Mục lục
Phát triển hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
1. Khái niệm phát triển hoạt động mua bán và sáp nhập
Khi xem xét sự phát triển của một hoạt động trong nền kinh tế, người ta thường xem xét hai khái niệm tương đồng là “tăng trưởng” và “phát triển”, bởi sự tăng trưởng đóng vai trò thiết yếu để định hình mức độ phát triển của một hoạt động. Do vậy, khi đề cập tới sự phát triển của hoạt động mua bán và sáp nhập cũng có thể diễn giải thông qua sự tăng trưởng của hoạt động mua bán và sáp nhập.
Sự tăng trưởng và phát triển của hoạt động mua bán là khái niệm đo lường sự tăng lên về số lượng, giá trị và chất lượng của các thương vụ mua bán thể hiện qua kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Huỳnh Trường Huy – “Phân tích tốc độ phát triển của một số hoạt động trong nền kinh tế và các nhân tố đầu vào theo mô hình tăng trưởng của Solow ”Tạp chí quản lý kinh tế số 24, 2010, trang 27-35.
2. Sự cần thiết phát triển hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Hoạt động mua bán và sáp nhập mang lại rất nhiều lợi ích đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp tài chính, do vậy việc phát triển hoạt động này đóng vai trò quan trọng đối với nền tài chính của một quốc gia nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đối với nền kinh tế
Một là, hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng góp phần gia tăng mức độ năng động của thị trường tài chính, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Thông qua hoạt động M&A, các tổ chức tài chính hoạt động không tốt, có nguy cơ phá sản sẽ được các doanh nghiệp khác xem xét mua lại hoặc tiến hành sáp nhập, hợp nhập bằng công cụ M&A. Khi đó, ảnh hưởng không tốt từ các doanh nghiệp phá sản đến nền kinh tế sẽ giảm đi. Mặt khác, nếu hoạt động M&A chưa phát triển thì quá trình tái cấu trúc một doanh nghiệp đang hoạt động kém
cũng trở nên khó khăn hơn và kết quả, sự sụp đổ của một doanh nghiệp tài chính đơn lẻ có thể dẫn đến các phản ứng dây chuyền đến toàn nền kinh tế.
Hai là, hoạt động mua bán và sáp nhập càng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ hỗ trợ, như các công ty tư vấn luật pháp, các ngân hàng đầu tư, các trung gian môi giới để đảm bảo cho sự thành công của các thương vụ mua bán. Nhìn ở tầm vĩ mô, sự phát triển của hoạt động M&A chính là động lực để phát triển thị trường lao động chất xám chất lượng cao cho xã hội, vốn sẽ là lợi thế lớn nhất mà quốc gia đạt được từ M&A. Bởi, một thị trường lao động ở trình độ cao là nền tảng cơ bản cho một nền kinh tế phát triển.
Ba là, thông qua thị trường M&A, nhà nước có thể thu được một khoản ngân sách đáng kể. Đầu tiên là các khoản thuế trong hoạt động mua bán sáp nhập công ty, sẽ giúp cho nhà nước có thể tái đầu tư cho các hoạt động kinh tế xã hội, nâng cao được lợi ích của nhân dân. Tiếp đến là thay vì sẽ không thu được khoản thuế nào từ các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ – một gánh nặng cho nền kinh tế, thì giờ đây, với việc được sáp nhập với công ty khác, doanh thu và lợi nhuận của công ty hợp nhất sẽ được gia tăng nhờ những giá trị cộng hưởng đem lại, và một phần lợi ích từ quá trình này
được thể hiện thông qua dòng tiền thuế phải nộp sẽ tăng lên, làm gia tăng nguồn thu cho nhà nước, mà thuế chính là phần quan trọng để góp phần phát triển đất nước.
Bốn là, thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ tạo kênh huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư và nguồn lực nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Theo cách tiếp cận này nhà đầu tư nước ngoài có hai hình thức lựa chọn trong đầu tư vào một quốc gia: hoặc là bỏ vốn xây dựng một cơ sở kinh doanh mới (Greenfield investment), hoặc, bỏ vốn mua lại hay sáp nhập với một cơ sở kinh doanh có sẵn và tiếp tục hoạt động, phát triển nó (Mergers and Acquisitions). Những giá trị M&A đem lại cho nền kinh tế trong việc thu hút vốn FDI cũng chính là những giá trị của nguồn
vốn đầu tư FDI mang lại cho mỗi quốc gia. Ngược lại các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào một quốc gia thông qua hoạt động M&A cũng nhận lại được nhiều giá trị kinh tế và hiệu quả hơn, bởi hoạt động M&A cho phép các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tận dụng những lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp trong các thương vụ M&A đem lại. Đây là một mối quan hệ biện chứng hai chiều và đôi bên cùng có lợi.
Năm là, M&A là giải pháp quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và nền tài chính quốc gia nói riêng. M&A là một trong những hoạt động phổ biến trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Quá trình tái cấu trúc kinh tế tạo áp lực buộc những doanh nghiệp (DN) còn trụ lại được phải là những DN khỏe mạnh, đã được sàng lọc. M&A góp phần hình thành nên những tổ chức mới, những tập đoàn phù hợp và hoạt động có hiệu quả trong tình hình mới, từ đó gia tăng các động lực tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cơ cấu và độ mở, sự gắn kết và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mỗi DN nói riêng, của nền kinh tế nói chung.
Đối với doanh nghiệp
Một là, M&A tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, cũng như thâm nhập vào thị trường mới. Khi tiến hành hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đi mua thường có lợi thế sau khi thương vụ M&A hoàn thành, bởi ngay lập tức, doanh nghiệp đã có thể tận dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp mục tiêu làm nền tảng cho quá trình phát triển kế tiếp thay vì phải xây mới từ đầu. Do vậy, doanh nghiệp mới hình thành hay doanh nghiệp sáp nhập có thể thâm nhập ngay vào thị trường mới mà không tốn thời gian, chi phí xây dựng cơ sở vật chất, nhờ vậy, doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hiện sản xuất, kinh doanh.
Hai là, M&A góp phần tiết kiệm chi phí marketing của doanh nghiệp khi doanh nghiệp mới tiếp quản thị phần của doanh nghiệp mục tiêu, hay doanh nghiệp bị sáp nhập. Thông thường một doanh nghiệp mới khi gia nhập vào một thị trường tốn khá nhiều chi phí cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ thâm nhập thị trường qua M&A, tiến hành mua các doanh nghiệp sẵn có trên thị trường, doanh nghiệp đi mua sẽ giảm được chi phí quảng bá hình ảnh nhờ tận dụng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp hiện hữu.
Ba là, M&A tạo điều kiện thu hút, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoạt động mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp lại với nhau góp phần hình thành nên một doanh nghiệp mới, tuy nhiên là sự hình thành doanh nghiệp mới trên cơ sở các doanh nghiệp đã có sẵn trên thị trường. Vì vậy, ngay lập tức, doanh nghiệp mới hình thành đã có sẵn cơ sở vật chất, và đội ngũ cán bộ, công nhân của doanh nghiệp cũ, nay thuộc doanh nghiệp mới. Đây chính là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo nhanh nhất, và cũng giúp doanh nghiệp
tích kiệm được nhiều chi phí đào tạo đội ngũ cán bộ.
Bốn là, M&A là công cụ tài chính góp phần tích tụ các nguồn vốn tài chính hỗ trợ nâng cao năng lực kinh tế cho doanh nghiệp. Thông thường sau các thương vụ M&A, quy mô doanh nghiệp thường có xu hướng tăng lên, do doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực, ưu thế vốn, công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến của doanh nghiệp đi mua. Do vậy, điều này giúp cho doanh nghiệp mới có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tính kinh tế theo quy mô khi tăng thị phần, giảm chi phí đầu tư tài sản cố định, giảm chi phí nhân công, công tác hậu cần, và hoạt động phân phối.
Năm là, thông qua M&A, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực thị trường. Hoạt động M&A diễn ra, tất yếu làm cho thị trường giảm đáng kể số lượng các doanh nghiệp trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với sức nóng của hoạt động cạnh tranh sẽ bớt căng thẳng hơn giữa các bên liên quan.
Sáu là, M&A góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới về công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới thông qua nhận chuyển giao kỹ thuật, trình độ quản lý từ đối tác. Để duy trì lợi thế trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp luôn cần quan tâm tới đầu tư vào hệ thống khoa học công nghệ để vượt qua các doanh nghiệp cạnh tranh khác. Thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập, các doanh nghiệp có thể nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho nhau. Từ đó, doanh nghiệp mới hình thành có thể tận dụng được công nghệ chuyển giao và có những lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường.
Cuối cùng, M&A góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược đa dạng hóa, dịch chuyển chuỗi giá trị. Nhiều tổ chức tài chính thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập nhằm hiện thực hóa chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính cung ứng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ cung ứng nhờ vào kế thừa, học hỏi các sản phẩm của các đối tác trong thương vụ M&A.
Phát triển hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT