Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

thị trường chứng khoán Việt Nam

Mục lục

Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam liên quan đến khoảng cách giữa chúng với chuẩn mực quốc tế, việc triển khai trong thực tế và chất lượng thông tin của báo cáo tài chính.

Tồn tại thứ nhất: Chuẩn mực kế toán Việt Nam còn khoảng cách khác biệt so với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cũng như chưa có sự bổ sung, chỉnh sửa kịp thời

Thời điểm ban hành chuẩn mực kế toán đầu tiên từ năm 2001, trong giai đoạn này kinh tế Việt Nam nói chung mới phát triển, bên cạnh cơ sở hạ tầng kế toán đang hoàn thiện dần. Vì thế nhằm tránh biến động kinh tế cũng như để phù hợp với đặc điểm riêng nên khi xây dựng chuẩn mực kế toán, Việt Nam đã điều chỉnh một số nguyên tắc, phương pháp và những nội dung chuẩn mực kế toán không tương thích hoặc chưa cần thiết trong giai đoạn hiện tại. Chính điều này đã tạo sự khác biệt về nội dung giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam so với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Ngoài ra, trong hơn bảy năm qua, nhiều chuẩn mực quốc tế đã được ban hành hoặc ban hành lại nhưng Việt Nam mới chỉ tiến hành việc cập nhật gần đây.

Điều này càng làm tăng thêm khoảng cách giữa hai hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống chuẩn mực kế toán từ khi ban hành lần đầu năm 2001 đến nay mặc dù đã có những góp ý sửa đổi nhưng đến nay qua nhiều năm vẫn chưa được cập nhật để bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Tồn tại thứ hai: Phạm vi chi phối của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Hệ thống chuẩn mực kế toán hiện nay được ban hành áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế. Điều này đồng nghĩa, chuẩn mực kế toán áp dụng không phân biệt doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết, doanh nghiệp có qui mô lớn hay nhỏ và vừa (ngoại trừ trường hợp các doanh nghiệp áp dụng hệ thống kế toán ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC).

Nếu chuẩn mực kế toán được áp dụng chung sẽ dẫn đến nơi thiếu, chỗ thừa. Bởi đối với các doanh nghiệp có qui mô lớn và doanh nghiệp niêm yết ngày càng xuất hiện nhiều nghiệp vụ phức tạp như thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động không liên tục … dẫn đến hệ thống hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó phần lớn DNNVV không niêm yết thì hệ thống chuẩn mực kế toán trở nên quá tầm, nhiều nội dung quá phức tạp.

Tồn tại thứ ba: Quan hệ giữa các chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp

Để đi vào thực tiễn, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam phải thông qua các hướng dẫn hay quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp. Lý do là các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải sử dụng hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam. Do đó, một khi chuẩn mực được ban hành nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, các doanh nghiệp chưa thể áp dụng cho đến khi thông tư hướng dẫn được ban hành. Thậm chí, điều 4 của Quyết định 15/2006/QĐ-BTC nêu rõ “các nội dung quy định trong các quyết định ban hành chuẩn mực kế toán và các thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán từ đợt 1 đến đợt 5 không trái với nội dung quy định tại Quyết định này vẫn có hiệu lực thi hành” (Bộ Tài chính, 2006). Điều này đồng nghĩa, nếu chuẩn mực kế toán và các thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán có nội dung không phù hợp với Quyết định 15/2006/QĐ-BTC thì phải tuân thủ theo quyết định này.

Vì vậy, trên thực tế khi có những vấn đề chưa nhất quán giữa chuẩn mực và Chế độ kế toán doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường ưu tiên áp dụng theo Chế độ kế toán. Đây là một nguyên nhân giảm vai trò của chuẩn mực kế toán và tạo khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn các chuẩn mực. Kết quả khảo sát ở phần trên cho thấy các đối tượng lập, sử dụng và kiểm tra báo cáo tài chính đều đánh giá chưa cao việc xử lý quan hệ giữa chuẩn mực và Chế độ kế toán. Theo Nguyen & Richard (2011) và Nguyen & Tran (2012) cho rằng việc tồn tại song song hệ thống chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán dẫn đến những khó khăn và cản trở cho Việt Nam trong quá trình hòa hợp kế toán quốc tế.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam[/message]

Tồn tại thứ tư: Khả năng xử lý và mức độ triển khai chuẩn mực kế toán trong thực tế chưa đạt hiệu quả cao

Theo số liệu khảo sát, chuẩn mực kế toán đã xử lý và giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến thực tiễn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng chuẩn mực kế toán vào thực tiễn chưa hiệu quả và có sự giảm dần từ ghi nhận đến trình bày thông tin và đánh giá. Điều này cho thấy, chuẩn mực kế toán chưa thể hiện hết vai trò trong thực tiễn.

Tồn tại thứ năm: Tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam còn hạn chế

Theo kết quả khảo sát thực nghiệm ở phần trên, việc tuân thủ chuẩn mực kế toán trong thực tiễn của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng còn hạn chế và hiện trạng cho thấy các doanh nghiệp khi thực thi chính sách kế toán đã chưa tuân thủ đúng mức đến các điều kiện ghi nhận, phương pháp đánh giá và đặc biệt là trình bày và công bố thông tin theo yêu cầu chuẩn mực kế toán.

Đây là một trong những vấn đề đáng lưu tâm bởi thực tiễn áp dụng của các doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu của chuẩn mực kế toán.

Tồn tại thứ sáu: Chất lượng thông tin cung cấp chưa đạt yêu cầu

Như kết quả khảo sát đã trình bày ở phần trên, cả về mặt số lượng lẫn chất lượng thông tin chỉ tạm chấp nhận. Tính hữu ích của trong tin cho việc ra quyết định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với người sử dụng. Điều này cho thấy, vấn đề nâng cao chất lượng thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu cho người sử dụng trong việc ra quyết định là điều thiết yếu cần phải thực hiện.

Tồn tại thứ bảy: Qui trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán

Như đã trình bày trong phần 3.2.3 về hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, việc ban hành chuẩn mực kế toán do Bộ Tài chính ban hành với nguồn lực hạn chế từ Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán. Điều này ảnh hưởng đến khả năng soạn thảo chuẩn mực kế toán (quá trình soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam 2001 – 2006, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ nguồn lực khá lớn từ Dự án Euro – Tapviet của EU).

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một hội đồng ban hành chuẩn mực trên cơ chế bỏ phiếu như các nước để bảo đảm tính trung lập của chuẩn mực.

Cũng từ lý do trên, quá trình dự thảo chưa lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều đối tượng trong đó phải kể đến các doanh nghiệp là người trình bày thông tin hay các nhà đầu tư là những người sử dụng thông tin và đặc biệt phải được lấy ý kiến, những bình luận rộng rãi từ các nhà phân tích, kiểm toán viên… Do vậy, với qui trình hiện nay thông tin nhận được sẽ không bao quát, chưa phản ánh được toàn diện, tổng thể ảnh hưởng đến chất lượng chuẩn mực kế toán.

Ngoài ra, các hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán chưa phù hợp. Thời gian qua, Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán mang nặng tính chất “gán ghép” vào các tài khoản liên quan trong hệ thống tài khoản kế toán hiện hành cũng như qui định các bước hạch toán kế toán vào các tài khoản tương ứng trong từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Việc hướng dẫn chuẩn mực kế toán theo tài khoản để hạch toán kế toán đã thể hiện tính kiểm soát của Nhà nước trong việc thực thi chính sách Chế độ kế toán. Điều này sẽ “trói buộc” hệ thống chuẩn mực kế toán, phần nào làm mất đi ý nghĩa và bản chất của chuẩn mực. Theo Adam và Đỗ Thùy Linh (2005) cho rằng phương pháp tiếp cận như trên hiện nay của Việt Nam thể hiện tính ứng dụng ở cấp độ thấp.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung liên quan đến tám chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành trên cơ sở phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc chuẩn hoá chất lượng thông tin của kế toán theo xu hướng hội tụ kế toán quốc tế. Tuy nhiên quá trình thực hiện này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cụ thể:

– Về lộ trình thời gian và nội dung của các chuẩn mực kế toán cập nhật, Bộ Tài chính không công bố cụ thể tiến trình cập nhật chuẩn mực kế toán đã ban hành cũng như bổ sung các chuẩn mực còn thiếu so với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

– Đối với đội ngũ chuyên môn xây dựng chuẩn mực, Bộ Tài chính chưa quan tâm đến lực lượng chuyên môn toàn thời gian để biên soạn chuẩn mực. Tương tự như trước đây, việc soạn thảo trên sự phối hợp tham gia của các chuyên viên Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính với các thành viên từ các doanh nghiệp kiểm toán, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, các trường đại học…

– Về công khai thông tin góp ý hoàn thiện chuẩn mực kế toán, Bộ Tài chính chỉ công bố bản dự thảo trong khi các ý kiến góp ý hoàn thiện chuẩn mực không được công bố.

Từ những nhận định trên cho thấy việc cập nhật chuẩn mực kế toán chưa thể hiện tính chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán. Việc thiếu một lộ trình cụ thể thường dẫn đến sự “chấp vá”, không mang tính hệ thống, thiếu sự đồng bộ. Sự thiếu đầu tư để xây dựng đội ngũ chuyên môn nhằm tập trung toàn thời gian cho việc nghiên cứu hoàn chỉnh chuẩn mực kế toán thì khó đảm bảo việc nâng cao chất lượng thông tin cũng như tính ứng dụng chuẩn mực trong thực tiễn. Vấn đề công khai thông tin về các góp ý bổ sung, chỉnh sửa của các bên liên quan chưa được quan tâm đúng mức. Điều này làm giảm tính minh bạch về thông tin trong việc ghi nhận lợi ích của các bên liên quan.

Các tồn tại của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?