Đánh giá thực trạng quản lý chi ngân sách bảo đảm trong các trường quân đội ở Việt Nam

Khái niệm chính sách tiền tệ

Mục lục

Đánh giá thực trạng quản lý chi ngân sách bảo đảm trong các trường quân đội ở Việt Nam

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác quản lý và điều hành ngân sách nhà nước của Cục Nhà trường đã đi vào nền nếp với một cơ chế: cấp ủy đảng lãnh đạo công tác tài chính theo quy chế và nghị quyết lãnh đạo; người chỉ huy điều hành theo Điều lệ công tác tài chính; cơ quan tài chính làm tham mưu, tổ chức thực hiện với sự giám sát của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thông qua thực hiện quy chế dân chủ công khai và phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”;

Chất lượng lập dự toán ngân sách nhà nước của Cục Nhà trường ngày càng tốt hơn, dự toán đã phản ánh nhu cầu trong cân đối chung của toàn quân. Cục đã quán triệt tốt tinh thần của Bộ Quốc phòng về tăng cường phân cấp, mở rộng tự chủ NSNN cho đơn vị cấp dưới, hạn chế cấp hiện vật, tăng tỷ trọng phân cấp bằng tiền cho các đơn vị chi tiêu. Những kết quả chủ yếu trong quản lý NSBĐ ngành nhà trường được thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

1.1. Công tác kế hoạch ngân sách nhà nước

– Công tác kế hoạch ngân sách nhà nước đã quán triệt được định hướng của Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ đào tạo của các Học viện, Nhà trường trong lập dự toán NSBĐ, bảo vệ dự toán với các cơ quan chức năng cấp trên, trong phân bổ và thông báo dự toán NSBĐ hàng năm.

 – Chất lượng công tác lập dự toán NSBĐ hàng năm tương đối tốt, đã căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu trong xây dựng nội dung chi tiết và khả năng đảm bảo ngân sách nhà nước.

– Công tác lập và phân bổ dự toán NSBĐ đã căn cứ vào các chế độ chính sách hiện thời, căn cứ vào nhiệm vụ, quân số của các đơn vị, căn cứ vào kinh nghiệm lập dự toán hàng năm, đã xây dựng được một số định mức làm cơ sở để tính toán và phân bổ NSBĐ.

– Dự toán NSBĐ năm đã lập theo đúng hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong quân đội và chi tiết đến từng nội dung cụ thể cả phần tự chi tại Cục và phần phân cấp cho các đơn vị trong toàn quân. Thông báo ngân sách nhà nước ở những mục chi đã được xác định trọng tâm.

– Trên cơ sở chế độ tiêu chuẩn hiện hành và kinh nghiệm thực tế chi NSNN hàng năm, Cục Nhà trường đã xây dựng được một số định mức chi cụ thể thuộc các nội dung như bảo quản trường, nghiệp vụ trường làm cơ sở pháp lý cho việc lập dự toán và thực hiện kiểm soát chi tiêu kinh phí.

– Đã quán triệt chủ trương của Bộ Quốc phòng trong phân bổ ngân sách nhà nước năm là phải đổi mới phương thức bảo đảm ngân sách nhà nước, triệt để phân cấp ngân sách nhà nước cho cơ sở ngay từ đầu năm. Tỷ lệ phân cấp ngân sách nhà nước cho cơ sở hàng năm từng bước được nâng lên.

– Cơ quan tài chính đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Cục trong phân bổ và sử dụng ngân sách bảo đảm, kết hợp chặt chẽ cùng cơ quan nghiệp vụ cấp trên trong phân bổ ngân sách nhà nước. Phân bổ ngân sách bảo đảm ngành đúng qui trình, thời gian quy định.

– Thực hiện công khai tài chính phần ngân sách bảo đảm cho các đơn vị theo đúng qui định của Bộ Quốc phòng tại hội nghị giao chỉ tiêu ngân sách nhà nước hàng năm.

– Công tác kế hoạch đã luôn bám sát nhiệm vụ của đơn vị. Những nhu cầu tài chính mới phát sinh kịp thời báo cáo cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

1.2. Công tác bảo đảm và quản lý

– Căn cứ vào khả năng đảm bảo ngân sách nhà nước của Bộ Quốc phòng và chủ trương tập trung cho công tác GDĐT, tổng ngân sách bảo đảm của ngành nhà trường năm sau cao hơn năm trước, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ công tác nhà trường quân đội.

– Quá trình chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm ngành nhà trường ở Cục Nhà trường cũng như ở các đơn vị toàn quân đã bám sát vào dự toán NSNN và nội dung chi được thông báo nên hạn chế hiện tượng chi vượt dự toán, chi sai nội dung, chi cho ngành khác.

– Công tác kiểm soát chi đã được duy trì thường xuyên cả trước, trong và sau khi chi tiêu, đặc biệt là kiểm soát trước khi cấp phát, thanh toán nên đã góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa những sai phạm trong quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả chi tiêu, tiết kiệm trong chi NSNN.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Yêu cầu quản lý ngân sách bảo đảm cho giáo dục đào tạo ở các trường quân đội[/message]

– Bước đầu đã xây dựng được định mức chi một số nội dung chi tiêu của ngân sách bảo đảm. Đây là căn cứ quan trọng để phân bổ dự toán NSNN và quyết toán NSNN.

– Việc mua sắm vật tư, trang bị đã chấp hành theo đúng qui định 2665/2000/QĐ-BQP (ngày 15 tháng 11 năm 2000) của Bộ Quốc phòng về mua sắm hàng hóa, như: đã thành lập hội đồng giá các cấp, giá cả mua sắm đã được cấp có thẩm quyền duyệt, tổ chức tốt việc đấu thầu, đấu giá. Chấp hành đúng qui định của Bộ Quốc phòng về mua sắm trang bị, thực hiện mua đúng chủng loại, số lượng, mọi sự thay đổi đều có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu.

– Công tác quản lý giá sản phẩm quốc phòng ngày càng chặt chẽ theo đúng qui định của pháp luật về quản lý giá.

– Đã tổ chức quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án. Những dự án đầu tư hoàn thành đã khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục lập báo cáo quyết toán trình Bộ phê duyệt.

1.3. Chấp hành các chế độ 

– Chấp hành chế độ hóa đơn chứng từ: chứng từ chi tiêu về cơ bản đã đầy đủ yếu tố pháp lý, hợp pháp, hợp lệ. Các khoản chi lớn có báo giá, hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, hóa đơn tài chính và thủ tục nhập kho. Hiện tượng chi sai nội dung, sai chế độ đã giảm.

– Chấp hành các chế độ nộp báo cáo tài chính: nộp báo cáo sơ kết 6 tháng, 9 tháng phần thực hiện NSBĐ, đúng thời gian, chất lượng sơ kết tốt. Các báo cáo phân cấp NSBĐ cả phần tự chi và hiện vật theo từng đợt có giải thích chi tiết rõ ràng.

–  Chấp hành chế độ quyết toán quí, năm: hồ sơ mẫu biểu đúng qui định, nộp đúng thời gian; số liệu là số đã được kiểm tra, kiểm soát trước khi trình phê duyệt, số tổng hợp phù hợp với chi tiết, Ban Tài chính Cục Nhà trường đã tổ chức kiểm tra chứng từ, thẩm định trước khi báo cáo phê duyệt quyết toán.

– Luôn chú trọng tới công tác kiểm tra việc chấp hành ngân sách bảo đảm ngành nhà trường cả trong nội bộ Cục cũng như các Học viện, Nhà trường toàn quân. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm.

2. Những mặt còn tồn tại

Bên cạnh những mặt đã làm được nêu trên, trong công tác đảm bảo và quản lý NSBĐ ngành nhà trường vẫn còn những mặt tồn tại sau:

Thứ nhất, công tác phân cấp quản lý, trong đó có phân cấp quản lý chi ngân sách bảo đảm trong các trường quân đội, mặc dù có sự phối hợp giữa nhiều bên, song vẫn còn một số bất cập trên các mặt quản lý trang thiết bị đào tạo và quản lý nguồn lực tài chính cho GDĐT

Những năm trước đây, phân cấp NSNN theo kế hoạch chung xuống các Tổng Cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân Binh chủng, bộ đội biên phòng. Tiếp đó các đơn vị quản lý Học viện, Nhà trường phân phối tiếp NSNN xuống các trường để trường tự cân đối mua sắm trang bị nên có tình trạng: cấp quản lý trung gian giữ lại một tỷ lệ chưa hợp lý. Một số Học viện, Nhà trường chi NSNN chưa tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm, còn phân tán, đầu tư chắp vá, hiệu quả chưa cao. Một số nội dung đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch lâu dài của các Học viện, Nhà trường, việc chấp hành một số chế độ chưa tốt, kinh phí bố trí cho việc này lại chi cho việc khác, còn chi vượt chỉ tiêu NSNN.

Cụ thể:

Về quản lý trang thiết bị đào tạo.

Quản lý trang bị đào tạo có liên quan đến việc tính toán kinh phí mua sắm trang bị, bảo quản, huấn luyện sử dụng. Phân cấp quản lý trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo hiện còn manh mún, hệ thống quản lý bị chia cắt giữa các ngành huấn luyện đào tạo với các ngành quản lý trang bị kỹ thuật, như: quân khí, xe máy.., các Quân Binh chủng và khép kín trong từng ngành nghiệp vụ. Vai trò tổ chức phối hợp chỉ đạo của Cục Nhà trường, Phòng Đào tạo các trường… với các ngành, các cơ quan hữu quan trong trong việc cung cấp trang, thiết bị phục vụ công tác GDĐT chưa được thiết lập bằng tổ chức, bằng cơ chế về quản lý trang thiết bị đào tạo.

Trong việc xây dựng kế hoạch lâu dài, do chưa có sự phối hợp đầy đủ, nên chưa toàn diện, cơ quan Quân lực chỉ lập kế hoạch với các trang thiết bị chiến đấu, chưa có kế hoạch chính thức về trang vị chiến đấu cho trường, trang bị chuyên dùng cho GDĐT.

Công tác lập kế hoạch bảo đảm của các ngành khác cho công tác GDĐT tại các trường quân đội còn phân tán, chưa bảo đảm tính quy hoạch, thiếu định hướng phát triển. Mối quan hệ giữa các cấp còn nặng về giải quyết các nhu cầu, nhiệm vụ trước mắt, ảnh hưởng của cơ chế xin – cho.

Việc phân cấp quản lý giữa các cấp còn chưa thực sự hợp lý, nội dung quản lý còn chồng chéo, chưa sát với yêu cầu của chương trình đào tạo. Chẳng hạn, trong việc phân cấp cung cấp trang bị thiết bị học tập: Cục Quản lý Nhà đất bảo đảm bàn ghế, phòng học; Cục Xăng dầu tính kế hoạch phân cấp xăng dầu huấn luyện; Cục Tác chiến xây dựng kế hoạch cấp bản đồ, xây dựng sở chỉ huy diễn tập….

Về phân cấp và quản lý NSBĐ cho công tác GDĐT

Bảng 2.7 và 2.8 cho thấy vấn đề phân cấp quản lý NSBĐ cho các trường quân đội những năm qua được thực hiện khá triệt để theo hướng chủ yếu dành phần NSBĐ cho các trường đáp ứng cho các hoạt động chi tiêu hàng năm và được thực hiện ngay từ lần đầu, tỷ trọng phân cấp lại NSBĐ nhìn chung là khá thấp. Tuy vậy, xung quanh vấn đề phân cấp NSBĐ vẫn còn những tồn tại nhất định. Cụ thể: Phân cấp NSNN theo kế hoạch chung xuống các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, tiếp đó, các đơn vị quản lý các trường sẽ tiến hành phân phối tiếp NSBĐ xuống các trường để các trường tự cân đối mua sắm trang bị, nên có tình trạng cấp quản lý trung gian giữ lại một tỷ lệ % NSNN – điều này thực sự là bất hợp lý.

Tại một số trường, chi NSBĐ chưa tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm, còn phân tán, đầu tư chắp vá, hiệu quả thấp. Một số nội dung đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch lâu dài của các trường, việc chấp hành một số chế độ chưa tốt, kinh phí bố trí cho việc này lại chi cho việc khác, chi vượt chỉ tiêu NSNN còn phổ biến.

Việc phối hợp giữa cơ quan tài chính và cơ quan huấn luyện đào tạo trong lập, phân bổ kế hoạch NSNN và quyết toán NSBĐ chưa thực sự nhịp nhàng đồng bộ.

Người quản lý, ngành tài chính, cán bộ làm công tác tài chính trong quá trình phân bổ NSNN còn thiếu thông tin về GDĐT của cơ sở, sự phát triển của quân đội và những định hướng phát triển chung, sự phối hợp để trao đổi thông tin cho công tác kế hoạch tài chính còn ít phát huy tác dụng. Ngược lại, người lập kế hoạch bảo đảm cho công tác Nhà trường lại không được cung cấp thông tin về tình hình quyết toán NSBĐ nhà trường hàng năm của các đơn vị được phân cấp. Cơ chế cung cấp thông tin thực hiện NSNN chưa được xác lập.

Việc quản lý sử dụng NSNN mới dừng lại trên kế hoạch, mới làm được chức năng tham mưu cho cơ quan tài chính Bộ Quốc Phòng về qui mô NSNN trong lập kế hoạch và phân bổ. Việc quản lý chưa toàn diện, khả năng hướng dẫn chi tiêu hợp lý, hiệu quả còn nhiều hạn chế. Việc giải quyết số tiền quyết toán quá chỉ tiêu NSBĐ nhà trường cũng là một vấn đề cần nghiên cứu và có hướng xử lý, bởi hiện tại NSBĐ hàng năm phân bổ cho nội dung chi nhà trường cho các đầu mối NSNN không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của các trường, nên hiện tượng quyết toán vượt chỉ tiêu NSBĐ nhà trường diễn ra khá phổ biến. Xét theo chức năng được giao, thì Cục Nhà trường – Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan đầu ngành phải có ý kiến tham gia trong việc phê chuẩn các khoản chi vượt mức, nếu đơn vị chi quá về số lượng Cục Nhà trường phải nắm được để cân đối NSNN năm sau cho hợp lý, nếu đơn vị nào mua sắm nhiều hơn số lượng ghi trong NSNN năm và đã được phê duyệt tổng quyết toán, thì năm sau phải trừ bớt NSNN phân cấp để bảo đảm sự công bằng giữa các đơn vị, tuy nhiên, trong thực tế thì Cục Nhà trường chưa tham gia vào quá trình này, việc phê chuẩn các khoản chi quá thường do các đơn vị tự giải quyết hoặc Cục Tài chính tổng hợp báo cáo gửi Bộ Quốc phòng giải quyết.

Thứ hai, việc xây dựng định mức NSBĐ cho các trường quân đội vẫn còn bất cập

Hiện nay một số ngành bảo đảm đã xây dựng được định mức chi về tiêu hao vật chất, tài chính cho nội dung bảo đảm, ví dụ như ngành văn phòng đã có định mức được Bộ Quốc phòng ký quyết định ban hành về trang bị tiêu hao văn phòng, tuy nhiên, định mức đối với công tác GDĐT tại các trường quân đội chưa được xác định đầy đủ và chưa bảo đảm tính thực tiễn. Các đối tượng đào tạo, loại hình đào tạo, những thay đổi biến động theo yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí yếu tố giá cả tăng cũng chưa được đề cập đầy đủ. Như đã đề cập trong phần thực trạng, thì các định mức dự toán kinh phí NSBĐ hàng năm cho công tác GDĐT trong các trường Quân đội mặc dù có cơ sở khoa học, song lại chưa thực sự bám sát thực tiễn hoạt động đào tạo trong các trường. Các định mức được duyệt về Bảo đảm trường cũng như Nghiệp vụ nhà trường phản ánh rất rõ sự bất cập này. Việc xây dựng các định mức tiêu chuẩn về tài chính cho các hoạt động GDĐT trong các trường Quân đội chưa bám sát thực tiễn, dẫn đến tình trạng kế hoạch NSNN, phân bổ NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu về NSBĐ cho các trường.

Thứ ba, việc phối hợp giữa cơ quan tài chính và cơ quan huấn luyện đào tạo trong lập, phân bổ kế hoạch NSNN ngành và quyết toán NSBĐ chưa thực sự nhịp nhàng đồng bộ.

– Trong lập dự toán, từng nội dung chi NSBĐ đã xây dựng theo hệ thống mục lục NSQP và ở một số số mục chi đã có chi tiết nhưng mới dừng ở mức hướng dẫn chi cấp ngành.

– Quá trình thực hiện NSBĐ ở một số trường vẫn còn hiện tượng lấy chỉ tiêu NSNN của mục chi này chi cho nội dung thuộc mục chi khác trong ngành.

– Việc xây dựng định mức chi tiêu và thực hiện định mức còn nhiều bất cập. Định mức chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dạy và người học, việc đảm bảo đôi khi còn chưa đáp ứng đúng định mức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý NSBĐ và công tác GDĐT.

– Thủ tục quyết toán ở một số nội dung chi một số đơn vị chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ ở một số đơn vị chưa tốt, chưa phù hợp với nội dung NSNN, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

– Công tác bảo đảm luôn kịp thời theo tiến độ chi NSNN nhưng việc tập hợp hồ sơ chứng từ quyết toán trong nhiều năm qua thường chậm, tập trung chủ yếu chi tiêu và thanh quyết toán dồn cuối năm.

– Công tác quản lý hiện vật sau quyết toán ở một số đơn vị thực hiện chưa chặt chẽ, chưa đúng qui định của Bộ Quốc phòng.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành chi tiêu NSNN cho GDĐT của các cấp đối với các trường chưa được tiến hành thường xuyên, đều đặn.

Công tác quản lý giá trị các trang, thiết bị đã mua sắm chưa được thực hiện trong hệ thống các trường Quân đội. Việc thông qua sổ sách kế toán để theo dõi thời hạn sử dụng của các trang bị, xác định đúng thời hạn thay thế, chưa được thực hiện, dẫn đến số liệu trang bị mua sắm thay thế trong kế hoạch NSNN thiếu chính xác, đúng đắn.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân đạt được những kết quả

– Quá trình lập, chấp hành và quyết toán NSBĐ ngành nhà trường đã luôn bám sát định hướng chủ trương của Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ quân sự hàng năm của Cục Nhà trường đã được Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định. Đồng thời luôn chú ý thực hiện theo đúng các huớng dẫn của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

– Trong những năm gần đây chủ trương của Nhà nước và Bộ Quốc phòng tập trung tăng NSNN cho công tác GDĐT.

– Cục Nhà trường cũng như các Học viện, Nhà trường toàn quân đã thực hiện tốt Quy chế lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính, đồng thời thực hiện công khai tài chính đúng qui định của Bộ Quốc phòng.

– Ban Tài chính Cục đã làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy chỉ huy trong điều hành, phân bổ và quản lý NSBĐ ngành nhà trường. Luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành tài chính với cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

– Công tác đảm bảo đã luôn theo sát tình hình thực hiện nhiện vụ của đơn vị, mọi khó khăn đã kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng cấp trên giải quyết.

– Công tác quản lý đã đi vào nền nếp, duy trì nghiêm các chế độ kỷ luật tài chính, luôn quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra.

3.2. Nguyên nhân những tồn tại

Nhóm nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, công tác lập kế hoạch NSBĐ của các trường quân đội còn nhiều hạn chế, chủ yếu lập theo kế hoạch từng năm, chưa bám sát định hướng chiến lược trong hoạt động đào tạo, dẫn đến bố trí NSNN cho một số hoạt động GDĐT còn bị động, xuất hiện tình trạng cơ cấu chi NSNN bất hợp lý.

Thứ hai, chất lượng cán bộ làm công tác tài chính trong một số trường quân đội còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ kinh tế tài chính, một bộ phận không nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý tài chính, điều này dẫn đến tình trạng chưa tuân thủ đúng các mẫu biểu qui định về báo cáo tài chính, thời hạn hoàn thành báo cáo nộp cơ quan cấp trên để tổng hợp cho toàn hệ thống các trường quân đội. Trình độ tin học ở một số trường quân đội, nhất là ở các trường cấp Quân khu, Quân Binh chủng mới được thành lập một số năm gần đây còn có nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc ứng dụng các phần mềm quản lý NSNN và điều này lại càng gây khó khăn cho cấp trên trong việc tổng hợp thông tin quản lý NSBĐ tại các trường.

Nhóm nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, chưa ban hành quy định nội dung chi nên các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chi tiêu, thanh quyết toán NSBĐ, cũng như trong quá trình kiểm tra, kiểm toán có những việc chưa có đủ cơ sở pháp lý để kết luận.

Thứ hai, tuy nguồn NSBĐ của Cục Nhà trường hàng năm đều tăng theo chủ trương của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, nhưng thực tế so với nhu cầu phát triển của sự nghiệp GDĐT thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá còn có mặt chưa đáp ứng được. So với nhu cầu cấp kinh phí NSNN cho hoạt động GDĐT tại các trường quân đội, thì con số NSBĐ được duyệt thường ở mức thấp (Bảng 2.6). Vì vậy trong quá trình triển khai NSNN thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều bất cập. Hàng năm lập nhu cầu về dự toán NSBĐ nhà trường trên cơ sở tổ chức biên chế, quy trình đào tạo, định mức bảo đảm nhưng thực tế số kiểm tra của Bộ Quốc phòng không thể đáp ứng được yêu cầu của đơn vị.

Thứ ba, có nhiều cơ quan cùng quản lý chi NSBĐ cho các trường quân đội trong khi cơ chế, qui trình quản lý chưa được phân định rõ, dẫn tới gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN trong các trường quân đội. Giữa các tổ chức có liên quan đến kiểm soát chi NSNN cho các trường quân đội nhìn chung còn chưa chặt chẽ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát chi NSBĐ cho GDĐT tại các trường quân đội lại không được tiến hành một cách thường xuyên, đều đặn, điều này dẫn đến tình trạng nhiều khoản chi NSNN cho GDĐT trong các trường quân đội đầu tư thiếu trọng tâm trọng điểm, tình trạng chắp vá đầu tư, chi vượt dự toán song chưa được phát hiện kịp thời để điều chỉnh, xử lý.

Đánh giá thực trạng quản lý chi ngân sách bảo đảm trong các trường quân đội ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?