Nội dung quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp

Khái niệm hội tụ kế toán quốc tế

Mục lục

Nội dung quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp

Quản trị rủi ro tài chính với mục tiêu là đưa ra những thông tin dựa trên những bằng chứng và phân tích để ra quyết định đúng đắn về cách thức xử lý những rủi ro cụ thể và cách thức lựa chọn những phương án khác nhau. Theo đó hoạt động quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp thực hiện các nội dung cơ bản sau:

– Nhận diện rủi ro

– Đo lường và đánh giá rủi ro

– Xử lý rủi ro

Mục tiêu của hoạt động quản trị rủi ro tài chính không phải là làm triệt tiêu hay loại bỏ hoàn toàn những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải mà là đưa rủi ro của doanh nghiệp về mức chấp nhận được tức giá trị tổn thất nằm trong ngưỡng chấp nhận được hay mức độ tổn thất do rủi ro gây ra là thấp nhất trên mức chi phí chấp nhận được.

Nội dung cụ thể các bước trong quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp như sau:

1. Nhận diện rủi ro

Để nhận diện được rủi ro doanh nghiệp làm tiền đề cho hoạt động đo lường, đánh giá cũng như xử lý rủi ro điều quan trọng cần nhận diện được bối cảnh, môi trường hoạt động của doanh nghiệp, những yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Thiết lập bối cảnh và mục tiêu:

Thiết lập bối cảnh là bước đi ban đầu của công tác quản trị rủi ro, theo đó sẽ thu thập các thông tin cơ bản cho quá trình quản trị, lập ra các tiêu chí và phạm vi cho quá trình quản trị rủi ro. Thông tin được thu thập từ cả bên ngoài và các thông tin nội bộ của doanh nghiệp. Cụ thể:

+ Những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, thông tin về ngành kinh doanh, các yếu tố của môi trường kinh doanh (như lãi suất, tỷ giá, lương cơ bản, lạm phát …)

+ Các thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, tình hình cạnh tranh trong ngành, xu hướng phát triển của ngành…

+ Các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ghi nhận chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp, nắm bắt lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (lợi thế này đến từ năng lực cốt lõi nào: nhân lực, công nghệ, tính khác biệt của sản phẩm …)

Các thông tin này được thu thập làm tiền  đề để đánh giá bối cảnh của doanh nghiệp, xác định được các yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp bao gồm: Môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp chính, khách hàng chính của doanh nghiệp.

          Như đã đề cập, việc quản trị rủi ro tài chính với mục tiêu đảm bảo rằng hoạt động của doanh nghiệp ít chịu biến động do tác động của các biến cố rủi ro, hay nói cách khác hoạt động kinh doanh phải đạt được mục tiêu đề ra bất chấp những tác động của các biến cố rủi ro. Do vậy, một nội dung quan trọng trong bước đầu của quản trị rủi ro tài chính là thu thập các thông tin về mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, đây là tiền đề, là cơ sở cho các quyết định quản trị đưa ra.

          Thông tin về mục tiêu kinh doanh có thể là những con số cụ thể về doanh thu, thị phần, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, có thể là việc theo đuổi một chiến lược kinh doanh. Hoạt động quản trị rủi ro tài chính cần thu thập hồ sơ về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như các mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp.

          Như vậy, kết thúc bước 1 người làm công tác quản trị rủi ro tài chính cần nắm bắt và lưu giữ được hồ sơ về bốn nhóm thông tin cơ bản:

Một là, nhóm thông tin về bối cảnh kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp

Hai là, nhóm thông tin về chiến lược và mục tiêu kinh doanh

Ba là, nhóm thông tin về các bên liên quan

Bốn là, nhóm thông tin về các quy trình kinh doanh của doanh nghiệp

Nhận diện rủi ro

Trên cơ sở những thông tin thu thập được trong hoạt động thiết lập bối cảnh và mục tiêu, làm tiền đề cho hoạt động nhận diện rủi ro của doanh nghiệp.

Nhận diện rủi ro là quá trình tìm kiếm, thừa nhận và ghi lại các rủi ro tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình này bao gồm việc nhận biết các nguyên nhân và nguồn gây ra rủi ro, các sự kiện, các tình huống có thể tác động tới mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.

Về mặt nguyên lý các phương pháp nhận diện rủi ro có thể sử dụng như: nhóm các phương pháp dựa trên bằng chứng, nhóm các phương pháp sử dụng ý kiến chuyên gia và nhóm các phương pháp sử dụng suy luận quy nạp.

Tiền đề cho hoạt động nhận diện rủi ro chính là là dữ liệu thu thập được tại bước 1 thiết lập bối cảnh và mục tiêu, trên cơ sở những dữ liệu này sẽ được sử dụng để phân tích các yếu tố bên trong của công ty (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức), các yếu tố bên ngoài công ty (môi trường vĩ mô, kinh tế, chính trị, xã hội…) thực chất là phân tích SWOT va phân tích STEEP.

Trên cơ sở hiểu rõ về những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, các phương pháp cụ thể đưa ra để nhận diện rủi ro tài chính tác động tới doanh nghiệp gồm:

– Phương pháp thiết lập bảng kê:

Phương pháp này dựa trên kết quả của phân tích SWOT và phân tích STEEP chỉ ra những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi chuyên gia đánh giá tác động của môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. (Phụ lục số 03: Mô tả nhận diện rủi ro tài chính bằng phương pháp lập bảng kê)

– Phương pháp phát phiếu khảo sát:

Mỗi phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm về một mảng công việc mang tính đặc thù riêng, do vậy rủi ro xảy ra cho từng phòng, ban, bộ phận trong doanh nghiệp là khác nhau. Mỗi phòng, ban, bộ phận trong doanh nghiệp sẽ được phát phiếu gồm các bộ câu hỏi mô tả những rủi ro có thể xảy đến với phòng, ban, bộ phận của mình. Các câu trả lời theo bảng hỏi sẽ được tập hợp thành bảng tổng hợp những rủi ro phân theo địa điểm tác động của biến cố rủi ro. Kết quả khảo sát dựa vào kinh nghiệm tác nghiệp của từng phòng, ban, bộ phận trong quá khứ, cũng như những đánh giá, chủ động nhận diện rủi ro của các bộ phận. (Phụ lục số 04: Mô tả nhận diện rủi ro tài chính bằng phiếu khảo sát)

– Phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia:

Tham khảo ý kiến chuyên gia là phương pháp phố biến trong nhận diện rủi ro tài chính với doanh nghiệp. Các chuyên gia được tham khảo ý kiến có thể là những chuyên gia đến từ chính doanh nghiệp có thể là lãnh đạo doanh nghiệp, phụ trách một bộ phận trong doanh nghiệp, thậm chí là chuyên viên; cũng có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia bên ngoài doanh nghiệp, có thể là những công ty tư vấn chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp nhận diện rủi ro một cách bài bản hơn, hoặc chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cần tham vấn.

Các ý kiến sau khi được tham vấn sẽ được tổng hợp lại và đánh giá để đưa ra báo cáo nhận diện rủi ro với doanh nghiệp. (Phụ lục 05: Mô tả nhận diện rủi ro bằng cách tham khảo ý kiến chuyên gia)

– Phương pháp phân tích báo cáo tài chính:

Theo phương pháp này, rủi ro sẽ được nhận diên thông qua việc phân tích kỹ các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó nhận diện những nhân tố tác động tới quy mô tài sản, nguồn vốn hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho phép nhà quản trị nhìn nhận, đánh giá, lượng hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, mọi sự thay đổi trong tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận hay các chỉ tiêu tỷ lệ chi phí trên doanh thu đều là kết quả của sự tác động của các hoạt động bên trọng và bên ngoài tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận diện những thay đổi đó do nguyên nhân nào gây ra, cũng như đánh giá khả năng xảy ra của nguyên nhân đó trong thời gian tới đối với hoạt động của doanh nghiệp là mục tiêu của phương pháp này. Tất nhiên, số liệu sử dụng của phương pháp này là sử dụng số liệu trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, những số liệu quá khứ, do vậy những biến cố gây ra rủi ro tài chính được chỉ ra là những rủi ro trong quá khứ.

Trên cơ sở các phương pháp nhận diện rủi ro, bước tiếp theo của quá trình nhận diện rủi ro tài chính là tổng hợp tất cả những rủi ro tài chính đã được chỉ ra theo các phương pháp.

Công tác nhận diện rủi ro tài chính cần chú ý một số vấn đề sau:

+ Doanh nghiệp có thể sử dụng một hoặc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp để nhận diện rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

+ Các rủi ro tài chính phát hiện, liệt kê trong bảng kê cần có sự đánh giá, điều chỉnh qua mỗi năm cho phù hợp với sự thay đổi của các yếu tố thuộc môi trường trong và ngoài doanh nghiệp.

+ Nhận diện rủi ro là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch triển khai mang tính định kỳ.

2. Đo lường và đánh giá rủi ro

2.1. Đo lường rủi ro:

Một biến cố rủi ro xảy ra được đo lường đặc trương bởi 2 yếu tố là khả năng xảy ra biến cố rủi ro đó và mức độ tác động của biến cố rủi ro đó tới mục tiêu. Do vậy, để đo lường rủi ro ta lần lượt xác định từng yếu tố của rủi ro.

2.1.1. Xác định khả năng xảy ra rủi ro:

Để đo lường khả năng xảy ra hay xác suất xuất hiện rủi ro có ba cách tiếp cận chung thường được sử dụng là:

– Sử dụng dữ liệu lịch sử liên quan để nhận biết các sự kiện hoặc tình huống đã xảy ra trong quá khứ và từ đó ngoại suy ra xác suất xuất hiện của chúng trong tương lai. Phương pháp này khá phù hợp khi các biến cố rủi ro xảy đến với xác suất cao, có tính chất lặp lại, tuy nhiên nếu trước đó tần suất xảy ra thấp hoặc chưa từng xảy ra thì mọi ước lượng về xác suất sẽ không chính xác hoặc không đủ cơ sở để ngoại suy.

– Dự báo xác suất bằng các kỹ thuật dự đoán như phân tích cây lỗi hoặc phân tích cây sự kiện. Khi dữ liệu quá khứ không sẵn có hoặc không đầy đủ, khi đó cần suy ra xác suất bằng cách phân tích hệ thống để suy ngược xác suất của biến cố rủi ro. Theo phương pháp này, chuỗi các sự kiện được đưa ra từ sự kiện ban đầu theo xác suất và tần số xuất hiện, sự kết hợp các sự kiện khác nhau dẫn tới dài kết quả từ sự kiện ban đầu, từ đó cho phép ước lượng xác suất rủi ro từ sự kiện mong muốn.

– Sử dụng ý kiến chuyên gia để tham vấn xác suất xảy ra của biến cố. Đánh giá của chuyên gia cần được dựa trên những thông tin sẵn có liên quan bao gồm thông tin trong quá khứ, hệ thống cụ thể, tổ chức cụ thể… đảm bảo tính hợp lý của xác suất đưa ra.

Trên cơ sở xác suất xuất hiện các rủi ro tài chính, doanh nghiệp có thể xếp hạng khả năng xảy ra rủi ro với doanh nghiệp thành nhiều hạng khác nhau.

Doanh nghiệp tùy theo tình hình và mức độ tin cậy của dữ liệu, phương pháp đánh giá, ước tính xác suất có thể đưa ra nhiều mức xếp hạng hơn. Khả năng xảy ra rủi ro có thể được đo lường bằng tần suất xuất hiện theo tháng hoặc theo năm, tùy theo đánh giá của doanh nghiệp. (Phụ lục số06: Mô tả giả định xếp hạng khả năng xảy ra rủi ro tài chính với doanh nghiệp)

2.1.2. Đo lường mức độ tác động của rủi ro

Tác động của rủi ro có thể được đo lường bởi số tuyệt đối, số tương đối (tỷ lệ %), từ lượng hóa tác động của rủi ro, bước tiếp theo cần phân tích mức độ tác động của rủi ro để phân nhóm đánh giá. Có nhiều mức đánh giá khác nhau, doanh nghiệp tùy theo mức độ chi tiết, khả năng thu thập thông tin và xử lý thông tin có thể chia thành nhiều hay ít nhóm. Đơn cử có thể chia thành 5 mức tác động:

+ Không đáng kể

+ Ít xảy ra

+ Trung bình

+ Lớn

+ Nghiêm trọng

Mỗi mức tác động tương ứng với một phổ giá trị của tác động của biến cố rủi ro. Tác động của biến cố rủi ro có thể đo lường định lượng nhưng cũng có thể sử dụng những đánh giá định tính để xếp mức độ tác động.

Trên cơ sở đánh giá khả năng xảy ra rủi ro và mức độ tác động khi biến cố rủi ro xảy ra, bước tiếp theo là kết hợp hai thành tố của biến cố rủi ro để đánh giá ảnh hưởng của rủi ro. (Phụ lục số 07: Giả định phân nhóm mức độ tác động của rủi ro tài chính)

2.1.3. Đo lường ảnh hưởng của rủi ro

Để đánh giá ảnh hưởng của rủi ro tới doanh nghiệp, một ma trận dạng 5*5 sử dụng để đánh giá giá trị ngẫu nhiên xảy ra của biến cố.

Bảng 1.9: Đo lường ảnh hưởng của rủi ro

KHẢ NĂNG XẢY RA ẢNH HƯỞNG
Không đáng kể (1) Ít xảy ra

(2)

Trung bình

(3)

Lớn

(4)

Nghiêm trọng

(5)

Chắc chắn xảy ra (1) Đáng kể Đáng kể Cao Cao Cao
Có nhiều khả năng xảy ra (2) Trung bình Đáng kể Đáng kể Cao Cao
Có thể (3) Thấp Trung bình Đáng kể Cao Cao
Có ít khả năng (4) Thấp Thấp Trung bình Đáng kể Cao
Hiếm khi (5) Thấp Thâp Trung bình Đáng kể Cao

Chú thích: Mô tả kết hợp đánh giá khả năng xảy ra và mức độ tác động để đánh giá ảnh hưởng của rủi ro tài chính tới doanh nghiệp.

Các đánh giá đưa ra có thể hiểu:

+ Thấp: Ảnh hưởng rất nhỏ có thể điều chỉnh bình thường

+ Trung bình: Một số chỉ tiêu bị ảnh hưởng, cần có sự nỗ lực để điều chỉnh

+ Đáng kể: Nhiều chỉ tiêu không đạt cần tập trung nguồn lực để khắc phục

+ Cao: Tất cả các mục tiêu đều không đạt, cần phải tập trung mọi nguồn lực để khắc phục, hay sử dụng các biện pháp đặc biệt.

Với cả ba yếu tố chính của rủi ro là khả năng xảy ra rủi ro, mức độ tác động của rủi ro và ảnh hưởng của rủi ro nhà quản trị thường phải tính phân phối xác suất. Có hai phương pháp được đưa ra để đo lường được các yếu tố rủi ro trên là phương pháp định tính và phương pháp định lượng.

Phương pháp định tính: là phương pháp dựa trên những đánh giá của nhà quản trị, ý kiến tư vấn của các chuyên gia để từ đó xếp hạng các rủi ro cũng như ước lượng xác suất xảy ra của rủi ro.

Phương pháp định tính phù hợp những những rủi ro khó lượng hóa, rủi ro được nhận diện nhưng chưa có dữ liệu quá khứ phù hợp để đánh giá.

Ưu điểm chính của phương pháp định tính:

+ Đánh giá được các rủi ro khó lường

+ Nhanh chóng đưa ra kết quả đo lường rủi ro khi có sự thay đổi của môi trường kinh doanh làm thay đổi dữ liệu của phương pháp định lượng.

Hạn chế của phương pháp định tính:

+ Phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của nhà quản trị, các chuyên gia được lấy ý kiến

+ Kết quả đánh giá rất khác nhau giữa các ý kiến của các chuyên gia khác nhau.

Phương pháp định lượng: là phương pháp đo lường các yếu tố của rủi ro bằng cách sử dụng các mô hình toán để lượng hóa các yếu tố đó. Có nhiều mô hình định lượng được các nhà nghiên cứu đưa ra để lượng hóa các yếu tố của rủi ro trong thời gian qua như:

Nhóm các mô hình được xây dựng tính xác suất xảy ra tổn thất trên cơ sở dữ liệu quá khú về tổn thất của rủi ro tài chính. Trên cơ sở biến cố rủi ro tài chính đã xảy ra trong quá khứ và chuỗi số liệu quan sát đủ dài, một số mô hình đã được sử dụng để lượng hóa yếu tố rủi ro như:

+ Mô hình nhị thức (Binimial Model) được sử dụng để xác định phân phối xác suất khả năng xảy ra các rủi ro tài chính mà doanh nghiệp gặp phải.

+ Phân phối Logarit chuẩn hay phân phối Pareto được sử dụng để tính phân phối mức độ tác động của rủi ro tài chính tới doanh nghiệp.

…………

Nhóm các mô hình giả lập: được xây dựng để tích hợp cả những sự thay đổi của môi trường vào phân phối xác suất cần xác định: Mô hình Monte Carlo, Gamma …

Ngoài các mô hình trên, đo lường rủi ro  hiện nay nhà quản trị cũng sử dụng một số phương pháp như tính phương sai, độ lệch chuẩn tỷ suất sinh lời, hay một số mô hình đánh giá xác suất vỡ nợ của doanh nghiệp (Z – score), mô hình đánh giá tổn thất lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi thay đổi các điều yếu tố kinh tế Var…

Mô hình Z – score trong đánh giá rủi ro của doanh nghiệp:

Trong các mô hình trên mô hình đánh giá xác suất vỡ nợ của doanh nghiệp Z – score được thừa nhận và sửa dụng rỗng rãi. Mô hình Z-score do nhà kinh tế học Hoa Kỳ Edward I. Altman xây dựng, mô hình này xác định ra một Hệ số nguy cơ phá sản sử dụng để đánh giá những khó khăn tài  chính của doanh nghiệp cũng như dự báo nguy cơ phá sản của doanh nghiệp bằng cách đưa ra những ngưỡng đánh giá của mô hình.

Đối với những công ty đại chúng trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số Z –score được đưa ra:

Z = 1,2*X1 + 1,4*X2 + 3,3*X3 + 0,64*X4 + 0,999*X5

Trong đó:

X1: Vốn lưu động ròng/ Tổng tài sản { Cụ thể: (TSNH – Nợ ngắn hạn)/Tổng tài sản}

X2: Lợi nhuận giữ lại / Tổng tài sản

X3: Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Tổng tài sản

X4: Giá trị thị trường của VCSH/ Tổng nợ

X5: Doanh thu/ Tổng tài sản

Hệ số nguy cơ phá sản Z sau khi được tính toán từ số liệu của doanh nghiệp sẽ được so sánh với những mốc cụ thể:

Z > 2,99 : Doanh nghiệp đang ở ngưỡng an toàn, chưa có nguy cơ phá sản

1,8 < Z < 2,99: Doanh nghiệp thuộc diện cảnh bảo, có nguy cơ phá sản

Z < 1,8 : Doanh nghiệp nằm trong vùng có nguy cơ phá sản cao.

 Ý nghĩa của các hệ số trong mô hình Z – score:

Hệ số X1 (VLĐ ròng/ Tổng tài sản): đánh giá tính thanh khoản của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có vốn lưu động ròng ( tức TSNH > Nợ ngắn hạn) kho đó X 1 có trị số dương ngược lại nếu doanh nghiệp có vốn lưu động ròng âm khi đó X1 sẽ âm làm giảm chỉ tiêu Z hay nói cách khác tăng nguy cơ thanh khoản, tăng khả năng phá sản của doanh nghiệp.

Hệ số X2 (Lợi nhuận giữ lại/ Tổng tài sản) : cho phép đánh giá khía cạnh nguồn huy động vốn của doanh nghiệp, chỉ tiêu X2 càng lớn chứng tỏ doanh nghiệp có tính tự chủ tài chính cao, tài trợ cho hoạt động kinh doanh bằng nguồn vốn nội sinh, giảm thiểu rủi ro với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu X2 càng nhỏ, tức phần lớn nguồn vốn huy động vào kinh doanh đến từ nguồn vay và nợ khi đó trị số  của hệ số X2 càng nhỏ hay nói cách khác nguy cơ rủi ro phá sản của doanh nghiệp càng cao.

Hệ số X3 (EBIT/Tổng tài sản): Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua đánh giá khả năng sinh lời của đồng vốn đưa vào kinh doanh, không tính đến nguồn huy động. Chỉ tiêu X3 trong Z-score cho thấy, doanh nghiệp càng làm ăn hiệu quả khi đó X3 càng lớn tác động tích cực vào chỉ tiêu Z – score, nguy cơ phá sản càng giảm.

Hệ số X4 (Giá trị thị trường của VCSH/ Tổng nợ phải trả): đánh giá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp trước sự biến động giá trị của tài sản.

Hệ số X5 (Doanh thu/ Tổng tài sản): Phản ánh hiệu suất sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Nêu doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản cao đồng nghĩa với việc vốn kinh doanh của doanh nghiệp được sử dụng tối ưu, làm tiền đề nâng cao hiệu quả kinh doanh. Do vậy, chỉ tiêu này được đưa vào làm căn cứ đánh giá Hệ số nguy cơ phá sản.

Chỉ số Z-score được tính toán dựa trên số liệu tài chính và cho phép đưa ra những cảnh báo về mức độ rủi ro, nguy cơ phá sản của doanh nghiệp. Chỉ số này được nhiều chủ thể quan tâm như ngân hàng, nhà cung cấp, khách hàng, chủ sở hữu doanh nghiệp … dựa vào trị số của Z – score để nhận định về nguy cơ tiềm tàng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có những quyết định phù hợp. Do vậy, bản thân doanh nghiệp cũng tính toán chỉ tiêu Z – score, nghiên cứu những cấu thành của chỉ tiêu này trên cơ sở đó có những điều chỉnh trong hoạt động để giảm thiểu rủi ro, giảm nguy cơ phá sản, tăng trị số của chỉ tiêu, tăng uy tín của doanh nghiệp.

Ưu điểm của phương pháp định lượng:

+ Đưa ra các số liệu đã được lượng hóa về những yếu tố của rủi ro

Hạn chế của phương pháp định lượng:

+ Các mô hình thường khá phức tạp đòi hỏi chuỗi số liệu đủ dài và có độ chính xác cao

+ Các mô hình thường được xây dựng trên cơ sở nhiều giả định

2.2. Đánh giá rủi ro:

Trên cơ sở kết quả đo lường rủi ro, bước tiếp theo của quy trình là tiến hành đánh giá rủi ro. Đánh giá rủi ro thông thường chia thành hai công đoạn: Đánh giá sơ bộ và đánh giá chuyên sâu.

Đánh giá sơ bộ: Mục tiêu loại bỏ những rủi ro không đáng kể hoặc ít quan trọng. Mục đích là để tập trung những nguồn lực vào những rủi ro quan trọng nhất. Theo đó, những rủi ro đã được nhận diện trong bước 1, và đo lường mức độ tác động sẽ được đưa ra phân tích sơ bộ. Đánh giá sơ bộ xác định một hoặc nhiều chuỗi hành động:

+ Quyết định xử lý các rủi ro mà không cần đánh giá thêm

+ Loại bỏ những rủi ro không quan trọng mà không cần đánh giá việc xử lý.

Những rủi ro còn lại sẽ đưa ra đánh giá chi tiết hơn.

Trong công đoạn đánh giá sơ bộ đặc biệt cần chú ý không loại bỏ những biến có rủi ro thấp nhưng xảy ra một cách thường xuyên và có tác động tổng hợp đáng kể tới tổng thể.

Đánh giá chi tiết rủi ro: Mục tiêu xắp xếp các rủi ro theo một trình tự ưu tiên về mức độ tác động, làm cơ sợ cho nhà quản trị có sự tập trung nguồn lực ưu tiên xử lý. Cụ thể:

+ Xắp xếp phân hạng rủi ro trên cơ sở định tính: theo đó dựa trên kinh nghiệm của nhà quản trị, với 2 biến số là khả năng xảy ra và mức độ tác động, nhà quản trị xắp xếp các rủi ro trên cơ sở ma trận đánh giá ảnh hưởng rủi ro.

Từ cơ sở bảng tổng hợp rủi ro, trên cơ sở ma trận đánh giá ảnh hưởng rủi ro. Nhà quản trị nhận diện và xắp xếp các rủi ro theo mức độ ảnh hưởng của rủi ro tới hoạt động của doanh nghiệp. (Phụ lục số 08: Mô tả xắp xếp rủi ro theo mức độ ảnh hưởng của rủi ro tới doanh nghiệp)

+ Xắp xếp phân hạng rủi ro trên cơ sở định lượng: Dựa trên những tham số đã xác định bao gồm khả năng xuất hiện rủi ro, mức độ tác động của rủi ro và đánh giá thêm thời điểm (khung thời gian) xuất hiện rủi ro để xác định lượng hóa giá trị rủi ro.

Giá trị rủi ro = Mức độ tác động * Khả năng xuất hiện rủi ro * Khung thời gian

Khung thời gian hay thời điểm xuất hiện rủi ro thông thường được đề xuất bởi 4 khả năng xảy ra:

+ Ngay lập tức: Rủi ro sẽ xảy đến gần như ngay tức khắc (trong vòng 1 tuần)

+ Rất gần: Rủi ro sẽ xuất hiện tại thời điểm rất gần thời điểm phân tích (trong vòng 1 tháng)

+ Sắp xảy ra: Rủi ro xuất hiện trong tương lai gần (Trong vòng 1 quý)

+ Rất lâu: Rủi ro sẽ xuất hiện trong tương lai xa hoặc chưa định được (trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn)

Với mỗi khả năng xảy ra, nhà quản trị gán một trọng số tương ứng làm cơ sở lượng hóa giá trị rủi ro.

Trên cơ sở giá trị rủi ro tính được, nhà quản trị lập bảng xắp xếp phân hạng giá trị rủi ro từ cao xuống thấp. Trên cơ sở đó lựa chọn các rủi ro cần ưu tiên đối phó.

3. Xử lý rủi ro

Xử lý rủi ro là việc sử dụng các chiến lược, các quy trình, công cụ, kỹ thuật nhằm ngắn ngừa, né tránh hoặc giảm thiểu những thiệt hại khi rủi ro xảy ra, đồng thời kiểm soát rủi ro theo kế hoạch quản lý rủi ro khi rủi ro xảy ra.

Dựa trên kết quả đo lường và đánh giá rủi ro và mức độ chấp nhận rủi ro của Ban lãnh đạo công ty, bộ phận quản trị  rủi ro đề xuất 4 nhóm chiến lược xử lý rủi ro, cụ thể:

– Tránh né rủi ro: Áp dụng khi phát hiện rủi ro quá lớn, không biện pháp kiểm soát nào khả thi có thể áp dụng. Trong trường hợp này buộc phải thay đổi mục tiêu kinh doanh, đầu tư thậm chí rời bỏ ngành nghề kinh doanh. Ví dụ, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác khi lĩnh vực dự kiến có các đối thủ cạnh tranh quá mạnh.

– Chuyển giao rủi ro: Là việc lựa chọn tổ chức khác chi trả cho những tổn thất do biến cố rủi ro gây ra nhưng phát sinh chi phí (các hợp đồng bảo hiểm…). Việc lựa chọn chuyển giao có thể chuyển giao toàn bộ hoặc chuyển giao một phần, trong trường hợp chuyển giao một phần những rủi ro giữ lại không chuyển giao đòi hỏi đơn vị phải có đủ năng lực tài chính để kiểm soát được và sẵn sàng bù đắp khi biến cố rủi ro xảy ra.

– Giảm nhẹ rủi ro: là việc tối thiểu hóa các ảnh hưởng của tổn thất.

Áp dụng các biện pháp cải tiến tác động điều chỉnh hoặc giảm khả năng xảy ra rủi ro hoặc giám mức độ tác động khi biến cố rủi ro xảy đến hoặc cả hai. Các giải pháp cải tiến, hoặc các biện pháp bổ sung cần đưa ra trên cơ sở xác định được nguyên nhân gây ra rủi ro. Chi phí liên quan đến cải tiến hoắc áp dụng bổ sung các biện pháp quản trị cần được cân nhắc so sánh, đánh giá với lợi ích đưa lại.

– Chấp nhận rủi ro: Rủi ro được chấp nhận và doanh nghiệp không áp dụng bất kỳ hành động nào để giảm thiểu nó trong trường hợp lợi ích tiểm năng được dự đoán là như mong đợi và khó khăn mang lại là thấp hoặc không có ảnh hưởng lớn.

Tất cả các biện pháp xử lý rủi ro cần có sự nhìn nhận và hoàn thiện quy trình kiểm soát nội bộ nhằm giảm thiểu rủi ro,  mặc khác nguồn lực tài chính dự phòng cần được doanh nghiệp tính tới và chủ động trích lập là tiền đề cho việc chủ động áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro.

Các rủi ro sau khi được nhận diện, đo lường, đánh giá và xử lý cần tiếp tục được theo dõi, giám sát. Hoạt động giám sát rủi ro cần được làm một cách chủ động và liên tục để phản ánh những thay đổi của môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Rủi ro không kiểm soát có thể tự nó biến đổi do vậy, hoạt động giám sát cần diễn ra một cách thường xuyên và liên tục. Hoạt động này cung cấp cho nhà quản trị những đánh giá rủi ro theo cả định tính và định lượng, có thể xây dựng hệ thống tín hiệu cảnh báo sớm cho những nhóm rủi ro chính.

Nội dung quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?