Quá trình phát triển của các hiệp ước vốn Basel

hiệp ước vốn Basel

Mục lục

Quá trình phát triển của các hiệp ước vốn Basel

1. Basel I

Năm 1974, tại thành phố Basel, Thụy Sĩ, Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) được thành lập bởi ngân hàng trung ương của 10 nước phát triển (G10). Sau đó, Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng tiến hành chuẩn hóa các quy định về vốn, đo lường vốn trong ngành ngân hàng. Năm 1988, ủy ban này ban hành hệ thống đo lường vốn và rủi ro tín dụng, trong đó yêu cầu các ngân hàng hoạt động quốc tế phải nắm giữ một mức vốn tối thiểu để có thể đối phó với những rủi ro có thể xảy ra. Tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu (tỷ lệ vốn bắt buộc tính trên tổng tài sản điều chỉnh theo hệ số rủi ro – CAR) là 8%. Văn bản chuẩn hóa này được gọi là Hiệp ước về vốn của Basel (Basel I), áp dụng trong các nước thành viên G10 kể từ năm 1992, nhưng sau đó có rất nhiều nước khác trên thế giới tự nguyện tuân thủ.

Theo đó, ngân hàng có mức vốn tốt nhất khi có CAR > 10%, có mức vốn thích hợp khi CAR > 8%, thiếu vốn khi CAR < 8%, thiếu vốn rõ rệt khi CAR < 6% và thiếu vốn trầm trọng khi CAR < 2%.

Vốn của các ngân hàng được chia thành 3 loại: vốn cấp 1 (chủ yếu là vốn chủ sở hữu), vốn cấp 2 (nguồn vốn bổ sung có độ tin cậy thấp hơn như nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi, vốn tăng do đánh giá lại tài sản, các khoản dự phòng tổn thất chung), vốn cấp 3 (các khoản vay ngắn hạn). Trong đó, vốn cấp 1 phải lớn hơn hoặc bằng vốn cấp 2 cộng vốn cấp 3 và vốn cấp 3 không được xét đến khi tính tỷ lệ an toàn vốn.

Về hệ số rủi ro của tài sản, Basel I đưa ra 4 mức rủi ro cho các loại tài sản là 0%, 20%, 50% và 100%. Liên quan đến rủi ro, năm 1996, Basel I bổ sung rủi ro thị trường, thực thi chậm nhất vào ngày 1/1/1998.

2. Basel II

Ngày 26/6/2004, phiên bản mới của hiệp ước vốn Basel I được ban hành sau cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990. Basel II có hiệu lực từ tháng 1/2007 và được thực hiện theo một lộ trình đến hết năm 2009, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ năm 2010. Tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động), rủi ro thị trường và trọng số rủi ro bao gồm nhiều mức, từ 0% đến 150% hoặc hơn. Theo đó, phần mẫu số để tính CAR có một số thay đổi đáng kể.

Hiệp ước vốn Basel II tạo một bước hoàn thiện hơn trong xác định tỷ lệ an toàn vốn nhằm khắc phục các hạn chế của Basel I và khuyến khích các ngân hàng thực hiện các phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến hơn. Basel II đưa ra một loạt các phương án lựa chọn, cho phép quyền tự quyết rất lớn trong giám sát hoạt động ngân hàng. Basel II bao gồm một loạt các chuẩn mực giám sát nhằm hoàn thiện các kỹ thuật quản lý rủi ro và được cấu trúc theo 3 trụ cột sau:

– Trụ cột thứ nhất: Quy định yêu cầu về vốn tối thiểu.

– Trụ cột thứ hai: Đưa ra các hướng dẫn liên quan đến công tác giám sát ngân hàng.

– Trụ cột thứ ba: Yêu cầu các ngân hàng cần minh bạch thông tin liên quan

đến vốn, rủi ro để đảm bảo khuyến khích các nguyên tắc của thị trường.

So sánh với Basel I, thì phạm vi áp dụng của Basel II rộng hơn bao gồm không chỉ các ngân hàng quốc tế mà cả các công ty mẹ, Basel II thay đổi định nghĩa về tài sản điều chỉnh theo rủi ro, và có nhiều phương pháp để lựa chọn hơn trong việc đánh giá rủi ro.

Bảng 1. Điểm khác nhau căn bản của Basle II so với Basle I

BASLE I BASLE II
Mức vốn an toàn tối thiểu Basel I là 8%, mẫu số gồm: rủi ro tín dụng. Mức vốn an toàn tối thiểu Basel II là 8%, mẫu số gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động
Basel I tập trung vào rủi ro tín dụng Basel 2 bổ sung thêm rủi ro hoạt động, quy trình giám sát và các quy tắc thị trường
Basel I chỉ có một phương pháp duy nhất áp dụng cho tất cả các trường hợp Linh động hơn, có nhiều phương pháp để lựa chọn, hướng đến việc quản trị rủi ro tốt hơn
Hệ thống đo lường Basel I đơn giản Hệ thống đo lường theo Basel 2 phức tạp hơn
Basle I chỉ có thể vận dụng ở ngân hàng theo kiểu đơn thuần tuý Phạm vi áp dụng của Basel II sẽ rộng hơn bao gồm các ngân hàng quốc tế và các công ty mẹ
Basel I dựa trên cấu trúc theo diện trải rộng Basel II nhạy cảm hơn với rủi ro

Basel II sẽ tạo áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng

– Yêu cầu về vốn tăng lên. Việc áp dụng Basel II sẽ khiến CAR của các ngân hàng giảm/yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện CAR.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Sự ra đời của Hiệp ước Basel[/message]

– Basel II tính đến yếu tố chu kỳ kinh doanh. Ví dụ xếp hạng tín dụng sẽ bị hạ thấp vào giai đoạn suy thoái, dẫn đến ngân hàng cần nhiều vốn hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Do đó, ngân hàng phải cân nhắc giữa giảm việc cho vay hoặc tăng lãi suất đối với khách hàng trong thời kỳ này.

– Các ngân hàng sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng và độ an toàn của các khoản vay. Ví dụ các khoản vay có LVR thấp hoặc cho các khách hàng có xếp hạng tín dụng cao sẽ đòi hỏi yêu cầu về vốn thấp hơn

3. Basel III

Ngày 12/9/2010, chuẩn mực vốn Basel III được BCBS đưa ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên phạm vi toàn cầu những năm 2007 – 2010, nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu về quản lý thanh khoản, yêu cầu vốn đệm theo chu kỳ của nền kinh tế, giới hạn tỷ lệ đòn bẩy vốn. Basel III có hiệu lực từ năm 2013 và được thực hiện theo một lộ trình đến hết năm 2018, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ 1/1/2019

Bảng 2. Lộ trình thực thi hiệp ước Basel III

Chỉ tiêu 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu (cổ phần phổ thông) 3,5% 4% 4,5% 4,5% 4,5% 4,5% 4,5%
Dự phòng bảo toàn vốn 0,625% 1,25% 1,875% 2,5%
Vốn CSH tối thiểu cộng dự phòng bảo toàn vốn 3,5% 4% 4,5% 5,125% 5,76% 6,375% 7%
Loại trừ khỏi vốn CSH các khoản vốn không đủ tiêu chuẩn 20% 40% 60% 80% 100% 100%
Tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 4,5% 5,5% 6% 6% 6% 6% 6%
Tỷ lệ tổng vốn tối thiểu 8% 8% 8% 8% 8% 8% 8%
Tổng vốn tối thiểu cộng dự phòng bảo toàn vốn 8% 8% 8% 8,625% 9,25% 9,875% 10,5%
Loại trừ khỏi vốn cấp 1 và cấp 2 các khoản không còn đủ tiêu chuẩn Thực hiện theo lộ trình 10 năm bắt đầu từ năm 2013
Vốn dự phòng phản chu kỳ Từ 0 – 2,5% tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia

Hiện tại, các thành viên của BCBS gồm đại diện ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của các nước và vùng lãnh thổ sau: Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả rập Xê út, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Quá trình phát triển của các hiệp ước vốn Basel

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?