Thành phần cấu trúc tài chính doanh nghiệp

vốn huy động

Mục lục

Thành phần cấu trúc tài chính doanh nghiệp

Để có thể tổ chức và lựa chọn hình thức huy động vốn một cách thích hợp, có hiệu quả cần thực hiện phân loại cấu trúc tài chính theo các tiêu thức nhất định. Trong công tác quản trị, cấu trúc tài chính thường được phân loại theo các tiêu thức chủ yếu sau:

1. Căn cứ theo quan hệ sở hữu vốn

Dựa trên quan hệ sở hữu vốn, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp bao gồm Vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

1.1. Nợ phải trả:

Nợ phải trả là thể hiện bằng tiền những nghĩa vụ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán cho các tác nhân kinh tế khác. Nợ phải trả bao gồm nợ ngắn hạn, nợ dài hạn.

Nợ ngắn hạn phản ánh những khoản nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán trong vòng một năm hay một chu kỳ kinh doanh. Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản vay ngắn hạn, các khoản chiếm dụng vốn (như phải trả nhà cung cấp, phải trả người lao động, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp khác…).

– Vay ngắn hạn: Các tổ chức tín dụng có thể cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn với thời hạn tối đa là 12 tháng. Thời hạn cho vay ngắn hạn cụ thể phải được xác định phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Lãi suất cho vay là lãi suất thỏa thuận theo thị trường khi thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng.

– Các khoản chiếm dụng vốn: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đương nhiên phát sinh các quan hệ thanh toán với các tác nhân kinh tế khác như với Nhà nước, CBCNV, khách hàng, nhà cung cấp, từ đó mà phát sinh các khoản vốn chiếm dụng và vốn bị chiếm dụng. Thuộc về vốn chiếm dụng hợp pháp có các khoản vốn sau:

+ Phải trả nhà cung cấp (tín dụng thương mại).

+ Tiền lương, tiền công trả cho người lao động nhưng chưa đến kỳ hạn trả.

+ Các khoản thuế, bảo hiểm xã hội phải nộp nhưng chưa đến kỳ hạn nộp.

+ Các khoản tiền tạm ứng trước của khách hàng.

Nguồn vốn chiếm dụng là các nguồn vốn mang tính chất tạm thời, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn nhưng không phải trả chi phí sử dụng vốn, đòn bẩy tài chính luôn dương, nên trong thực tế doanh nghiệp nên triệt để tận dụng nguồn vốn này trong giới hạn cho phép nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn mà vẫn đảm bảo kỷ luật thanh toán.

Nợ dài hạn phản ánh những khoản nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán trong thời gian dài (lớn hơn một năm hay nhiều năm hay nhiều chu kỳ kinh doanh).. Nợ dài hạn bao gồm: vay dài hạn ngân hàng và các tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu và thuê tài chính…Nguồn vốn nợ dài hạn thường được sử dụng để đầu tư vào các tài sản dài hạn.

– Vay dài hạn: Là một thỏa ước tín dụng dưới dạng hợp đồng giữa người vay (doanh nghiệp) và người cho vay (NHTM, Tổ chức tín dụng) theo đó người vay phải có nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi theo quy định trong hợp đồng. Thông thường, các khoản vay từ 3 năm trở lên (có nơi tính từ 5 năm) được coi là vay dài hạn, còn khoản vay từ 1- 3 năm được coi là vay trung hạn. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường vay dài hạn ngân hàng để đảm bảo nguồn tài chính cho các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư theo chiều sâu của doanh nghiệp.

– Phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài hạn: Thông qua việc phát hành trái phiếu dài hạn, doanh nghiệp có thể thực hiện vay dài hạn trên thị trường vốn với khối lượng lớn, doanh nghiệp có quyền chủ động đưa ra những điều kiện linh hoạt để phù hợp với điều kiện thị trường như loại trái phiếu phát hành là trái phiếu trơn, trái phiếu chứng quyền, linh hoạt trong việc định lãi trái phiếu (cố định, thả nổi, thả nổi theo kỳ), nên trái phiếu có tiềm năng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

– Thuê tài chính: Còn gọi là thuê vốn là phương thức tài trợ tín dụng trung và dài hạn không thể hủy ngang. Theo phương thức này, người cho thuê cam kết mua tài sản, thiết bị theo yêu cầu của người thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Người thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn đã được thoả thuận và không được huỷ bỏ hợp đồng trước hạn. Nếu xét trên góc độ người thuê (doanh nghiệp đi thuê tài chính) thì thuế tài chính là hình thức vay trung hạn và dài hạn; còn trên góc độ người cho thuê (doanh nghiệp cho thuê tài chính), thì đây là hình thức tài trợ tín dụng trung và dài hạn bằng tài sản.

Lợi ích và bất lợi của doanh nghiệp khi sử dụng nợ vay.

Nợ phải trả là nguồn vốn mà doanh nghiệp chủ yếu huy động từ bên ngoài tài trợ cho nhu cầu đầu tư. Việc sử dụng nợ vay có những ưu điểm sau:

+ Ưu điểm lớn nhất của việc dùng nợ vay thay cho vốn chủ sở hữu đó là lãi vay phải trả được coi là khoản chi phí hợp lý và được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hay nói cách khác doanh nghiệp được hưởng lợi từ “lá chắn thuế” và vì thế làm tăng giá trị doanh nghiệp.

+ Ưu điểm thứ hai của nợ vay, đó là thông thường chi phí tài trợ thấp và linh hoạt cao hơn vốn chủ sỡ hữu. Do lãi suất vay ngân hàng, hay lãi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, tổ chức tín dụng có thể thiết lập lịch trả nợ phù hợp với dòng tiền thu nhập của doanh nghiệp.

+ Ưu điểm thứ ba của nợ vay là nợ vay giúp cho các nhà quản trị thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư. Khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay để tài trợ cho những khoản đầu tư thì việc phải trả lãi và vốn gốc theo định kỳ sẽ ngăn, hoặc giảm việc đầu tư thái quá vào dự án cần nhiều vốn mà không đem lại nhiều hiệu quả.

Bên cạnh những ưu điểm, việc sử dụng nợ phải trả cũng tồn tại những hạn chế.

+ Sử dụng nợ vay sẽ đem lại bất lợi cho doanh nghiệp vì phải chịu áp lực lớn của gánh nặng nợ nần dẫn đến việc phải hy sinh nhiều lợi ích để thanh toán các khoản lãi vay đồng thời để mất tự chủ trong kinh doanh, khó khăn trong việc ra các quyết định kinh doanh.

+ Doanh nghiệp không thể sử dụng nợ vay quá cao so với vốn chủ sỡ hữu. Khi những lợi ích đem lại từ “lá chắn thuế” nhỏ hơn “chi phí khánh kiệt tài chính”, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.

+ Việc sử dụng nợ vay cao quá mức sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư và tạo ra sự mâu thuẫn giữa các chủ nợ và nhà đầu tư.

1.2. Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp. Có 2 nguồn tạo nên vốn chủ sở hữu: số tiền góp vốn của các nhà đầu tư, tổng số tiền tạo ra từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ của doanh nghiệp). Vốn chủ sở hữu tại một thời điểm có thể xác định bằng công thức sau:

Vốn chủ sở hữu = Giá trị tổng tài sản – Nợ phải trả

Vốn góp của chủ sở hữu

Vốn góp của chủ sở hữu là phần vốn mà các chủ sở hữu đóng góp vào để hình thành vốn điều lệ của doanh nghiệp. Chủ sở hữu công ty cổ phần thực hiện góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần thường hoặc cổ phần ưu đãi.

– Phát hành cổ phiếu thường: Trong công ty cổ phần, việc góp vốn được thực hiện dưới hình thức mua cổ phiếu. Cổ đông là người sở hữu cổ phiếu, chủ sở hữu của công ty cổ phần. Để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, mở rộng kinh doanh, công ty cổ phần có thể lựa chọn hình thức huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu thường. Việc phát hành thêm cổ phiếu thường mới để huy động thêm vốn cổ phần có thể thực hiện theo hai phương thức, đó là chào bán riêng lẻ hay chào bán rộng rãi ra công chúng.

– Phát hành cổ phần ưu đãi: Để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, mở rộng kinh doanh, công ty cổ phần có thể lựa chọn hình thức huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu ưu đãi. Về bản chất, việc quy định công ty cổ phần được phát hành các loại cổ phiếu ưu đãi là nhằm phát huy tối đa lợi thế của loại hình doanh nghiệp này về tính đại chúng trong cơ cấu sở hữu vốn, đồng thời giúp công ty cổ phần tận dụng hết những ưu thế của việc huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc diện “muốn an toàn” khi bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh để hưởng cổ tức cao hơn gửi tiền vào ngân hàng – nơi có lãi suất cố định, thấp.

Lợi nhuận giữ lại tái đầu tư.

Lợi nhuận giữ lại tái đầu tư là một phần của lợi nhuận sau thuế của công ty có được từ hoạt động kinh doanh nhưng không được phân chia cho các cổ đông mà được giữ lại tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh trong tương lai như bổ sung tăng vốn, tự đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng trưởng của công ty. Nguồn lợi nhuận giữ lại tái đầu tư nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty và chính sách phân chia lợi tức cổ phần của công ty, chiến lược kinh doanh và cơ hội đầu tư của công ty.

Lợi ích và bất lợi của doanh nghiệp khi sử dụng vốn chủ sở hữu.

+ Việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu bằng cách sử dụng lợi nhuận để lại, phát hành cổ phiếu thường sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu của công ty, từ đó làm giảm hệ số nợ và tăng thêm mức độ vững chắc về mặt tài chính của công ty.

+ Doanh nghiệp tăng được vốn đầu tư dài hạn bằng cách phát hành cổ phiếu nhưng không có nghĩa vụ bắt buộc phải trả vốn gốc và lợi tức cố định như sử dụng nợ vay.

+ Doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải hoàn trả vốn gốc theo kỳ hạn cố định.

Cùng với những ưu thế trên, việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để đáp ứng nhu cầu tăng vốn kinh doanh cũng có thể đưa lại những điểm bất lợi sau:

+ Tăng chi phí sử dụng vốn. Theo cách tính thuế thu nhập của nhiều nước, lợi tức cổ phần không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế, trong khi đó lợi tức trái phiếu hay lợi tức tiền vay được tính trừ vào thu nhập chịu thuế. Điều này làm cho chi phí sử dụng vốn cổ phiếu thường cao hơn so với chi phí sử dụng trái phiếu.

+ Việc tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu thường ra công chúng làm tăng thêm cổ đông mới, từ đó phải phân chia quyền biểu quyết và quyền kiểm soát công ty, quyền phân phối thu nhập cao cho cổ đông này. Điều này, gây bất lợi cho các cổ đông hiện hành trong việc quản lý điều hành kinh doanh của công ty.

Mỗi nguồn vốn có ưu điểm và bất lợi riêng. Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải phối hợp cả hai nguồn vốn (vốn chủ sở hữu và nợ phải trả). Sự kết hợp giữa hai nguồn này phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, quyết định của nhà quản trị doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

2. Căn cứ theo thời gian huy động và sử dụng vốn

Dựa trên tiêu thức này cấu trúc tài chính của doanh nghiệp được chia thành nguồn vốn tạm thời và nguồn vốn thường xuyên. Cách thức phân loại này nhằm giúp cho nhà quản trị xem xét huy động các nguồn vốn phù hợp với thời gian sử dụng các yếu tố cần thiết cho quá trình kinh doanh.

Nguồn vốn tạm thời (hay nguồn vốn ngắn hạn): Là các nguồn vốn có tính chất ngắn hạn mà doanh nghiệp có thể sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về vốn có tính chất tạm thời phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn tạm thời bao gồm vay ngắn hạn, các khoản nợ ngắn hạn khác.

Nguồn vốn thường xuyên (hay nguồn vốn dài hạn): Là nguồn vốn có tính chất ổn định, lâu dài mà doanh nghiệp có thể sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn này thường được sử dụng để mua sắm, hình thành tài sản cố định và một bộ phận hình thành tài sản lưu động thường xuyên cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn vốn thường xuyên của doanh nghiệp tại một thời điểm được xác định theo công thức sau:

Nguồn vốn thường xuyên = Vốn chủ sở hữu + Nợ dài hạn

Hay Nguồn vốn thường xuyên = Giá trị tổng tài sản của DN – Nợ ngắn hạn

Theo cách thức phân loại này sẽ giúp cho nhà quản trị doanh nghiệp xem xét huy động các nguồn vốn phải phù hợp với thời gian sử dụng các yếu tố cần thiết cho quá trình kinh doanh. Hơn nữa cách phân loại này còn giúp các nhà quản lý doanh nghiệp lập các kế hoạch tài chính hình thành nên những dự định về tổ chức lựa chọn nguồn vốn và quy mô thích hợp cho từng nguồn vốn đó, tổ chức sử dụng vốn đạt hiệu quả cao.

Trong các mô hình tổ chức nguồn tài trợ, các doanh nghiệp thường sử dụng các nguồn vốn tạm thời có tính chất ngắn hạn để đáp ứng phần lớn nhu cầu về vốn lưu động. Trong đó, một nguồn vốn ngắn hạn chủ yếu mà các doanh nghiệp sử dụng để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động là nguồn vốn tín dụng ngắn hạn. Thông thường, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn đối với doanh nghiệp có những điểm lợi sau:

+ Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn giúp cho doanh nghiệp có thể thực hiện, dễ dàng, thuận lợi hơn so với việc sử dụng tín dụng dài hạn. Bởi vì, thông thường các điều kiện cho vay ngắn hạn mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác đưa ra đối với doanh nghiệp thường ít khắt khe hơn so với tín dụng dài hạn.

+ Chi phí sử dụng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn thường thấp hơn so với sử dụng nguồn vốn tín dụng dài hạn

+ Sử dụng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn giúp cho doanh nghiệp có thể dễ dàng linh hoạt điều chỉnh hơn cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp

Bên cạnh những ưu điểm, việc sử dụng nguồn vốn tạm thời có điểm bất lợi sau:

+ Doanh nghiệp phải chịu rủi ro về lãi suất cao hơn, bởi lẽ lãi suất tín dụng ngắn hạn biến động nhiều hơn so với lãi suất dài hạn.

+ Rủi ro vỡ nợ ở mức cao hơn. Sử dụng tín dụng ngắn hạn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi và hoàn trả vốn gốc trong một thời hạn ngắn, nếu tình hình kinh doanh gắp khó khăn, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Về cơ bản, nguồn vốn thường xuyên được sử dụng tài trợ hình thành tài sản thường xuyên của doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn có tính chất ổn định, lâu dài, tạo ra sự an toàn trong kinh doanh, làm cho tình trạng tài chính của doanh nghiệp được đảm bảo vững chắc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc sử dụng nguồn vốn thường xuyên đảm bảo cho việc hình thành tài sản lưu động thì doanh nghiệp phải trả chi phí cao hơn cho việc sử dụng vốn.

3. Căn cứ vào phạm vi huy động vốn

Căn cứ theo phạm vi huy động vốn, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp bao gồm nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài. Tiêu thức phân loại này nhằm xem xét việc huy động nguồn vốn của một doanh nghiệp đang hoạt động.

3.1. Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp

Đây là nguồn vốn có thể huy động được vào hoạt động đầu tư từ chính hoạt động của bản thân doanh nghiệp tạo ra. Nguồn vốn này thể hiện khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp, là nguồn tăng thêm tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp bao gồm: Lợi nhuận để lại tái đầu tư.

Hàng năm, doanh nghiệp có thể sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế bổ sung tăng vốn, tự đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng trưởng. Nguồn vốn bên trong nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, chính sách phân chia lợi tức cổ phần, chiến lược kinh doanh và cơ hội đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp. Việc sử dụng nguồn vốn bên trong sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp như sau:

+ Tăng vốn chủ sở hữu (nguồn vốn chủ sở hữu nội sinh) đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt các cơ hội trong kinh doanh.

+ Làm tăng sự tự chủ về mặt tài chính: Việc gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu sẽ làm giảm hệ số nợ phải trả, làm tăng uy tín cho doanh nghiệp.

+ Tiết kiệm chi phí sử dụng vốn so với việc phát hành cổ phiếu.

+ Giữ được quyền kiểm soát cho các cổ đông hiện hữu.

+ Tránh áp lực phải thanh toán đúng kỳ hạn.

Tuy nhiên, sử dụng nguồn vốn này có nhưng bất lợi sau:

+ Đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định, có xu hướng phát triển sẽ phải trả chi phí cao hơn so với vốn vay hoặc phát hành trái phiếu.

+ Hiệu quả sử dụng vốn thường không cao: Việc không phải có trách nhiệm hoàn trả vốn gốc và lãi theo kỳ hạn cố định đã không tạo áp lực cho ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc cân nhắc, tính toán hiệu quả sử dụng vốn cho đầu tư. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả sử dụng của các dự án được tài trợ bằng các nguồn vốn từ bên trong doanh nghiệp thường đạt hiệu quả không cao so với các dự án được tài trợ bằng các nguồn vốn từ bên ngoài doanh nghiệp.

+ Thường bị giới hạn về quy mô nguồn vốn.

3.2. Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp

Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp là nguồn vốn có thể huy động được vào hoạt động đầu tư từ các chủ thể bên ngoài doanh nghiệp. Việc huy động các nguồn vốn từ bên ngoài doanh nghiệp để tăng cường nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Khi thị trường tài chính càng phát triển sẽ làm nảy sinh nhiều hình thức và phương thức huy động vốn mới từ bên ngoài doanh nghiệp. Những nguồn vốn từ bên ngoài doanh nghiệp chủ yếu gồm: Vốn vay từ người thân, NHTM và các tổ chức tài chính khác; Vốn góp liên doanh, liên kết; Tín dụng thương mại của nhà cung cấp; Thuê tài sản; Huy động thông qua phát hành chứng khoán như phát hành cổ phiếu thường mới, phát hành cổ phiếu ưu đãi, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài hạn…

Căn cứ theo phạm vi huy động vốn, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp được phản ánh qua các chỉ tiêu sau:

– Hệ số nguồn vốn bên trong: Phản ánh trong một đồng vốn kinh doanh mà doanh nghiệp đang sử dụng có bao nhiêu đồng được tài trợ từ các nguồn vốn bên trong doanh nghiệp do chính hoạt động của bản thân doanh nghiệp tạo ra.

Hệ số nguồn vốn bên ngoài: Phản ánh trong một đồng vốn kinh doanh mà doanh nghiệp đang sử dụng có bao nhiêu đồng tài trợ từ các nguồn vốn được huy động từ bên ngoài doanh nghiệp.

Thành phần cấu trúc tài chính doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?