Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của một số nước trên thế giới

Giao thông vận tải đô thị

Mục lục

Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của một số nước trên thế giới

Trong quá trình công nghiệp hóa, tùy theo đặc điểm của mỗi nước ở những giai đoạn khác nhau sẽ có những phương thức khác nhau. Nhưng tựu chung các nước khi tiến hành công nghiệp hóa đều sử dụng công cụ chính sách thuế để tác động, điều chỉnh từng bước đi của quá trình công nghiệp hóa. Chính vì vậy, tác giả chọn kinh nghiệm sử dụng công cụ thuế tác động đến quá trình công nghiệp hóa ở các nước đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa, những nước công nghiệp mới và những nước đang trong quá trình công nghiệp hóa tương tự như Việt Nam để rút ra kinh nghiệm đối với Việt Nam. Việc rút ra bài học kinh nghiệm về sử dụng công cụ thuế để tác động đến quá trình công nghiệp hóa ở các nước khác nhau là rất cần thiết đối với Việt Nam, để từ đây Việt Nam có thể vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn công nghiệp hóa ở Việt Nam.

1. Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của Nhật Bản

Nhật Bản trở nên nổi tiếng trên thế giới trong những năm 1970 như một câu chuyện thần kỳ trong phát triển kinh tế-xã hội với những chính sách công nghiệp hóa đạt được nhiều thành tựu rất đáng khâm phục. Để đạt được thành quả này Nhật Bản đã sử dụng hàng loạt các công cụ chính sách, trong đó có nhóm biện pháp thuế được sử dụng để hướng các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp hoạt động theo hướng Nhà nước mong muốn.

Trong giai đoạn những năm 1950, Nhật Bản đã đề ra chính sách công nghiệp hóa là khuyến khích các ngành công nghiệp đầu tư cho công nghệ, đổi mới trang thiết bị máy móc của mình để tăng năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất. Để đạt được mục tiêu này, trong lĩnh vực thuế Nhật Bản thực hiện một số giải pháp sau:

– Miễn, giảm thuế Nhập khẩu hoặc thuế đối với tài sản cố định: hình thức này được áp dụng đối với 361 chủng loại máy móc thiết bị quan trọng được nhập khẩu mà Nhật Bản chưa sản xuất được, ngoài ra các doanh nghiệp được giảm thuế đối với những tài sản cố định dùng cho công tác nghiên cứu hoặc triển khai. Bên cạnh việc miễn giảm thuế Nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản
xuất và hiện đại hóa công nghệ, Nhật Bản đã áp dụng chính sách thuế Nhập khẩu cao đối với một số hàng hóa như thép, hóa chất, sợi tổng hợp, tàu bè để bảo vệ các ngành trong nước được coi là “non trẻ”.

– Miễn thuế đối với một số hàng hóa quan trọng: được áp dụng cho những công ty sản xuất những mặt hàng công nghiệp quan trọng như sợi tổng hợp, sản phẩm hóa dầu được hưởng chế độ miễn thuế Thu nhập công ty.

– Giảm thuế thu nhập từ hoạt động xuất khẩu và miễn thuế lợi tức: đối với một số mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập có được từ xuất khẩu và được miễn thuế lợi tức thu được nhờ tăng vốn tài sản của doanh nghiệp.

– Khấu hao đặc biệt: đối với những máy móc quan trọng doanh nghiệp được áp dụng chế độ khấu hao nhanh hơn 50% so với mức khấu hao bình thường trong thời gian 3 năm đầu sau khi mua máy. Riêng những máy móc mua để thực hiện hợp lý hóa sản xuất được áp dụng chế độ khấu hao ngay trong năm đầu sử dụng. Những máy móc mua để thực hiện công tác nghiên cứu thử nghiệm được
áp dụng chế độ khấu hao hết trong vòng 3 năm, trong đó riêng đối với máy móc sử dụng công nghệ mới được khấu hao ngay 50% ngay trong năm đầu.

– Quỹ dự phòng: nguồn này dùng để bù đắp cho thâm hụt tín dụng, bù giá và trợ cấp hưu trí.

– Tính lại giá trị tài sản: mức khấu hao tăng lên do giá trị sổ sách của tài sản cố định tăng lên.

Trong quá trình công nghiệp hóa, một trong những thành công lớn nhất của chính sách công nghiệp của Nhật Bản là có sự phối hợp giữa Nhà nước và khu vực tư nhân. Bằng những công cụ chính sách được áp dụng, Nhà nước không những tác động đến sự phát triển của các ngành công nghiệp mà còn khuyến khích và huy động mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào quá trình
công nghiệp hóa. Trong suốt quá trình công nghiệp hóa, đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm tối đa 35% tổng vốn đầu tư, phần vốn đầu tư còn lại là từ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Để đạt được kết quả này, bên cạnh các chính sách khác Nhật Bản cũng đã sử dụng đến công cụ thuế để thu hút vốn đầu tư như: miễn giảm thuế Nhập khẩu trang thiết bị phục vụ sản xuất đã có tác dụng giảm chi phí
xây dựng tức giảm chi phí đầu tư, hoặc áp dụng chính sách miễn giảm thuế đất, thuế tài sản cố định đã làm giảm chi phí đầu tư hoặc áp dụng cơ chế khấu hao đặc biệt, cho phép tăng tốc độ khấu hao đối với một số trang thiết bị và máy móc đã có tác dụng rút ngắn thời gian hoàn vốn, nói cách khác là làm cho đầu tư ít mạo hiểm hơn. Vào những năm 50, 60 do Nhật Bản áp dụng chính sách này đã
khuyến khích đầu tư nhiều các nhà máy quy mô lớn và vô số nhà máy luyện thép được hình thành.

Đến năm 1998, tình hình kinh tế có dấu hiệu xấu đi, để góp phần hồi phục kinh tế và thu hút vốn đầu tư, Nhật Bản đã cắt giảm 40% thuế Thu nhập công ty trong thời gian 3 năm, đối với công ty vừa và nhỏ vốn tự có từ 100 triệu Yên trở xuống, thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống còn 25% và đồng thời cắt giảm thuế Thu nhập cá nhân khoảng 2.000 tỷ Yên trong năm 1998.

[message type=”e.g. information, successg”]Xem thêm: Vai trò của thuế đối với quá trình công nghiệp hóa[/message]

2. Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của Trung Quốc

Từ cuối năm 1978, Trung Quốc thực hiện đường lối cải cách triệt để nền kinh tế và mở rộng các quan hệ đối ngoại. Cơ cấu các thành phần kinh tế thay đổi theo hướng phát triển của nền kinh tế sản xuất hàng hóa có nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường. Theo đó, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế–xã hội cần phải có sự thay đổi một cách căn bản bằng việc loại bỏ các chỉ tiêu pháp lệnh mang tính chất hành chính, thay bằng việc sử dụng các công cụ pháp luật kinh tế là chủ yếu. Trong đó, thuế được coi là một trong những công cụ rất quan trọng của Nhà nước để quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế. Do đó, Trung Quốc đã tiến hành cải cách thuế để quản lý, điều hành các thành phần kinh tế theo định hướng của Nhà nước. Trong năm 1980 và 1981 Trung Quốc ban hành một số luật thuế như: luật thuế Thu nhập dành cho các liên doanh Trung Quốc và nước ngoài, luật thuế Thu nhập dành cho các xí nghiệp nước ngoài, luật thuế Thu nhập cá nhân.

Để đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ năm 1994 Trung Quốc bắt đầu cải cách chế độ thuế công nghiệp và thương mại, thực hiện chế độ thuế mới, phân chia thu nhập đi liền những cải cách về thể chế kinh tế. Đây là một cuộc cải cách toàn diện theo hướng củng cố pháp luật thuế, đảm bảo tính công bằng, đơn giản và hợp lý. Sau cải cách, các xí nghiệp đầu tư nước ngoài, các xí nghiệp nhà nước và người nước ngoài được hưởng các chế độ đối xử như các xí nghiệp và người Trung Quốc.

Việc thay đổi cơ cấu thuế Doanh thu là nội dung quan trọng của cải cách. Thuế Doanh thu là loại thuế chính ở Trung Quốc và nguồn huy động được từ thuế này chiếm ¾ tổng thu từ các loại thuế công thương nghiệp. Chế độ nhiều loại thuế khác nhau của thuế Doanh thu và nhiều mức thuế khác nhau được thay thế bằng chế độ thuế Giá trị gia tăng thống nhất áp dụng đối với các lĩnh vực
sàn xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu.

Về thuế Thu nhập doanh nghiệp, chế độ thuế cũ có nhiều mức thuế khác nhau áp dụng cho các đối tượng nộp thuế khác nhau với các mức khuyến khích khác nhau đã được thay đổi, giảm mức thuế suất từ 55% xuống còn 33% và đến năm 2008 Trung Quốc sẽ giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% và được áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế nhằm thu hút vốn
đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

– Thuế Thu nhập cá nhân: cải cách thuế đã thay thế “Thuế điều chỉnh thu nhập cá nhân” và “Thuế đánh vào các hoạt động kinh tế tư nhân ở nông thôn và thành phố” bằng thuế “Thu nhập cá nhân”. Thuế Thu nhập cá nhân cũng được áp dụng thống nhất cho người Trung Quốc và người nước ngoài.

Cải cách thuế năm 1994 cũng đưa ra sắc thuế Tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với một số hàng hóa như: rượu, thuốc lá sau đó mở rộng thêm đối với đồ trang sức, mỹ phẩm, đá quý, đồ da, xăng dầu, pháo, vỏ ruột Ôtô, Ô tô con.

Qua cải cách, 32 loại thuế công thương được cắt giảm còn 18, trong đó 12 loại áp dụng cho người nước ngoài và các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, chế độ thuế mới được đơn giản và tối ưu hóa. Việc áp dụng chế độ thuế mới ở Trung Quốc đã chứng tỏ qua những cải thiện và tăng cường quản lý vĩ mô đã góp phần ổn định và phát triển nhanh chóng kinh tế Trung Quốc, mức thu từ thuế vào ngân sách nhà nước tăng nhanh cũng đã chứng tỏ sự tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy hội nhập quốc tế, Trung quốc đã nhiều lần hạ mức thuế quan cho phù hợp với mức chung của các nước đang phát triển, việc cắt giảm thuế quan đã tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế tăng trưởng nhờ tăng nhanh xuất khẩu và nhập khẩu cũng như vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Để trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh, hòa nhập và có tiếng nói trong nền kinh
tế thế giới Trung Quốc buộc phải giảm mạnh mức thuế quan. Điều này không những giúp Trung Quốc tránh được những tác động phân hóa, tăng hiệu quả kinh tế mà còn cho thấy rõ hơn các chủ trương cải cách, mở cửa, đẩy mạnh hợp tác kinh tế khu vực, tự do hoá thương mại và đầu tư, từ đó có cơ sở để tăng cường hội nhập kinh tế của Trung Quốc.

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công nghiệp hóa, Trung Quốc đã áp dụng những khuyến khích chủ yếu trong thuế Thu nhập doanh nghiệp:

– Giảm mức thuế ở những vùng, những địa phương nhất định.

– Giảm mức thuế cho các dự án và một số hoạt động thương mại nhất định.

– Miễn thuế cho các dự án và các ngành công nghiệp nhất định, trong một thời gian nhất định. Cho phép các ngành sản xuất có thời hạn trên 10 năm được 2 năm miễn thuế và 3 năm giảm 50% thuế. Các dự án xây dựng cảng, công trình hạ tầng tại các đặc khu kinh tế được hưởng ưu đãi cao nhất 5 năm và 5 năm giảm 50%.

– Khuyến khích đầu tư nước ngoài theo định hướng xuất khẩu và kỹ thuật cao: khi đã hết thời hạn miễn thuế, các xí nghiệp xuất khẩu nước ngoài có giá trị xuất khẩu đạt hoặc vượt trên 70% tổng sản lượng sẽ được giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp thêm 1 năm; các xí nghiệp kỹ thuật cao do nước ngoài đầu tư có thể được giảm 50% thuế thu nhập thêm 3 năm sau khi đã hết hạn miễn thuế.

– Khuyến khích chuyển nhượng kỹ thuật cao: miễn thuế thu nhập từ lợi nhuận của các xí nghiệp đầu tư nước ngoài do chuyển nhượng kỹ thuật cao. Đối với các dự án công nghệ cao được xem xét miễn hoặc giảm thuế trong thời hạn từ 5 đến 10 năm.

– Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng phạm vi đầu tư: bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào trực tiếp tái đầu tư lợi nhuận vào vốn đăng ký hoặc sử dụng lợi nhuận đầu tư thành lập xí nghiệp khác với thời gian hoạt động không dưới 5 năm sẽ được hoàn 40% thuế Thu nhập doanh nghiệp cho khối lượng tái đầu tư.

Ngoài ra, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài Trung Quốc còn quy định miễn thuế quan và thuế Giá trị gia tăng đối với các loại máy móc và thiết bị nhập khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực được khuyến khích.

3. Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của một số quốc gia công nghiệp mới ở Châu Á

Chính sách thuế sử dụng ở các nước công nghiệp mới ở Châu Á có thể phân thành 3 thời kỳ trong quá trình công nghiệp hóa. Thời kỳ từ những năm 1950-1960, chính sách thuế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và huy động vốn trong nước. Sau đó, chính sách thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu và mở rộng quan hệ kinh tế nước ngoài và từ năm 1981 đến nay, chính sách thuế hướng
vào kích thích đầu tư theo chiều sâu và tăng tích lũy cho khu vực tư nhân.

Singapore nổi tiếng là một quốc gia có chính sách thuế cực kỳ hấp dẫn giới đầu tư. Thuế hàng hóa và dịch vụ có thuế suất thấp từ 0% đến 3%, miễn thuế đối với dịch vụ tài chính, cho thuê tài chính, bảo hiểm nhân thọ. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mức thuế Thu nhập công ty đã giảm từ 40% xuống còn 20%. Ngoài việc giảm thuế, chính phủ Singapore còn quy định mức trích khấu hao ưu đãi: đối với văn phòng và công trình công nghiệp tỷ lệ trích khấu hao ở năm thứ nhất lên đến 25%; đối với nhà máy và máy móc thiết bị, tỷ lệ trích khấu hao ở năm đầu là 20%; đối với máy vi tính và một số thiết bị tự động mức trích khấu hao là 100% ngay trong năm đầu tiên.

Hàn Quốc rất quan tâm đến công cụ thuế và xem đây là công cụ hữu hiệu trong quá trình công nghiệp hóa, khuyến khích đầu tư, định hướng đầu tư theo định hướng của Nhà nước nên Hàn Quốc đã thường xuyên chỉnh sửa hệ thống chính sách thuế. Từ năm 1961, Hàn Quốc đã chuyển từ chính sách bảo hộ cao với chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu thời kỳ những năm 50 sang chính sách đề cao hướng ngoại, thực hiện một nền kinh tế mở, nên chính sách thuế giai đoạn này được miễn giảm để khuyến khích xuất khẩu, cuối những năm 60 việc miễn giảm thuế được tiến hành rộng rãi, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu tự do trong tổng số hàng hóa của Hàn Quốc đã tăng từ 70% vào cuối thập niên 70 lên 91% vào năm 1986. Giai đoạn 1973-1979, thuế tập trung ưu đãi phát triển công nghiệp luyện kim, đóng tàu và công nghiệp hóa chất, tháng 7/1977 Hàn Quốc áp dụng thuế Giá trị gia tăng nhằm tăng cường tính trung lập của hệ thống thuế, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 là một cú sốc lớn đối với kinh tế Hàn Quốc, năm 1998 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc tụt xuống con số âm. Trước tình hình đó, Hàn Quốc đã thi hành một loạt cải cách nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cải cách chính sách thuế như:

– Để thu hút vốn đầu tư, mở rộng đầu tư, kích thích tiêu dùng, Hàn Quốc đã ban hành Luật kích thích đầu tư nước ngoài, miễn thuế mua cổ phiếu, giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế Lợi tức, giảm thuế Giá trị gia tăng.

– Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, Hàn Quốc quy định miễn thuế giao dịch tài sản như giảm thuế vốn, thuế mua bán tài sản, thuế trước bạ …

Với những nỗ lực cải cách nền kinh tế – tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng đã tác động tốt đến nền kinh tế Hàn Quốc, trong năm 1999 kinh tế Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng 9%, sản lượng công nghiệp tăng 30,6%, xuất khẩu tăng 15,8% và Hàn Quốc đã trở thành nước tiếp nhận FDI lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

4. Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của các nước Đông Nam Á

Đặc trưng nổi bật của các nước Đông Nam Á khi tiến hành công nghiệp hóa là thực hiện chiến lược công nghiệp hóa theo hướng thay thế nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài. Để thực hiện chiến lược này, các nước đã dùng hàng rào thuế quan để hạn chế nhập khẩu.

Philippine, năm 1946 đã tiến hành xóa bỏ thương mại, thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách thuế bảo hộ trong nước. Đến năm 1957, bộ luật thuế được ban hành nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, thuế quan đã trở thành công cụ bảo hộ chính.

Malaysia, lịch sử bảo hộ thuế quan bắt đầu từ năm 1955 khi phái đoàn Ngân hàng thế giới khuyến nghị sử dụng thuế quan để phát triển công nghiệp. Ủy ban tư vấn thuế quan được thành lập năm 1959, vào những năm 1962 bảo hộ về thuế quan cho 25 mặt hàng do các ngành “Công nghiệp tiền phong”, đến năm 1963 tăng lên 200 mặt hàng.

Thái Lan, đã sử dụng thuế quan như một công cụ bảo hộ chủ yếu đối với hàng công nghiệp thay thế nhập khẩu. Trong giai đoạn đầu Thái Lan áp dụng bảo hộ thuế quan để thúc đẩy đầu tư công nghiệp.

Singapore, năm 1962 thành lập Ủy ban tư vấn về thuế quan và đã đưa ra thuế quan bảo hộ đối với một số chủng loại hàng hóa như sơn, men, vecni, keo pha chế, từ năm 1960 đến năm 1965 số lượng các mặt hàng được bảo hộ thuế quan tăng từ 183 lên 302 mặt hàng.

Đến năm 1970 mô hình công nghiệp hóa ở các nước Đông Nam Á đã có thay đổi: điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước có mức độ, thu hút tối đa vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Do đó, chính sách thuế của các nước trong giai đoạn này có đặc điểm:

– Ưu đãi đầu tư nước ngoài thông qua việc miễn thuế Nhập khẩu tài sản cố định và nguyên liệu theo các dự án đầu tư, miễn thuế Thu nhập công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Thái Lan miễn thuế Nhập khẩu hoặc giảm thuế Nhập khẩu đối với máy móc, nguyên liệu và thiết bị, miễn thuế Nhập khẩu cho sản phẩm tái xuất, miễn thuế Thu nhập công ty từ 3 đến 8 năm, sau đó xét giảm 50% trong vòng 5 năm. Malaysia áp dụng miễn thuế Nhập khẩu đối với các sản phẩm là bán thành phẩm cần thiết cho sản xuất hàng nhập khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài; tuy nhiên sau này Malaysia chỉ còn ưu đãi chủ yếu cho lĩnh vực công nghệ cao. Phillipine, Indonesia áp dụng chính sách miễn thuế Nhập khẩu đối với máy móc thiết bị để góp vốn. Thái Lan miễn hoặc giảm thuế Nhập khẩu đối với máy móc, nguyên liệu, miễn thuế nhập khẩu cho sản phẩm tái xuất; miễn thuế thu nhập công ty từ 3 – 8 năm, giảm thuế thu nhập chịu thuế tương đương 5% thu nhập tăng thêm từ xuất khẩu. Indonesia và Malaysia cho phép khấu hao nhanh tài sản cố định. Malaysia cho phép khấu hao máy móc, thiết bị 20% ở năm mua và đưa vào sử dụng, sau đó tỷ lệ khấu hao hàng năm từ 8% – 20%. Tại Indonesia cho phép các doanh nghiệp lựa chọn một trong các phương pháp: khấu hao thông thường và khấu hao nhanh.

– Từng bước trung lập hệ thống thuế thông qua giảm bớt mức thuế suất. Ví dụ Thái Lan sử dụng một mức thuế suất thuế Giá trị gia tăng (không kể hàng xuất khẩu).

– Thay đổi cơ cấu hệ thống thuế theo hướng gia tăng thuế nội địa, giảm tỷ trọng thuế nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tự do hóa thương mại.

5. Bài học kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa

Xu thế chung của nền kinh tế thế giới ngày nay là quốc tế hóa các quan hệ kinh tế. Do đó, cải cách thuế không thể đi lệch quỹ đạo chung của tiến trình điều chỉnh hệ thống các chính sách kinh tế, công cụ tài chính phù hợp với xu thế này. Qua nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng công cụ thuế phục vụ công nghiệp hóa ở các nước trên thế giới, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt
Nam:

– Thuế chỉ phát huy tác dụng điều tiết vĩ mô nền kinh tế khi nó phù hợp với tình hình kinh tế và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước trong từng thời kỳ nhất định. Nên khi chuyển đổi nền kinh tế sang một thời kỳ phát triển mới thì phải thay đổi hệ thống thuế một cách phù hợp và đồng bộ, nhìn chung chính sách thuế của các nước khi tiến hành công nghiệp hóa có đặc điểm:

+ Thuế được sử dụng để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa thông qua các quy định ưu đãi miễn giảm thuế Xuất nhập khẩu, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, áp dụng chế độ thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp, cho phép trích khấu hao nhanh…

+ Thuế được sử dụng để khuyến khích tối đa xuất khẩu theo chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu thông qua quy định không thu thuế Xuất khẩu, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu thuế Giá trị gia tăng 0% đối với hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế đầu vào.

+ Thuế được sử dụng bảo hộ sản xuất trong nước qua từng thời kỳ, nhất là các ngành công nghiệp được xem là còn non trẻ và tương lai sẽ trở thành ngành chủ lực của nền kinh tế thông qua quy định thuế suất thuế Nhập khẩu cao đối với sản phẩm nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng cạnh tranh.

+ Thuế được sử dụng để khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, khuyến khích đổi mới trang thiết bị thông qua quy định miễn giảm thuế Nhập khẩu tài sản cố định, những mặt hàng nhập khẩu quan trọng phục vụ sản xuất công nghiệp, áp dụng chế độ khấu hao nhanh để nhanh chóng đổi mới công nghệ.

+ Chính sách thuế dần đi đến sự không phân biệt giữa doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa cá nhân trong nước và cá nhân nước ngoài thông qua áp dụng thống nhất chế độ ưu đãi, thuế suất, phương pháp tính thuế.

– Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nguồn thu thuế cũng có những giới hạn nhất định, không thể vượt quá khả năng đóng góp của đối tượng nộp thuế. Nếu Nhà nước thu thuế quá cao sẽ làm triệt tiêu động lực hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến Nhà nước không thu thuế được. Trong điều kiện ngày
nay, một nước thu thuế quá cao sẽ không khuyến khích đầu tư trong nước, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài, như vậy sẽ không có lợi cho việc phát triển nền kinh tế. Nếu lạm dụng chức năng của thuế, đưa thuế suất lên quá cao nhằm hạn chế tiêu dùng hoặc hạn chế nhập khẩu một mặt hàng nào đó theo ý chủ quan của mình thì trong một số trường hợp sẽ phản tác dụng, dễ dẫn đến tình trạng
trốn thuế. Xu hướng chung hiện nay là giảm mức thuế suất bình quân, mở rộng diện thu thuế, giảm đối tượng không chịu thuế.

– Hầu hết các nước đều áp dụng hệ thống chính sách thuế có nhiều sắc thuế nhằm phát huy tác dụng đồng bộ của các loại thuế trong hệ thống chính sách thuế để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, không thể quá xem trọng loại thuế này, xem nhẹ loại thuế khác vì mỗi loại thuế có chức năng riêng của nó. Thuế trực thu và thuế gián thu luôn được sử dụng trong sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc động viên cho ngân sách nhà nước và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

– Trong thời đại hội nhập kinh tế thế giới và mở cửa ngày nay, mỗi nước riêng lẻ không thể phát triển nhanh được và cũng không thể tự cô lập mình được mà phải có sự phối hợp song phương và đa phương. Sự hình thành các khu vực mậu dịch tự do và hợp tác thương mại quốc tế, các nước phải tự điều chỉnh cơ cấu hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng: tăng thu thuế nội địa để hỗ
trợ cho việc cắt giảm thuế Nhập khẩu nhằm mở rộng hợp tác thương mại với các nước.

Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của một số nước trên thế giới

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Kinh nghiệm sử dụng thuế phục vụ công nghiệp hóa của một số nước trên thế giới

  1. Pingback: Chính sách thuế góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiến lược công nghiệp hóa - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?