Khái niệm về bảo hiểm xã hội

bancassurance

Khái niệm về bảo hiểm xã hội

Trong mọi nền sản xuất xã hội, con người luôn là động lực chính, là trung tâm của sự  phát triển kinh tế  – xã hội. Con người muốn tồn tại và phát triển, trước hết phải có ăn, mặc, ở, đi lại…Để  thỏa  mãn những nhu cầu tối thiểu đó, họ  phải lao động để làm ra những sản phẩm cần thiết. Khi sản phẩm tạo ra ngày càng nhiều thì đời  sống  con người  càng đầy  đủ và xã hội  càng văn  minh hơn.  Như  vậy,  họ  là những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và dịch vụ cho xã hội, đồng thời cũng là người trực tiếp tiêu dùng những sản phẩm dịch vụ đó. Nhưng thực tế không phải lúc nào con người cũng chỉ gặp thuận lợi, có đầy đủ thu nhập và điều kiện sinh sống  bình thường,  mà trái lại  có rất  nhiều  trường  hợp  khó khăn,  bất  lợi,  ít nhiều ngẫu nhiên phát sinh làm cho người ta bị giảm hoặc mất thu nhập và các điều kiện sinh sống khác. Chẳng hạn, người lao động bất ngờ bị ốm đau hay tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp làm họ mất khả năng lao động tạm thời hoặc vĩnh viễn; lúc về già không còn thu nhập từ lao động để đảm bảo cuộc sống; hoặc người lao động bị chết, con cái mất nơi nương tựa…Lúc này các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống không vì thế mà mất đi, thậm chí còn tăng lên và xuất hiện một số nhu cầu mới như: Cần được khám bệnh và điều trị khi ốm đau; tai nạn thương tật cần có người chăm sóc, nuôi dưỡng…Bởi vậy, muốn tồn tại và ổn định cuộc sống, con người và xã hội phải tìm ra nhiều biện  pháp khác nhau như  san sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng, đi vay, đi xin hoặc dựa vào sự cứu trợ của Nhà nước…Rõ ràng những cách đó hoàn toàn bị động và không chắc chắn.

Khi nền kinh tế  hàng hóa phát triển, việc thuê mướn nhân công trở  nên phổ biến, lúc đầu người sử  dụng lao động chỉ  cam kết trả  công lao động, nhưng về  sau đã phải cam kết cả  việc bảo đảm cho người làm thuê có một số  thu nhập nhất định để họ trang trải những nhu cầu thiết yếu, khi không may bị ốm đau, thai sản, tai nạn

lao động…Trong thực tế, các trường hợp trên có thể không xảy ra và người chủ không phải chi một khoản tiền nào. Nhưng cũng có khi xảy ra dồn dập, buộc họ một lúc phải bỏ ra một khoản tiền lớn dù không muốn. Điều này tất yếu dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ và thợ, giới thợ liên kết đấu tranh buộc giới chủ thực hiện cam kết. Cuộc đấu tranh này diễn ra ngày càng gay gắt trên quy mô rộng và có tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội.

Để  khắc  phục  tình trạng  trên, Nhà nước  đứng  ra đóng  vai trò trung gian trong việc điều hòa mâu thuẫn bằng cách huy động sự  đóng góp cả  từ  phía chủ và thợ, bản thân Nhà nước cũng tham gia hỗ  trợ một phần để hình thành nên một quỹ  tài chính với mục đích bảo vệ  quyền lợi của cả  giới chủ  và thợ, lúc này BHXH đã được hình thành.

Như vậy, bảo hiểm xã hội là một loại hình bảo hiểm ra đời khá sớm. Năm 1850, Thủ tướng  Bismack của  nước  Phổ  (nay là Cộng  hòa Liên bang Đức)  đã  thiết  lập  hệ thống bảo hiểm xã hội ở nước này và đây là quốc gia được triển khai BHXH sớm nhất trên thế giới, đến năm 1883 Luật Bảo hiểm y tế cũng được ban hành tại nước này.

Đầu thế kỷ XX, bảo hiểm xã hội đã được triển khai ở hầu hết các nước châu Âu, sau đó là các nước Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, bảo hiểm xã hội đã lan rộng sang các nước giành được độc lập ở châu Á, châu Phi và vùng Caribe. Đến nay, BHXH đã được thực hiện ở tất cả các nước trên thế giới.

Tuy có lịch sử  phát triển lâu dài nhưng đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về  bảo hiểm xã hội, vì tùy từng góc độ tiếp cận khác nhau mà BHXH được hiểu theo những cách khác nhau:

– Theo Giáo sư  Henri Kliler thuộc trường Đại học tổng hợp tự  do Bruxelles của Bỉ đã đưa ra khái niệm về BHXH và các nội dung của BHXH như sau:

BHXH là toàn bộ các luật và quy định nhằm bảo đảm cho người lao động hưởng lương (và người lao động tự do với một số hạn chế) cũng như gia đình họ (những người có quyền theo quy định) được hưởng trợ cấp khi họ ở trong hoàn cảnh hoặc mất toàn bộ  hay một phần thu nhập từ  lao động hoặc phát sinh những chi phí cần được hỗ trợ (như việc học hành của con cái và chăm sóc y tế) [46, tr.12].

Theo khái niệm này, BHXH sẽ  bao gồm: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm tàn tật, trợ cấp gia đình, thai sản, trợ  cấp tai nạn lao động và bệnh nghề  nghiệp, bảo hiểm hưu trí và tử tuất, trợ cấp thất nghiệp.

– Theo Tổ chức Lao động Quốc tế: “BHXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua các biện pháp công cộng nhằm chống lại các khó khăn về  kinh tế, xã hội do bị  ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già, chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con” [38].

– Theo Luật BHXH Việt Nam năm 2006: bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ  bị  giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH [53, tr.3].

Ngoài những khái niệm nêu trên, khi nghiên cứu về vấn đề này, từ điển và một số nhà khoa học còn đưa ra những khái niệm khác nhau về BHXH, chẳng hạn:

– Theo tập 1 Từ điển Bách khoa Việt Nam: BHXH là sự  thay thế  hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất. Dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống của người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn xã hội”[46, tr.12].

– Từ góc độ pháp luật: BHXH là một chế  định bảo vệ  người lao động sử  dụng nguồn đóng góp của  mình, của  người  sử  dụng  lao động  và được  sự  tài trợ,  bảo  hộ  của Nhà nước, nhằm trợ  cấp vật chất cho người lao động được bảo hiểm và gia đình họ  trong trường hợp bị  giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, tai nạn lao động, hết tuổi lao động hoặc chết theo quy định của pháp luật [48, tr.49].

– Từ  góc độ tài chính: “BHXH là quá trình san sẻ  rủi ro và san sẻ  tài chính giữa những người tham gia BHXH theo quy định của pháp luật” [48, tr.49].

– Theo Luật BHXH Việt Nam năm 2014: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề  nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội” [54, tr.2].

Như  vậy, có rất nhiều khái niệm khác nhau về  bảo hiểm xã hội, mỗi khái niệm đưa ra đều đứng trên một góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, những điểm chung giống nhau là: bảo hiểm xã hội là một chính sách xã hội được luật hóa tùy theo điều kiện cụ thể của từng nước; người lao động tham gia BHXH và gia đình họ là những đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách BHXH, khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra, như: Bị giảm hoặc bị mất thu nhập từ lao động do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…Để tổ chức và thực hiện được chính sách BHXH phải dựa vào một quỹ tiền tệ do người lao động, người sử  dụng lao động đóng góp và có sự  bảo trợ  của Nhà nước; mục đích của BHXH là đảm bảo đời sống cho những người lao động tham gia BHXH và gia đình họ, từ đó góp phần đảm bảo ASXH.

Trên cơ sở phân tích và kế thừa, tác giả cho rằng: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập từ nghề nghiệp do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, thông qua việc hình thành một quỹ tài chính do sự đóng góp của người lao động, người sử  dụng lao động và sự  bảo trợ  của Nhà nước, nhằm ổn định đời sống cho người lao động và gia đình họ, từ đó góp phần đảm bảo ASXH”.

Khái niệm về bảo hiểm xã hội

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Khái niệm về bảo hiểm xã hội

  1. Pingback: Khái niệm bảo hiểm xã hội tự nguyện - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?