Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc

ùn tắc giao thông

Mục lục

 Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc

Công nghiệp điện tử của Trung Quốc được hình thành và phát triển từ giữa thế kỷ XX. Trải qua nhiều biến động xã hội nhưng công nghiệp điện tử Trung Quốc đã có những bước phát triển đáng kể, khá toàn diện từ thiết bị viễn thông – thông tin, chế tạo dụng cụ bán dẫn, sản xuất linh kiện, sản phẩm máy tính và thiết bị mạng, sản phẩm điện tử công nghiệp cho đến sản phẩm điện tử dân dụng.

Với việc cải cách chính sách đáng kể, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp và thị trường khổng lồ, ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những khoảng đầu tư rất lớn để xây dựng nền tảng về công nghệ và hạ tầng cho phát triển các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao. Giai đoạn đầu, các loại linh kiện, cụm linh kiện chất lượng cao phục vụ cho sản xuất máy tính và thiết bị truyền thông của Trung Quốc đều được đảm nhận bởi các công ty liên doanh như HP, IBM, Unisys, Digital, Toshiba, Acer, Samsung… Bằng nhiều hình thức, các doanh nghiệp nội địa dần tiếp cận các công nghệ tiên tiến của các liên doanh này thông qua các chính sách phù hợp. Đến nay, công nghiệp điện tử Trung Quốc đã có được những thành lớn, công nghệ vượt trội so với các nước trong khu vực, và đặc biệt đã đáp ứng được nhu cầu sản phẩm điện tử từ dân dụng đến an ninh quốc phòng.

Sản phẩm điện tử dân dụng của Trung Quốc mặc dù chưa ngang bằng với sản phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc về chất lượng nhưng sản lượng đã đứng đầu thế giới với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 20% [16]. Càng hội nhập, sản phẩm điện tử của Trung Quốc càng xuất hiện nhiều trên diện rộng của thế giới. Đến năm 2009, sản phẩm điện tử dân dụng của Trung Quốc đã có mặt ở hầu hết các quốc gia với 8 loại sản phẩm chính là: TV màu, đầu DVD, dàn âm thanh gia đình, dàn âm thanh cho các loại xe ô tô, máy ảnh, máy quay kỹ thuật số, máy nghe nhạc MP3, MP4, thiết bị hỗ trợ cá nhân và thiết bị điện gia đình [16]. Ngoài thế mạnh về sản phẩm điện tử dân dụng, sản xuất thiết bị thông tin và dụng cụ bán dẫn của Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh. Hiện nay, Trung Quốc đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thiết bị thông tin và đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 30% về sản xuất dụng cụ bán dẫn. Đạt được những thành công trên, cả doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng những định hướng phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và bối cảnh kinh tế chính trị trong nước. Các chính sách quan trọng có thể kể đến là:

1. Xây dựng khung chính sách và thể chế pháp lý

 Chính sách cải tổ, xây dựng nền kinh tế mở, hướng ra thị trường bên ngoài kể từ năm 1979 đến nay, trong đó chính sách về các đặc khu kinh tế, các khu kinh tế miền duyên hải với các ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học cao như giảm, miễn thuế thu nhập, thuế lợi tức trong từng giai đoạn nhất định… đã tạo ra làn sóng mới cho việc phát triển ngành điện tử. Một số thành phố lớn như Thẩm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh là những ví dụ điển hình cho kết quả của các chính sách này.

Điện tử được xác định là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong kế hoạch 1991 – 1993 đặc biệt là lĩnh vực sản xuất máy tính. Vì vậy, chính sách ưu tiên phát triển lần lượt ra đời. Nhà nước cho vay lãi suất thấp và đầu tư các khoản trợ cấp khác để tập trung sản xuất với phương châm tăng cường sản xuất linh kiện trong nước, chú trọng xuất khẩu để bù nhập khẩu, đẩy mạnh hợp tác sản xuất, hợp tác giữa nghiên cứu và sản xuất cả trong và ngoài nước. Nhà nước cấm nhập 20 loại thiết bị điện tử dân dụng và hạn chế nhập trên 50 loại dây chuyền lắp ráp khác. Những chính sách này đã đủ mạnh để dễ dàng đi vào thực tiễn và cho kết quả đầu ra là sự lớn mạnh của ngành điện tử Trung Quốc như ngày nay.

Cũng trong giai đoạn này, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã thông qua “Chương trình phát triển KH&CN trung và dài hạn” vào tháng 8/1992, trong đó đưa ra các mục tiêu phát triển ngành điện tử – tin học – viễn thông vừa cụ thể vừa có tính định hướng dài hạn để đối sánh với các cường quốc đi trước.

2. Phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử

 Để trở thành cường quốc điện tử, ngay từ khi mới xây dựng, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng các ngành chế tạo khuôn mẫu, đột dập chi tiết kim loại, rèn, đúc, ép nhựa và xử lý bề mặt với hàng triệu lao động tay nghề cao, hàng ngàn doanh nghiệp phát triển rất mạnh mẽ. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành điện tử Trung Quốc đã nghiên cứu thiết kế và sản xuất được các phụ tùng linh kiện nhựa, kim loại, thùng vỏ máy, nguyên vật liệu bao bì đóng gói, chỉ trừ một số rất ít loại linh kiện điện tử công nghệ siêu tinh vi chuyên dụng.

Có thể minh họa bức tranh công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Trung Quốc thông qua phân tích 2 ngành có vai trò dẫn dắt sau:

Ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và dụng cụ bán dẫn: Ngành này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành điện tử Trung Quốc và thế giới. Theo thống kê của Bộ Công nghiệp Điện tử Trung Quốc (MEI), tính đến hết năm 2000 Trung Quốc có 1.054 công ty sản xuất linh kiện điện tử, 167 công ty sản xuất dụng cụ bán dẫn, 70 công ty sản xuất dụng cụ điện tử chân không, và 32 công ty sản xuất IC. Từ năm 1993 đến năm 2000 tổng sản lượng linh kiện điện tử đã tăng từ 5,8 tỉ USD lên 24,5 tỉ USD. Mức tăng trưởng của ngành hàng tăng 400% trong vòng 7 năm, bình quân 25% mỗi năm. Năm 2000 ngành hàng này chiếm 26% tổng sản lượng của ngành điện tử Trung Quốc và đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng linh kiện điện tử, sau Mỹ và Nhật Bản. Hiện nay hầu như tất cả các nhà sản xuất dụng cụ bán dẫn chủ chốt của thế giới đều có công ty liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn FDI tại Trung Quốc như AMD, Hitachi, Intel, Motorola, NEC, Toshiba, Fujitsu, Philips, Samsung… Sự tham gia của các nhà sản xuất IC hàng đầu thế giới này cùng với các doanh nghiệp bán dẫn lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Điện tử Hoa Thanh, Công ty Belling Thượng Hải, Công ty Hua Yue, Tập đoàn Hua Hong, Công ty Grace, Công ty Shenchao, Công ty Hoaxia… đã hình thành một ngành công nghiệp chế tạo IC và dụng cụ bán dẫn gồm đủ các công đoạn sản xuất, từ kéo đơn tinh thể silic, chế tạo wafer đến thiết kế IC, chế tạo, đóng gói, đo kiểm… Sản lượng IC năm 2000 đạt 5,4 tỉ sản phẩm nhưng chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu IC của thị trường trong nước, năm 2002 đạt 8 tỉ sản phẩm đáp ứng 30%, năm 2003 đạt 10,3 tỉ sản phẩm đáp ứng 32%, năm 2004 đạt 14 tỉ sản phẩm đáp ứng 34 %, năm 2005 đạt 20 tỉ sản phẩm đáp ứng 40% và dự kiến năm 2010 đạt 50 tỉ sản phẩm đáp ứng 50% nhu cầu thị trường trong nước. Ngoài IC ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc còn sản xuất các loại linh kiện rời như Diod, Transitor, Thyristor… với số lượng khoảng 30 – 40 tỉ sản phẩm mỗi năm [29].

Ngành công nghiệp chế tạo mạch in (PCB): Giống như ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và dụng cụ bán dẫn, ngành này cũng phát triển rất mạnh trong khoảng gần 2 thập niên vừa qua và có mức tăng trưởng khá cao. Năm 1990 Trung Quốc chỉ mới có 1 doanh nghiệp sản xuất mạch in quy mô lớn ở thành phố Đại Liên và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất mạch in ở các thành phố khác, thì đến năm 2003 đã có tới 700 nhà sản sản xuất mạch in và 450 nhà cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất mạch in, tập trung chủ yếu ở vùng tam giác sông Châu Giang và vùng Đông Quản. Ngành công nghiệp sản xuất mạch in của Trung Quốc có mức tăng trưởng hàng năm bình quân 20%. Khoảng 50 doanh nghiệp PCB lớn sản xuất tới 90% tổng sản lượng PCB của Trung Quốc. Số còn lại chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp PCB nhưng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ sản xuất khoảng 10% tổng sản lượng. Sự lớn mạnh của ngành công nghiệp sản xuất mạch in của Trung Quốc đã làm giảm thị phần của các quốc gia có truyền thống về sản xuất PCB như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu của ngành điện tử trong nước, sản phẩm PCB của Trung Quốc còn được xuất khẩu đi gần 100 nước trên thế giới. Những năm gần đây, sản phẩm PCB của Trung Quốc phần lớn là phục vụ cho công nghệ lắp ráp mặt phẳng (Surface Mounting Technology – SMT). Khác với ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp sản xuất mạch in. Trong số 10 doanh nghiệp sản xuất PCB lớn nhất nước thì đã có 8 doanh nghiệp là của Trung Quốc, chỉ có 2 doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI.

Sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ không những tạo đà cho doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp FDI cũng thiết lập được hệ thống cung cấp phụ kiện, nguyên vật liệu khép kín (sản phẩm nhựa, hoá chất, kim loại, mạch in…), chế tạo dụng cụ bán dẫn (wafer fab) và các loại máy móc dụng cụ chuyên dùng phục vụ sản xuất ngay tại Trung Quốc. Việc thiết lập được các mạng lưới cung cấp khép kín như vậy không những tăng tỉ lệ nội địa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được rất nhiều vốn FDI vào ngành điện tử và các ngành công nghiệp khác.

 Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?