Thực trạng tham gia tố tụng của luật sư

Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

Mục lục

Thực trạng tham gia tố tụng của luật sư

Luật sư là một nghề đặc biệt, được xã hội tôn vinh và ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng. Hoạt động của luật sư liên quan đến luật pháp, đến các quyền cơ bản của con người. Bằng các hoạt động nghề nghiệp, luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, trực tiếp góp phần bảo vệ công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Trong lĩnh vực tố tụng, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh- thương mại, hôn nhân gia đình. Trong số hơn 7.000 luật sư hiện nay trên cả nước, số luật sư hoạt động chuyên về tham gia tố tụng chiếm đa số so với các luật sư hoạt động chuyên về tư vấn pháp luật cũng như cung cấp các dịch vụ pháp lý khác. Việc luật sư tham gia tố tụng không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp của các đương sự, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, sai lầm, hạn chế oan sai, làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Theo báo cáo của các Đoàn luật sư trong cả nước, chỉ tính 02 năm: 2010 và 2011, các luật sư đã tham gia bào chữa trong 32.234 vụ án hình sự (trong đó có 17.348 vụ do thân chủ  mời, 14.886 vụ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng); 27.449 vụ án dân sự; 4.733 vụ án kinh tế; 2.243 vụ án hành chính; 493 vụ án lao động; 17.933 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong năm 2012, số liệu chưa thống kê chính thức, nhưng số lượng các vụ án có luật sư tham gia ngày càng nhiều. Thực tiễn này cho thấy đội ngũ luật sư đã đóng góp tích cực vào hoạt động tố tụng, qua đó thúc đẩy việc tiếp cận công lý, là nhân tố bảo đảm sự công bằng trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, cần phải được khắc phục và tháo gỡ kịp thời.

1. Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự:

Trong giai đoạn điều tra:

Từ thực tiễn trong quá trình hoạt động nghề nghiệp luật sư, hầu hết các luật sư đều nhìn nhận rằng trong suốt quá trình tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì những khó khăn của luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra được phản ánh nhiều nhất. Đặc biệt, nổi cộm lên vấn đề luật sư thường hay bị cơ quan điều tra gây khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, tham gia hỏi cung bị can, gây ảnh hưởng đến quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Mặc dù cản ngại này có xu hướng ngày càng giảm, nhưng vẫn là điều các luật sư ái ngại nhất.

Trong thực tế ở nhiều địa phương, để được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư phải xuất trình đơn yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, thẻ luật sư và chứng chỉ hành nghề luật sư. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì việc có được đơn yêu cầu nhờ luật sư của họ là không thể; còn đơn yêu cầu luật sư của thân nhân người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì phải chờ cơ quan điều tra xác minh quan hệ, rồi hỏi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can mới tiến hành cấp Giấy chứng nhận.

Thực tiễn cho thấy việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong thời hạn 03 ngày như pháp luật quy định là rất hiếm; chỉ những trường hợp trong những vụ án chỉ định theo đề nghị của cơ quan điều tra thì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa mới được thuận lợi. Thậm chí, có nơi cán bộ điều tra còn dùng biện pháp nghiệp vụ để bị can đang bị tạm giam từ chối luật sư. Vấn đề này được xem như bài toán nan giải, đã được các luật sư và giới truyền thông nêu lên rất nhiều lần, nhiều nơi từ trước đến nay nhưng sự chuyển biến theo hướng tích cực còn chậm.

Sau khi có được Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư xin được gặp bị can đang bị tạm giam cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc gặp bị can trong giai đoạn điều tra bắt buộc phải có Điều tra viên, nên khi luật sư đề nghị được gặp bị can thì thông thường là lần đầu không được đáp ứng, các lần hẹn sau cũng không chắc chắn gặp được vì Điều tra viên lấy lý do bận công việc đột xuất…Khi tham gia hỏi cung bị can thì luật sư chỉ được hỏi khi Điều tra viên đồng ý và có trường hợp phải đưa câu hỏi cho Điều tra viên xem xong mới được hỏi câu hỏi đó.

Chính vì vậy, luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra thường chỉ mang tính hình thức, không giúp ích gì nhiều được cho khách hàng. Do đó, pháp luật về tố tụng và pháp luật về luật sư cần phải có quy định tháo gỡ những vướng mắc này.

  • Trong giai đoạn xét xử:

Vấn đề cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, tiếp xúc với bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử có thuận lợi hơn so với giai đoạn điều tra, nhưng tại một số Tòa án vẫn không có được sự thận lợi như vậy. Những vụ án khi đến giai đoạn xét xử, bị cáo mới nhờ luật sư thì việc xin cấp Giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư lại gặp phải khó khăn giống như tại cơ quan điều tra. Thực tế cho thấy luật sư chỉ được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi có giấy yêu cầu nhờ luật sư bào chữa do chính bị can, bị cáo ký. Nhưng khi vào Trại tạm giam để gặp bị can, bị cáo viết giấy yêu cầu luật sư bào chữa thì Trại tạm giam yêu cầu phải có Giấy chứng nhận người bào chữa của Tòa án. Đây vẫn là bài ca muôn thuở mà giới luật sư thường nói với nhau: “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi”?

Trong quá trình xét xử, việc đại diện Viện kiểm sát không chịu đối đáp tranh luận; hiện tượng Chủ tọa phiên tòa và thậm chí cả Hội thẩm nhân dân cắt ngang lời luật sư khi luật sư đang trình bày đúng trọng tâm vụ án vẫn thường xảy ra; nội dung tranh tụng của luật sư không được ghi nhận trong bản án (thực tế cho thấy rất ít bản án có ghi ý kiến tranh  luận của luật sư). Việt Nam theo mô hình xét xử xét hỏi thẩm vấn, bản chất của nó là việc xét xử chủ yếu dựa vào kết quả điều tra, nên Thẩm phán trước khi xét xử đã bị kết quả điều tra chi phối, nếu bị cáo khai đúng sự thật nhưng khác với lời khai trong giai đoạn điều tra thì bị coi là phản cung, khai báo không đúng sự thật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Theo quy định của pháp luật, sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm, bị cáo được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên, trong thời gian 15 ngày này, các Trại tạm giam không cho phép luật sư được tiếp xúc bị cáo với lý lẽ cho rằng luật sư chỉ được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong gian đoạn xét xử sơ thẩm. Lúc này, Tòa án đã xét xử sơ thẩm rồi thì Giấy chứng nhận người bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không còn giá trị pháp lý nữa nên luật sư không có quyền gặp bị cáo. Nếu luật sư muốn gặp bị cáo thì phải chờ đợi đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Như vậy, có thể thấy cán bộ Trại tạm giam đã cố tình gây khó khăn cho luật sư trong quá trình thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo. Thời hạn kháng cáo 15 ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bị cáo, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của bị cáo. Tuy nhiên trong thực tế, có những lỗ hổng pháp lý đã bị lợi dụng, gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp luật sư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa của bị cáo.

2. Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính:

Trong mảng tố tụng này, luật sư trong quá trình hoạt động nghề nghiệp ít gặp phải vướng mắc hơn so với mảng tố tụng hình sự. Những khó khăn mà  các luật sư gặp phải chủ yếu trong việc thu thập chứng cứ, nhất là khi chứng cứ nằm tại cơ quan nhà nước, tổ chức mà các cơ quan, tổ chức này không hợp tác với luật sư…

Riêng đối với các vụ án hành chính, cần nhìn nhận một thực tế rằng các luật sư ít muốn tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người khởi kiện là các cá nhân, tổ chức có quyền lợi hợp pháp bị vi phạm. Bởi lẽ, đa số trong các vụ án hành chính, bên khởi kiện bị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện, mà trong số đó nhiều vụ cái sai thuộc về bên bị kiện. Tư tưởng coi lợi ích nhà nước lớn hơn lợi ích của cá nhân, tổ chức và muốn bảo vệ uy tín của lãnh đạo, cán bộ công chức đã và đang ảnh hưởng đến kết quả giải quyết các vụ án hành chính hiện nay.

Thực trạng tham gia tố tụng của luật sư

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 bình luận về “Thực trạng tham gia tố tụng của luật sư

  1. Pingback: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006 liên quan đến hoạt động tham gia tố tụng của luật sư - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?