Quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

dịch vụ viễn thông

Quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã xác định: Điện tử là ngành công nghiệp tiềm năng, sản phẩm của sự kết tinh công nghệ cao, là ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển “thế hệ công nghiệp thứ hai” làm nền tảng cho sự chuyển dịch sang “thế hệ công nghệ thứ ba” [35]. Khi mà hiệu ứng xuất khẩu sản xuất điện tử của các nước công nghiệp có sức lan tỏa lớn cộng với nhu cầu tiêu dùng thực tiễn, vai trò của ngành điện tử lại càng được khẳng định một cách khách quan.

Công nghiệp điện tử Việt Nam xuất hiện từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX nhưng chỉ thực sự hình thành vào cuối những năm 80 và dần hoàn thiện đầu năm 2000 khi luồng đầu tư nước ngoài vào ngành điện tử bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa. Sự bùng nổ của nhu cầu về hàng điện tử và sự cần thiết phải phát triển ngành công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội dưới tác động của tăng trưởng kinh tế là những luận cứ cơ sở cho một thị trường sôi động và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể tóm lược quá trình phát triển ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam qua hai giai đoạn sau:

Giai đoạn 1975-1990: xây dựng và phát triển trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp

Năm 1975 sau khi đất nước thống nhất ta đã tiếp quản một số xí nghiệp điện tử ở phía Nam. Phần lớn các xí nghiệp này sản xuất hàng điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty Nhật Bản như Sony, National, Sanyo…và vài xí nghiệp sửa chữa nhỏ. Các xí nghiệp này cùng với một số xí nghiệp ở miền Bắc đã hình thành nền công nghiệp điện tử non trẻ của Việt Nam vào thời kỳ này.

Ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã nhận rõ tầm quan trọng của Công nghiệp điện tử nên đã có chủ trương phát triển ngành công nghiệp này. Ngày 3/10/1975 Chính phủ đã có quyết định số 316-TTg về việc thành lập Tiểu ban phát triển Công nghiệp điện tử trực thuộc Chính phủ. Ngay sau đó Tiểu ban này đã bắt tay vào soạn thảo “Phương hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam” và văn kiện này đã được hoàn tất trong năm 1976. Cùng với việc kịp thời đề ra các chủ trương chính sách để phát triển CNĐT, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh phía Nam khẩn trương khôi phục và nhanh chóng đưa vào sản xuất các xí nghiệp điện tử vừa tiếp quản để lắp ráp các sản phẩm điện tử dân dụng phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời xây dựng thêm một số nhà máy mới sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử phục vụ cho các xí nghiệp lắp ráp đang rất khó khăn vì mất nguồn phụ tùng linh kiện từ bên ngoài. Các nhà máy Z181 sản xuất dụng cụ bán dẫn; Điện tử Bình Hoà sản xuất điện trở, tụ điện; Điện tử Tân Bình sản xuất loa, tụ xoay, mạch in… đã được xây dựng. Các xí nghiệp này không những đã kịp thời cung cấp phụ tùng linh kiện cho các xí nghiệp lắp ráp mà còn xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Vào cuối thập kỷ 80, mặc dù hoạt động trong cơ chế kế hoạch hoá bao cấp rất khó khăn, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã được hình thành với nòng cốt là Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam, tuy còn nhỏ bé nhưng đã sản xuất được một số loại phụ tùng linh kiện cơ bản và lắp ráp sản phẩm phục vụ kịp thời cho nhu cầu trong nước đang tăng lên và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đầu những năm 90, khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, Công nghiệp điện tử Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng: mất nguồn cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng linh liện và mất thị trường xuất khẩu. Không có thị trường, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, các xí nghiệp điện tử lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Một số xí nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, một số chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác. Công nghiệp điện tử Việt Nam vừa hình thành đã phải đối mặt với những thử thách hết sức khắc nghiệt.

Giai đoạn 1990 – nay: xây dựng và phát triển trong cơ chế thị trường Từ đầu những năm 1990, với chủ trương đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển động mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường. Chính phủ đã có những chính sách đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu chế xuất, khu công nghiệp nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và ngành Công nghiệp điện tử.

Ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam hiện tại chỉ thực sự phát triển sau năm 1994 với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc ba thành phần kinh tế: các doanh nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp quốc doanh đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các hãng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty điện tử nổi tiếng của các nước đã vào Việt Nam liên doanh với các doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở sản xuất. Cơ chế và môi trường hoạt động mới đã tạo động lực cho ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam hồi phục và khởi sắc. Với chính sách đầu tư thông thoáng, sự hấp dẫn của thị trường nội địa hơn 80 triệu dân và nguồn nhân lực dồi dào, Công nghiệp điện tử là một trong những ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất (gần 2 tỉ USD tính đến hết năm 2003). Theo đó, ngành đã đạt được những kết quả nền tảng quan trọng, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới:

– Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt từ 20-30%. Nhóm sản phẩm điện tử dân dụng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1991-1995 (35%); nhóm sản phẩm phụ tùng linh kiện tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1995- 2000 (30-45%) [29]; nhóm sản phẩm CNTT tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2000-2009 (30-50%).

– Đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước về các loại sản phẩm điện tử dân dụng, điện lạnh và máy tính. Tổng sản lượng Công nghiệp điện tử trong nước tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây: năm 1996 mới đạt 4 ngàn tỉ VNĐ, năm 2005 đã đạt hơn 68 ngàn tỷ VNĐ và năm 2009 đạt hơn 179 ngàn tỷ VNĐ (theo giá hiện hành).

– Sản phẩm điện tử trong nước có mặt ở hơn 50 nước trong khu vực và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng 16 lần trong vòng 10 năm. Năm 1996 bắt đầu xuất khẩu và kim ngạch đạt 90 triệu USD, năm 2004 xuất khẩu 1 tỉ 75 triệu USD; năm 2005 đã xuất khẩu được 1,5 tỉ USD, năm 2009 đạt hơn 3 tỷ USD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là phụ tùng linh kiện và máy tính.

Hơn 20 năm phát triển, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã trải nghiệm nhiều biến động. Thị trường hàng điện tử phát triển nhanh thể hiện ở bản thân các thực thể tham gia thị trường và sự cải tiến không ngừng của thể chế nhưng chứa đựng khá nhiều nghịch lý, thể hiện qua những điểm nhấn sau:

– Thị trường điện tử mới, sôi động và tốc độ phát triển khá cao

Từ một số ít các xí nghiệp lắp ráp điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty điện tử Nhật Bản như SONY, NATIONAL, SANYO… của những năm 70, đến cuối năm 2008 Việt Nam đã có 909 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kinh doanh các mặt hàng này. Chủng loại sản phẩm, phương thức sản xuất kinh doanh được đa dạng hóa với tốc độ cao, điển hình ở các mặt hàng điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp và máy tính.

Đánh giá về thị trường điện tử Việt Nam, các chuyên gia cho rằng tiềm năng khai thác là rất lớn bởi phần dung lượng thị trường còn lại; 2/3 tổng số gần 18 triệu gia đình chưa có các thiết bị nghe nhìn, tủ lạnh, máy giặt; tổng giá trị thiết bị tin học còn quá nhỏ, chiếm khoảng 0,3% GDP thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực của nền kinh tế; và thị trường thiết bị điện tử công nghiệp gần như đang bỏ ngỏ với sự tham gia của số ít công ty nước ngoài.

– Thị trường chuyển từ cạnh tranh mua sang cạnh tranh bán

Vào đầu những năm 90, cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, theo đó nhu cầu tiêu dùng hàng điện tử và các thiết bị tin học mới với nhiều tính năng hiện đại hơn ngày càng tăng lên. Mặt khác, nguồn cung cấp hàng hóa trên thị trường trong nước chưa lớn và chưa thực sự đa dạng do hạn chế về năng lực sản xuất lắp ráp và nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Đây là nguyên do cơ bản dẫn đến bối cảnh sôi động nhưng có phần nghịch lý, cạnh tranh mua thay vì cạnh tranh bán. Chính vì vậy, đã có không ít nhà sản xuất nhận định thiếu đầy đủ thực trạng này nên đã nhập khẩu ồ ạt SKD và IKD để lắp ráp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tình thế của thị trường. Có nét tương đồng với ngành công nghiệp ô tô và xe máy, số lượng các công ty liên doanh trong ngành điện tử tăng lên rất nhanh. Theo dự báo, nhu cầu hàng điện tử – tin học sẽ tăng với tốc độ chậm dần do sức mua thực tế ngày càng giảm, trong khi đó số lượng hàng cung cấp đã vượt quá xa so với nhu cầu. Hơn nữa, một số lượng lớn hàng nhập mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam dưới nhiều kênh phân phối khác nhau. Giá cả các mặt hàng điện tử giảm một cách đáng kể là hệ lụy của chuỗi các hoạt động thiếu quy hoạch và chiến lược của ngành nói chung và các doanh nghiệp điện tử nói riêng. Theo quy luật điều tiết của thị trường, thị trường hàng điện tử lại xuất hiện sự “hỗn loạn” thiếu hệ thống trong sự cạnh tranh khốc liệt của người bán mà các dấu hiệu lạc quan của ngành điện tử trong thời gian này vẫn chưa hề xuất hiện.

– Phôi thai ý tưởng xây dựng thương hiệu Việt Nam

Từ hình thức nhập khẩu SKD sang nhập khẩu IKD, các doanh nghiệp trong nước đã hình thành ý tưởng chiến lược xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam. Chiến lược này là cột mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành điện tử khi mà bối cảnh toàn cầu hóa đang bắt đầu hình thành đồng nghĩa với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và minh bạch. Nó tạo ra bước chuyển mình quan trọng, tạo nền tảng cho sự xuất hiện và phát triển các cơ sở lắp ráp chuyên dụng, tiếp cận công nghệ mới để học tập & sáng tạo tiến tới xóa bỏ khoảng cách với các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử như Viettronic Thủ Đức, Biên Hòa, Đống Đa, Tân Bình, Hanel là những minh chứng thực tiễn cho kết quả của luồng đầu tư mới này thông qua quá trình đầu tư những dây chuyền mới như hệ thống lắp ráp linh kiện tự động, lắp ráp bề mặt…

Các doanh nghiệp này cũng đã chú trọng quá trình nội địa hóa sản phẩm từ việc phát triển các khâu của quá trình sản xuất, phát triển các phân đoạn giá trị trong chuỗi giá trị của một sản phẩm như; nghiên cứu phát triển, thiết kế, chuẩn bị sản xuất (nguyên liệu, linh kiện, thiết bị nhập khẩu) đến sản xuất và phân phối sản phẩm. Đồng thời, họ đã tận dụng được sức mạnh công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua chiến lược hợp tác để xây dựng các thương hiệu, điển hình là VTB, BELCO.

Đây là giai đoạn phát triển rất quan trọng của ngành điện tử Việt Nam bởi nó thể hiện được những tư duy và luồng ý tưởng mới từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong khi thể chế và khung pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện và có tính khuyến khích. Tuy vậy, thực tế đang chứng minh quá trình nội địa hóa các sản phẩm điện tử Việt Nam vẫn đang bị tác động, đúng hơn là bị chi phối bởi các công ty nước ngoài bởi trình độ công nghệ sản xuất của ngành điện tử Việt Nam, dù dưới hình thức nào cũng vẫn còn quá xa so với các nước trong khu vực khi mà ngành CNHT chưa phát triển.

– Mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường liên kết sản xuất quốc tế nhưng các sản phẩm điện tử Việt Nam vẫn chưa có lối ra

Những năm gần đây, ngành điện tử Việt Nam đã hòa mình với ngành điện tử khu vực và thế giới, đã trở thành một bộ phận của thị trường sản phẩm điện tử quốc tế thông qua các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Các sản phẩm điện tử trên thế giới đã tràn vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau: nhập khẩu chính thức linh kiện và bộ linh kiện, nhập khẩu chính thức các sản phẩm nguyên chiếc, và các sản phẩm do các liên doanh nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế kinh doanh, khung pháp lý và một số chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp điện tử, ngành điện tử Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt; số lượng doanh nghiệp đầu tư mới, giá trị sản xuất công nghiệp, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chất lượng sản phẩm cũng như các yếu tố khác như mẫu mã, tính năng và giá cả. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế với hơn 70% doanh thu nội địa và gần 90% kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, về bản chất, thành tựu của sự tăng trưởng chưa thuộc về các doanh nghiệp điện tử trong nước. Có một số nguyên nhân cơ bản dễ nhận diện nhưng khó khắc phục là: đây là ngành sản xuất đòi hỏi phải có đầu tư lớn với công nghệ hiện đại và tốc độ thay đổi công nghệ nhanh; các doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, đơn lẻ và manh mún; lệ thuộc vào linh kiện và công nghệ nhập ngoại. Nhưng trên thực tế, vẫn chưa xác lập được cơ chế tích hợp năng lực các doanh nghiệp trong nước với các chính sách vĩ mô phù hợp với điều kiện các doanh nghiệp và không vi phạm khung các cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa thực sự chuyển mình để nhận thức sâu sắc và hành động đúng hướng để liên kết, hợp tác nhằm tăng cường năng lực từ nghiên cứu phát triển đến tạo lập các kênh phân phối sản phẩm.

– Phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng

Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất nước ta hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí… Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Do không có tầm nhìn dài hạn về nhu cầu thiết bị điện tử dân dụng, nên trong một thời giai dài ở Việt Nam đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả là cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Thiết bị điện tử công nghiệp chưa được chú trọng đúng mức, thị trường đang bỏ ngỏ. Chỉ 10% giá trị hàng điện tử công nghiệp và 10% giá trị hàng điện tử phục vụ an ning quốc phòng mà toàn ngành đặt ra vẫn chưa đạt được [29]. Công nghiệp sản xuất linh kiện không đáng kể vì cần có vốn đầu tư lớn, hơn nữa trong cả một thời gian dài thuế nhập khẩu linh kiện (5%) lại thấp hơn thuế nhập khẩu vật tư để sản xuất ra linh kiện nên sự mất cân đối giữa lắp ráp sản phẩm và sản xuất phụ tùng linh kiện càng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong lĩnh vực sản xuất điện tử, tỷ lệ vốn đầu tư cho các khâu; chế tạo sản phẩm/chế tạo phụ kiện/chế tạo linh kiện Việt Nam là 7/2/1 [11].

Quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

  1. Pingback: Đặc điểm ngành công nghiệp điện tử Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?