Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Phương pháp phân tích tài chính

Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Là một quốc gia thuộc địa của Pháp trong gần một trăm năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp trên nhiều phương diện trong đó có kế toán. Sau năm 1954, Việt Nam bị chia đôi và ở hai miền, kế toán có những sự phát triển khác nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống kế toán Trung quốc với các chế độ kế toán quy định cách thức ghi chép các nghiệp vụ cho các đối tượng cụ thể (ví dụ Chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp và Chế độ kế toán kiến thiết cơ bản được ban hành năm 1957). Từ năm 1970, Bộ Tài chính bắt đầu đổi mới kế toán theo hướng hệ thống thống nhất của Liên Xô (cũ) với Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất năm 1970 và một loạt các quy định về chế độ báo cáo kế toán, chế độ ghi chép ban đầu… (Bộ Tài chính, 2001). Hệ thống kế toán Việt Nam theo hệ thống kế toán Trung quốc thể hiện đối với các hình thức ghi sổ như Nhật ký chung, Nhật ký sổ cái, Chứng từ ghi sổ và áp dụng theo hệ thống kế toán Liên Xô (cũ) với các hình thức ghi sổ như Nhật ký chứng từ, Phương pháp số dư… (Bùi Văn Mai, 2013b).

Tại miền Nam, trong giai đoạn 1954 – 1975, hệ thống kế toán Pháp theo Tổng hoạch đồ vẫn được các doanh nghiệp sử dụng. Lý do là mặc dù chi phối nhiều đến chính trị, quân sự và kinh tế nhưng Hoa Kỳ không đưa hệ thống quản lý của họ vào Việt Nam và ảnh hưởng của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam còn rất lớn thời bấy giờ (Bui & Cooper, 2011).

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, hệ thống kế toán thống nhất 1970 được tiếp tục sử dụng trong cả nước cho đến khi Việt Nam tiến hành đổi mới. Trong xu hướng chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong chính sách kế toán nhằm nâng cao tính pháp lý trong quản lý kinh tế như ban hành Pháp lệnh kế toán thống kê (1988). Trong thời gian này, đây là văn bản pháp lý cao nhất về kế toán và thống kê của Việt Nam. Hệ thống kế toán đầu tiên thể hiện hướng cải cách này được áp dụng năm 1990. Một số nội dung mới phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế mới phát sinh như chênh lệch tỷ giá đã được đưa vào kế toán thời kỳ này dù chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn ghi chép trên tài khoản.

Quá trình thực hiện chính sách đa phương hóa về ngoại giao và kinh tế những năm sau đó thúc đẩy những đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành năm 1987 đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp mạnh mẽ vào Việt Nam cũng như sự du nhập của các hệ thống kế toán nước ngoài vào Việt Nam. Hoạt động kinh tế phong phú hơn với nhiều thành phần kinh tế và các giao dịch mới đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong kế toán. Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT năm 1995 về việc ban hành hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế của Bộ Tài chính đã đáp ứng nhu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển này. Quyết định này gồm 4 nội dung cơ bản: Hệ thống tài khoản kế toán; Hệ thống báo cáo tài chính; Chế độ chứng từ kế toán; Chế độ sổ kế toán.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Tổng hợp Chuẩn mực kế toán quốc tế và các Chuẩn mực kế toán Việt Nam tương ứng[/message]

Tuy nhiên, quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới lại tiếp tục đòi hỏi những bước cải cách mới trong kế toán. Năm 1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và những chuẩn bị cần thiết cho hệ thống kế toán Việt Nam được đặt ra cho Bộ Tài chính. Được sự trợ giúp của EU, Việt Nam bắt đầu triển khai nghiên cứu và soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam từ năm 1999. Trong gần 7 năm sau đó, cho đến năm 2006, Việt Nam đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam trên nền tảng các chuẩn mực kế toán quốc tế của IASB. Các chuẩn mực được ban hành từng đợt dưới hình thức một quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mỗi đợt ban hành chuẩn mực kèm theo một thông tư hướng dẫn để áp dụng vào hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp theo Quyết định 1141/TC/QĐ/CĐKT. Năm 2006, Bộ Tài chính ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp mới theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC tích hợp toàn bộ những yêu cầu của 26 chuẩn mực kế toán đã ban hành. Gần đây, Bộ Tài chính đã khởi động lại quá trình biên soạn các chuẩn mực kế toán Việt Nam với 8 chuẩn mực kế toán Việt Nam dự kiến sẽ ban hành.

Những đặc điểm nổi bật của quá trình hình thành và phát triển các chuẩn mực kế toán Việt Nam là:

– Việt Nam ban hành các chuẩn mực kế toán trong bối cảnh chưa có một nền tảng trước đó về chuẩn mực kế toán theo kiểu chuẩn mực quốc tế. Đây là một thách thức rất lớn cho một quốc gia mà kinh nghiệm kế toán chủ yếu dựa trên hệ thống tài khoản thống nhất.

– Việt Nam tiếp cận khá nhanh chóng với chuẩn mực của IASB mà không trải qua bất kỳ tranh luận đáng kể nào về sự lựa chọn giữa hệ thống này với hệ thống của Hoa Kỳ, một “đối thủ cạnh tranh” của chuẩn mực quốc tế lúc bấy giờ. Quyết định chiến lược này rất quan trọng cho việc tiết kiệm chi phí chuyển đổi giữa hai hệ thống khi hội tụ về kế toán với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

– Việt Nam đã giải quyết tương đối hài hòa quan hệ giữa các chuẩn mực với hệ thống kế toán doanh nghiệp thông qua việc ban hành các thông tư hướng dẫn cho từng nhóm chuẩn mực. So sánh với các quốc gia đã khảo sát như Pháp hoặc Trung quốc, tiến trình này của Việt Nam tương đối hợp lý hơn. Mặc dù vậy, điều này cũng nói lên một thực trạng là nếu không có sự hướng dẫn trên hệ thống tài khoản, bản thân chuẩn mực không thể áp dụng vào thực tế.

– Quá trình soạn thảo hoặc đổi mới chuẩn mực đã dừng lại khá lâu hơn bảy năm mà mới khởi động lại gần đây, cho phép đặt ra những dấu hỏi về nguồn lực có khả năng đáp ứng những cập nhật của chuẩn mực quốc tế.

Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

5/5 - (102 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

3 thoughts on “Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

  1. Pingback: Nhân tố môi trường tác động đến hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  3. Pingback: Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?