Quan điểm tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

cổ đông nhỏ

Mục lục

Quan điểm tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

1. Quan điểm tổng quát về tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

– Thông điệp xuyên suốt là phải có quan điểm toàn diện và tầm nhìn dài hơi khi xem xét vấn đề bất bình đẳng thu nhập, phải đặt bất bình đẳng thu nhập trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Một chiến lược phát triển bền vững không thể hướng tới mục tiêu giảm bất bình đẳng bằng mọi giá, đặc biệt không thể cào bằng thu nhập. Điều quan trọng là cần phải chấp nhận bất bình đẳng thu nhập trong một phạm vi được coi là an toàn và có lợi cho tăng trưởng kinh tế nhanh một cách bền vững trong dài hạn.

– Cần đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng nhanh một cách bền vững đi đôi với thực hiện công bằng trong phân phối. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiên quyết cần phải thực hiện để đưa đất nước phát triển nhanh, tiến kịp với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng đồng thời cũng cần phải tiến hành các biện pháp thu hẹp bất bình đẳng, phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

– Phát triển kinh tế gắn kết hợp lý với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng giai đoạn phát triển và trong suốt quá trình phát triển; phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bất bình đẳng. Bảo đảm thống nhất chính sách phát triển kinh tế và chính sách xã hội.

– Bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong chế độ phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội. Phát triển hài hoà đời sống vật chất và đời sống tinh thần, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, quyền hạn với trách nhiệm, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Khuyến khích làm giàu theo luật pháp đi đôi với xóa đói
giảm nghèo, từng bước làm cho mọi thành viên xã hội đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế[/message]

2. Quan điểm cụ thể về tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

– Duy trì tăng trưởng nhanh một cách bền vững được xem là mục tiêu dài hạn của Việt Nam. Tăng trưởng nhanh và bền vững là mục tiêu hàng đầu đối với mọi quốc gia. Đặc biệt, đây là vấn đề sống còn đối với những nước đi sau, có xuất phát điểm thấp về kinh tế như Việt Nam. Theo Báo cáo phát triển con người 2013 của UNDP GNI bình quân đầu người năm 2012 tính theo sự ngang bằng sức mua (2005 PPP$) của Việt Nam là 2970 đôla Mỹ, đứng thứ 136 trong số 186 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu công bố. Mức thu nhập đó bằng khoảng 5,6% so với Singapo; 10,5% so với Hàn Quốc; 37,4% so với Trung Quốc; và 38,5% so với Thái Lan. Với vị trí khiêm tốn như vậy, chỉ có tăng trưởng nhanh và bền vững thì chúng ta mới tránh được nguy cơ tụt hậu và giảm dần khoảng cách về mức thu nhập so với các nước phát triển hơn.

Trên thực tế, để tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, Việt Nam cũng giống như các nước đang phát triển khác bị cuốn hút vào vòng xoáy của cơn lốc tăng trưởng nhanh với hy vọng cải thiện mức sống dân cư, làm cho bộ mặt nền kinh tế nhanh khởi sắc. Chúng ta thường quan tâm đến việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước để rồi gồng mình lên, bằng mọi giá thực hiện cho được mục tiêu này. Nhiều nước, đã tạo được sự thần kỳ tăng trưởng trong hàng chục năm liền nhưng sau đó rơi vào thảm họa trì trệ, suy thoái kéo dài, điều đó có nghĩa là trong ngắn hạn và kể cả trung hạn tốc độ tăng trưởng có thể đạt được rất cao nhưng vãn có thể thua trong cuộc đua tranh phát triển dài hạn. Cần phải có cái nhìn dài hạn trong tăng trưởng, quan điểm này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách tăng trưởng hướng đến các chính sách để tạo ra, duy trì và củng cố các cơ sở tăng trưởng dài hạn như yếu tố vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, một cấu trúc kinh tế hợp lý, cân đối, không dựa trên cơ sở vay mượn. Theo thông điệp này, có thể phải chấp nhận tạm thời trong một số năm trước mắt nền kinh tế không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng vì phải dốc sức vào việc tạo lập và củng cố cơ sở tăng trưởng dài hạn, nhưng suốt cả giai đoạn dài sau đó nó nhất định đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.

Trước hết và đóng vai trò quyết định là có một tư duy đúng về mô hình tăng trưởng kinh tế cần hướng tới. Cốt lõi của tư duy này là: giải quyết vấn đề tốc độ tăng trưởng phải trên nền tảng giải quyết vấn đề chất lượng tăng trưởng. Theo đó, trong dài hạn, cần chấm dứt quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh với mọi giá theo mô hình tăng trưởng nhờ khai thác chiều rộng, tăng trưởng nhờ dốc sức vào tăng khối lượng vốn đầu tư vào khai thác tài nguyên; chuyển dần sang mô hình sang mô hình tăng trưởng dựa vào hiệu quả và bền vững, tập trung nhiều hơn, quyết liệt hơn vào mục tiêu chất lượng dài hạn. Cụ thể là, cần chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư, hướng vào các điểm cực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế trên cơ sở nguyên lý phân phối nguồn lực đóng vai trò quyết định, tuân theo quy luật tự do cạnh tranh lành mạnh. Từ những tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện đẩy mạnh cải cách thể chế, chú trọng tạo lập những cơ sở nâng cao năng
lực cạnh tranh củng cố các cơ sở tăng trưởng dài hạn.

– Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập ngay trong từng bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững là điều kiện vật chất bảo đảm công bằng xã hội; ngược lại công bằng xã hội là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Quan điểm này xuất phát từ cơ sở tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện vật chất để thực hiện công bằng xã hội. Đến lượt nó, thực hiện tốt công bằng xã hội lại trở thành tiền đề tinh thần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, không thể có công bằng xã hội trên cơ sở một nền kinh tế kém hiệu quả, chất lượng thấp, thậm chí có lúc rơi vào trì trệ, suy thoái hoặc khủng hoảng. Cũng không thể có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có hiệu quả cao và bền vững trong một xã hội có một tỷ lệ đáng kể dân cư còn nghèo do thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; với đa số lao động chỉ có trình độ học vấn và tay nghề thấp. Phát triển kinh tế và công bằng xã hội là hai nhân tố chủ lực của phát triển bền vững. Về bản chất đây
chính là sự phát triển bền vững của đất nước ta. Phát huy sự đồng thuận của hai nhân tố này để tạo ra hợp lực phát triển kinh tế xã hội nhanh mà bền vững, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng đi liền với công bằng phải là những giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra một cơ chế tự nhiên giải quyết mối quan hệ này. Đó là quan điểm tăng trưởng cùng chia sẻ, nghĩa là mọi tầng lớp trong xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và vì thế, họ chủ động, tích cực tham gia thúc đẩy tăng trưởng. Con đường giải quyết tình trạng đói nghèo và phân hoá xã hội là tạo ra cơ hội cho tất cả các tầng lớp dân cư tham gia vào hoạt động kinh tế, hơn là chú trọng vào các giải pháp mang tính chất ứng phó hoặc trợ cấp. Phân hoá thu nhập và công bằng xã hội cần được nhìn nhận theo quan điểm một nền kinh tế thị trường, chứ không phải là từ quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây.

Sự can thiệp của Nhà nước trong nhiều trường hợp chỉ có tác dụng hạn chế mức độ chứ không thể triệt tiêu được sự phân tầng thu nhập. Chỉ có tăng trưởng kinh tế chúng ta mới sử dụng được tài sản duy nhất mà người nghèo có là sức lao động để tạo việc làm, từ đó giúp họ có thu nhập.

Để thực hiện có hiệu quả quan điểm này trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hoá quan điểm này trên các khía cạnh sau:

+ Trong phân phối lần đầu bao hàm cả phân phối nguồn lực phát triển cần “coi trọng hiệu suất, phát huy tác dụng của thị trường, cơ chế thị trường hướng vào mục tiêu tăng trưởng”; còn phân phối lại, tái phân phối lại “phải coi trọng công bằng”, gắn liền với nâng cao năng lực điều tiết Nhà nước trong phân phối nguồn lực phát triển và thu nhập; điều tiết sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển, thu nhập, nhất là các lĩnh vực độc quyền.

+ Công bằng trong kinh tế, cần nhấn mạnh đến việc “tạo, duy trì điều kiện, cơ hội phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế công bằng” giữa các vùng, địa bàn kinh tế, các thành phần và chủ thể kinh doanh. Ở đây, công bằng xã hội được hiểu theo cả hai khía cạnh: công bằng về các quyền cơ bản của con người và công bằng về cơ hội phát triển.

+ Ở tầm vĩ mô, khi hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phải đảm bảo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ tăng trưởng kinh tế hợp lý giữa các vùng, địa bàn kinh tế; gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội một cách hữu cơ; phân bổ nguồn lực phát triển hợp lý giữa các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế và xã hội trong một thể thống nhất.

– Không thể hướng tới mục tiêu giảm bất bình đẳng bằng mọi giá, đặc biệt không thể cào bằng thu nhập, mà cần chấp nhận bất bình đẳng thu nhập trong một phạm vi được coi là an toàn và có lợi cho tăng trưởng kinh tế nhanh một cách bền vững trong dài hạn. Thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, đã sở hữu phải triệt để khắc phục những tàn dư của chế độ phân phối bình quân, chia đều các nguồn lực và của cải làm ra, bất chấp chất lượng hiệu quả của sản xuất, kinh doanh và sự đóng góp công sức, trí tuệ, tài sản của mỗi người cho sự phát triển chung của đất nước, như sai lầm trong thời kỳ trước đổi mới. Cũng không thể dồn phần lớn của cải làm ra để thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng xã hội vượt quá khả năng mà nền kinh tế cho phép. Bởi như vậy thì sẽ làm giảm những điều kiện cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khiến cho kinh tế trì trệ, suy thoái và rốt cuộc cũng không thực hiện được các chính sách xã hội theo hướng tiến bộ và công bằng.

– Tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao dân trí, bảo đảm các quyền con người. Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể tách rời với nâng cao dân trí. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đặt ra hiện nay là phải làm sao đưa các yếu tố nhân văn thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phải tập trung xây dựng và hình thành cho được một đội ngũ đông đảo những nhà kinh doanh có nhân cách và đạo đức kinh doanh.

– Tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội phải phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá và quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Nền kinh tế thế giới đã bước sang giai đoạn cao trào của làn sóng toàn cầu hoá. Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy của làn sóng này. Do đó, vấn đề đặt ra cho lĩnh vực phân phối lúc này là phải lưu ý tới các nhân tố tác động của quá trình hội nhập trong điều kiện toàn cầu hoá để thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ chế phân phối có hiệu quả. Ở đây, trong số nhiều nhân tố ảnh hưởng, trong đó có 2 nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Đó là: (i) sự chuyển dịch từ chính sách hướng nội, sang chính sách hướng ngoại và mở cửa thị trường; và (ii) sự phát triển của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức.

Vần đề phát triển kinh tế theo chính sách hướng ngoại, đã được nhiều nước thực hiện từ những năm của thập niên 1970 và 1980. Do ảnh hưởng của tự do hoá thương mại, các nước đang phát triển đã buộc phải chuyển từ chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu sang hướng về xuất khẩu. Từ đó, chính sách phân phối cũng được điều chỉnh phù hợp với quá trình chuyển đổi này. Bởi lẽ, hai chiến lược này hoàn toàn khác nhau về bản chất. Nếu chiến lược thay thế hàng nhập khẩu có khuynh hướng đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng vốn cao, nhưng ít thu hút lao động và được bảo hộ trong một thời gian dài, thì công nghiếp hoá hướng về xuất khẩu lại đầu tư vào các ngành có hàm lượng lao động cao và phải áp dụng công nghệ tận dụng lợi thế lao động rẻ thì mới cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Như vậy, chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu phát huy được lợi thế so sánh của đất nước.

Từ góc độ tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, ta thấy rõ ràng chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, có khuynh hướng mang lại công bằng xã hội nhiều hơn vì nó góp phần tạo thêm nhiều cơ hội để ngày càng nhiều người dân tham gia vào quá trình phát triển. Đương nhiên, chiến lược này cũng có những hạn chế nhất định mà nhiều nhà kinh tế đã phê phán là nó tạo điều kiện cho các công ty đa quốc gia đến bóc lột sức lao động của nước sở tại.

Quan điểm tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

One thought on “Quan điểm tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

  1. Pingback: Cơ hội và thách thức cho việc tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?