Các nghiên cứu trong nước về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Phương pháp nghiên cứu trong luận văn phân tích hoạt động kinh doanh

Mục lục

Các nghiên cứu trong nước về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng thu nhập và công bằng xã hội là những chủ đề được các nhà kinh tế đặc biệt quan tâm.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới gồm David Dollar và các cộng sự, trong báo cáo nghiên cứu “Economics Growth, Poverty and Household welfare” năm 2004 đã sử dụng một cơ sở dữ liệu dồi dào về kinh tế học vĩ mô và điều tra về hộ gia đình để phân tích các nội dung như: lý do thành công của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của hộ gia đình từ khi tiến hành đổi mới kinh tế đến năm 2000; triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam; tác động của tăng trưởng kinh tế đến phúc lợi của hộ gia đình được đo lường thông qua các biến số như chi tiêu hộ gia đình cho tiêu dùng, y tế, giáo dục; hiệu quả của các chính sách của Chính phủ trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đề tài “Chất lượng tăng trưởng kinh tế: Một số đánh giá ban đầu cho Việt Nam” của Nguyễn Thị Tuệ Anh và Lê Xuân Bá (2005) đã phân tích một số yếu tố và khía cạnh nhằm đưa ra một số đánh giá ban đầu về chất lượng tăng trưởng của tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Các phân tích tập trung vào ba vấn đề liên quan tới chất lượng tăng trưởng, bao gồm: hình thái đầu tư vào hình thành tài sản vốn vật chất và vốn con người; nhận dạng mô hình tăng trưởng của Việt nam giai đoạn 1990-2003, đặc biệt chú trọng tới đóng góp của vốn con người và phân tích diễn biến bất bình đẳng về phân phối thu nhập cũng như ảnh hưởng của tăng trưởng và bất bình đẳng tới giảm tỷ lệ nghèo. Trên cơ sở kết quả phân tích, nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị. Nghiên cứu có đưa ra bức tranh bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế ở Viêt Nam, tuy nhiên khi chạy mô hình nghiên cứu mới chỉ dừng lại xem xét tác động bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế đến nghèo đói ở Việt Nam. Kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế đóng góp lớn vào giảm nghèo, trái lại bất bình đẳng làm tăng nghèo đói nhưng ở mức thấp hơn.

Đề tài cấp Bộ mã số B2006-06-05 của Nguyễn Văn Công (2006) với tiêu đề “Tác động của phân phối thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” đã nghiên cứu tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế. Đề tài đã xây dựng một mô hình chéo để kiểm định tác động của phân phối thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1992-2004 trong đó bất bình đẳng được đại diện bằng khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất (Q1) và 20% người nghèo nhất (Q5) cho từng tỷnh. Các số liệu tổng hợp được lấy từ các cuốn Niên giám thống kê, còn các số liệu theo tỷnh được lấy từ bốn cuộc điều tra mức sống dân cư Việt Nam 1992-93; 1997-98; 2002; và 2004. Kết quả cho thấy bất bình đẳng thu nhập có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế. Việc sử dụng tỷ lệ Q1/Q5 đại diện cho bất bình đẳng thu nhập của nghiên cứu này được coi là quá đơn giản vì không phản ánh được toàn bộ bức tranh về phân phối thu nhập của tất cả dân cư. Bộ số
liệu mà nghiên cứu sử dụng đã quá lạc hậu và không cập nhật được những thay đổi mạnh trong hình mẫu của bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

Đề tài cấp nhà nước KX 01.10 “Phân phối thu nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” do Nguyễn Công Nghiệp (2006) chủ nhiệm đã hệ thống hoá và làm rõ một số vấn đề lý luận về phân phối trong các học thuyết kinh tế và vai trò của phân phối trong chu trình tái sản xuất xã hội và trong hệ thống quan hệ sản xuất; nghiên cứu mô hình phân phối trong một số hệ thống kinh tế và trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đề tài đã nghiên cứu vai trò của Nhà nước đối với quá trình phân phối và phân tích các công cụ được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh quá trình phân phối nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội (nổi bật là các công cụ thuế, chi tiêu ngân sách, công cụ tín dụng, hệ thống an sinh xã hội). Đề tài đã đi sâu nghiên cứu thực trạng phân phối ở Việt Nam qua 2 thời kỳ (thời kỳ trước đổi mới và thời kỳ đổi mới), từ đó rút ra những kết luận và bài học kinh nghiệm; đề xuất hệ thống đồng bộ các quan điểm và nhóm giải pháp về phân phối nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đề tài đã tiếp cận vấn đề phân phối theo nghĩa rộng với tư cách là một khâu của quá trình tái sản xuất trong đó phân phối thu nhập chỉ là phần của toàn bộ bức tranh chung. Cách tiếp cận của đề tài hoàn toàn là định tính.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Các nghiên cứu trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế[/message]

Phạm Xuân Nam (2007) trong bài báo “Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, sau khi điểm qua những kết quả của công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam và tác động xã hội của nó, đã bàn về những quan điểm và giải pháp cơ bản để có thể thực hiện được mục tiêu “kép” là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về quan điểm, tác giả cho rằng quan điểm tổng quát của Đảng cộng sản Việt Nam “tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển” cần phải cụ thể hoá thành những nội dung chủ yếu như tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội phải làm tiền đề và điều kiện cho nhau, cần khắc phục tàn dư của chủ nghĩa bình quân, đề cao vai trò của quản lý vĩ mô của Nhà nước và không thể tách rời yếu tố văn hoá trong phát triển. Trên cơ sở quan điểm đó, tác giả kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, đó là các chính sách vĩ mô cần tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cơ hội tiếp cận một cách công bằng với các đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh, thực hiện phân phối theo lao động, theo đóng góp và theo hiệu quả kinh tế, cần có chính sách điều tiết và phân phối lại thu nhập, không chỉ qua phúc lợi xã hội mà cần mở rộng thành hệ thống chính sách an sinh xã hội với nhiều tầng nấc khác nhau.

Lê Quốc Hội (2009) cũng có một số nghiên cứu về bất bình đẳng thu nhập như: “Tác động của tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập đến xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam” và “Thách thức và giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam trong thời gian tới”. Các nghiên cứu này đều là nghiên cứu định tính và hoặc chỉ mới nghiên cứu định lượng về tác động của tăng trưởng đến bất bình đẳng thu nhập chứ chưa tập trung xem xét tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Đề tài cấp nhà nước của Hoàng Đức Thân (2010) với tiêu đề “Quan điểm và giải pháp bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta” đã phân tích, đánh giá thực trạng mối quan hệ gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam; chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của thực trạng đó trong giai đoạn 1986-2010, đặc biệt chú trọng vào thời kỳ 10 năm (2001-2010); Xây dựng và đề xuất hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong thời kỳ mới ở Việt Nam. Các kết luận đưa ra đều dựa trên các phân tích định tính và mô tả thống kê.

Tuy nhiên, những công trình trong nước về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế kể trên còn có những hạn chế sau:

– Các công trình khoa học trong nước chủ yếu nghiên cứu định tính. Cần có nghiên cứu tổng hợp cả định tính và định lượng về mối liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

– Các công trình mới chỉ bàn riêng hoặc về tăng trưởng kinh tế hoặc về bất bình đẳng. Cần nghiên cứu mối quan hệ giữa bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế mà trước hết là tác động của giữa bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế.

– Nghiên cứu định lượng của Nguyễn Văn Công (2006) về tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam mới nghiên cứu cho giai đoạn 1992-2004, chưa cập nhật được tình hình mới khi Việt nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đặc biệt giai đoạn suy giảm tăng trưởng kinh tế từ năm 2008 có tác động đến hình mẫu của mối liên kết giữa bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế.

Các nghiên cứu trong nước về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?