Mục lục
Phân loại nợ nước ngoài
Việc phân loại nợ nước ngoài có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác theo dõi, đánh giá và quản lý hiệu quả nợ nước ngoài. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới sử dụng các tiêu chí phân loại nợ nước ngoài như sau:
1. Phân loại nợ nước ngoài theo chủ thể đi vay
Theo tiêu chí phân loại này, nợ nước ngoài bao gồm: Nợ công, nợ tư nhân được công quyền bảo lãnh và nợ tư nhân.
– Nợ công là các nghĩa vụ nợ của khu vực công [85]. Khu vực công bao gồm các thể chế sau: Chính phủ và các bộ, ban ngành; Các cơ quan chính trị cấp dưới, như tỉnh, huyện và thành phố; Ngân hàng trung ương; Các thể chế tự quản (như các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính, các ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển, các ngành dịch vụ xã hội như đường sắt, doanh nghiệp nhà nước…), trong đó: Ngân sách của thể chế đó phải được Chính phủ phê duyệt; hoặc sở hữu nhà nước chiếm trên 50% cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc trên một nửa số thành viên của Hội đồng Quản trị là các đại diện của Chính phủ; hoặc trong trường hợp phá sản, nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ của thể chế đó [85] .
Nếu một tổ chức đáp ứng một trong 3 điều kiện trên, thì nợ của tổ chức đó được đưa vào nợ công. Ngược lại, các tổ chức không đáp ứng định nghĩa về khu vực công sẽ được phân loại là khu vực tư nhân [85].
Nợ nước ngoài của khu vực tư nhân được công quyền bảo lãnh được xác định là các công nợ nước ngoài của khu vực tư nhân mà dịch vụ trả nợ được bảo lãnh theo hợp đồng bởi một đối tượng thuộc khu vực công cư trú tại cùng một nền kinh tế với bên nợ đó [85].
Ở Việt Nam, các khoản nợ này được phân biệt cụ thể như sau:
Nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ [51].
Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh [51].
– Nợ tư nhân bao gồm nợ nước ngoài của khu vực tư nhân không được khu vực công của cùng nền kinh tế đó bảo lãnh theo hợp đồng [85]. Về bản chất, nợ tư nhân là các khoản nợ do khu vực tư nhân tự vay, tự trả.
Tuy nhiên, có một số khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân được một tổ chức thuộc khu vực công trong cùng nền kinh tế bảo lãnh một phần theo hợp đồng.
Đối với những khoản nợ này, thì giá trị hiện tại của các khoản thanh toán được bảo lãnh sẽ được xếp vào loại nợ nước ngoài của khu vực tư nhân được công quyền bảo lãnh, và những khoản thanh toán không được bảo lãnh được xếp vào loại nợ nước ngoài của khu vực tư nhân không được bảo lãnh [85].
2. Phân loại nợ nước ngoài theo thời hạn nợ
Theo tiêu chí phân loại này, nợ nước ngoài được chia thành nợ dài hạn và nợ ngắn hạn.
– Nợ dài hạn là các khoản nợ có thời gian đáo hạn gốc (theo hợp đồng hoặc đã gia hạn) kéo dài trên 1 năm tính từ ngày ký kết vay nợ cho tới ngày đáo hạn khoản thanh toán cuối cùng [36]. Đây là các khoản nợ rất được quan tâm do khả năng tác động lớn tới nền tài chính quốc gia. Chính vì vậy, các tổ chức tài chính quốc tế thường xuyên theo dõi và phân tích nợ dài hạn của các quốc gia một cách có hệ thống. Cơ sở dữ liệu về nợ nước ngoài của thế giới thường xuyên được cập nhật và phân tích, tuy nhiên, những thông tin này chỉ được công bố với những nhóm đối tượng có liên quan mà không được công khai rộng rãi. nợ dài hạn phải trả bằng đồng tiền của nước bên nợ và bằng hàng hoá dịch vụ.
– Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản nợ có thời gian đáo hạn từ 1 năm trở xuống. Thông thường, nợ ngắn hạn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nợ nước của một quốc gia. Do thời gian đáo hạn ngắn, khối lượng thường không đáng kể, nợ ngắn hạn thường không thuộc đối tượng quản lý một cách chặt chẽ như nợ dài hạn. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn là những khoản nợ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thanh khoản của quốc gia và có khả năng gây ra khủng hoảng kinh tế.
3. Phân loại nợ nước ngoài theo loại hình vay
Theo tiêu chí phân loại này, nợ nước ngoài được chia thành hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay thương mại.
– Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Theo Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), vay hỗ trợ phát triển chính thức bao gồm các chuyển khoản song phương (giữa các Chính phủ) hoặc đa phương (từ các tổ chức quốc tế cho các Chính phủ), trong đó ít nhất 25% tổng giá trị chuyển khoản là cho không [102].
Hỗ trợ phát triển chính thức có thể bao gồm: các khoản cho không (bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật); các khoản cho vay ưu đãi; các đóng góp bằng hiện vật; tín dụng của nước cung cấp hàng hoá; và tiền bồi thường. Hỗ trợ phát triển chính thức không bao gồm viện trợ quân sự giữa các Chính phủ và chuyển khoản của các tổ chức phi Chính phủ. Hỗ trợ phát triển chính thức thường là nợ giữa Chính phủ với Chính phủ và giữa Chính phủ với các tổ chức đa phương. Vốn ODA đựợc cung cấp dưới 2 hình thức:
Viện trợ không hoàn lại: thông thường có quy mô nhỏ, chiếm khoảng 15-20% tổng nguồn vốn ODA và chỉ giới hạn trong các lĩnh vực nhân đạo, y tế, vănhoá, giáo dục, cải cách và nâng cao năng lực quản lý hành chính nhà nước.
Vốn vay: có quy mô lớn, chiếm khoảng 83-85% tổng nguồn vốn ODA, nhưng được vay với lãi suất thấp (lãi suất ưu đãi) và thời gian hoàn trả dài.
– Vay thương mại, khác với vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay thương mại thường không có ưu đãi về lãi suất và thời gian ân hạn. Lãi suất vay thương mại là lãi suất thị trường tài chính quốc tế và thường thay đổi theo sự thay đổi của lãi suất thị trường. Do vậy, vay thương mại thường có chi phí khá cao và chứa đựng nhiều rủi ro. Đối tượng vay thương mại thường là các doanh nghiệp.
Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn nợ nước ngoài của Việt Nam là nợ phát sinh từ việc vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Nợ thương mại chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nợ nước ngoài. Các phân tích về đánh giá tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam được tiến hành chủ yếu theo cách phân loại nợ nước ngoài theo loại hình vay.
4. Phân loại nợ nước ngoài theo chủ thể cho vay
Theo tiêu chí phân loại này, nợ nước ngoài được phân loại thành nợ đa phương và nợ song phương.
– Nợ đa phương là các khoản nợ mà chủ nợ thường là các cơ quan của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng phát triển khu vực, các cơ quan đa phương như OPEC và liên chính phủ [77], [81].
– Nợ song phương là các khoản nợ mà chủ nợ là chính phủ một nước hoặc một tổ chức quốc tế nhân danh một chính phủ duy nhất [77], [81].
Phân loại nợ nước ngoài
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT