Đánh giá chung về thực trạng mối quan hệ giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ

Mục lục

Đánh giá chung về thực trạng mối quan hệ giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

Từ phân tích ở trên, luận án đưa ra một số đánh giá về thực trạng mối quan hệ giữa phân phối thu nhập và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam như sau:

– Việt Nam đã thực hiện ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bắt đầu chú ý đến mục tiêu công bằng trong phân phối thu nhập

Có thể khẳng định những thành tựu đạt được trong việc tăng trưởng kinh tế đã tạo những bước tiền đề vật chất để Việt Nam từng bước giải quyết vấn đề xã hội như góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng, là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh, cũng như làm cơ sở cho việc nâng cao phúc lợi xã hội, thể hiện ở chỉ số phát triển con người cao so với nhiều nước có cùng trình độ phát triển. Ngược lại, việc giải quyết tốt một số vấn đề về công bằng xã hội như vấn đề phân phối, giáo dục, huy động nguồn vốn, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… đã giúp tăng trưởng kinh tế trở nên bền vững hơn. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, trong đó nổi bật lên là sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc dưới áp lực tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng theo kế
hoạch đề ra (Hoàng Đức Thân, 2010).

– Phân phối thu nhập không được thực hiện một cách đồng đều

Do tăng trưởng không mở rộng cơ hội việc làm tương ứng, chi phí tạo ra một chỗ việc làm cao, có nghĩa là tăng trưởng cao nhưng tạo ít thu nhập cho người lao động. Vì vậy, lợi ích của tăng trưởng không được phân bổ một cách rộng rãi, số người có thu nhập mới và mức độ nâng cao thu nhập của mỗi người tăng chậm hơn mức có thể. Một phần lớn thu nhập được chuyển sang những người sở hữu các nguồn lực khác ngoài lao động thay vì chuyển một phần thoả đáng cho những người chỉ sở hữu sức lao động mà thiếu các nguồn lực khác. Vì vậy, khoảng cách giữa nhóm người giàu và nhóm người nghèo ngày càng doãng ra. Thêm nữa, một phần lớn thu nhập được tạo ra và phân bố tại các trung tâm tăng trưởng lớn, trong khi dân cư các địa phương miền núi và nông thôn, vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi ít hơn nhiều từ tăng trưởng. Kết quả là sự phân hoá giàu – nghèo theo vùng gia tăng.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Chính sách của Đảng và Nhà nước về kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội[/message]

– Mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ chế phân bổ nguồn lực có ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất và lâu dài đến việc bất bình đẳng thu nhập

Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện định hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực: (i) cho các doanh nghiệp, ngành và dự án dùng nhiều vốn; (ii) cho các vùng có khả năng tăng trưởng cao (vùng trọng điểm); và (iii) cho các doanh nghiệp nhà nước. Việc áp dụng mô hình tăng trưởng và định hướng phân bổ nguồn lực như vậy đã có những ảnh hưởng mạnh đến công bằng và kéo theo gia tăng bất bình đẳng (Lê Quốc Hội, 2009). Thực tế cho thấy đầu tư vào các ngành và dự án dùng nhiều vốn sẽ không khai thác được lợi thế của Việt Nam là một nước dư thừa lao động và kết quả là chi phí tạo ra một chỗ việc làm cao và không mở rộng cơ hội việc làm tương ứng. Điều này có thể tạo ra tăng trưởng nhưng tạo ít thu nhập cho người lao động. Lợi ích của tăng trưởng không được phân bổ một cách rộng rãi cho các tầng lớp dân cư và gây ra tình trạng bất bình đẳng. Việc dành nhiều vốn đầu tư công vào các vùng trọng điểm có thể tạo ra sự tăng trưởng cao nhưng lại gây ra sự phát triển
không đồng đều về tăng trưởng trong các vùng. Trong phạm vi các tỷnh, nguồn lực được phân bổ tới các vùng trọng điểm của tỷnh và nhiều lúc chưa dựa trên các tiêu chí về nghèo đói cũng đã tạo ra sự chênh lệch về cơ hội và bất bình đẳng. Hơn nữa, nguồn lực dành cho các vùng có tỷ lệ nghèo cao còn quá nhỏ để tạo ra những chuyển biến mạnh đối với sự phát triển của các vùng này. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp tốn nhiều vốn, lại được hưởng nhiều ưu đãi như bảo hộ và độc quyền nhưng hoạt động kém hiệu quả, tạo ra ít lợi nhuận hơn
doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Đây là điều bất cập với Việt Nam khi là nước có tình trạng dư thừa lao động, giá lao động thấp nhưng vẫn chưa tạo được lợi thế cạnh tranh quốc tế. Nếu nguồn vốn này được đầu tư và sử dụng ở các DNTN thì sẽ tạo ra nhiều việc làm và lợi nhuận hơn. Hơn nữa, thời gian qua DNTN chưa được đối xử công bằng với DNNN trên nhiều khía cạnh như tiếp cận tín dụng, đất đai và thông tin. Điều này cũng cản trở hoạt động của các DNTN – nơi tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn những người lao động và qua đó góp phần gia tăng bất bình đẳng.

– Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã dẫn đến tăng trưởng nóng và đã làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến bất bình đẳng thu nhập.

Thứ nhất, vấn đề nông dân mất việc làm ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Thực tế, đất đai đóng một vai trò quan trọng như là phương tiện đảm bảo mưu sinh cho người nông dân và người nghèo. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng mất đất của nông dân.. Khi nông dân mất đất, nguồn thu nhập chính của họ bị giảm sút mạnh và kéo bất bình đẳng tăng lên. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và đô thị đã làm một số người kể cả quan chức nhà nước giàu lên rất nhanh chóng, trong khi biến nhiều nông dân thực sự trở thành “vô sản” và ngân sách nhà nước thì không những không được cải thiện mà còn thất thoát thêm do chi phí đền bù. Về thực chất, đây là quá trình chuyển đổi và phân phối lại ruộng đất, trong đó địa tô được chuyển sang tay một số cá nhân có thế lực kinh tế và quyền lực chính trị, trong số đó không ít người là quan chức của chính phủ (Dapice và cộng sự, 2008). Thứ hai, vấn đề di cư lao động từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm tạo ta những vấn đề xã hội của lao động nhập cư. Cần phải thừa nhận thực tế rằng di cư ra thành thị cho phép người nghèo có thể kiếm được thu nhập cao hơn so với những hạn chế về trình độ học vấn và kỹ năng của họ. Nhưng vấn đề phát sinh là khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và sản xuất của họ vào đời sống thành thị lại bị hạn chế.

Những hiện tượng này dẫn đến hậu quả xã hội là vấn đề nghèo tương đối ngày càng nghiêm trọng và phân hoá giàu nghèo gia tăng ở khu vực thành thị. Thứ ba, vấn đề mất việc làm do tác động của hội nhập, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đối với những người di cư từ nông thôn, phần lớn họ là lao động kỹ năng thấp và làm việc trong những ngành dễ bị biến động của các sốc kinh tế như dệt may, giày dép… Do vậy, khi khủng hoảng và suy thoái kinh tế xảy ra, phần lớn trong số này mất việc làm và lại trở về nông thôn, tạo ra sức ép mới cho khu vực nông thôn.

– Quá trình chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập

Quá trình này đã tạo ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận những nguồn lực/cơ hội cho một số vùng, một số ngành và một số bộ phân dân cư trong nền kinh tế. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là một trong những bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, trình độ giáo dục điều hòa việc làm và việc thường xuyên tiếp cận việc làm lại là nhân tố quan trọng tác động đến sự khác nhau về thu nhập giữa các ngành và người dân. Thực tế cho thấy, việc tiếp cận giáo dục và kết quả là trình độ giáo dục giữa nông thôn và thành thị, giữa dân tộc thiểu số và người Kinh/Hoa ngày càng doãng ra giữa các bậc học. Sự khác nhau trong tiếp cận giáo dục và trình độ giáo dục là một nhân tố quyết định đến sự khác nhau về kết quả việc làm và cuộc sống, qua đó làm gia tăng bất bình đẳng. Tuy nhiên ở đây cũng cần lưu ý một vấn đề là nếu sự chênh lệch về trình độ giáo dục là bắt nguồn từ sự nỗ lực của bản thân người dân thì sự bất bình đẳng này là mong muốn vì nó tạo ra động lực cho sự phát triển. Nền kinh tế thị trường dễ tạo ra những cú sốc và tổn thương đối với tầng lớp người lao động và người nghèo, đặc biệt hơn đối với một nước có tỷ lệ cao số người nghèo và ở mức cận nghèo như Việt Nam. Do vậy, hạn chế trong tiếp cận với an sinh xã hội cũng làm gia tăng bất bình đẳng. Mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với người nghèo mặc dù đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Những hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội cũng đã tạo ra sự chênh lệch về mức sống và làm gia tăng bất bình đẳng. Cùng với phát triển nền kinh tế thị trường là quá trình hội nhập quốc tế gắn với tự do hóa thương mại. Điều này đã tạo ra những dòng chảy đầu tư lớn vào trong nước, các viên trợ và nguồn tiền chuyển về từ nước ngoài tạo ra những tác động không đồng đều. Những người có khiếu kinh doanh và nắm bắt được cơ hội của hội nhập có được thu nhập khổng lồ, trong khi đó những người vốn được lợi từ chế độ bao cấp trước đây nay lại trở thành nghèo khó (Ohno, 2008). Một số bộ phận nông dân và dân tộc thiểu số vẫn ở khâu cuối của chuỗi trao đổi hàng hóa và được hưởng ít lợi ích hơn từ việc bán hàng hóa của họ. Với việc nền kinh tế và cả xã hội tiếp tục phải gắn với quá trình hội nhập kinh tế, quá trình này sẽ tiếp tục tạo ra những người thắng – người thua, người được – người mất. Phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường cũng tạo ra những sự chênh lệch về phát triển giữa các tỷnh, các vùng. Những tỷnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều nguồn lực tự nhiên và có lực lượng lao động có trình độ đã có điều kiện phát triển nhanh hơn các tỷnh không có những thuận lợi này. Những tỉnh có bộ máy hành chính kém hiệu quả và những thủ tục kinh doanh khó khăn cũng đã dần tụt hậu do khu vực tư nhân ở đó kém năng động hơn và tạo ít việc làm hơn.

– Có tác động của cơ chế xin cho, bao cấp, môi trường kinh doanh không bình đẳng và thông tin không minh bạch đến bất bình đẳng thu nhập

Nhiều người trở nên giàu kếch xù nhờ đầu cơ đất đai thông qua sự không minh bạch của thông tin hoặc nhờ đặc quyền tiếp cận với các thông tin nhưng lại chỉ phải đóng một khoản thuế bất động sản có tính tượng trưng, hoặc thậm chí hoàn toàn không phải đóng thuế. Không những thế, nhiều người giàu còn trốn tránh được thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, một bộ phận giàu lên nhanh chóng bằng tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, ăn cắp bản quyền, mua bán chứng khoán… Trong khi đó một bộ phận dân cư không có cơ hội làm giàu hoặc làm ăn yếu kém, sinh đẻ không có kế hoạch, sa vào các tệ nạn xã hội. Xu hướng thương mại hoá tràn lan trong giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác cũng dẫn đến người nghèo khó hoặc không thể tiếp cận, không được hưởng thụ mà lẽ ra có quyền được hưởng phúc lợi xã hội… Tình trạng tham nhũng và cơ chế điều hành không minh bạch đã hạn chế những nỗ lực để xây dựng một xã hội bình đẳng dựa trên các quy định của pháp
luật. Điều này cũng đã tác động tiêu cực đến sự tin tưởng và nhận thức của người dân về tính hợp pháp của sự phân phối thu nhập và cơ hội phát triển (Hoàng Đức Thân, 2010).

– Chưa thể kết hợp tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách.

Chính sách có rất nhiều loại khác nhau và hiệu lực dài ngắn khác nhau. Có loại chính sách giải quyết đa mục tiêu, có chính sách chỉ giải quyết một mục tiêu hoặc kinh tế hoặc xã hội. Chính sách xây dựng có khi thuần tuý chỉ để giải quyết một vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách, tức thời. Chính sách từ khâu xây dựng, ban hành, triến khai thực hiện và đánh giá có khi là một quá trình rất dài mà nhiều vấn đề phát sinh không thể dự báo trước được. Mặt khác chính sách nào cũng đòi hỏi phải có sự gắn kết tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội thì phải đầu tư nghiên cứu lớn và trình độ cán bộ phải có kiến thức tổng hợp, phải phối hợp liên ngành.

Điều đó, trong nhiều trường hợp, không thể thực hiện được và không bảo đảm tính kịp thời của chính sách. Do vậy chỉ có thể gắn kết tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong hệ thống chính sách kinh tế xã hội, trong một số chính sách đường lối, chính sách tổng thể dài hạn.

Đánh giá chung về thực trạng mối quan hệ giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?