Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự

quản trị nguồn nhân lực

Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự

Bảo đảm quyền con người trong giai đoạn xét xử VAHS bao gồm: Bảo đảm quyền con người của bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người phiên dịch; người giám định; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Bởi một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của pháp luật TTHS là vừa bảo đảm quyền con người trước hành vi phạm tội và tội phạm, đồng thời khi tiến hành tố tụng các cơ quan, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm được quyền con người của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo và những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án. Quyền con người của những người tham gia tố tụng là những quyền đã được quy định trong pháp luật TTHS. Căn cứ vào địa vị pháp lý, vị trí và vai trò của người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử của BLTTHS năm 2003, có thể phân loại thành hai nhóm người tham gia tố tụng được bảo đảm bằng hoạt động kiểm sát xét xử VAHS. Một là bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án, gồm (bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự); Hai là bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý, gồm (người làm chứng; người giám định; người phiên dịch). Quyền con người của người tham gia tố tụng có điểm giống nhau là đều được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được TA xét xử công bằng và bình đẳng, đúng pháp luật. Khác với những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án, những người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý hầu như không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án, họ chỉ tham gia tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quan hệ chặt chẽ với người mà họ bào chữa, quyền và nghĩa vụ của họ được xem là quyền và nghĩa vụ phái sinh. Do đó, quyền con người của họ được xếp loại cùng quyền con người của những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án.

Quyền con người của những người mà quyền và lợi ích của họ liên quan đến vụ án có nét tương đồng nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Sự khác nhau đó là do xuất phát từ vị trí, vai trò và lợi ích của từng chủ thể tham gia tố tụng khi xét xử VAHS. Quyền con người của bị cáo không hoàn toàn đồng nhất với quyền con người của người người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi; nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự và quyền con người của người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý như (người làm chứng; người giám định; người phiên dịch). Chẳng hạn, bị cáo có quyền có mặt tại phiên tòa khi TA xét xử, nếu không sẽ phải hoãn phiên tòa; quyền được suy đoán vô tội; quyền không bị kết án hai lần về một hành vi; quyền được minh oan. Chỉ xét xử bị cáo trong điều kiện đặc biệt (bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo ở nước ngoài không thể triệu tập đến phiên tòa; sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử mặc dù đã được TA triệu tập hợp lệ). Còn người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa, người giám định vắng mặt, thì tùy trường hợp TA vẫn tiến hành xét xử bình thường. Không chỉ riêng quyền con người của bị cáo có nét khác biệt so với quyền con người của những người tham gia tố tụng khác mà quyền con người của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự cũng đã có một số nét khác nhau. Người bị hại có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định của TA cả về hình phạt và bồi thường thiệt hại, thì nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Quyền con người của người làm chứng cũng không đồng nhất với quyền con người của người giám định và người phiên dịch. Nếu người giám định có quyền yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giám định, được lấy lời khai, hỏi cung thì người làm chứng và người phiên dịch không có quyền này.

Trong TTHS, bị cáo là người chịu sự tác động rất lớn trong xét xử VAHS so với những người tham gia tố tụng khác. Do đó, quyền con người của bị cáo phải được bảo đảm đặc biệt. Bị cáo có quyền được bảo đảm an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cá nhân khác; quyền được biết mình bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế khác phải tuân thủ quy định của pháp luật; quyền được biết mình bị đưa ra xét xử về tội gì và TA sẽ xét xử, đồng thời có quyền được nhận các quyết định tố tụng khác liên quan đến mình; được quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; được quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ và tiếp cận trợ giúp pháp lý và bào chữa; được quyền tranh tụng và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được giải thích quyền và nghĩa vụ; quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án; quyền được nhận bản án và quyết định của TA; người chưa thành niên phạm tội được xét xử theo trình tự thủ tục đặc biệt; quyền được kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc cung cấp tài liệu để đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Quyền con người của những người tham gia tố tụng khác có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án có thể kể đến quyền được bảo đảm an toàn thân thể, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và được TA xét xử phần liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình đúng pháp luật; tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu được TA triệu tập); được đưa ra tài liệu, chứng cứ, yêu cầu và được quyền nhờ người bào chữa; tham gia phiên tòa, được quyền tranh tụng; kháng cáo bản án, quyết định của TA có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình… Đối với người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể kể đến những quyền thu thập, đưa ra tài liệu, chứng cứ và các yêu cầu; quyền được gặp người mà mình bào chữa; quyền được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giam định, người phiên dịch; quyền được tham gia phiên tòa, hỏi và tranh tụng; quyền được khiếu nại tố cáo và quyền được kháng cáo.

Quyền con người của những người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý có thể kể đến những quyền được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ; được quyền yêu cầu TA thanh toán chí phí và bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình như khai báo, được tham gia hỏi và được quyền từ chối tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng; được quyền đưa ra tài liệu, đồ vật và yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để hiểu thế nào là bảo đảm quyền con người, trước hết cần tìm hiểu thế nào là bảo đảm. Bảo đảm được giải thích: “I. Làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết. II. Sự bảo đảm thực hiện được hoặc giữ được” [50, tr. 63]. Bảo đảm quyền con người xét cho cùng chính là việc ghi nhận và thực hiện những cam kết trong pháp luật quốc tế về các quyền con người vào trong pháp luật mỗi quốc gia. Điều đó có nghĩa là muốn bảo đảm quyền con người phải do Nhà nước thực hiện, bằng nhiều hình thức và bởi các thiết chế khác nhau do Nhà nước thiết lập. Không thể bảo đảm quyền con người nếu chỉ dựa vào quyền tự nhiên của con người, bởi tự thân những quyền tự nhiên không thể tự mình vận hành trong một xã hội rộng lớn ở phạm vi quốc tế và phạm vi quốc gia. Phải thông qua Nhà nước, thì những cam kết quốc tế về quyền con người mới hình thành nên những địa vị pháp lý của con người, đồng thời quyền con người chỉ được bảo đảm khi được quy định bằng pháp luật và có cơ chế bảo đảm, vận hành bởi pháp luật. Do đó, tác giả hoàn toàn đồng ý với khái niệm bảo đảm quyền con người sau:

Bảo đảm quyền con người là sự kết hợp địa vị pháp lý và địa vị thực tế của con người trong xã hội, là một trong những biểu hiện tự do xã hội, trách nhiệm và tính tích cực công dân. Tự thân các tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội chưa phải là cơ sở để thực hiện quyền và tự do của con người. Chúng chỉ trở thành những bảo đảm quyền con người qua hình thức pháp lý và những nỗ lực tổ chức của Nhà nước [10].

Bảo đảm quyền con người trong TTHS là một phần của bảo đảm quyền con người nói chung, song bảo đảm quyền con người trong TTHS có tính đặc thù. Bởi lẽ, TTHS là trình tự, thủ tục do pháp luật TTHS sự quy định để Nhà nước xử lý người phạm tội trước pháp luật, bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan, người được giao thẩm quyền nhằm xử lý tội phạm qua đó bảo đảm quyền con người nói chung của xã hội và bảo đảm quyền con người của những người yếu thế khi tham gia vào TTHS. Chính vì vậy, hoạt động TTHS, ở các quốc gia đều được xếp vào đặc thù khi nói đến bảo đảm quyền con người. Trong TTHS, việc bảo đảm quyền con người là việc ghi nhận, thực thi trong quá trình giải quyết VAHS nhằm tôn trọng tối đa các giá trị của quyền con người của những người tham gia tố tụng trong mọi hoàn cảnh. Một khi đã bảo đảm được quyền con người của những người tham gia tố tụng trong TTHS tốt sẽ góp phần bảo đảm tốt quyền con người nói chung. Quá trình giải quyết VAHS là hoạt động thực thi, cụ thể hóa những tư tưởng về quyền con người từ các điều luật cụ thể vào thực tiễn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa thể bảo đảm được quyền con người trong TTHS. Một thành tố rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng là phải có cơ chế giám sát, kiểm sát có hiệu quả trong TTHS. Có thể khẳng định rằng, muốn bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng cần thiết phải có đầy đủ ba cơ sở và có sự kết hợp toàn diện, hiệu quả, chặt chẽ giữa chúng với nhau thì mới đảm bảo được quyền con người trong thực tiễn. Đó là hệ thống pháp luật TTHS và pháp luật có liên quan phải phù hợp với các tiêu chí quốc tế về quyền con người; việc thực thi bảo đảm quyền con người trong TTHS phải tuân thủ chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật; có thiết chế kiểm tra, giám sát hoạt động TTHS, ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả các vi phạm quyền con người trong TTHS. Đây là những cơ sở rất quan trọng để bảo đảm quyền con người trong TTHS, việc xem nhẹ bất kỳ một cơ sở nào hoặc có sự kết hợp thiếu đồng bộ, chặt chẽ đều dẫn đến nguy cơ quyền con người không được đảm bảo đầy đủ. Nghiên cứu về bảo đảm quyền con người trong TTHS, không thể không đưa ra định nghĩa về nó. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm bảo đảm quyền con người trong TTHS, nhưng chỉ chú trọng đến bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội hoặc những người yếu thế trong TTHS mà chưa tập trung đến bảo đảm quyền con người nói chung khi xử lý tội phạm trước pháp luật. Khái niệm sau đã bao hàm được yêu cầu đó: “Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là sự vận hành của các yếu tố khách quan nhằm mục đích công bố, ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người trong tố tụng hình sự và bảo vệ và thực thi các quyền đó trong quá trình giải quyết vụ án hình sự” [3, tr. 45]. Nói đến bảo đảm quyền con người trong TTHS là nói đến các các hình thức bảo đảm và phạm vi bảo đảm. Đó là hệ thống các hình thức, phương pháp mang tính pháp lý nhằm ghi nhận, thực thi, giám sát và xử lý vi phạm quyền con người trong TTHS. Các phương thức đó không đơn thuần chỉ là phương pháp mà là những cơ chế pháp lý có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người. Có thể kể đến như các bảo đảm pháp lý về nguyên tắc cơ bản của TTHS; các bảo đảm về địa vị pháp lý của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; các bảo đảm pháp lý về các giai đoạn và hình thức trong TTHS; các bảo đảm pháp lý về hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS. Đó là bảo đảm có phạm vi bên trong và bảo đảm có phạm vi bên ngoài trong TTHS. Phạm vi bảo đảm trong TTHS không đơn thuần chỉ là ở phạm vi bảo đảm ở mỗi giai đoạn tố tụng mà còn thể hiện ở phạm vi bên trong các cơ quan tiến hành tố tụng và bên ngoài các cơ quan tố tụng. “Hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân được xem như là một công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp nói chung và trong lĩnh vực xét xử vụ án hình sự nói riêng” [7, tr. 20].

Bằng hoạt động của mình, Viện kiểm sát ngăn chặn vi phạm quyền con người, phát hiện vi phạm, khôi phục quyền, lợi ích bị vi phạm, áp dụng biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện vi phạm. Với vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có khả năng to lớn trong việc bảo vệ quyền con người v.v… Hoạt động kiểm sát xét xử nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời bảo đảm tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, bảo đảm quyền con người của những chủ thể tham gia tố tụng [3, tr. 48].

Bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử VAHS là một thành tố trong cơ chế bảo đảm quyền con người của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác khi xét xử VAHS giữ một vai trò rất quan trọng trong TTHS. Bởi vì:

Khởi nguyên của giám sát tư pháp là yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền mà đòi hỏi trước tiên là làm sao cho chính Nhà nước phải thực thi pháp luật do chính nó đặt ra… Do đó cần phải có sự giám sát việc tuân theo pháp luật đối với chính các cơ quan Nhà nước [15, tr. 1].

Với những nét đặc thù và hiệu quả của nó trong TTHS đã đem lại cho thiết chế này vị trí và vai trò rất lớn trong việc bảo đảm quyền con người ở giai đoạn hiện nay.

Xét về tổng quát, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử các vụ án hình sự từ trước tới nay đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người dưới bốn khía cạnh. Thứ nhất, đó là đảm bảo việc Tòa án tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự; thứ hai, kiểm sát hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử có tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự Việt Nam không; thứ ba, các quyền của bị cáo, người tham gia tố tụng khác có được đảm bảo hay không; thứ tư, nếu có vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền con người, Viện kiểm sát nhân dân thông qua hoạt động kiểm sát sẽ ban hành kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án [7, tr. 20 – 21].

Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?