Bài học cho Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử

xuất khẩu lao động

Bài học cho Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử

Đáng lẽ ra Việt Nam đã có một ngành công nghiệp điện tử phát triển, ít nhất là xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của nó trong công cuộc CNH, HĐH. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay, vừa mò mẫm nghiên cứu, vừa hành động và đúc rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm tự thân là rất quan trọng, nhưng dường như chưa mấy giá trị. Nghiên cứu sinh cho rằng các bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển của các nước đã được phân tích ở trên rất có giá trị tham khảo cho Việt Nam cho dù bối cảnh phát triển đã thay đổi căn bản. Sự ràng buộc của các cam kết hội nhập, đặc biệt là WTO đã và đang tạo ra những khung khổ mới cho việc điều chỉnh các chính sách phát triển các ngành nói chung, công nghiệp điện tử nói riêng. Từ phân tích trên có thể nhìn nhận một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tiếp tục điều chỉnh chính sách và xây dựng khung thể chế chuẩn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đồng thời khuyến khích đầu tư trong nước

Đã có nhiều luận bàn về vai trò của Chính phủ đối với doanh nghiệp thời kỳ hậu WTO. Thực hiện các cam kết WTO, bên cạnh những cơ hội, CNVN sẽ có nhiều mất mát, rõ nét nhất là ba vấn đề lớn; cơ bản không còn các bảo hộ thông qua chính sách thuế, không còn quy định về tỷ lệ nội địa hoá và xoá bỏ các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, có nghĩa là Chính phủ không còn được áp đặt mối liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Có lẽ điều đáng bàn ở đây là việc tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, xây dựng cơ chế, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và các chính sách khuyến khích liên kết quốc tế.

Thứ hai, phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ

Các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, các tập đoàn đa quốc gia nói chung (MNCs) đang thực sự có nhu cầu tăng số lượng giao dịch với các công ty trong nước hay nói cách khác là muốn kết nạp các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng của họ để tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam sự tích tụ của các ngành công nghiệp thiết yếu như dập kim loại, đúc, phun, đúc khuôn thép, cán và mạ… vẫn còn rất yếu.

Khi các nhà đầu tư nhận thấy thị trường tiềm năng rộng lớn của Trung Quốc, các ngành CNHT ở Trung Quốc có xu hướng phát triển mạnh trong những năm qua. Hơn thế nữa, một số nước ASEAN đang phát triển rất mạnh các sản phẩm hỗ trợ (Malaysia, Indonesia, Philipine…). Nếu các ngành CNHT cho ngành điện tử không được tăng cường nhanh chóng ở Việt Nam thì nguy cơ chúng ta sẽ bị thôn tính bởi Trung Quốc và các nước khác.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng, Thái Lan và Malaysia đã và đang cố gắng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương trình liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước. Đây là bước đi vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp non trẻ của nước ta.

Việt Nam phải xây dựng được thể chế làm việc hiệu quả để nhận được sự hợp tác công nghệ diễn ra liên tục với các nước viện trợ vốn ODA cho các chương trình phát triển ngành điện tử. Chúng ta cần phải con trọng tầm quan trọng của một cơ chế làm việc trong mối quan hệ với các nước tài trợ.

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng

Từ mô thức phát triển ngành công nghiệp điện tử của Malaysia và Thái Lan trên cho chúng ta thấy, có sự khác biệt lớn về chất lượng các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp ổn định nguồn điện và mạng lưới giao thông. Đối với các hãng nước ngoài, nguồn cung ứng điện và giao thông là các yếu tố cực kỳ quan trọng bởi chúng quyết định môi trường đầu tư với sự tác động lên sản xuất và chí phí.

Trong khi các doanh nghiệp có quy mô lớn có thể đầu tư vào việc cung cấp nguồn năng lượng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không thể tự cung các nguồn năng lượng này vì đòi hỏi phải có chi phí rất lớn về xây dựng, bảo dưỡng và các phương pháp chống ô nhiễm… vì vậy họ phải phụ thuộc vào nguồn điện công cộng. Việc thiếu hụt năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất nhựa. Chính vì vậy, từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng để thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài vào ngành điện tử đặc biệt là đối với mạng lưới đường xá, cần phải có một sự cải thiện với hệ thống đường xe tải quốc tế và nội địa như đường nối Hà Nội – Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh – Băng Kốc và Hà Nội – Nam Trung Quốc…

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực

Với quy mô dân số lớn như Việt Nam hiện nay, việc tuyển dụng nhân công số lượng lớn là không mấy khó khăn. Chúng ta đang xuất khẩu lao động, đang có lợi thế về tiết giảm chi phí nhân công so với các nước, nhưng đó là lao động phổ thông. Lao động có trình độ tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao thì chúng ta đang thiếu, đặc biệt là nhóm kỹ sư thiết kế. Do hạn chế trong hệ thống giáo dục, việc hiểu và đạt được tiêu chuẩn đào tạo của các doanh nghiệp Nhật Bản là điều khá khó khăn. Ngoài ra, số lượng các trường đại học chuyên ngành, các trường đào tạo nghề, cao đẳng đào tạo kỹ sư và các chuyên gia giỏi còn ít, do đó các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tuyển lựa các kỹ sư và chuyên gia trong các lĩnh vực.

Sự cải tiến lớn về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi một chiến lược cơ bản của Chính phủ về mặt dài hạn. Việt Nam cần phải khẳng định rằng hệ thống giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề là các khu vực ưu tiên để được nhận các nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) trong lĩnh vực điện tử từ các nước đặc biệt là Nhật Bản. Việt Nam cần phải đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới. Ví dụ xem xét đến khả năng của các chương trình như (i) chương trình học tập tại nước ngoài ở Malaysia dưới chính sách “Hướng Đông”; (ii) các trung tâm đào tạo dưới sự quản lý của các khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp tư nhân với sự hỗ trợ chính thức như tập đoàn giáo dục Gobel Matsushita; và (iii) mời để thiết lập chi nhánh đại diện ở Việt Nam của hãng truyền thông Malaysia (MM) hoặc học viện công nghệ quốc tế Malaysia – Japan.

Thứ năm, phát triển mạnh các liên kết sản xuất trong nước và quốc tế làm nền tảng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Như các ngành công nghiệp khác, dù muốn hay không, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam vẫn phải hội nhập và tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất quốc tế. Phân công lao động quốc tế sẽ định vị chức năng của mỗi quốc gia, mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp trong chuỗi. Sự xuất hiện của vài tập đoàn điện tử lớn ở Việt Nam gần đây cho chúng ta thấy rõ hiệu ứng lan toả của “xuất khẩu sản xuất” của các nước phát triển. Như vậy, các doanh nghiệp điện tử trong nước cần nhanh chóng nâng cao nhận thức về liên kết sản xuất quốc tế để lựa chọn cho mình hướng đi thích hợp.

Liên kết sản xuất quốc tế có thể được thực hiện theo nhiều kênh khác nhau. Các doanh nghiệp có thể liên kết theo quy trình công nghệ, cũng có thể theo từng bộ phận (liên kết tài chính, liên kết nhân lực, liên kết quản lý, liên kết thị trường…). Đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tử Việt Nam, bài toán lựa chọn liên kết đang đặt ra hai đáp án;

(i) Các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để sản xuất linh kiện, chi tiết hay còn gọi là thượng nguồn của sản phẩm.

Lưu ý rằng với tính đặc thù về sự phát triển nhanh của công nghệ, các sản phẩm thượng nguồn của ngành điện tử được chia làm 2 loại cơ bản: linh kiện, chi tiết công nghệ cao (tinh vi) và linh kiện, chi tiết công nghệ thấp hơn (có thể nhìn thấy rõ ở các linh kiện như màn hình ti vi, vi tính…). Theo hình thức này, các doanh nghiệp Việt Nam được định vị ở đâu trong chuỗi liên kết và chuỗi giá trị? Gần đây, có nhiều tranh cãi ở cả cấp quản lý nhà nước và cấp chuyên gia về việc ngành điện tử Việt Nam nên hay không nên đầu tư sản xuất các sản phẩm thượng nguồn công nghệ cao để cạnh tranh với các nước đi trước. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, điện tử Việt Nam sẽ vô cùng khó thực hiện được chiến lược này bởi ba lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, để sản xuất được các linh kiện, chi tiết công nghệ cao như Bo mạch điện tử, mạch bán dẫn (IC), chip, các phụ kiện siêu nhỏ cho ti vi, máy tính… các doanh nghiệp trong nước cần sự chuyển giao công nghệ thực sự từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn lại không như vậy. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cung cấp khuôn mẫu cho từng hợp đồng mà không cung cấp các bản vẽ kỹ thuật và chuyển giao bí quyết của khuôn mẫu đó.

Thứ hai, về phía mình, chúng ta phải xây dựng một “hạ tầng phần mềm” đạt tiêu chuẩn gồm: đội ngũ nhân lực có trình độ cao, một lượng nhà khoa học tầm cỡ, và đặc biệt Nhà nước phải đầu tư “mồi” với lượng vốn nhất định…

Thứ ba, với sức mạnh hiện có của các “cường quốc điện tử”, liệu chúng ta có đủ năng lực để cạnh tranh?

Như vậy, thực hiện liên kết, chúng ta phải chấp nhận sản xuất các linh kiện, chi tiết có hàm lượng công nghệ thấp hơn, đơn giản hơn và tất nhiên giá trị gia tăng cũng thấp tương đối?

(ii) Các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển hạ nguồn tức là sản xuất sản phẩm tiêu dùng cuối cùng

Đây là hình thức đã được một số doanh nghiệp phát triển như đã nêu trong phần thực trạng trên. Theo phương thức này, các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất ngay sau khi có tín hiệu từ thị trường. Có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận trở thành “phân xưởng” điện tử của Thế giới.

Sự xuất hiện của tập đoàn ST trên thị trường điện tử Việt Nam đang mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Họ chính là nhà làm marketing chuyên nghiệp, từ việc tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường, đến tìm kiếm các đối tác sản xuất các sản phẩm mà họ sẽ cung cấp cho thị trường. ST và những tập đoàn tương tự chính là cầu nối không chỉ giữa các nhà sản xuất nội địa với các nhà sản xuất nước ngoài mà còn giữa các nhà sản xuất nội địa với thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra của họ là rất cao; chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, và niềm tin thực hiện các khế ước hợp đồng. Đòi hỏi này buộc các nhà sản xuất trong nước phải nhận thức sâu sắc sức mạnh của liên kết, sự phối hợp chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất trong khi phần lớn các doanh nghiệp điện tử Việt Nam có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, nhân lực phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu của công nghệ, năng lực tài chính và trình độ quản lý hạn chế.

Từ thực tiễn này, việc tạo lập liên kết giữa các doanh nghiệp điện tử trong nước và các tập đoàn thương mại cũng là một kênh trong liên kết sản xuất quốc tế đáng quan tâm.

Bài học cho Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?