Mục lục
Một số vấn đề về triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Cao Đẳng Thương Mại
Học chế tín chỉ ra đời ở Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ 19, sau đó đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và xâm nhập vào Việt Nam từ trước 1975. Vì những ưu điểm của nó, phù hợp với quan điểm đổi mới giáo dục nên Nhà nước đã chủ trương triển khai áp dụng học chế tín chỉ trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Luật Giáo dục sửa đổi (2005) đã viết: “Về chương trình giáo dục: đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có thể được tiến hành theo hình thức tích luỹ tín chỉ hay theo niên chế”. Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 cũng có nêu: “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài”.
Trong các từ điển bách khoa, các tài liệu về giáo dục đại học có nhiều định nghĩa khác nhau về tín chỉ. Định nghĩa của James Quann (Đại học Quốc gia Washington): “Tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm: Thời gian lên lớp; thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã được quy định ở thời khoá biểu; và thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài…”
Đặc điểm cơ bản của hệ thống tín chỉ
- Đòi hỏi sinh viên phải tích luỹ kiến thức theo từng học phần (tín chỉ);
- Kiến thức cấu trúc thành các môđun (học phần);
- Quy định khối lượng kiến thức phải tích luỹ cho từng văn bằng. Xếp năm học của người học theo khối lượng tín chỉ tích luỹ;
- Chương trình đào tạo mềm dẻo (có học phần bắt buộc và học phần tự chọn);
- Đánh giá thường xuyên, thang điểm chữ;
- Dạy học lấy sinh viên làm trung tâm;
- Đơn vị học vụ là học kỳ. Mỗi năm có thể chia thành 2 học kỳ (15 tuần); 3 học kỳ (15 tuần); hoặc 4 học kỳ (10 tuần);
- Ghi danh học đầu mỗi học kỳ, lớp học tổ chức theo mỗi học phần;
- Có hệ thống cố vấn học tập;
- Có thể tuyển sinh theo học kỳ;
- Không thi tốt nghiệp, không tổ chức bảo vệ khoá luận tốt nghiệp đối với các chương trình đại học hoặc cao đẳng;
- Chỉ có 1 văn bằng chính quy đối với 2 loại hình tập trung và không tập trung;
Điều kiện để thực hiện học chế tín chỉ
- Có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ: Đội ngũ này phải hiểu đúng và đầy đủ về học chế tín chỉ. Phải có tài liệu hướng dẫn chi tiết về tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ; tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm trong đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên với sự tham gia, hướng dẫn của các chuyên gia. Cần thành lập một nhóm chuyên gia tìm hiểu về vấn đề này: thu thập và nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước về học chế tín chỉ; tìm hiểu tình hình tổ chức đào tạo theo tín chỉ của các trường đại học, cao đẳng trong nước; tổ chức hội thảo trong nhóm về tín chỉ và lộ trình chuẩn bị đào tạo theo tín chỉ; biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức và quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ. Sau khi nhóm chuyên gia hoàn thành các công việc trên sẽ tổ chức các cuộc hội thảo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên để mọi người hiểu về học chế tín chỉ và đóng góp cho dự thảo lộ trình chuyển đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Cụ thể:
– Các giảng viên phải hiểu biết về các phương pháp dạy – học, kiểm tra – đánh giá tiên tiến như yêu cầu của hệ thống tín chỉ và có kỹ năng sử dụng các thiết bị giảng dạy hiện đại. Để có điều kiện này, nhà trường phải tổ chức các đợt tập huấn cho đội ngũ giảng viên về các phương pháp dạy – học, kiểm tra – đánh giá tiên tiến.
– Các chuyên viên của các phòng, trung tâm được trang bị kiến thức về phương thức quản lý theo học chế tín chỉ, về kỹ thuật xây dựng thời khoá biểu môn học theo đăng ký của người học và hệ thống phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng công việc ấy.
– Có đủ đội ngũ cố vấn am hiểu về chương trình đào tạo để hướng dẫn người học chọn môn học và xây dựng kế hoạch học tập.
- Có một ban chỉ đạo dự án chuyển đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ ở cấp trường: Ban chỉ đạo do Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách, các uỷ viên là các trưởng Phòng, Khoa (Bộ môn), chủ tịch Công đoàn cơ sở, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và một số thành viên khác do Hiệu trưởng quyết định. Ban chỉ đạo dự án phải xây dựng dự án chuyển đổi đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ và trình dự án để Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt. Trong dự án cần một lộ trình thực hiện (nội dung công việc, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện và dự trù kinh phí cho từng công việc). Mỗi mảng công việc phải thành lập tiểu ban. Trưởng tiểu ban do phó hiệu trưởng hoặc trưởng phòng, giám đốc trung tâm, trưởng khoa (bộ môn) phụ trách. Căn cứ vào dự án nhà trường, trưởng các tiểu ban xây dựng kế hoạch thực hiện trình hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện
- Xây dựng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ: Xây dựng chương trình đào tạo cũng là dịp để chúng ta nghiên cứu và vận dụng các lý luận về thiết kế chương trình hiện đại theo chuẩn của các trường cao đẳng tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai của đất nước đối với ngành đào tạo và yêu cầu hội nhập quốc tế. Khi xây dựng khung chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ nên rà soát lại để bỏ bớt những môn không cần thiết, bổ sung các môn học mới cập nhật hơn, kế thừa những yếu tố tích cực, phù hợp của khung chương trình đào tạo hiện có.
- Xây dựng chương trình chi tiết từng môn học trong chương trình đào tạo theo tín chỉ của mỗi ngành đào tạo.
- Xây dựng đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo cho mỗi môn học.
- Xây dựng các văn bản quy định liên quan tới việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ:
– Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ;
– Quy chế hoạt động khảo thí theo học chế tín chỉ;
– Quy chế công tác giảng viên theo học chế tín chỉ;
– Quy chế công tác HS-SV theo học chế tín chỉ;
– Quy định đánh giá học phần theo học chế tín chỉ;
– Quy định thu học phí theo học chế tín chỉ;
– Quy định về cố vấn học tập theo học chế tín chỉ.
- Có đủ điều kiện vật chất tối thiểu đạt yêu cầu đào tạo theo tín chỉ:
– Đủ thiết bị giảng dạy hiện đại giúp giảng viên đỡ mất thời gian viết bảng hoặc trình bày, giảng giải trên lớp;
– Đủ phòng học, hội trường, phòng thí nghiệm, phòng đọc ở thư viện để bố trí lớp học theo yêu cầu đăng ký của sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên tự học ngoài giờ lên lớp.
– Có hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo và sinh viên theo hệ thống tín chỉ.
Tóm lại: Học chế tín chỉ là một học chế mềm dẻo, tăng cường tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; nhà trường, giảng viên tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên tích luỹ kiến thức, kỹ năng; đồng thời học chế tín chỉ cũng quản lý chặt chẽ quá trình học tập của từng sinh viên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Các điều kiện cần thiết để chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ là sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ quản lý viên chức và giảng viên toàn trường, nhận thức về học chế tín chỉ, về những công việc cần chuẩn bị, lộ trình thực hiện các công việc ấy và sau đó triển khai công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện các lĩnh vực. Đây là công việc rất khó khăn, cần sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên trong tất cả các đơn vị đào tạo. Toàn bộ công việc xây dựng dự án chuyển đổi từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ và thực hiện dự án nếu tiến hành khẩn trương, tích cực nhất cũng phải mất ít nhất 2 – 3 năm. Khi việc chuẩn bị hoàn tất, tức là các điều kiện đã sẵn sàng, việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ sẽ thực sự mang lại kết quả mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ, ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020;
- Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
- GS. TSKH Lâm quang Thiệp và nhiều người khác, Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ các học viện, trường đại học, cao đẳng, Học viên Quản lý giáo dục, 2008.
Một số vấn đề về triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Cao Đẳng Thương Mại
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT