ quan điểm: Phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, có hiệu quả những sản phẩm, ngành, lĩnh vực mà nước ta có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng nhanh năng suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng [9]. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế phân tích, ngành công nghiệp nước ta mặc dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong những năm qua, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với tốc độ. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng công nghiệp là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, là hai khái niệm của một vấn đề có quan hệ ràng buộc nhau. Nếu như tốc độ tăng trưởng công nghiệp phản ánh bề ngoài của quá trình tăng trưởng công nghiệp, thể hiện mức độ số lượng lớn nhỏ, nhanh chậm, của việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp thì chất lượng tăng trưởng lại mang tính chất định tính, nó phản ánh nội dung bên trong của quá trình tăng trưởng công nghiệp.

Với cách tiếp cận ấy, nhiều quan điểm cho rằng để nâng cao được chất lượng tăng trưởng công nghiệp đòi hỏi phải: Phát huy được lợi thế so sánh nhằm tăng nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng và đẩy mạnh xuất khẩu; Không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; tăng nhanh được năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ áp dụng có hiệu quả công nghệ khoa học tiến bộ để hiện đại hóa quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Đồng thời, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển công nghiệp và môi trường, đời sống con người…

Nói như vậy là hoàn toàn đúng. Nhưng trong điều kiện ràng buộc bởi các nguồn lực, việc thực hiện đồng thời các vấn đề này là vô cùng khó khăn. Nghiên cứu sinh cho rằng, có lẽ cách tiếp cận từng bước (step-by-step) lựa chọn giải quyết các vấn đề ưu tiên sẽ dễ mang lại kết quả hơn.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm về tăng trưởng kinh tế[/message]

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao trong một giai đoạn khá dài, vì vậy diện mạo quốc gia đã thay đổi một cách rõ rệt. Chúng ta cũng đang thực hiện tốt một trong các mục tiêu lớn của công cuộc CNH, HĐH là cải thiện đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, lấp dần hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là sứ mệnh này có thể được duy trì trong bao lâu khi mà dấu hiệu “phình to” của đỉnh tháp tăng trưởng và các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng rõ rệt. Vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam hơn bao giờ hết cần được quan tâm đúng nghĩa. Gần đây, các chương trình nghị sự, nhiều hội nghị khoa học và dư luận trong nước đã và đang luận bàn nhiều đến vấn đề này.

Đối với các quốc gia phát triển thông qua con đường công nghiệp hóa, sản xuất công nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất, tạo động lực chính đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam cũng vậy, công nghiệp tăng trưởng cao sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra tiền đề vật chất đảm bảo nâng cao nhịp độ phát triển đất nước, đẩy mạnh CNH-HĐH. Từ năm 2000 đến nay, công nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, hơn 15%/năm trong giai đoạn 2001-2008 [6]. Năm 2010 ước tính chiếm 33,29% tỷ trọng toàn nền kinh tế, tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động (chưa tính lao động thời vụ và hộ gia đình) [7]. Tuy vậy, liệu tăng trưởng của CNVN đã thực sự có “chất”?

Cùng với sự phát triển công nghiệp là những nguy cơ lớn về sự vấy bẩn môi trường và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong vài năm gần đây, nhiều quan điểm cho rằng tăng trưởng công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo đời sống xã hội như là những điều kiện tiên quyết cho chất lượng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Luồng quan điểm này đã có tác động mạnh đến hàng loạt các quyết sách kinh tế vĩ mô, một loạt các quy định về môi trường theo tiêu chí cao (EU) đã được áp dụng trong quá trình xem xét các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trên thực tế, điều này lại là tác nhân làm cản trở tốc độ tăng trưởng công nghiệp.

Tất nhiên, chúng ta sẽ không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Đánh đổi môi sinh lấy tốc độ tăng trưởng cao không phải là bài toán đặt ra. Vậy thì sự cân bằng nào giữa ba yếu tố: tốc độ tăng trưởng cao, tiêu chí môi trường cao và an sinh xã hội là tối ưu? Có nhiều lúc chúng ta đồng nhất hai khái niệm là phát triển bền vững và chất lượng tăng trưởng. Rõ ràng tăng trưởng có chất lượng mới đảm bảo phát triển bền vững. Hay nói khác đi, chất lượng tăng trưởng là một thành tố của phát triển bền vững chứ không hoàn toàn là phát triển bền vững. Nếu vậy thì phải chăng chúng ta nên có cái nhìn bớt “trọng tâm” hơn đối với tiêu chí môi trường trong chất lượng tăng trưởng CNVN.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nghiên cứu sinh cho rằng “Công nghiệp trước hết phải duy trì tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao trong dài hạn, đảm bảo tối thiểu các yêu cầu về môi trường để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. Chúng ta sẽ không thể thực hiện các vấn đề công bằng và an sinh xã hội nếu như thiếu đi các nguồn lực vật chất. Trong từng thời kỳ phát triển nhất định, các nước đã và sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần của mục tiêu môi trường sạch thay vì sự phát triển của công nghiệp. Các nước đang phát triển nói chung, sẽ khó biến giấc mơ về một nền kinh tế tăng trưởng cao đồng hành trong một môi trường xanh – sạch thành hiện thực.

Thời gian gần đây, đã có nhiều nghiên cứu lựa chọn các tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, một số công trình đã đưa ra nhiều tiêu chí đánh giá ở cả ba khía cạnh là kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng mục tiêu phát triển bền vững một nền kinh tế là ý chí của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các nước đang phát triển nói chung đang và sẽ phải chấp nhận việc đưa ra những quyết sách có tính đến sự đánh đổi vì nguồn lực và tiềm lực có hạn. Cụ thể hơn, trong trường hợp Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ sự ưu tiên trong lựa chọn tiêu chí.
Những phân tích trên đã thể hiện rõ, để đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam nói chung, một ngành công nghiệp nói riêng, cần phải giới hạn những tiêu chí trong khung phân tích cần thiết, mặc dù điều này có thể làm giảm độ chính xác của đánh giá. Chúng ta đã quen với cách đặt ra quá nhiều tiêu chí để nói rằng tăng trưởng công nghiệp thế nào mà tỷ lệ thất nghiệp không giảm, lạm phát không ổn định và có xu hướng tăng, đời sống không mấy được cải thiện và tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp… điều này thể hiện rõ nét ở hàng trăm tiêu chí của mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Như đã đề cập, các nước phát triển thường đánh giá chất lượng tăng trưởng theo ba nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí kinh tế, nhóm tiêu chí môi trường và nhóm tiêu chí xã hội. Tầm quan trọng của ba nhóm này là ngang nhau, thậm chí ở một số nước Bắc Âu, họ đề cao hơn vai trò của các tiêu chí phản ánh môi trường và chất lượng cuộc sống. Vậy Việt Nam thì sao? Có lẽ cần phải tìm ra sự khác biệt trong quan niệm và hành động so với các nước giàu.

Sự đánh đổi giữa tốc độ tăng trưởng và công bằng là trải nghiệm của nhiều nước phát triển. Bài học lớn đó cho chúng ta nhận thức rằng không nhất thiết phải lựa chọn sự tăng trưởng theo kiểu đánh đổi giữa tốc độ và công bằng. Trước đây, Việt Nam đã có thời kỳ quá chú trọng đến công bằng thông qua nhiều chính sách và sắc luật khác nhau. Tuy nhiên, hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài đến hiện tại khi mà các chính sách tưởng chừng tạo động lực thúc đẩy phát triển không phát huy hiệu quả, mà ngược lại là sự cản trở cho sự phát triển trong thời gian dài.

Trong điều kiện nước ta, chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp thông qua việc tập trung đầu tư vào một số ngành được coi là đầu tàu, ngành mũi nhọn để làm đòn bẩy phát triển kinh tế, qua đó xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia vì sự thắng thế của đất nước trong dài hạn cần được ưu tiên hơn. Nếu không, e rằng sẽ vô cùng khó có sự đột phá và chúng ta sẽ mãi đi sau. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều đó, không còn cách nào khác, chúng ta phải chấp nhận sự phân hoá giàu nghèo và tình trạng vấy bẩn môi trường ở một chừng mực nhất định trong một giai đoạn nhất định. Hàn Quốc đã từng phát triển theo mô hình này. Sau 20 năm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nặng mà chúng ta vẫn gọi là công nghiệp nền tảng như luyện kim (sản xuất thép), cơ khí, điện… họ mới xử lý xong vấn đề ô nhiễm môi trường ở sông Hàn. Trung Quốc và một số nước trong khu vực cũng đang phát triển theo mô hình có dáng dấp tương tự, và trong một thời gian dài đã có nhiều lo ngại về những hệ lụy vì đi ngược lại với nhiều tiêu chí của phát triển bền vững. Vấn đề còn lại là thiết kế một thiết chế quản lý chặt chẽ các đối tượng sản xuất công nghiệp từ thượng nguồn đến hạ nguồn của quá trình sản xuất.

Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 bình luận về “Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam

  1. Pingback: Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?