Các nghiên cứu trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Phương pháp nghiên cứu

Mục lục

Các nghiên cứu trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Trên thế giới, các nhà kinh tế đã từ lâu tranh luận về mối liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phải đến giữa thập niên 1990, với sự trỗi dậy của kinh tế học tăng trưởng và nguồn số liệu phong phú về các đặc điểm kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia, nhiều nghiên cứu thực nghiệm về mối liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế mới được thực hiện một cách có hệ thống. Một số các nghiên cứu ban đầu sử dụng số liệu chéo giữa các quốc gia cho thấy các quốc gia có bất bình đẳng thu nhập thấp hơn có tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, sau đó, các nghiên cứu sử dụng số liệu tốt hơn và kỹ thuật ước lượng tiên tiến hơn đã thách thức những kết quả ban đầu và kết luận rằng, dĩ ít là với các nước đang phát triển, bất bình đẳng cao hơn đi cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Các nghiên cứu sử dụng số liệu quốc tế chéo và chuỗi thời gian

Những nghiên cứu theo hướng này đã sử dụng số liệu về GDP thực tế bình quân đầu người, các thước đo bất bình đẳng thu nhập, và các biến điều kiện khác để khảo sát mối liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế. GDP bình quân đầu người ban đầu của các quốc gia cũng được đưa vào với tư cách là biến điều kiện, bởi vì các nước có GDP bình quân đầu người thấp hơn thường tăng trưởng nhanh hơn so với các nước có thu nhập cao. Ngoài ra, các biến điều kiện khác như trình độ học vấn, đầu tư vốn vật chất, những thay đổi tỷ giá thương mại, và các biến chính trị – xã hội (chẳng hạn chỉ số tham nhũng hay dân chủ) cũng được coi có tương quan với tăng trưởng kinh tế trong nhiều nghiên cứu khác.

Các nghiên cứu đầu tiên của Alesina và Rodrik (1994), Persson và Tabellini (1994), và Perrotti (1996) cho thấy các quốc gia có mức bất bình đẳng thấp hơn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn. Đặc biệt, nghiên cứu của Persson và Tabellini đã tìm ra bằng chứng ủng hộ cho mô hình kinh tế chính trị của họ. Họ ước tính các phương trình hồi quy trên hai bộ số liệu – chuỗi số liệu lịch sử từ năm 1830 đến năm 1985 cho 9 quốc gia và chuỗi số liệu sau chiến tranh của 56 quốc gia từ 1960 đến 1985. Với các chuỗi lịch sử, hệ số cho tỷ lệ thu nhập của nhóm 20 phần trăm giàu nhất mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê. Theo họ, kết quả này hàm ý bất bình đẳng thu nhập làm giảm tốc độ tăng trưởng do làm tăng áp lực phải phân phối lại. Tuy nhiên, một trong những biến then chốt trong mô hình kinh tế chính trị của họ là tỷ lệ dân số có quyền bỏ phiếu lại không có tác động đáng kể đến tăng trưởng như mô hình của họ dự đoán. Với bộ số liệu sau chiến tranh, hệ số ước lượng cho tỷ
lệ thu nhập của nhóm trung lưu (nhóm phần năm thứ ba) mang giá trị dương và ý nghĩa thống kê trong các nền dân chủ, nhưng không có ý nghĩa thống kê trong quốc gia phi dân chủ. Họ giải thích điều này như một bằng chứng bổ sung ủng hộ mô hình của họ, bởi vì một phần thu nhập lớn hơn cho tầng lớp trung lưu có nghĩa làm giảm áp lực tái phân phối trong một nền dân chủ, nhưng có thể ít ảnh hưởng lên chính sách trong chế độ độc tài. Nhìn chung, Persson và Tabellini kết luận rằng, “Bất bình đẳng có ảnh hưởng đến tăng trưởng thông qua kênh đầu tư, và hiệu ứng này chỉ hiện diện trong các nền dân chủ.”

Các kết quả của Persson và Tabellini về sự khác biệt giữa các nền dân chủ và phi dân chủ đã bị thách thức bởi một số tác giả khác. Alesina và Rodrik bác bỏ giả thuyết cho rằng mối quan hệ giữa bất bình đẳng và tăng trưởng là khác nhau giữa các nền dân chủ và phi dân chủ. Họ cho rằng mô hình kinh tế chính trị không dự đoán được sự khác biệt mang tính hệ thống giữa các nền dân chủ và phi dân chủ, bởi vì chế độ phi dân chủ cũng chịu những áp lực tương tự như các chính phủ dân chủ nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu. Họ cho rằng sự khác biệt giữa kết quả của họ và kết quả của Persson và Tabellini là do khác biệt trong cách đo lường bất bình đẳng và định nghĩa được sử dụng để xác định các nước dân chủ.

Perotti cũng kết luận rằng dân chủ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng. Ông cho rằng ảnh hưởng khác biệt mà Persson và Tabellini phát hiện xuất hầu hết các nền dân chủ là các nước có thu nhập cao và phi dân chủ là nước thu nhập thấp. Hơn nữa, ông thấy có ít bằng chứng về mối liên kết ngược chiều giữa tỷ trọng thu nhập của nhóm trung lưu và chi tiêu cho y tế, an sinh xã hội, giáo dục hoặc thuế suất biên.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Khái niệm về bất bình đẳng thu nhập[/message]

Các nghiên cứu kinh tế lượng ban đầu kết luận rằng phân phối thu nhập bình đẳng hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên số liệu chéo giữa nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế và bất bình đẳng rất khác nhau. Nghiên cứu đầu tiên toàn diện nhất dựa trên số liệu chéo quốc tế là của Perotti (1996). Ông đã xem xét chi tiết mối liên kết giữa bất bình đẳng và tăng trưởng phụ thuộc ra sao vào chính sách tài khóa, bất ổn xã hội và chính trị, và tính không hoàn hảo của thị trường vốn thông qua ảnh hưởng đến đầu tư cho vốn nhân lực, giáo dục và tỷ lệ sinh. Kết luận tổng quát của ông là có mối liên kết mạnh giữa bất bình đẳng, bất ổn xã hội và chính trị, và tăng trưởng kinh tế và xã hội công bằng hơn có tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ đầu tư cao cho giáo dục. Cả hai đều được phản ánh trong tỷ lệ tăng trưởng cao hơn.

Một vài năm sau khi các nghiên cứu trên công bố, Li và Zhou (1998), Barro (1999), và Forbes (2000) đã thách thức những kết quả này. Li và Zhou sử dụng số liệu mảng từ 46 quốc gia và kết luận rằng bất bình đẳng thu nhập có mối tương quan dương, và thường có ý nghĩa thống kê với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi họ ước tính phương trình hồi quy số liệu chéo dựa trên tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 1960 đến năm 1990 giữa 34 đến 42 quốc gia, hệ số của chỉ số Gini mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê như trong các nghiên cứu khác sử dụng số liệu chéo, giống như kết quả của Alesina và Rodrik. Vì vậy, họ cho rằng mối tương quan dương giữa bất bình đẳng và tăng trưởng trong các nghiên cứu trước đó là do sử dụng số liệu chéo có kết quả trái ngược với sử dụng số liệu mảng.

Barro (1999) là một trong những người tiên phong trong các nghiên cứu thực nghiệm về tăng trưởng và nghiên cứu của ông là một thách thức lớn đối với các kết quả trước đó. Barro đã sử dụng bộ số liệu của khoảng 100 quốc gia để ước tính một mô hình tăng trưởng cho các quốc gia đó cho 3 giai đoạn 10 năm. Ông phát hiện mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và bất bình đẳng, được đo bằng hệ số Gini, là phi tuyến. Đặc biệt, ông nhận thấy bất bình đẳng hơn đi cùng với tăng trưởng thấp hơn ở các nước thu nhập thấp và tăng trưởng cao hơn ở các nước thu nhập cao hoặc các nước phát triển. Ông cũng phát hiện thấy hệ số của Gini mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê trong toàn bộ mẫu bao gồm tất cả các quốc gia khi bỏ quan biến tỷ lệ sinh. Như vậy, các quốc gia có tỷ lệ sinh cao hơn (thường là các nước chậm phát triển) cũng có bất bình đẳng cao hơn và việc bỏ sót biến tỷ lệ sinh trong các nghiên cứu trước đó có thể đã tạo ra sai lệch âm trong các ước lượng của họ về tác động
của bất bình đẳng đối với tăng trưởng.

Forbes (2000) cũng đóng góp vào quan điểm xét lại mối liên kết giữa bất bình đẳng và tăng trưởng. Chỉ giới hạn nghiên cứu số liệu mảng cho 45 quốc gia với với bộ số liệu về phân phối thu nhập có chất lượng tốt, và sử dụng phương pháp ước lượng tiên tiến có tính đến sự khác biệt không quan sát được giữa các quốc gia (điều này không được phản ánh trong các bộ số liệu thông thường về các biến điều kiện), bà phát hiện rằng “tăng 10 điểm hệ số Gini của một quốc gia có tương quan với 1,3 phần trăm tăng trưởng trung bình hàng năm cao hơn cho 5 năm tới.” Bà coi điều này biểu thị một “mối quan hệ ngắn hạn giữa bất bình đẳng và tăng trưởng trong một quốc gia”, và rằng nó không “trực tiếp mâu thuẫn với kết luận trước đó về mối quan hệ ngược chiều giữa các quốc gia trong dài hạn”.

Nghiên cứu sử dụng số liệu mảng trong một quốc gia

Các nghiên cứu sử dụng số liệu quốc tế bao gồm nhiều quốc gia có các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội rất khác nhau có thể không thật sự hữu ích cho phân tích thực nghiệm dựa trên số liệu mảng giữa các tỷnh về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây đã khảo sát mối liên kết giữa bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế giữa các bang hoặc giữa các tỷnh trong cùng một quốc gia. Nhiều nhà nghiện cứu cho rằng số liệu chéo giữa các bang tỏ ra ưu việt hơn so với số liệu chéo giữa các quốc gia vì đồng nhất hơn. Các quốc gia có sự khác nhau về cấu trúc nên số liệu rất khó so sánh. Partridge (1997) đã nghiên cứu mối liên kết giữa bất bình đẳng và tốc độ tăng trưởng giữa các bang của Hoa Kỳ trong ba thập kỷ từ năm 1960 đến năm 1990.

Nghiên cứu của ông bao gồm hai thước đo bất bình đẳng vào đầu của mỗi giai đoạn 10 năm – hệ số Gini tính theo thu nhập của các hộ gia đình trước thuế dựa trên số liệu điều tra dân số và tỷ trọng thu nhập của các nhóm phần năm thứ ba (tầng lớp trung lưu). Kết quả kinh tế lượng của ông chỉ ra rằng cả hai thước đo bất bình đẳng có hệ số ảnh hưởng mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê đến tốc độ tăng trưởng, mặc dù hai thước đo bất bình đẳng có tương quan âm trong mẫu nghiên cứu của ông (tỷ trọng thu nhập cao hơn cho tầng lớp trung lưu thường ngụ ý một hệ số Gini thấp hơn). Vì vậy, bang có bất bình đẳng cao hơn (được đo bằng hệ số Gini) đi cùng với tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn, nhưng kết quả này chỉ được thỏa mãn khi tỷ trọng thu nhập của nhóm trung lưu được giữ không thay đổi, và do đó phản ánh những tác động của sự gia tăng tỷ trọng thu nhập của các nhóm thu nhập cao nhất trên cơ sở giảm tỷ trọng thu nhập của các nhóm thu nhập thấp nhất.

Frank (2009) giới thiệu một bộ dữ liệu mới, toàn diện về các thước đo bất bình đẳng cấp bang ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1945 đến 2004. Sau Chiến tranh Thế chiến II ở nhiều bang tỷ lệ thu nhập của nhóm dân cư giàu nhất khá ổn định trong một thời gian dài, sau đó bất bình đẳng thu nhập tăng lên đáng kể trong những năm 1980 và 1990. Kết quả từ mô hình thực nghiệm cho thấy về bản chất bất bình đẳng và tăng trưởng có mối quan hệ dương trong dài hạn và nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập được tập trung nhiều hơn vào tay những người giàu khi xã hội càng phát triển.

Dahlby and Ferede (2013) xem xét mối liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế dựa trên bộ dữ liệu mảng giữa các tỉnh của Canada. Nghiên cứu này tìm lời giải đáp cho câu hỏi phải chăng có một sự đánh đổi giữa các chính sách tái phân phối và tăng trưởng kinh tế, hay tái phân phối thu nhập có thể kích hoạt kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Các tác giả đã tiến hành phân tích kinh tế lượng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế theo tỷnh ở Canada và ba thước đo khác nhau về bất bình đẳng thu nhập. Họ phát hiện mối quan hệ giữa chúng không có ý nghĩa thống kê. Các tác giả sau đó xem xét bằng chứng cho thấy việc tăng thuế suất biên đối với cá nhân có thu nhập cao cũng như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra chi phí đáng kể cho nền kinh tế trong khi không làm tăng nguồn thu về thuế. Trừng phạt người có thu nhập cao là một cách tự hủy hoại, mặc dù cải thiện mạng lưới an sinh xã hội sẽ cung cấp cho người dân Canada nhiều hơn cơ hội để tiếp cận các dịch vụ này.

Như vậy, các nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra những kết quả không thống nhất và thậm chí trái ngược nhau. Forbes (2000) phát hiện năm yếu tố có vai trò quan trọng giải thích cho những kết quả mâu thuẫn này: (i) sử dụng các biến khác nhau, (ii) các mẫu nghiên cứu khác nhau, (iii) chất lượng dữ liệu khác nhau, (iv) khoảng thời gian khác nhau và (v) sai lệch vì bỏ biến trong các nghiên cứu sử dụng số liệu chéo. Bà kết luận rằng các lý do quan trọng nhất dẫn đến sự khác biệt là tính đặc thù quốc gia, sự khác biệt về thời gian nghiên cứu, sai lệch vì bỏ biến và độ dài của thời kỳ được xem xét. Mặt khác, Banerjee và Duflo (2003) cho rằng ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng có dạng hình chữ U ngược theo nghĩa khi bất bình đẳng thu nhập còn ở mức thấp các nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh hơn bằng cách chấp nhận bất bình đẳng cao hơn, tuy nhiên bất bình đẳng thu nhập quá cao (vượt qua một ngưỡng nhất định) sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Các nghiên cứu trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Các nghiên cứu trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

  1. Pingback: Các nghiên cứu trong nước về bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?