Mục lục
Phân loại doanh nghiệp
Dựa theo các tiêu thức khác nhau, có nhiều cách phân loại doanh nghiệp như: Phân loại theo ngành nghề kinh doanh, hình thức pháp lý…
1. Theo ngành nghề kinh doanh
Việc nghiên cứu các loại hình doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu cấu trúc vốn của doanh nghiệp, nó ảnh hưởng đến rủi ro kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp kinh doanh khác nhau nên ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn. Trong nền kinh tế, có thể phân thành 6 loại hình doanh nghiệp cơ bản: Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp – thủy sản, thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng và các doanh nghiệp khác (như tài chính, bảo hiểm…).
Mỗi ngành kinh doanh có những đặc điểm kinh tế – kỹ thuật riêng có ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ thì vốn lưu động chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển của vốn lưu động cũng nhanh hơn so với các ngành nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Ở các ngành này, vốn cố định thường chiếm tỷ lệ cao hơn vốn lưu động, thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn [11].
Những doanh nghiệp sản xuất ra những loại sản phẩm có chu kì sản xuất ngắn thì nhu cầu vốn lưu động giữa các thời kì trong năm thường không có biến động lớn, doanh nghiệp cũng thường xuyên thu được tiền bán hàng, nhờ đó có thể dễ dàng bảo đảm cân đối giữa thu và chi bằng tiền, cũng như đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu kinh doanh.
Ở các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hay xây dựng có chu kì sản xuất sản phẩm dài, phải ứng ra những lượng vốn lớn nên chủ yếu sẽ sử dụng vốn dài hạn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Những doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp – thủy sản có rủi ro cao nên thường huy động vốn ở nhiều kênh đa dạng khác nhau.
Việc phân chia các loại hình doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh là cơ sở cho việc ước tính hệ số bêta phản ánh mức rủi ro của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.
2. Theo hình thức pháp lý
Theo Luật doanh nghiệp Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2014, xét về hình thức pháp lý có các loại hình doanh nghiệp chủ yếu sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân.
2.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn
Ở Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai dạng: Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó:
+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp.
+ Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo qui định của pháp luật.
+ Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên không vượt quá năm mươi.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của Công ty.
2.2. Doanh nghiệp Nhà nước
Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà Nước. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước.
Công ty nhà nước được thành lập chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội; ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn; ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao; hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
2.3. Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc); đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát.
Lợi thế của công ty cổ phần là:
+ Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao;
+ Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề;
+ Cấu trúc vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
+ Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần;
+ Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, loại hình công ty cổ phần cũng có những hạn chế nhất định như:
+ Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích.
+ Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
Khi nghiên cứu về các công ty cổ phần, người ta thường quan tâm đến việc chứng khoán của công ty cổ phần đó đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán hay chưa.
Niêm yết chứng khoán là thủ tục cho phép một chứng khoán nhất định được phép giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. Cụ thể, đây là quá trình Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán nếu công ty đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về định lượng cũng như định tính mà Sở giao dịch chứng khoán đề ra. Các công ty cổ phần luôn mong muốn được niêm yết chứng khoán của mình tại Sở giao dịch chứng khoán vì nó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:
+ Công ty có thể huy động vốn dễ dàng: Niêm yết nhằm mục đích huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán. Công ty được niêm yết có thể thu hút vốn dài hạn thông qua phát hành chứng khoán với chi phí thấp. Thông thường, công ty niêm yết được công chúng tín nhiệm hơn công ty không được niêm yết, bởi vậy khi trở thành một công ty được niêm yết thì họ có thể dễ dàng trong việc huy động vốn và với chi phí huy động vốn thấp hơn.
+ Tăng tính thanh khoản cho các chứng khoán: Khi các chứng khoán được niêm yết, nó có thể được nâng cao tính thanh khoản, dễ dàng được chấp nhận làm vật thế chấp và sử dụng cho các mục đích tài chính khác. Hơn nữa, các chứng khoán được niêm yết có thể được mua với số lượng tiền rất nhỏ nên các nhà đầu tư có vốn nhỏ vẫn có thể trở thành cổ đông của công ty, điều này giúp công ty có thể linh hoạt trong quá trình huy động vốn.
+ Ưu đãi về thuế: Thông thường các công ty tham gia niêm yết sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm nhất định.
Tuy nhiên, để có được những lợi ích trên, các công ty phải có đủ tiêu chuẩn để được niêm yết chứng khoán của mình. Điều kiện này được quy định cụ thể trong quy chế về niêm yết chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán ban hành. Thông thường, có haiquy định chính về niêm yết là yêu cầu về công bố thông tin của công ty và tính khả mại của các chứng khoán. Các nhà đầu tưvà công chúng phải nắm được đầy đủ các thông tin và có cơ hội nắm bắt thông tin do công ty phát hànhcông bố ngang nhau,đảm bảo sự công bằng trong tiếp nhận thông tin, kể cả các thông tin mang tính chất định kỳ hoặc thông tin tức thời có tác động đến giá cả, khối lượng chứng khoán giao dịch.
2.4. Công ty hợp danh
Là doanh nghiệp trong đó:
+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
+ Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
2.5. Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp [21].
Cách phân loại doanh nghiệp theo hình thức pháp lý cho thấy được sự khác nhau trong các cách tổ chức huy động vốn, từ đó cũng ảnh hưởng đến việc điều chỉnh cấu trúc vốn của các loại hình doanh nghiệp.
Phân loại doanh nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT