Nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử

xuất nhập khẩu

Mục lục

Nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử

  1. Các nhân tố trực tiếp

Khác với nhiều ngành công nghiệp khác, trong điều kiện phát triển hiện nay, có lẽ ba nhân tố sau đây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam:

(i) – Vốn đầu tư

Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO thì Tập đoàn Intel (Mỹ) đã nâng vốn đầu tư từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD. Tiếp đến là Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) cũng đầu tư 1 dự án tại Bình Dương với số vốn 1 tỷ USD sản xuất đầu đọc quang học dùng cho đầu DVD, VCD và môtơ siêu nhỏ dùng trong máy ảnh, máy in… Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đầu tư vào Việt Nam tổng vốn 5 tỷ USD (chưa thành vốn thực hiện nên chưa được tính vào vốn đầu tư theo con số của Tổng cục Thống kê), trong đó riêng sản xuất linh kiện điện tử khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra còn Tập đoàn Meikom (Nhật Bản) đầu tư 300 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Tây (vốn này chỉ được tính một phần vào vốn thực hiện theo con số của Tổng cục Thống kê).

Bên cạnh đó, đang có xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á sang Việt Nam. Chẳng hạn như Tập đoàn Meikom đang cân nhắc việc chuyển nhà máy đang sản xuất tại Trung Quốc về Việt Nam. Một số tập đoàn của Nhật Bản, Đài Loan đang có ý định chuyển các nhà máy đang sản xuất linh kiện điện tử của họ tại Trung Quốc, Malaysia về Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể nói Việt Nam đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực điện tử. Rất nhiều các tập đoàn lớn với những dự án quan trọng, vốn đầu tư lớn đã đổ vào Việt Nam. Hiện các doanh nhân trong lĩnh vực điện tử của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang đổ về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và thời gian tới sẽ còn nhiều dự án lớn được cấp phép trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất ở đây là luồng đầu tư này đã tạo ra những chuyển biến về chất như thế nào cho ngành điện tử Việt Nam. Đầu tư vào nhiều, nhưng chủ yếu các doanh nghiệp này chỉ sử dụng đất đai và lao động tại Việt Nam là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ rất ít, chủ yếu vẫn nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam, vì vậy hiện tại giá trị gia tăng còn rất thấp. Có thể nhận diện hiệu ứng từ việc gia tăng vốn đầu tư đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của ngành theo ba điểm sau:

– Yếu tố vốn đầu vào tăng mạnh ở cả ba thành phần kinh tế trong thập kỷ qua làm tăng trưởng của ngành CNĐT đạt tốc độ cao. Việc kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục và đạt gần 3 tỷ USD là hết sức quan trọng, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

– Vốn đầu tư từ khu vực FDI đã tạo ra làn sóng mạnh, kéo theo sự hưởng ứng đầu tư từ khu vực tư nhân, từ đó tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp ngành điện tử theo hướng tích cực hơn. Hầu hết các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử thời gian qua đều là sản xuất linh kiện. Dù chưa có kết quả, nhưng điều này sẽ tạo đà cho CNHT của ngành điện tử phát triển trong những năm tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

– Dù còn rất “xấu” so với các cường quốc điện tử, nhưng hiệu suất vốn đầu tư và năng suất lao động ngành CNĐT đã được cải thiện nhiều. Đặc biệt là quá trình chuyển dịch từ đầu tư nhà nước sang đầu tư tư nhân, đồng vốn được đầu tư với hiệu quả cao hơn.

Những phân tích trên cho thấy, việc gia tăng vốn đầu tư vào ngành CNĐT ở Việt Nam đang tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng mà chưa thực sự trở thành đòn bẩy để nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành. Có lẽ, trách nhiệm còn lại đang đặt nặng hơn vào các chính sách vĩ mô.

(ii) – Lao động

Hiện nay, chúng ta có nhiều thợ, nhiều kỹ sư, nhưng kỹ sư giỏi và thợ lành nghề ít vì vậy mà chúng ta chỉ có thể gia công. Kỹ sư của chúng ta mới quen làm việc theo công nghệ, mẫu mã của nước ngoài. Còn tự mình thiết kế sản phẩm, hoặc sáng tạo ra mẫu mã mới còn rất ít. Đây là thực tế đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Ví dụ sau đây phần nào minh chứng cho kết luận này.

Năm 2009, Công ty Intel Products Việt Nam (Intel) chính thức hoạt động tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2007, Intel đã có kế hoạch tuyển dụng, liên kết đào tạo với các trường đại học, dạy nghề. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, giữa năm 2008, Công ty dự kiến tuyển 4.000 người nhưng chỉ tiếp nhận được khoảng 2.000 hồ sơ dự tuyển, kết quả chỉ có 40 ứng viên được chấp nhận và chỉ là các kỹ sư thực hiện bảo trì bảo dưỡng mà không một kỹ sư nào đạt tiêu chuẩn kỹ sư làm trong công đoạn thiết kế.

Hiện nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực như Intel. Tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung của Bắc Ninh đang sử dụng hơn 3 vạn lao động. Song các doanh nghiệp ở Bắc Ninh đang đứng trước tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động chất lượng, nhất là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện, điện tử. Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao đang là nỗi lo của ngành điện tử, tin học.

(iii) – Công nghệ và kỹ thuật

Đối với ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ và kỹ thuật là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá năng lực của doanh nghiệp, là thành tố chiếm tỉ trọng lớn để đo lường chất lượng sản phẩm, hàm lượng chất xám kết tinh trong cơ cấu giá trị của sản phẩm, là yếu tố thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao hiệu suất sử dụng vốn đầu tư.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, công nghệ và trang thiết bị sản xuất CNĐT Việt Nam lạc hậu 10-20 năm so với khu vực và thế giới. Sự yếu kém này là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng ngành CNĐT Việt Nam trong những năm qua. Nếu so sánh với các nước ASEAN 5 (gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines) ngành CNĐT Việt Nam mới đang ở cuối giai đoạn 1 (lắp ráp sản phẩm từ phụ kiện nhập khẩu), đầu giai đoạn đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng phát triển CNHT. Trong khi đó các nước ASEAN 5 đang phát triển ở giai đoạn 3 (nghiên cứu thiết kế sản phẩm, đầu tư công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu). Đến nay, chỉ có 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục vụ thị trường trong nước có xây dựng nhà xưởng mới, còn lại đều sử dụng nhà xưởng thiết bị cũ nâng cấp.

Về mặt kỹ thuật, CNĐT Việt Nam cũng chưa đạt được yêu cầu của các tập đoàn lớn của Thế giới đặt ra, đang thiếu các kỹ thuật cần thiết để làm các linh phụ kiện có giá trị gia tăng cao, cụ thể hơn chúng ta đang thiếu kỹ thuật cho các nhà máy sau như: nhà máy làm board & dây chuyền lắp ráp linh kiện lên board (board house); nhà máy sản xuất chip (fabhouse); thiết kế chipset; thiết kế logic trên CPLD & FPGA; thiết kế và sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng, công nghiệp và quân sự…

Để học hỏi và phát triển các kỹ thuật trên, đòi hỏi một quá trình dài để chuyển giao từ các tập đoàn quốc tế lớn. Hơn nữa, bản thân các doanh nghiệp điện tử cần nhận thức rõ để có chiến lược và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất các sản phẩm điện tử mới, hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

(2) – Các nhân tố gián tiếp

Một thực tế không thể phủ nhận là các chính sách thương mại và công nghiệp đối với ngành công nghiệp điện tử là chưa phù hợp. Đã có không ít sự xáo trộn trong quá trình hoạch định cũng như thực thi các chính sách thương mại và đầu tư trong ngành công nghiệp này. Trong một thời gian dài chính sách phát triển ngành điện tử Việt Nam chưa có các bước đi thích hợp, chưa cụ thể hóa được các chiến lược quan trọng và quan trọng hơn cả là chưa xác định được mô thức phát triển. Sự nhùng nhằng giữa tư duy “dám” và “chưa dám” trong định hướng chiến lược đã đánh mất nhiều cơ hội vượt ngưỡng của ngành. Có thể nhìn rõ hơn qua từng chính sách như sau:

(i) – Chính sách đầu tư phát triển

Đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của ngành điện tử Việt Nam, các chính sách đi theo được xây dựng khá kịp thời. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn còn bàn cãi cho đến nay. Thực tế đã cho thấy, thời gian dành cho việc lắp ráp đơn thuần đã diễn ra quá lâu. Vì vậy, công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng vẫn yếu kém. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chậm phát triển.

Chính sách khuyến khích đầu tư không chọn lọc đã dấy lên phong trào ồ ạt sản xuất các phụ tùng, linh kiện theo các bộ linh kiện IKD và CKD mà thiếu đi các tiêu chuẩn hợp lý thích ứng với sự đổi mới thường xuyên của công nghệ điện tử thế giới và không đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chính sách này đã đi ngược với kinh nghiệm xây dựng chính sách của các nước NICs Đông Á và ASEAN rằng công nghệ cao và sản phẩm được thế giới chấp nhận là những yêu cầu bắt buộc khi cho phép đầu tư vào ngành điện tử. Như vậy, yêu cầu xuất khẩu ở Việt Nam chưa trở thành tiêu chuẩn đầu tiên khi cấp phép đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là chưa kể đến việc nếu không có công nghệ thích hợp và đạt các chuẩn quốc tế, việc xác định giá tính thuế cứng nhắc, không cụ thể sẽ gây nhiều trở ngại cho sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử của Việt Nam, các trang thiết bị cho lắp ráp được tự bổ sung dần dần, trừ một số dây chuyền mới nhập, hầu hết là thiếu đồng bộ. Vì vậy, dù các sản phẩm trong nước của các doanh nghiệp điện tử như Viettronic Tân Bình, Viettronic Đống Đa, Viettronic Biên Hòa, Hanel… đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao vẫn không được thị trường trong nước ưu chuộng bằng hàng ngoại nhập.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành điện tử Việt Nam hiện nay đang thiếu đi tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định các chính sách. Trong khi vừa cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư mua dây chuyền công nghệ để tiến hành lắp ráp IKD nhằm tạo dựng môi trường thương mại cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam thì xuất phát từ sự bùng nổ của nhu cầu hàng điện tử vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, chúng ta lại cấp phép ồ ạt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Yếu hơn về nhiều mặt, công thêm sự thiếu “nhạy cảm” trong các chính sách đầu tư và sự “khôn ngoan” của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu. Hệ lụy của sự sai lầm trong chính sách là một ngành điện tử Việt Nam có cơ cấu bất hợp lý và kết quả kém xa các nước.

(ii) – Chính sách thuế

Sản xuất trong ngành điện tử Việt Nam đến nay vẫn chỉ dừng lại ở công nghệ lắp ráp. Do đó, mức thuế áp cho các sản phẩm của ngành trong một thời gian dài vẫn được vận dụng theo điểm 6, mục 1 Biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ.

Nhìn vào biểu thuế này, rõ ràng chính sách thuế đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, các sắc thuế đó không hướng vào sản xuất trong nước mà là nhằm khuyến khích nhập khẩu. Trong khi nhập khẩu nguyên chiếc để tiêu thụ chỉ chịu thuế doanh thu 4%, thì các nhà sản xuất trong nước, ngoài đầu tư vốn mua dây chuyền công nghệ, họ còn phải đầu tư vốn cho sản xuất, tổ chức lao động, gia công lắp ráp, đóng gói, đăng ký chất lượng sản phẩm lại nộp thuế doanh thu gấp 2 lần. Điều bất hợp lý hơn nữa là thuế suất nhập khẩu linh kiện cao hơn thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc. Đây chính là nguyên do làm triệt tiêu những định hướng đầu tư lắp ráp, sản xuất hàng điện tử trong nước những năm 90.

Đầu những năm 2000, sau khi Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình giảm thuế CEPT/AFTA, Nhà nước đã có những điều chỉnh trong chính sách thuế đối với ngành điện tử. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này vẫn chưa giải quyết được những bất hợp lý. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, các mã hàng cơ bản trong một sản phẩm hoàn chỉnh phải nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN chiếm tỷ lệ tới 70% và chịu mức thuế MFN từ 5% – 30%, trong khi những mặt hàng chịu mức thuế CEPT/AFTA chiếm tỷ lệ 30% trong một sản phẩm hoàn chỉnh thì mức thuế CEPT/AFTA lại thấp hơn từ 5% – 10%.
Từ thực tế chính sách thuế, có thể chỉ ra 2 điểm bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, chính những chính sách này đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất trong khu vực xuất khẩu sản phẩm nguyên chiếc vào Việt Nam, nhiều nhà sản xuất trong nước sẽ thu hẹp sản xuất để chuyển sang phân phối, sửa chữa và bảo hành cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, các doanh nghiệp liên doanh (FDI) sẽ sớm chuyển thành doanh nghiệp sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài, thu hẹp hoặc chấm dứt sản xuất, chuyển sang kinh doanh thành phẩm nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các cam kết WTO. Sự ra đời của Công ty Panasonic Holding 100% vốn nước ngoài hoạt động theo mô hình mẹ – con là một minh chứng cho điều này.

(iii) – Chính sách nhập khẩu thiết bị, công nghệ

Chính sách nhập khẩu thiết bị, công nghệ đã có tác dụng tích cực đến sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam. Từ chỗ lắp ráp theo mô thức SKD là chủ yếu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chuyển sang đầu tư công nghệ để lắp ráp theo các mô thức CKD và IKD. Nhờ đó các sản phẩm điện tử do Việt Nam lắp ráp đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường, trong đó một số ít đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và một số nước lân cận. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư có hạn, thông tin KH&CN cập nhật không đầy đủ nên nhiều thiết bị công nghệ trong ngành được nhập về đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của toàn ngành. Đặc biệt là đối với các thiết bị đo kiểm (thường chiếm tới 50% tổng giá trị thiết bị đầu tư) nên khả năng lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử cao cấp là rất hạn chế.

Nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?