Tính cần thiết đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Đa dạng hóa hoạt động tín dụng không những cần thiết cho các NHTMCP, nền kinh tế mà còn cần thiết cho QLNN về đa dạng hóa hoạt động tín dụng trên các phương diện như sau:
Thứ nhất, đa dạng hóa hoạt động tín dụng góp phần giảm nhẹ các rủi ro tín dụng. Hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng là một lĩnh vực tiếp xúc với đa dạng các loại rủi ro. Đặc biệt, rủi ro trong hoạt động tín dụng, được xem là loại rủi ro chính yếu và được quan tâm hàng đầu, do tầm quan trọng của hoạt động tín dụng là một trong những kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và những đóng góp của hoạt động tín dụng vào lợi nhuận của ngân hàng. Rủi ro trong hoạt động tín dụng bao gồm rủi ro trong quá trình ra quyết định cấp tín dụng và rủi ro trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động tín dụng.
Rủi ro trong quá trình ra quyết định cấp tín dụng: Đây là rủi ro xuất phát từ thông tin bất cân xứng, bắt nguồn từ sự thiếu hụt thông tin KH trong quá trình ra quyết định cho vay. “Theo kinh nghiệm của nhiều nước và từ nhiều nghiên cứu, trừ những cú sốc bất ngờ như khủng hoảng kinh tế, thiên tai…nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu nhiều nhất là do các ngân hàng không có đầy đủ thông tin từ phía KH của mình mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định”[7, tr.1]. Chẩn đoán không tốt vấn đề thông tin bất cân xứng có thể là nguyên nhân gây ra những bất ổn trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hai hành vi phổ biến nhất do thông tin bất cân xứng gây ra là lựa chọn bất lợi hay lựa chọn ngược (adverse selection) và tâm lý ỷ lại (moral hazard). Lựa chọn bất lợi là hành động xảy ra trước khi ký kết hợp đồng tín dụng của KH có nhiều thông tin hơn có thể gây tổn hại cho các NHTMCP có ít thông tin hơn. Tâm lý ỷ lại gây ra rủi ro đạo đức, là hành động của KH có nhiều thông tin hơn thực hiện sau khi sử dụng nguồn vốn tín dụng có thể gây tổn hại cho các NHTMCP có ít thông tin hơn. Trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng luôn là người có ít thông tin về phương án kinh doanh, dự án đầu tư và mục đích sử dụng vốn tín dụng của KH. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, bản thân các ngân hàng phải xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế sự lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại nhằm cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và giám sát chặt chẽ để KH vay vốn có hành vi đúng đắn nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, “Trong một nền kinh tế, hầu như không một ngân hàng nào có đủ khả năng tự mình xử lý được vấn đề thông tin bất cân xứng mà cần phải có một cơ sở hạ tầng và những điều kiện cần thiết cho nền kinh tế đó nhằm tránh xảy ra những vấn đề về hệ thống ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế” [7, tr.1-2].
Rủi ro trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động tín dụng: Khi các NHTMCP cố gắng gia tăng dư nợ cấp tín dụng nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa, nhưng tập trung hoạt động tín dụng quá mức vào một số ngành, lĩnh vực, đối tượng KH,… thiếu đa dạng hóa hoạt động tín dụng để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Nguyên do, mỗi ngành, lĩnh vực, đối tượng KH,.. đều có tính đặc thù và chịu sự tác động bởi nhiều nhân tố khác nhau. Sự sa sút của một số ngành, lĩnh vực hay một số đối tượng KH đã được các NHTMCP tập trung cấp tín dụng quá mức, khi một số ngành, lĩnh vực hay một số đối tượng KH này gặp khó khăn sẽ dẫn đến rủi ro cho hoạt động tín dụng.
Do vậy, đa dạng hóa hoạt động tín dụng rất cần thiết hướng đến các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng mới, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo được nguồn thông tin trong quá trình cấp tín dụng, hạn chế được rủi ro do thông tin bất cân xứng. Đa dạng hóa hoạt động tín dụng, tránh tập trung tín dụng quá mức, với số lượng lớn những khoản cấp tín dụng có giá trị phù hợp, khi gặp biến cố rủi ro sẽ hạn chế được những tổn thất lớn. Mở rộng những khoản cấp tín dụng đa dạng cho nhiều ngành, lĩnh vực hay đối tượng KH ít phụ thuộc nhau sẽ làm cho việc tổn thất của bất kỳ một khoản cấp tín dụng nào sẽ ít ảnh hưởng đến rủi ro cho khoản cấp tín dụng khác của các NHTMCP. Đồng thời với hạn chế rủi ro tín dụng của các NHTMCP còn là yêu cầu cần thiết trong QLNN để đạt mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, đa dạng hóa hoạt động tín dụng góp phần tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Với xu hướng chung là xây dựng hệ thống các NHTMCP thực hiện tất cả các hình thức cấp tín dụng đa dạng phục vụ cho mọi đối tượng KH, tạo ra lợi thế, giảm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên gọn nhẹ, giảm đến mức tối đa chi phí hoạt động và tiết kiệm được chi phí giao dịch cho KH. Qua đó góp phần tăng trưởng lợi nhuận cho các NHTMCP, cho các KH và đóng góp vào thu nhập chung của nền kinh tế. Mặt khác, cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động, NHTMCP nào có lợi thế bằng đa dạng hóa hoạt động tín dụng có chất lượng cao sẽ tồn tại và phát triển, thị phần mở rộng, lợi nhuận cao và tạo ra vị thế trong cạnh tranh. Ngoài khai thác các lợi thế của từng hình thức cấp tín dụng, các NHTMCP còn kết hợp phát triển đa dạng các hình thức cấp tín dụng qua vận dụng mối liên hệ giữa các hình thức cấp tín dụng (xem Phụ lục 9) để hình thành các gói cấp tín dụng với nhiều hình thức cấp tín dụng đa dạng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận một cách bền vững trên nền tảng đa dạng hóa hoạt động tín dụng có chất lượng cao.
Như vậy, đa dạng hóa hoạt động tín dụng góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh tăng trưởng lợi nhuận bền vững cho các NHTMCP, cho các KH và đóng góp vào thu nhập chung của nền kinh tế, cũng là một trong những yêu cầu cần thiết nhằm đạt được mục tiêu QLNN về đa dạng hóa hoạt động tín dụng.
Tính cần thiết đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT