Những mặt đạt được về kiểm soát hoạt động chuyển giá

phát triển dịch vụ thẻ

Mục lục

Những mặt đạt được về kiểm soát hoạt động chuyển giá

1. Bước đầu đã nhận định được một số cách thức chuyển giá của chi nhánh các MNCs và đưa ra xử lý được một số vụ việc điển hình

Qua các cuộc thanh tra thuế cũng như đấu tranh với hành vi gian lận thuế, cùng với việc học tập, tiếp thu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế về kiểm soát chuyển giá, cán bộ ngành thuế đã bước đầu nắm bắt được những cách thức chuyển giá mà nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam áp dụng. Ngày càng có nhiều cách thức chuyển giá của chi nhánh các công ty đa quốc gia bị phát hiện và xử lý, bao gồm các hình thức như:

  • Chuyển giá qua nâng khống giá trị tài sản khi thành lập liên doanh. Dấu hiệu: liên doanh sau khi thành lập thường hoạt động thua lỗ kéo dài, chi phí khấu hao lớn và sớm chuyển từ hình thức liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài
  • Chuyển giá bằng cách nâng khống giá trị tài sản vô hình. Dấu hiệu là các chi phí như tiền bản quyền, tiền nhượng quyền thương mại và các chi phí tư vấn, chi phí chuyên gia trả cho công ty mẹ thường ở mức cao
  • Chuyển giá qua việc mua bán nguyên vật liệu không theo giá thị trường. Dấu hiệu: nguyên vật liệu mà chi nhánh sử dụng phần lớn có nguồn gốc từ công ty mẹ hoặc bên có quan hệ liên kết
  • Chuyển giá qua việc định giá chuyển giao thấp. Dấu hiệu: hàng hóa bán cho bên có quan hệ liên kết có giá thấp hơn giá thị trường, trong một số trường hợp còn thấp hơn giá vốn hàng bán
  • Chuyển giá qua chi phí tài chính. Dấu hiệu: chi phí vay vốn của chi nhánh ở mức cao, cơ cấu vốn nghiêng nhiều về phía nợ; nguồn vốn vay chủ yếu đến từ công ty mẹ hoặc bên có quan hệ liên kết; chi phí vay nợ nước ngoài cao hơn vay nợ trong nước
  • Chuyển giá qua việc thực hiện các chiến lược khuyến mãi, đẩy cao chi phí quảng cáo. Dấu hiệu: doanh nghiệp nâng cao các chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm quảng bá sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, chấp nhận lỗ trong thời kỳ đầu để sau đó hoàn toàn chi phối thị trường.

Cùng với đó, rất nhiều các vụ việc chuyển giá của chi nhánh các MNCs lớn trên thế giới trong thời gian qua cũng đã bị cơ quan thuế Việt Nam phát hiện và xử lý. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành thuế Việt Nam trong việc kiểm soát chuyển giá và đấu tranh với các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Có thể kể tới các vụ việc của các MNCs như: Keangnam; Metro hay Coca Cola là những trường hợp điển hình nhất.

2. Hành lang pháp lý cho việc kiểm soát hoạt động chuyển giá đang ngày càng được hoàn thiện

Trong 5 năm gần đây về cơ bản hệ thống pháp lý hiện nay đã đáp ứng được phần nào yêu cầu công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI, đảm bảo công tác quản lý thuế phù hợp với các quy định quốc tế vì việc xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết được dựa trên hướng dẫn của OECD, có tính đến thực tiễn quản lý thuế ở Việt Nam. Có thể kể đến những văn bản nền tảng sau đây:

  • Nghị định 20/2017/NĐ – CP và Thông tư 41/2017/TT – BTC được đánh giá là có nhiều bước đột phá so với Thông tư 66/TT – BTC; được xây dựng sát với những khuyến nghị của OECD, vừa giúp cơ quan thuế có công cụ hữu hiệu trong đấu tranh, đồng thời giúp các doanh nghiệp FDI dễ dàng hơn trong việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính giá cho giao dịch với bên liên kết với việc quy định rõ ràng các phương pháp xác định, đối tượng xác định cũng như từng trường hợp cụ thể áp dụng phương pháp xác định giá.

Bảng 1: Sự thay đổi các hướng dẫn kiểm soát chuyển giá

Quy định Thông tư 74/TC – TCT Thông tư 89/1999/TT – BTC Thông tư 13/2001/TT – BTC Thông tư 128/2003/TT – BTC Thông tư 117/2005/TT – BTC Thông tư 66/2010/TT – BTC Nghị định 20/NĐ – CP và Thông tư 41/2017/TT – BTC
Về quy định đối tượng liên kết 2 tiêu chí 2 tiêu chí 2 tiêu chí Không quy định 3 tiêu chí lớn và 14 tiêu chí nhỏ 3 tiêu chí lớn và 15 tiêu chí nhỏ 2 tiêu chí lớn và 10 tiêu chí nhỏ
Phương pháp kiểm soát chuyển giá 3 phương pháp xác định giá thị trường 3 phương pháp xác định giá thị trường 3 phương pháp xác định giá thị trường Không quy định 5 phương pháp xác định giá thị trường 5 phương pháp xác định giá thị trường 3 phương pháp, trong đó 1 phương pháp được hướng dẫn thành 3 phương pháp nhỏ

(Nguồn: Nghiên cứu sinh thống kê từ các văn bản pháp luật)

  • Thông tư 201/2013/TT – BTC hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng APA trong quản lý thuế. Thông tư này đã cụ thể về phương pháp thỏa thuận trước về giá, phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới là thực hiện đàm phán về giá chuyển nhượng. Điều này vừa giúp cho ngành Thuế giảm thuể thời gian phải tiến hành thanh tra thuế, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc xác định giá chuyển nhượng cho bên liên kết sao cho hợp lý và được cơ quan thuế chấp nhận. Đồng thời, với APA song phương và đa phương còn cho phép cơ quan thuế các nước xây dựng mối liên hệ gắn bó hơn, cùng chia sẻ thông tin nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn hoạt động chuyển giá của các MNCs.

Việt Nam cũng đã xây dựng được Chương trình chiến lược về kiểm soát chuyển giá; xây dựng được các chuyên đề kiểm soát giá chuyển nhượng đối với một số nhóm mặt hàng trọng tâm. Đồng thời, cơ quan thuế cũng đang nghiên cứu thực hiện việc xây dựng tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành như là một cơ sở để thực hiện các phương pháp giá thị trường cho giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.

3. Hợp tác quốc tế về thuế có nhiều chuyển biến tích cực

Trong công tác kiểm soát chuyển giá, Việt Nam đã tham khảo các hướng dẫn và quy định của OECD dù Việt Nam chưa phải là thành viên của tổ chức này. Các hướng dẫn và quy định về chuyển giá của OECD mang tính chất phổ biến và áp dụng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt ở các quốc gia phát triển – nơi hoạt động chuyển giá của các MNCs diễn ra hết sức tinh vi. Gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực nghiên cứu để áp dụng Khuyến nghị của Liên hiệp quốc về chuyển giá dành cho các nước đang phát triển. Khuyến nghị này được nhiều chuyên gia đánh giá là có tính hữu dụng và đem lại lợi ích nhiều hơn trong cuộc đấu tranh kiểm soát chuyển giá với các MNCs. Việc xây dựng các Thông tư hướng dẫn phù hợp với tiêu chuẩn của OECD hay Liên hiệp quốc chắc chắn sẽ tương thích và tạo điều kiện thuận lợi cho các MNCs hiểu đúng và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

4. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá đang dần được chuẩn hóa

Nếu như thời điểm trước 2010 chỉ có một số các chuyên gia và cán bộ Thuế hiểu được, nắm được thế nào là chuyển giá, các hình thức chuyển giá cũng như các phương thức xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết thì hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm soát chuyển giá đã được nâng cao. Tổng cục Thuế đã rất chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyển giá. Hàng năm, Tổng cục Thuế cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về chuyển giá củ Trường Bồi dưỡng cán bộ Bộ Tài chính; đồng thời Trường Nghiệp vụ Thuế cũng đã tổ chức các khóa học về kiểm tra, thanh tra giá chuyển nhượng. Nhờ quan tâm đến đào tạo cán bộ nên đội ngũ cán bộ thuế làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyển giá ngày càng được trang bị kiến thức chuyên sâu, chuyên nghiệp và dần dần có kỹ năng quản lý thuế hiện đại. Khả năng phân tích, đánh giá và kỹ năng sử dụng máy tính để tính toán và xử lý các vấn đề phát sinh ngày một cải thiện. Chất lượng cán bộ cải thiện nên kết quả các cuộc thanh tra thuế của cơ quan thuế, khả năng phát hiện sai phạm của cán bộ thuế cũng có kết quả tốt, số truy thu tăng lên.

5. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát chuyển giá dần được cải thiện

Tổng cục Thuế đã có nhiều nỗ lực nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát chuyển giá. Năm 2012 Tổ chuyên trách quản lý thuế với 23 thành viên (Tổng cục 19, Cục thuế Hà Nội 02, Cục thuế TP.Hồ Chí Minh 02) đã được thành lập, được trang bị cơ sở làm việc, trang thiết bị hiện đại. Trên cơ sở đó, năm 2015 đã được nâng cấp thành Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng ở Tổng cục và 04 Cục thuế địa phương. Tổng cục cũng đã từng bước chú trọng đến việc xây dựng hệ thống thông tin người nộp thuế, đồng thời từng bước phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc phân tích, tổng hợp, khai thác thông tin.

Những mặt đạt được về kiểm soát hoạt động chuyển giá

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 bình luận về “Những mặt đạt được về kiểm soát hoạt động chuyển giá

  1. Pingback: Những mặt còn hạn chế, bất cập trong kiểm soát hoạt động chuyển giá - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?