Mục lục
Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam
1. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam trước cách mạng tháng 8-1945
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Hệ thống tiền tệ, tín dụng được thiết lập và hoạt động chủ yếu phục vụ chính sách thuộc địa của Nhà nước Pháp ở Việt Nam. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, sự hình thành và phát triển của hệ thống tiền tệ, tín dụng đều do Chính phủ Pháp xếp đặt, chính quyền Đông Dương thông qua Ngân hàng Đông Dương là người tổ chức thực hiện.
Trong số cổ đông của Ngân hàng Đông Dương, Chính phủ Đông Dương nắm 20% cổ phần (tính đến năm 1931) và có tới 50% cổ phần là của những người có thế lực của Nhà nước Pháp. Nhiều nhà tư bản có hạng của Pháp đã nắm một khối lượng cổ phần đáng kể; Toà thánh La Mã và các Nhà chung cũng có nhiều cổ phần trong ngân hàng này. Ngoài ra, Ngân hàng Đông Dương còn có cổ phần của tư bản Anh, Mỹ, Nhật v.v…
2. Đối sách của chính quyền cách mạng về tiền tệ – tín dụng từ khi cách mạng tháng Tám thành công
Trong tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, lực lượng cách mạng đã không chiếm được Ngân hàng Đông Dương – cơ quan độc quyền phát hành tiền của Liên bang Đông Dương là một trong những nhược điểm của Cách mạng tháng Tám:
“Không chiếm được Ngân hàng Đông Dương cho nên sau này chính quyền nhân dân đã lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính do địch gây ra”.
Ngay sau khi giành được chính quyền tháng 8/1945, Đảng và Chính phủ ta đã chăm lo việc phát hành tiền để tạo lập một nền tiền tệ độc lập, tự chủ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa .Việc chuẩn bị phát hành tiền đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính phụ trách.
Chủ trương phát hành tiền đã được thực hiện một cách khẩn trương và bí mật. Chỉ trong một thời gian ngắn, “Cuối tháng 10/1945 cơ quan ấn loát của ta đã bắt đầu in giấy bạc loại 5 đồng, 10 đồng và 20 đồng, và dập tiền nhôm loại 2 hào và 5 hào”. Đầu tháng 12/1945, nhằm đúng lúc thị trường đang khan hiếm tiền lẻ và nạn tiền Đông Dương rách nát gây trở ngại cho việc mua bán, giao lưu những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời mang ý nghĩa kinh tế, chính trị sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Ngày 31-1-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 18/B cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam tại miền Nam Trung bộ, từ vĩ tuyến 16 trở ra, vì ở đây có nhiều thuận lợi hơn, điều kiện kinh tế, chính trị tương đối ổn định, không có quân đội nước ngoài chiếm đóng. Tại đây, “ở mỗi nơi, ngày đầu phát hành tiền được tổ chức như một ngày hội lớn, trống dong cờ mở, mọi người tưng bừng đi đón mừng đồng bạc Việt Nam. Nhân dân nô nức đổi giấy bạc Đông Dương lấy “giấy bạc Cụ Hồ”. Chính phủ quy định 1 đổi 1, nhưng nhân dân tín nhiệm đồng bạc Việt Nam đã đổi với giá 1 đồng Việt Nam ngang với 1,2 – 1,3 đồng Đông Dương”.
Ngày 13-8-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 154 – SL, quyết định mở rộng việc phát hành giấy bạc Việt Nam ra miền Bắc, Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở ra). Đến tháng 11-1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định cho phát hành giấy bạc Việt Nam trong cả nước.
[message type=”e.g. information”]Xem thêm : Quá trình hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam[/message]3. Ngân hàng trong giai đoạn 1951 đến 1990
Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951) đã đề ra những chủ trương chính sách mới về tài chính – kinh tế; trong đó chính sách tài chính có nội dung cơ bản là: chính sách tài chính phải kết hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế, tăng thu trên cơ sở đẩy mạnh tăng gia sản xuất; giảm chi bằng cách tiết kiệm, thực hiện dân chủ hoá chế độ thuế, quy định rõ Ngân sách trung ương, Ngân sách địa phương; thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng.
Trên cơ sở đó, sự ra đời và phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt Nam có thể được khái quát thành 2 giai đoạn:
a) Thời kỳ năm 1951 đến năm 1975
* Ở miền Bắc
Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam quy định: “Mọi công việc của Nha ngân khố Quốc gia và Nha tín dụng sản xuất trao cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã đảm nhiệm hai chức năng khác nhau: một là chức năng của Ngân khố, hai là chức năng của Ngân hàng.
Đến năm 1960 Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được tổ chức thành hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương, do Nhà nước độc quyền sở hữu và quản lý. Hệ thống Ngân hàng này được tổ chức theo mô hình hệ thống Ngân hàng một cấp. Hệ thống này tiếp tục tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30 tháng 4 năm 1975) và tiếp quản hệ thống Ngân hàng Sài Gòn cũ ở miền Nam cho đến năm 1988.
* Ở miền Nam
Ngày 31 tháng 12 năm 1954 Bảo Đại ký quyết định số 48 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ở miền Nam. Từ năm 1954 đến năm 1975 hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam được tổ chức theo mô hình ngân hàng tư bản chủ nghĩa, tức mô hình hệ thống ngân hàng hai cấp, bởi lẽ nền kinh tế ở miền Nam trong giai đoạn này bao gồm: Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và các Ngân hàng
chuyên nghiệp.
b) Thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1990
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các ngân hàng nước ngoài và các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã rút khỏi miền Nam Việt Nam. Nhà nước ta đã tiến hành quốc hữu hóa hệ thống Ngân hàng của chế độ Sài Gòn, còn đối với các Ngân hàng tư nhân nhà nước tổ chức thanh lý, bởi lẽ các chủ Ngân hàng này đã tẩu tán tài sản và chạy trốn ra nước ngoài. Nói chung, các Ngân hàng này đều rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, tổng số nợ đối với nhân dân lớn hơn tài sản còn lại.
Đặc điểm của hệ thống Ngân hàng trong giai đoạn năm 1975 – năm 1988 được tổ chức theo mô hình ngân hàng một cấp, giống như mô hình ngân hàng từ năm 1951 – năm 1975 ở miền Bắc. Vị trí và chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xác định như sau:
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không những là một cơ quan ngang Bộ, có trách nhiệm quản lý các chính sách tiền tệ, tín dụng của nhà nước, mà còn là một tổ chức kinh doanh theo chế độ hoạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa để phục vụ các tổ chức và các ngành kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh.
– Chức năng chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phân phối vốn tiền tệ và giám đốc bằng tiền mọi hoạt động trong nền kinh tế.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò trung tâm tiền mặt, trung tâm tín dụng và trung tâm thanh toán trong nền kinh tế quốc dân.
Như vậy, sau 30 năm, trải qua 02 cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, từ một TCTD đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Nha tín dụng, được thành lập 1947. Đây là tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với hệ thống các chi nhánh tỉnh và chi điếm huyện, đã từng là tổ chức tín dụng lớn nhất và duy nhất trong hàng chục năm. Chức năng chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là huy động tiền gửi của các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế và dân cư để cho vay. Ngân hàng Nhà nước vừa là cơ quan quản lý tiền tệ tín dụng vừa là tổ chức kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận.
4. Hệ thống ngân hàng từ 1990 đến nay
Hệ thống ngân hàng trong chuyển đổi theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống Ngân hàng Việt Nam được đổi mới cơ bản về tổ chức và nội dung hoạt động, từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường có điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Quá trình cải tổ hệ thống có thể chia làm các bước như sau:
Bước thứ nhất: Quyết định số 07/HĐBT ngày 4 tháng 1 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng, chuyển nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước và các quỹ dự trữ tài chính Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước sang bộ tài chính, thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Bước thứ hai: Ngày 24 tháng 5 năm 1990, chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký sắc lệnh công bố hai pháp lệnh: một là pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hai là Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng, Công ty tài chính giá trị hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 1990. Theo quy định của hai pháp lệnh này, hệ thống Ngân hàng Việt Nam được tổ chức gần như hệ thống Ngân hàng ở các nước có nền kinh tế thị trường trên thế giới, tức là hệ thống Ngân hàng hai cấp.
Bước thứ ba: Ngày 26 tháng 12 năm 1997 chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố hai bộ luật Ngân hàng, đó là luật Ngân hàng Nhà nước và luật các Tổ chức tín dụng.
1/ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) là một cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong cả nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, là cơ quan duy nhất phát hành tiền tệ của nước CHXHCN VN. Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân có trụ sở tại thủ đô Hà Nội, có các chi nhánh ở những nơi cần thiết trong nước và văn phòng đại diện ở nước ngoài.
– Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước
Tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chính sách liên quan đến hoạt động tiền tệ ứng dụng, xây dựng các dự án pháp luật về hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng.
Ban hành các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của mình về tiền tệ, tín dụng,thanh toán, ngoại hối và ngân hàng, thi hành và kiểm tra việc thi hành các văn bản pháp luật về tiền tệ tín dụng thanh toán, ngoại hối ngân hàng.
Thực hiện vai trò ngân hàng đối với Tổ chức Tín dụng.
Áp dụng các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm sự tôn trọng các nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ của các Tổ chức Tín dụng.
Tổ chức in, đúc bảo quản tiền, dự trữ phát hành, thực hiện nghiệp vụ phát hành tiền và quản lý lưu thông tiền tệ.
Nhận và trả tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, của các cơ quan nước ngoài và tổ chức quốc tế, cho ngân sách vay khi cần thiết. Đại lý cho Kho bạc Nhà nước về các hoạt động phát hành công trái ngắn hạn và dài hạn, trả vốn gốc và lãi đối với công trái.
Quản lý nhà nước về ngoại hối, lập cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các nghiệp vụ hối đoái, kinh doanh ngoại hối trên các thị trường quốc tế.
Bảo quản dự trữ nhà nước về ngoại hối.
Trực tiếp ký kết hoặc được uỷ quyền ký kết các điều ước quốc tế về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối, ngân hàng.
Đại diện cho Chính phủ tại các tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế.
Thanh tra các Tổ chức Tín dụng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng.
Tổ chức đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ ngân hàng.
– Quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước với các Tổ chức Tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cho các Tổ chức Tín dụng, bảo đảm khả năng chi trả kịp thời, đầy đủ cho các Tổ chức Tín dụng.
Mở tài khoản tiền gửi cho các Tổ chức Tín dụng; Cho vay và mua bán, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của Tổ chức Tín dụng.
Chỉ cho hội sở của Tổ chức Tín dụng vay chứ không trực tiếp cho vay đối với các chi nhánh của Tổ chức Tín dụng.
Bắt buộc các Tổ chức Tín dụng duy trì: tiền gửi dự trữ pháp định (tiền gửi dự trữ bắt buộc) và các nguồn tiền khác sẵn sàng thanh toán, các khoản tiền gửi và các khoản nợ cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được quy định theo các điều luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – luật số 01/97/QH10 và luật sửa đổi, bổ sung luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – luật số 10/03/QH11.
Tổ chức thanh toán bù trừ giữa các Tổ chức Tín dụng.
Phát hành, mua bán trái phiếu và tổ chức điều hành thị trường tiền tệ.
– Quan hệ Ngân hàng Nhà nước với Bộ tài chính.
Mở tài khoản giao dịch cho kho bạc.
Có thể thoả thuận với Bộ Tài chính làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước về phát hành công trái ngắn hạn và dài hạn, trả lãi, vốn gốc đối với công trái.
Tham gia xây dựng kế hoạch Ngân sách Nhà nước.
Ứng tiền, cho vay đối với Kho bạc Nhà nước, việc ứng trước và cho vay đối với Kho bạc Nhà nước được bảo đảm bằng các trái phiếu kho bạc sinh lãi do Bộ Tài chính thay mặt cho Chính phủ sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước. Các trái phiếu này có kỳ hạn tối đa theo quy định của Chính phủ và có thể được chuyển nhượng.
Các Ngân hàng có thể mua lại các trái phiếu kho bạc có thời hạn không quá một năm từ các Tổ chức Tín dụng hay bán lại các trái phiếu kho bạc này cho các Tổ chức Tín dụng.
Tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất gồm bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc khác.
Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước do Chính phủ quy định.
Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, các ban, hội đồng tư vấn về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước; quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động theo thẩm quyền các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng, nghiên cứu, thông tin, lý luận khoa học ngân hàng, cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động kho quỹ, dịch vụ công nghệ tin học ngân hàng và thanh toán, dịch vụ thông tin tín dụng.
Theo văn bản hiện NHNN bao gồm 18 vụ, cục, 63 chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và chức năng NHTW, 04 doanh nghiệp trực thuộc và các đơn vị sự nghiệp.
2/ Các Tổ chức Tín dụng
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân [57].
Tổ chức tín dụng ở nước ta hiện nay bao gồm:
+ Ngân hàng Thương mại Nhà nước: là ngân hàng thương mại được thành lập bằng 100% vốn ngân sách nhà nước gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Công thương Việt Nam (đã cổ phần hóa); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (đã cổ phần hóa); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
+ Ngân hàng phát triển: là ngân hàng quốc doanh được hình thành bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn tài trợ của các quốc gia khác như vốn ODA để đầu tưcho các dự án phát triển kinh tế – kỹ thuật của nhà nước.
+ Ngân hàng Chính sách xã hội: là ngân hàng do Nhà nước thành lập bằng vốn ngân sách và một phần vốn huy động hàng năm của các NHTM Nhà nước chuyển sang (2%) để ngân hàng này hoạt động không vì lợi nhuận mà với mục đích cho vay xóa đói giảm nghèo, cho vay sinh viên và cho vay đối với người đi lao động nước ngoài.
+ Ngân hàng thương mại cổ phần: là ngân hàng thương mại hình thành bằng vốn góp của các cổ đông.
+ Ngân hàng thương mại liên doanh: là ngân hàng được thành lập bằng vốn góp của hai bên tham gia liên doanh. Một bên là ngân hàng Việt Nam và một bên là Ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng thương mại liên doanh có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và cũng chịu sự quản lý Nhà nước về tiền tệ và các hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Hợp tác xã tín dụng: là tổ chức tín dụng thuộc sở hữu tập thể, được thành lập bằng vốn đóng góp của xã viên, huy động các nguồn vốn của các xã viên và cho các xã viên vay. Hợp tác xã tín dụng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi địa phương quy định tại điều lệ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Là ngân hàng được thành lập theo pháp luật nước ngoài, được phép mở chi nhánh tại Việt Nam, hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
+ Công ty tài chính: Là công ty quốc doanh hoặc cổ phần hoạt động chủ yếu là cho vay để mua, bán hàng hoá, dịch vụ bằng nguồn vốn của mình hoặc vay của dân cư bằng cách phát hành trái tín phiếu, không được nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư và không sử dụng vốn vay của dân cư làm phương tiện thanh toán.
Ngoài ra, còn có các hình thức khác như: Quỹ tín dụng nhân dân, Công ty cho thuê tài chính.
Được xây dựng từ năm đầu chuyển đổi cơ chế, Pháp lệnh đã không thể đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống tài chính ở Việt Nam trong giai đoạn nửa sau của những năm 90. Trước tình hình đó, Quốc hội đã thông qua Luật về NHNN và Luật về các TCTD. Ở nấc thang pháp lý cao hơn, Luật các TCTD đã tạo môi trường pháp lý mới cho sự phát triển của các ngân hàng.
Các NHTM mở rộng đối tượng phục vụ cho mọi đối tượng thành phần kinh tế, mở rộng thị trường. Nhiều nghiệp vụ Ngân hàng mới bước đầu được thực hiện như nghiệp vụ cầm đồ, chiết khấu các giấy tờ có giá, tài trợ bán hàng trả góp, tín dụng thuê mua, đấu thầu tín phiếu kho bạc, hùn vốn mua cổ phần các doanh nghiệp,…
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, các NHTM bỏ dần các cấp trung gian, tách biệt dần các hoạt động chính sách và hoạt động thương mại, tăng tính độc lập tương đối cho các chi nhánh, mạnh dạn đổi mới công nghệ phù hợp với yêu cầu quản lý kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, bước đầu tạo lập các công ty con triển khai các nghiệp vụ mới.
Ngân hàng lớn thường có nhiều chi nhánh, sở hữu nhiều công ty, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thị trường và có thể có nhiều chi nhánh ở nước ngoài. Ngân hàng lớn là ngân hàng cung cấp dịch vụ bán buôn có những khách hàng lớn (tổng công ty, các tập đoàn kinh tế,…). Vì vậy, tổ chức bộ máy của ngân hàng phải mang tính chuyên môn hóa cao. Tại các phòng chuyên môn tập trung các chuyên gia về tư vấn, nghiên cứu thị trường, phân tích tài chính công ty, ngành, quốc gia, các chuyên gia về cho vay, chứng khoán, luật, nhân sự, công nghệ,…
Tổ chức bộ máy của ngân hàng lớn còn thể hiện ở tổ chức bộ máy của các đơn vị thành viên. Các chi nhánh ngân hàng lớn còn thể hiện ở tổ chức bộ máy của các đơn vị thành viên. Các chi nhánh của ngân hàng lớn bao gồm nhiều phòng chuyên sâu như tín dụng công ty, tín dụng tiêu dùng, thẩm định và bảo lãnh, kế toán và thanh toán quốc tế, ủy thác,…
Các ngân hàng nhỏ thường ít hoặc không có chi nhánh, hoạt động trong phạm vi địa phương, nghiệp vụ kém đa dạng. Để thích ứng với quy mô nhỏ, doanh lợi thấp, ngân hàng nhỏ thường tổ chức bộ máy gọn, mỗi phòng có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, ví dụ phòng tín dụng vừa cho doanh nghiệp vừa cho vay tiêu dùng, vừa phân tích dự án,… Ngân hàng nhỏ đòi hỏi mỗi cán bộ phải thông thạo
nhiều công việc. So với ngân hàng lớn, mối liên kết giữa các phòng của ngân hàng nhỏ chặt chẽ hơn, khả năng kiểm soát của Ban giám đốc đối với các bộ phận cao hơn
Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Sự phát triển của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ