Một mục sư da trắng đã hỏi một lãnh tụ da đen: “Ngài có chí hướng giải phóng người da đen, sao ngài không sang châu Phi, ở đó rất nhiều người da đen?”. Lãnh tụ da đen nọ lập tức hỏi lại: “Còn ngài có chí hướng giải phóng linh hồn, sao ngài không xuống địa ngục, ở đó có rất nhiều linh hồn?”…
Hỏi để bác bỏ
Trong quá trình lập luận, trình bày lý lẽ cho một sự việc, không nhất thiết cứ phải dùng tới các mệnh đề và suy luận theo logic tam đoạn luận Aristote. Phương pháp hỏi được dùng trong không ít trường hợp lại có kết quả tốt hơn, có giá trị hơn những lời khẳng định, và những cách hỏi đó thể hiện rõ trí tuệ của người lập luận.
Để bác bỏ luận đề “Thượng đế là toàn năng và thượng đế sáng tạo ra thế giới” của các nhà thần học kinh viện, Cavnilo hỏi: “Thượng đế có thể tạo ra tảng đá mà ông ta không nhấc nổi hay không?”
Nếu người trả lời chọn một trong hai khả năng, thì kiểu gì cũng anh ta cũng thua. Chọn khả năng đầu “có thể tạo ra được”, sẽ dẫn tới một kết luận là tồn tại tảng đá mà thượng đế không nhấc nổi. Hệ quả của điều này là Thượng đế không toàn năng. Chọn khả năng sau “không thể tạo ra được” thì chính người trả lời đã gián tiếp bác bỏ luận đề Thượng đế là toàn năng.
Có thể tạo câu hỏi dựa vào quy tắc lấy điều không thể để chứng minh điều không thể nhằm vạch ra điều phi lý của đối phương.
Có một truyện dân gian Ấn Độ như sau: ngày xưa, có vị vua Ấn Độ bệnh nặng, thầy thuốc tâu với vua rằng chỉ cần uống sữa bò đực là hết bệnh ngay. Mà sữa này chỉ có nhà thông thái Cabuo mới tìm được (người thầy thuốc nọ vốn thâm thù Cabuo). Tin lời thầy thuốc, nhà vua ra lệnh cho Cabuo đi tìm sữa bò đực. Nhà thông thái này rất lo lắng, chưa biết tìm kế gì để thoát thân. Cô con gái khuyên cha đừng lo, cô sẽ có cách. Hôm sau đang lúc nửa đêm yên tĩnh, con gái Cabuo mang ít quần áo cũ đến bên bờ sông cạnh hoàng cung giặt giũ dưới cửa sổ phòng ngủ quốc vương. Cô cố tình khua động rõ to làm vua không sao ngủ được. Cả giận, nhà vua phái vệ binh bắt cô gái giải về hỏi tội: Cớ sao đang đêm đến đây giặt giũ ầm ầm làm ta không ngủ được? Ngươi có biết tội không?
Cô gái làm như sợ hãi: “Dạ, dân nữ biết. Mong bệ hạ tha tội. Có điều, dân nữ bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Số là, chiều nay cha dân nữ mới đẻ em bé, mà trong nhà chẳng còn quần áo sạch sẽ quấn cho bé nên dân nữ đành phải đi giặt vào lúc này.
– Nói láo! Ngươi chế riễu ta chắc? Ai đời đàn ông lại đẻ con!
– Dạ, nếu bệ hạ có thể hạ lệnh cho người đi kiếm sữa bò đực thì sao đàn ông lại không thể đẻ được ạ?
Nghe vậy, nhà vua cười: Chắc chắn ngươi là con gái của Cabuo rồi. Thôi, về bảo cha ngươi cứ giữ lấy món sữa bò đực cho em bé ông ta vừa đẻ bú nhé!
Thế là Cabuo thoát nạn.
Hỏi để khuyên can
Không biết thì hỏi. Không ai bắt tội một người hỏi vì không biết. Vì thế, những trung thần, cố vấn thường dùng cách hỏi để khuyên can vua chúa, để góp ý khéo léo, tế nhị với cán bộ lãnh đạo cao cấp mà vẫn bảo vệ được cái đầu (hoặc ghế) của mình.
Chuyện xưa: “Con ngựa quý của Tề Cảnh Công bỗng nhiên ốm, lăn đùng ra chết. Vua Tề vô cùng giận dữ, hạ lệnh chặt tay chân người coi ngựa. Đây là một lệnh bạo sát vô lý. Tội để ngựa chết chưa nặng đến mức phải chặt chân chặt tay. Nhiều người muốn can. Vua Tề hăm đe: Ai dám xin cho nó sẽ bị giết. Quần thần xanh mặt, không dám hé răng nữa. Tề Án Anh, để cứu người coi ngựa, bèn nghĩ ra một mẹo hỏi vua. Ông đến trước người coi ngựa, túm tóc anh ta giơ kiếm lên rồi “luận tội”: “Ngươi nuôi ngựa rồi làm ngựa chết. Đấy là tội thứ nhất. Ngươi làm nhà vua vì ngựa chết mà giết người, trăm họ mà biết tất oán hận vua. Đây là tội thứ hai. Chư hầu biết việc này tất sẽ khinh nước ta. Đây là tội thứ ba”. Bỗng ông quay sang hỏi vua Tề: “Tâu Đại vương, có một điều thần chưa rõ, xin Thánh thượng dạy. Thời Nghiêu Thuấn xưa, khi các bậc vua hiền minh này chặt chân tay người, không biết là chặt bên nào trước?”.
Lát sau vua mới hiểu đó là câu hỏi châm biếm, hạ lệnh tha cho người coi ngựa.
Hỏi lại cũng là một cách trả lời
Ngày 26/10/2000, phóng viên báo Pháp Le Figaro đã hỏi Tổng thống Nga V. Putin như sau: “Vùng Cận Đông đang ở trung tâm thời sự, nhưng Nga lại không đóng vai trò gì ở đó cả. Liệu có phải sự vắng mặt của ông tại Hội nghị thượng đỉnh Sharmel Sheikh là bằng chứng cho việc nước Nga không còn là cường quốc?”
Tổng thống Putin: “Tôi xin trả lời câu hỏi của ông bằng câu hỏi: Chẳng lẽ ở đó người ta đã giải quyết được vấn đề gì sao?”.
Một lần Kalinin, một lãnh tụ Cộng sản Nga, giảng giải cho các đại biểu nông dân về tầm quan trọng của liên minh công nông. Giảng giải đã cặn kẽ, nhưng có người vẫn chưa hiểu. Một người hỏi: Với chính quyền Xô Viết thì bên nào quý hơn, công nhân hay nông dân? Kalinin hỏi lại: Với một người thì chân nào quý hơn, chân phải hay chân trái?
Đêm giao thừa năm 1831, tại một sảnh đường, nhà vật lý người Anh M. Faraday làm một thí nghiệm để chứng minh rằng từ trường có thể sinh ra điện. Khung dao động liên tục quay giữa hai cực nam châm và điện kế từ từ nhích khỏi vạch 0. Mọi người rất thán phục. Nhưng một mệnh phụ cười mỉa:
– Thưa ngài, món đồ chơi này dùng để làm gì vậy?
– Thưa phu nhân, đứa trẻ mới đẻ thì dùng được việc gì? Faraday nghiêng mình hỏi lại. Và một tràng vỗ tay tán thưởng vang lên.
Hỏi lại – một nghệ thuật né tránh trả lời rồi chuyển lại cho đối phương một câu hỏi tương tự, một câu hỏi khó.
Có giai thoại sau: Tiền Ích Khiêm, viên thượng thư bộ Lễ triều đình nhà Minh, nhưng đầu hàng nhà Thanh, có người cháu gái sau mãn tang chồng đã tái giá. Gặp cháu, ông ta hỏi móc: “Hai lần cưới đều là cưới, lần trước trống nhạc vang trời còn lần này sao im ắng vậy?” (theo tục lệ địa phương, trong lễ cưới tái giá không có trống nhạc).
Cô cháu biết người cậu hỏi mỉa về nhân thân của mình. Theo đúng cách của người cậu, cô hỏi lại: “Hai lần cậu đến mừng đám cưới cháu, lần trước cậu mặc áo cổ tròn, còn lần này sao lại đính móc?” (y phục quan lại nhà Minh mặc áo cổ tròn, y phục nhà Thanh mặc áo đính móc). Người cậu cúi gằm mặt im lặng.
Hỏi để chứng minh chân lý thuộc về mình
Chất vấn về sự thiếu nhất quán của đối phương để bác bỏ luận điểm của họ và do vậy bảo vệ được mình. Những chính khách, những người ra trước vành móng ngựa rất hay dùng biện pháp này.
Vào thập niên 30, ở Trung Quốc có sự kiện “Thất quân tử”: Chính quyền Quốc dân đảng bắt 7 nhân sĩ yêu nước chủ trương chống Nhật, định gán cho họ tội liên kết với cộng sản chống lại chính phủ. Tại phiên toà, một trong 7 nhân sĩ này là Trâu Thao Phấn đã chất vấn như sau:
“Chúng tôi gửi điện đề nghị Trương Học Lương chống Nhật mà khởi tố chúng tôi câu kết Trương, Dương làm binh biến. Chúng tôi cũng gửi điện như vậy cho Chính phủ Quốc dân thì tại sao không nói chúng tôi câu kết với Chính phủ Quốc dân? Đảng Cộng sản viết thư công khai cho chúng tôi mà khởi tố chúng tôi câu kết với Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản cũng viết thư công khai cho Tưởng uỷ viên trưởng và Quốc dân đảng, vậy thì phải chăng Tưởng uỷ viên trưởng và Quốc dân đảng cũng câu kết với Đảng cộng sản?” (Tới đây, những người dự phiên toà cười vang).
Trâu Thao Phấn đã chất vấn vào một mâu thuẫn logic để bác bỏ lời buộc tội: Cùng một hành động A, tại sao người này thì dẫn tới kết luận B, còn với người khác thì không? Do vậy, lời buộc tội không có giá trị.
Trong cuộc sống chúng ta luôn cần tới sự lập luận. Đặt câu hỏi cũng là một cách lập luận. Có bao giờ bạn dùng câu hỏi để bày tỏ ý kiến của mình không?
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT