Quyền con người và quyền con người trong tố tụng hình sự

Các nhân tố tác động đến phát triển hoạt động bancassurance của công ty bảo hiểm

Quyền con người và quyền con người trong tố tụng hình sự

Quyền con người là một khái niệm mang tính chất toàn cầu và được sử dụng ngày càng phổ biến trong các quan hệ quốc tế. Dưới góc độ lịch sử, từ thời kỳ cổ đại nhân loại đã có sự bàn luận về quyền con người. Đó là các quyền như tự do ngôn luận, quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Song bàn luận về quyền con người và nhu cầu về quyền con người mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai và chưa hình thành nên các trường phái, chưa hình thành nên các học thuyết về quyền con người. Phải đến thế kỷ thứ XVII, XVIII quyền con người mới được phát triển thành học thuyết với những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền con người mang tính tự nhiên. Bởi quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng… Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý thức của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay Nhà nước nào. Vì vậy, không một chủ thể nào, kể cả Nhà nước có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người bẩm sinh, vốn có của các cá nhân [5, tr. 39].

Quan điểm thứ hai cho rằng, quyền con người được đặt trong tổng hòa các mỗi quan hệ xã hội. Quan điểm này nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử – xã hội của quyền con người. Bởi quyền con người là một giá trị nhân loại, đồng thời là một khái niệm có tính lịch sử, hình thành trong cuộc đấu tranh giai cấp và được bổ sung những nội dung mới qua các thời đại khác nhau. Quyền con người không phải là khái niệm trừu tượng, cũng không chỉ là quyền cá nhân con người mang tính tự nhiên bẩm sinh mà luôn gắn liền với đấu tranh giai cấp, gắn liền với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Quan điểm này cho rằng quyền con người chỉ có trong xã hội có đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống bất công trong xã hội; gắn với trình độ phát triển và tiến bộ xã hội; chịu sự hạn định của chế độ kinh tế, đặc biệt của chế độ chính trị – Nhà nước [8, tr. 16].

Sự khác nhau đó đã dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm quyền con người và sự đa dạng về cách hiểu, cách tiếp cận quyền con người là nguyên nhân của những tranh luận.
Ở cấp độ quốc tế, Văn phòng cao ủy Liên Hợp Quốc cho rằng: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người” [54, tr. 1]. Như vậy, quan điểm này đã nhấn mạnh chỉ có pháp luật và pháp luật phải ghi nhận, bảo đảm quyền con người như những bảo đảm toàn cầu.

Ở cấp độ quốc gia, TS. Trần Quang Tiệp cho rằng: “Quyền con người là những đặc lợi vốn có tự nhiên mà chỉ con người mới được hưởng trong những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định” [30, tr. 14]. TSKH. PGS Lê Cảm có quan điểm:

Quyền con người – một phạm trù lịch sử cụ thể, là giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại và là đặc trưng tự nhiên vốn có cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt của bất kỳ cá nhân con người nào sinh ra trên trái đất, đồng thời phải được bảo vệ bằng pháp luật bởi các quốc gia – thành viên Liên Hợp Quốc, cũng như bởi cộng đồng quốc tế [1, tr. 15].
Như vậy, hai quan điểm này ngoài việc nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử, tự nhiên và xã hội của quyền con người, còn nhấn mạnh đến pháp luật – một công cụ để bảo đảm quyền con người. Mỗi quan điểm đều có cách tiếp cận dưới các khía cạnh khác nhau và đều có tính hợp lý của nó. Như vậy, có thể nêu ra một số đặc trưng cơ bản của quyền con người như sau:

Thứ nhất, quyền con người mang tính lịch sử – xã hội, gắn bó chặt chẽ đối với mỗi con người cả ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ xã hội.

Thứ hai, quyền con người là những giá trị mang tính đa quốc gia (quốc tế), được sự quan tâm của toàn nhân loại, tất cả các quốc gia và mỗi cá nhân trong xã hội. Luôn luôn phổ biến, hiện hữu và được thừa nhận chung, phải được thực hiện và bảo đảm ở mọi nơi. Phải được cụ thể hóa bằng các thế chế thành các quyền năng cụ thể và phải có cơ chế kiểm tra việc thực thi nó trong thực tế ở mọi cấp độ (quốc tế và quốc gia). Song bên cạnh tính phổ biến chung, thì quyền con người còn có tính đặc trưng riêng biệt, do con người chỉ được thụ hưởng quyền trong những điều kiện kinh tế, chính trị – xã hội, trong từng giai đoạn khác nhau của xã hội loài người và trong từng quốc gia.

Thứ ba, quyền con người vừa mang tính chất tự nhiên vừa mang tính chất xã hội. Do đó, quyền con người phải được thể chế hóa thành các quy định pháp luật, ghi nhận nó thành các quyền, bảo đảm thực thi và bảo đảm quyền đó nếu bị vi phạm. Bởi con người sinh ra tự thân sẽ có những quyền con người nhưng chỉ trong xã hội có pháp luật, thì con người mới được hưởng quyền và được bảo đảm quyền. Có thể thấy, chỉ thông qua pháp luật và cùng với thiết chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện nó thì những giá trị quyền con người mang tính chất tự nhiên và xã hội mới bền vững và hiệu quả được.

Với các đặc trưng về quyền con người trên, có thể khẳng định quyền con người luôn là mục đích chung phải hướng đến và đạt được của nhân loại, đồng thời khẳng định rõ tính lịch sử, tính chính trị – xã hội với hai cơ sở tự nhiên và xã hội của quyền con người. Như vậy, tác giả cho rằng: Quyền con người là những đặc lợi tự nhiên, mang tính lịch sử – xã hội, được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật ở cấp độ quốc tế và quốc gia, đồng thời được bảo đảm thực thi và giám sát trong thực tế bởi các cơ chế khác nhau.

Theo quy định tại các Điều 11, Điều 14, Điều 15 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966, quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự bao gồm:

Quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị; quyền được đưa ra xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý; quyền được có mặt trong khi xét xử; quyền không bị áp dụng hồi tố; quyền yêu cầu Tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền tự do cá nhân khác; người chưa thành niên được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt [11, tr. 10 – 11].

Tiếp thu nội dung quyền con người trong các văn bản pháp luật quốc tế, Điều 52 Hiến pháp nước ta năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” (Điều 71 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001) [20]. Hiến pháp năm 2013 nước ta đã quy định “quyền của người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định” [23, Điều 31, Khoản 2]. BLTTHS năm 2003 mặc dù đang dự thảo để sửa đổi, bổ sung, song đã có nhiều quy định thể hiện tư tưởng quyền con người vào nhiều điều luật cụ thể. Có thể thấy đó là các quyền: quyền được bào chữa, được nhận các quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật; quyền được xét xử trong thời gian luật định; quyền không bị truy bức, nhục hình; quyền bình đẳng trước pháp luật; bình đẳng trước TA; quyền được xét xử hai cấp; quyền được xét xử công khai; quyền được kháng cáo v.v…

Xét riêng ở phương diện quyền con người trong tố tụng hình sự cho thấy, đây là nơi quyền con người chịu sự tác động rất lớn từ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi giải quyết VAHS, trong đó trọng tâm là xét xử VAHS. Do vậy, đây cũng là nơi quyền con người rất dễ bị xâm phạm và hậu quả của việc quyền con người bị xâm phạm thường để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Quyền con người trong tố tụng hình sự được thể hiện ở hai khía cạnh: một là, xử lý người phạm tội trước pháp luật, qua đó bảo vệ quyền con người nói chung; hai là, khi tiến hành tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm được quyền của không chỉ người phạm tội mà còn của những người tham gia tố tụng khác, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng từ phía những người tiến hành tố tụng. Có nghĩa là: “Xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật đối với những tội phạm xâm phạm quyền con người và đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền con người khi tiến hành tố tụng” [9]. Hiện nay, việc hiểu và đưa ra khái niệm về quyền con người trong tố tụng hình sự chưa nhiều và chủ yếu được tiếp cận ở một khía cạnh là quyền con người của người yếu thế trong tố tụng hình sự là bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Do đó, việc đưa ra khái niệm về quyền con người trong tố tụng hình sự cũng phụ thuộc nhiều vào khía cạnh tiếp cận đó. Có quan điểm cho rằng “Quyền con người trong tố tụng hình sự là những giá trị thiêng liêng chỉ dành cho con người khi họ tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự mà Nhà nước có nghĩa vụ phải ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện trên thực tế” [13, tr. 9]. Tác giả cho rằng, quyền con người trong tố tụng hình sự cần được mở rộng cách hiểu theo nghĩa bảo hàm cả quyền của con người của những người không tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự và quyền của những người tham gia vào tố tụng hình sự. Quyền con người trong tố tụng hình sự do pháp luật tố tụng hình sự quy định trên cơ sở phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, gồm các nhóm quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản v.v… và các nhóm quyền bảo đảm được xét xử bởi TA độc lập, xét xử bình đẳng và đúng pháp luật. Những quyền này bao gồm cả quyền của những người yếu thế khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng và quyền chung của cả những người không tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng – đó là cộng đồng xã hội. Mục đích bảo đảm quyền của mọi người trong xã hội trước hành vi phạm tội và bảo đảm quyền của những người yếu thế tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Vậy có thể định nghĩa quyền con người trong tố tụng hình sự như sau: Quyền con người trong tố tụng hình sự là quyền con người nói chung và quyền của những người tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, do pháp luật tố tụng hình sự mỗi quốc gia quy định trên cơ sở phù hợp với tiêu chí quyền con người trong pháp luật quốc tế nhằm bảo đảm quyền con người trước hành vi phạm tội, bảo đảm quyền con người của những người yếu thế khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự đúng pháp luật.

Quyền con người được đặt ra để bảo đảm thực hiện trong thực tế, việc tách biệt giữa quyền con người và bảo đảm quyền con người sẽ không giải quyết được yêu cầu đặt ra. Quyền con người và bảo đảm quyền con người phải được pháp luật ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quyền con người trong thực tiễn tố tụng.

Quyền con người và quyền con người trong tố tụng hình sự

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?