Những nhân tố tác động đến phát triển bền vững công nghiệp tại địa phương

cấu trúc vốn

Mục lục

Những nhân tố tác động đến phát triển bền vững công nghiệp tại địa phương

Phát triển bền vững công nghiệp tại địa phương chịu tác động tổng hợp của rất nhiều nhân tố khác nhau, vai trò và mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố trong từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử nhất định là khác nhau, trong đó những nhân tố có ảnh hưởng lớn có thể kể đến gồm:

1. Nhóm nhân tố về điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Vị trí địa lý là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến Phát triển bền vững công nghiệp của một địa phương cũng như của một quốc gia. Sự ảnh hưởng của vị trí địa lý đến Phát triển bền vững công nghiệp được biểu hiện theo hai hướng: (i) thúc đẩy Phát triển bền vững (ảnh hưởng tích cực) và (ii) cản trở

tiến Phát triển bền vững, tạo ra những nhân tố không bền vững trong sự phát triển (ảnh hưởng tiêu cực). Vị trí địa lý tạo điều kiện thúc đẩy Phát triển bền vững công nghiệp của địa phương khi nó đáp ứng được ít nhất một trong các yêu cầu sau:

– Gần hệ thống giao thông chính như: đường cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng biển, cảng sông, cửa khẩu quốc tế lớn…

– Gần nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp.

– Gần thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng.

– Gần các trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị lớn; gần các địa phương phát triển nhanh, năng động, các trung tâm khoa học, công nghệ cao; nằm trong hoặc gần các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế…

Ngược lại, vị trí địa lý sẽ tạo ra những yếu tố không bền vững trong sự phát triển của địa phương trong các trường hợp:

– Nằm trong hoặc gần các khu vực không ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng, xung đột sắc tộc, tôn giáo.

– Nằm trong hoặc gần các khu vực thường xảy ra thiên tai: lũ lụt, động đất…

– Ở khu vực không thuận lợi về giao thông, thị trường tiêu thụ,…

2. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản là điều kiện cần và có tác động mạnh đến Phát triển bền vững công nghiệp, nếu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú và có trữ lượng khá sẽ tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định cho các ngành sản xuất công nghiệp, tạo ra lợi thế so sánh và đảm bảo an ninh nguyên liệu cho các ngành công nghiệp phát triển ổn định và bền vững, nhất là trong điều kiện các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo khác ngày càng trở nên cạn kiệt, khan hiếm và đang là nguyên nhân gây ra các các cuộc tranh chấp, xung đột ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Rõ ràng là các địa phương giàu tài nguyên khoáng sản có lợi thế trong việc phát triển đa dạng, bền vững các ngành công nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức một vấn đề là việc các địa phương có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú lại luôn tiềm ẩn những yếu tố không bền vững trong quá trình phát triển do việc lạm dụng và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên không tái tạo của địa phương mình, gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan và quy hoạch. Bên cạnh đó, một đặc điểm cơ bản đối với các địa phương ở nước ta hiện nay là mới ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, trình độ công nghệ, sản xuất còn thô sơ, lạc hậu; do đó, các ngành công nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác, sơ chế khoáng sản, công nghiệp chế biến mới chỉ dừng lại ở mức độ gia công, sơ chế là chủ yếu, ít có những ngành chế biến sâu và chưa xuất hiện những ngành sản xuất có kỹ thuật cao, trình độ sản xuất hiện đại. Do đó, nguy cơ không bền vững trong phát triển công nghiệp của các địa phương này là rất lớn.

1.3. Tài nguyên nước

Xét về tính cần thiết cho công nghiệp thì đối với nhiều ngành công nghiệp, nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mặc dù trong nhiều trường hợp nước không phải là yếu tố đầu vào trực tiếp tạo ra sản phẩm công nghiệp, nhưng nó lại là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với hầu hết mọi quá trình sản xuất công nghiệp đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như năng lượng, luyện kim, cơ khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến… Vai trò của nước đối với sản xuất công nghiệp còn quan trọng hơn cả nguyên liệu đầu vào, bởi lẽ các nguyên liệu đầu vào nhiều khi có thể vận chuyển từ nơi khác đến phục vụ cho quá trình sản xuất, nhưng việc vận chuyển nước ở quy mô công nghiệp là rất tốn kém. Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp còn cần được bố trí gần các nguồn nước (sông, ngòi, ao, hồ,…) để thuận tiện trong quá trình thoát nước thải ra môi trường, nhất là trong điều kiện phần lớn các địa phương của chúng ta đều chưa có khả năng đầu tư được hệ thống thu gom, thoát nước thải công nghiệp một cách đầy đủ, đồng bộ.

Tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm 2 nguồn chính là: nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm, tuy nhiên hiện nay chỉ mới có nguồn nước mặt được khai thác chủ yếu thông qua hệ thống sông, ngòi, ao, hồ… trong khi nguồn nước ngầm ít được khai thác do chi phí khai thác, sử dụng còn lớn.

2. Nhóm nhân tố về dân số và nguồn nhân lực

Dân số quyết định quy mô của nguồn nhân lực, để Phát triển bền vững công nghiệp chúng ta cần một nguồn nhân lực đủ về số lượng và có chất lượng, bởi lẽ muốn làm chủ và vận hành được những công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến đỏi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo, có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, cùng với đó là đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi, có kinh nghiệm.
Dân số và nguồn nhân lực quá ít hoặc quá đông đều có ảnh hưởng đến Phát triển bền vững công nghiệp, nếu quá ít sẽ không đủ lực lượng để tham giá quá trình sản xuất của cải vật chất cho xã hội và đương nhiên công nghiệp không thể phát triển được. Ngược lại, trường hợp dân số và nguồn nhân lực quá đông lại gây áp lực trong việc giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội có liên quan.
Ngoài số lượng dân số và nguồn nhân lực, cơ cấu dân số và nguồn nhân lực về độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ, ngành nghề lao động… cũng có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và Phát triển bền vững công nghiệp nói riêng. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải biết khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và có kế hoạch, lộ trình đào tạo, củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu của phát triển.

3. Nhóm nhân tố về kinh tế – xã hội

3.1. Thể chế chính sách về phát triển bền vững

Muốn PTBV điều kiện đầu tiên và tiên quyết là chính quyền nhà nước các cấp phải xây dựng được các thể chế, chính sách về Phát triển bền vững, nó thể hiện quan điểm chính thức của quốc gia và địa phương đối với vấn đề phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng theo hướng bền vững. Một nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng không thể Phát triển bền vững nếu như những người điều hành nó không mong muốn đạt được trạng thái đó. Quan điểm, thể chế về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các địa phương là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp và quy hoạch công nghiệp của địa phương.

Chiến lược phát triển công nghiệp xác định trạng thái tương lai của công nghiệp và chỉ ra cách thức để đưa nền công nghiệp đạt tới trạng thái tương lai ấy. Chiến lược phát triển công nghiệp bao gồm chiến lược của cả quốc gia và chiến lược của các vùng, các địa phương, trong đó chiến lược phát triển công nghiệp vùng phải được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia, tiếp theo đó chiến lược phát triển công nghiệp của các địa phương phải được xây dựng trên cơ sở chiến lược của vùng và chiến lược phát triển chung của cả nước. Chiến lược phát triển công nghiệp thường được xây dựng cho khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm và tầm nhìn từ 40 đến 50 năm. Để thực hiện chiến lược, trong mỗi giai đoạn phát triển thường có một hoặc một số chính sách công nghiệp khác nhau được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chung của chiến lược. Phát triển bền vững công nghiệp phải được đặt ra và là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển của quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương và doanh nghiệp.

Để Phát triển bền vững công nghiệp, ngoài đỏi hỏi phải có chiến lược phát triển công nghiệp, chúng ta cần có quy hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, các vùng và các địa phương. Nếu như chiến lược phát triển công nghiệp xác định trạng thái tương lai của công nghiệp và chỉ ra cách thức để đưa công nghiệp đến trạng thái tương lai ấy, thì quy hoạch phát triển công nghiệp chỉ ra cách bố trí, sắp xếp, phân bố các cơ sở công nghiệp, các ngành công nghiệp theo không gian và thời gian trên các vùng lãnh thổ, các địa phương sao cho khai thác được tối đa lợi thế của đất nước về tài nguyên, sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp trên cơ sở giải quyết tốt các vấn đề xã hội, BVMT sinh thái.

3.2. Nguồn lực tài chính huy động cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội

Để Phát triển bền vững cần tập trung đầu tư không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và BVMT do đó đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng Phát triển bền vững là một thứ hàng hoá xa xỉ, có nghĩa là chỉ khi có thu nhập cao, khi đã trở nên giàu có người ta mới tính đến chuyện Phát triển bền vững. Điều này, xét trên góc độ chi phí phản ảnh một thực tế là cần có nguồn lực tài chính đủ lớn để đầu tư Phát triển bền vững công nghiệp, không thể nói đến chuyện Phát triển bền vững chỉ bằng ý muốn chủ quan của cộng đồng và xã hội thông qua việc hô khẩu hiệu, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp về Phát triển bền vững. Rõ ràng là việc đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn so với việc sử dụng các công nghệ sản xuất truyền thống; việc áp dụng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử, các chuẩn mực xã hội, các tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, quản lý, kiểm soát môi trường sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Như vậy, quy mô nguồn lực tài chính huy động cho phát triển kinh tế xã hội có tác động lớn đến Phát triển bền vững. Đối với một địa phương nguồn lực tài chính huy động cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội được lượng hoá thông qua chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ tiêu này phụ thuộc vào các yếu tố sau:

– Cân đối thu chi ngân sách địa phương: nếu địa phương có thặng dư ngân sách (thu ngân sách > chi ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, chính sách chế độ mang tính chất thường xuyên) thì địa phương sẽ có nguồn kinh phí dành cho đầu tư phát triển. Mức thặng dư càng lớn thì nguồn kinh phí dành cho đầu tư phát triển càng lớn và ngược lại.

– Nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

– Nguồn vốn hình thành từ thu hút đầu tư nước ngoài.

– Nguồn vốn tín dụng đầu tư.

– Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, vốn ODA và viện trợ.

Nếu phân theo chủ thể quản lý, các nguồn tài chính nêu trên có thể được chia thành hai loại, đó là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư. Trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, tạo lập môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp và nền kinh tế; còn vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư là nguồn lực vật chất chủ yếu để hình thành nên hệ thống các doanh nghiệp và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, do đó cần chú trọng khai thác, khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn này.

3.3. Sự đồng thuận và tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc thực hiện phát triển bền vững

Phát triển bền vững là đỏi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia, mỗi địa phương và vùng lãnh thổ trong quá trình phát triển, xuất phát từ thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp của đất nước. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ đó, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, phối hợp, chung sức, tham gia rộng rãi của mọi thành viên trong xã hội: các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ. Muốn vậy, ngoài việc xây dựng thể chế, chính sách, cũng như các chế tài của nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyên, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức trong xã hội về PTBV và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc thực hiện PTBV là một trong những yếu tố không thể thiếu để có thể đảm bảo phát triển một cách thực sự bền vững.

3.4. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước tạo ra cho các địa phương những cơ hội và thách thức lớn trong phát triển kinh tế và có tác động không nhỏ đến PTBVCN của các địa phương này.
Về những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến PTBVCN có thể kể đến là:

– Tiếp cận được với công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ sản xuất sạch của các nước có trình độ công nghiệp phát triển.

– Thị trường của các nước phát triển luôn là thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm hàng hoá, đảm bảo môi trường, các vấn đề xã hội… do đó, để thâm nhập vào các thị trường này, các doanh nghiệp của Việt Nam buộc phải tự cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất, các bộ Quy tắc ứng xử (CoC) và các tiêu chuẩn như SA 8000 (tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất), WRAP (trách nhiệm toàn cầu trong ngành may mặc), ISO 14000 (hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp),… và do vậy góp phần đảm bảo yếu tố bền vững trong phát triển.

– Việc Chính phủ Việt Nam tham gia vào các hiệp định, nghị định thư và công ước quốc tế về các vấn đề có liên quan đến BVMT, chống biến đổi khí hậu như Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; Chương trình nghị sự 21; Mục tiêu thiên niên kỷ… đã buộc các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện theo các chương trình hành động, các kế hoạch của Chính phủ nhằm thực hiện các thoả thuận và cam kết đã ký kết với các nước và quốc tế.

– Phân công lao động và hợp tác quốc tế phát triển tạo điều kiện cho các địa phương khắc phục được những hạn chế, bất lợi về điều kiện tự nhiên, để phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác các lợi thế so sánh động của mình và tận dụng những cơ hội do việc tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế và chuỗi giá trị quốc tế mang lại.

Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế cũng có tác động tiêu cực đến Phát triển bền vững công nghiệp, do xu hướng chung của các nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao là chuyển các ngành sử dụng nhiều lao động, tài nguyên thiên nhiên, tiêu tốn năng lượng và các ngành có khả năng gây ô nhiễm cao sang các nước đang phát triển có thu nhập thấp, nguồn lao động dồi dào và giàu tài nguyên thiên nhiên. Các nước đang phát triển này (trong đó có Việt Nam), do những khó khăn về nguồn vốn và để đạt được mục tiêu tăng trưởng buộc phải chấp nhận và cho phép phát triển các cơ sở công nghiệp trong những ngành này, do đó tạo nên những yếu tố không bền vững trong phát triển.

3.5. Thị trường trong và ngoài nước

Thị trường là nhân tố có tác động không nhỏ đến phát triển bền vững công nghiệp, bởi lẽ đương nhiên công nghiệp chỉ có thể phát triển nếu sản phẩm do ngành công nghiệp sản xuất ra có thể tiêu thụ được trên thị trường và với việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp thì không chỉ dừng ở việc phát triển thị trường trong nước mà cần thiết phải mở rộng và chiếm lĩnh thị trường khu vực và quốc tế. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm và phải chiếm được thị phần nhất định bằng việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, bởi lẽ cầu thị trường là yếu tố luôn luôn động.

Thị trường không những chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, mà còn có tác động định hướng phát triển sản phẩm, công nghệ và quá trình tổ chức sản xuất đối với các doanh nghiệp. Việc tham gia vào các thị trường có đòi hỏi, yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc, xuất xứ (sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, quá trình sản xuất sạch, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực xã hội, các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử…) cũng như đáp ứng những đòi hỏi nhất định về trách nhiệm xã hội của chủ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất buộc các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển phải hướng tới và đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững.

Những nhân tố tác động đến phát triển bền vững công nghiệp tại địa phương

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?