Mục lục
Cơ sở ban hành chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam
1. Cơ sở lý luận
Trước khi ban hành Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, Đảng và Nhà nước ta đã có những quan điểm về chính sách BHXH tự nguyện, được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng như sau:
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996), về giải quyết một số vấn đề về chính sách xã hội, trong đó nêu rõ: “Thực hiện và hoàn thiện chế độ BHXH, bảo đảm đời sống người nghỉ hưu được ổn định, từng bước cải thiện. Xây dựng Luật BHXH” [29].
Tiếp đến, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), tiếp tục khẳng định: “Khẩn trương mở rộng hệ thống BHXH và ASXH. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp….Thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm an toàn cuộc sống mọi thành viên cộng đồng, bao gồm BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế, cứu trợ xã hội những người gặp rủi ro bất hạnh” [28].
Ngoài ra, trong Luật HTX năm 2003, quy định về nghĩa vụ của HTX, trong đó có nêu: “Đóng BHXH bắt buộc cho xã viên là cá nhân và người lao động làm việc thường xuyên cho HTX theo quy định của Điều lệ HTX phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm; tổ chức cho xã viên không thuộc đối tượng trên tham gia đóng BHXH tự nguyện” [52].
Xem thêm: Khái niệm bảo hiểm xã hội tự nguyện
Như vậy, chính sách bảo hiểm xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Với mục đích sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, góp phần đảm bảo ASXH. Điều này được thể hiện rất rõ trong các kỳ Đại hội của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
Chính vì vậy, năm 2006 Luật BHXH đã được ban hành và chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2008 đã mở ra cơ hội lớn cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
2. Cơ sở thực tế
Để có cơ sở ban hành chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước ta đã căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai thí điểm BHXH cho nông dân ở một số tỉnh, tiến hành thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành về BHXH tự nguyện, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm triển khai BHXH tự nguyện ở một số nước trên thế giới, đồng thời căn cứ vào những văn bản pháp luật về BHXH bắt buộc trước đó để có luận cứ khoa học trước khi ban hành chính sách BHXH tự nguyện, cụ thể:
Sau khi thực hiện cơ chế khoán 10, HTX nông nghiệp bị tan rã hoặc chỉ tồn tại dưới hình thức. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của những người nông dân già đã trải qua nhiều năm tham gia HTX nông nghiệp. Những người sử dụng sức lao động của mình làm việc trong những HTX để sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Họ tin tưởng vào sự chăm lo khi ốm đau, bệnh tật lúc về già từ HTX và xã hội. Khi các HTX bị thu hẹp hoặc tan rã, người già đành phải dựa vào con cháu và như vậy, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Thấu hiểu những băn khoăn, lo lắng của người lao động ở khu vực nông thôn, nhiều đoàn thể xã hội (như: Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu Chiến binh…) đã chủ động đứng ra vận động đoàn viên, hội viên tiết kiệm để lập quỹ giúp đỡ lẫn nhau, như: Quỹ thăm hỏi ốm đau; quỹ bảo thọ; quỹ hưu nông dân…Những quỹ này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và có sự hỗ trợ của tập thể. Mức đóng góp vào quỹ của nông dân được quy định rất linh hoạt dưới nhiều hình thức: Bằng thóc, bằng tiền theo tháng, vụ hay theo năm. Tùy theo mức đóng góp của nông dân mà có mức chi trả phù hợp trên cơ sở bàn bạc công khai thành quy chế, điều lệ.
Năm 1978 xã Đại Hóa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành thành lập quỹ “hưu nông dân”. Năm 1986 ở các tỉnh Hà Tây, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh xây dựng quỹ “hưu nông dân” hoặc quỹ “hỗ trợ tuổi già”, đặc biệt tỉnh Nghệ An từ năm 1985 đến năm 1997 có 172 Hội Nông dân cơ sở xây dựng quỹ “hưu nông dân”, với số tiền 6 tỷ đồng. Loại quỹ này được hình thành do HTX nông nghiệp trích một phần quỹ phúc lợi chuyển sang và nông dân đóng góp bằng thóc hoặc bằng tiền. Khi hết tuổi lao động (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) mỗi tháng được hưởng từ 5 đến 10 kg thóc, tùy theo mức đóng góp và đầu tư tăng trưởng quỹ. Nhưng ở thời kỳ này nền kinh tế nước ta chậm phát triển, tỷ lệ lạm phát cao, tiền gửi vào ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân luôn bị mất giá, không cân đối được thu – chi, cho nên một số nơi quỹ bị đổ vỡ, không tiếp tục thực hiện được.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách BHXH đối với nông dân, sau khi nghiên cứu tổng kết thực tiễn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổng kết rút kinh nghiệm việc xây dựng quỹ “hưu nông dân” ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An cho làm thí điểm BHXH nông dân. Ngày 28/4/1998, UBND tỉnh ra Quyết định về việc thành lập BHXH nông dân Nghệ An trực thuộc UBND tỉnh. Khi đó tỉnh có số dân gần 3 triệu người, tổng số lao động là 1.351.823 người, trong đó lao động khu vực nông thôn là 1.171.298 người, chiếm gần 90% lao động toàn tỉnh. Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nông dân Nghệ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh thí điểm triển khai BHXH cho nông dân và ngày 20/8/1998, BHXH nông dân Nghệ An chính thức ra đời. Hệ thống BHXH nông dân được hình thành ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Theo Điều lệ BHXH nông dân sửa đổi năm 2001 thay thế Điều lệ BHXH nông dân tạm thời năm 1998, nội dung cụ thể như sau:
Đối tượng tham gia là những người thường trú tại tỉnh Nghệ An trong độ tuổi lao động làm việc ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóp góp tùy thuộc vào khả năng kinh tế của người tham gia nhưng mức tối thiểu là 10.000 đồng/tháng, không hạn chế mức tối đa và thu theo quý hoặc thu một lần, mức đóng tối thiểu sẽ thay đổi khi có biến động giá cả tăng trên 10%. Do điều kiện kinh tế và trình độ quản lý nên chưa thực hiện đầy đủ các chế độ như BHXH bắt buộc mà mới thực hiện 2 chế độ trợ cấp hưu trí và tử tuất. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được hình thành theo hệ thống 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã.
Sau 8 năm tổ chức triển khai, BHXH nông dân Nghệ An đã thu được kết quả: Tính đến 31/12/2006 đã có 314 xã, phường, thị trấn ở 11 huyện, thành, thị tham gia BHXH nông dân; đã có 86.891 người đăng ký tham gia và được cấp sổ BHXH nông dân; chi trợ cấp cho 96 người và trợ cấp một lần cho 3.252 người. Qua thực tiễn triển khai, có thể rút ra một số nhận xét sau:
BHXH nông dân Nghệ An đã chứng minh đầy đủ cả về lý luận cũng như thực tiễn là một chính sách xã hội phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của BHXH trong nền kinh tế thị trường. Để có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt trong việc vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH đến từng người nông dân. Đồng thời, cũng phải kể đến sự ủng hộ không nhỏ về tài chính, cơ sở vật chất, bộ máy quản lý của tỉnh đối với tổ chức này.
Trong quá trình tổ chức triển khai thí điểm loại hình bảo hiểm xã hội nông dân ở Nghệ An, cho thấy công tác tổ chức loại hình bảo hiểm này còn nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, đó là: Thiếu một hành lang pháp lý cụ thể và thống nhất; công tác thực thi còn nhiều bất cập; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện chưa rõ ràng; tính bền của quỹ và kỹ thuật tính toán thu, chi và cân đối quỹ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia chưa thực sự khoa học và đáng tin cậy.
Cơ sở ban hành chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT