Nguyên tắc, yêu cầu đánh thuế thu nhập doanh nghiệp

Khái niệm chính sách tiền tệ

Mục lục

Nguyên tắc, yêu cầu đánh thuế thu nhập doanh nghiệp

Ở các nước tuy có sự khác nhau về phạm vi bao quát, đối tượng áp dụng, các mức thuế suất hoặc các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong cách thiết lập thuế thu nhập doanh nghiệp đều quán triệt các nguyên tắc cơ bản nhất định.

– Đánh thuế theo nguyên tắc cơ sở thường trú

Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được thiết lập theo nguyên tắc “cơ sở thường trú” và “nguồn phát sinh thu nhập”. Việc lựa chọn nguyên tắc đánh thuế này cho phép xác định được doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế ở nước nào và doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Theo nguyên tắc cơ sở thường trú, một doanh nghiệp được coi là cơ sở thường trú của nước nào thì bị đánh thuế trên mọi khoản thu nhập, bất kể thu nhập đó phát sinh ở trong nước hay ở nước ngoài.

Theo nguyên tắc “nguồn phát sinh thu nhập”, một doanh nghiệp bị đánh thuế vào khoản thu nhập nếu khoản thu nhập đó phát sinh tại nước đánh thuế, bất kể doanh nghiệp đó có phải là cơ sở thường trú của nước đó hay không.

– Đánh thuế trên thu nhập đã được khấu trừ chi phí tạo ra thu nhập

Để đảm bảo đánh thuế trên thu nhập ròng/lợi nhuận của doanh nghiệp, các khoản chi phí phải được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Việc xác định doanh thu hay chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế được xem xét trên phương diện thuế. Do tính chất độc lập của các quy định về kế toán và quy định về thuế nên kết quả kế toán không nhất thiết phải tương ứng với kết quả tính thuế. Trong thực tế, người ta thường xác định kết quả về phương diện kế toán, sau đó sẽ áp dụng các quy định riêng về thuế để có được kết quả trên phương diện thuế.

Những khoản chi phí được trừ thường được quy định cụ thể trong Luật thuế của từng quốc gia, tuy nhiên, chúng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập của doanh nghiệp.

– Chi phí thực sự chi ra trong kỳ và có chứng từ hợp lệ hợp pháp có nghĩa là chúng phải được ghi chép và thể hiện rõ trên hóa đơn.

– Có mức chi trả hợp lý, là mức chi phù hợp với các định mức, tiêu chuẩn của doanh nghiệp; quy định của Nhà nước hay phù hợp với giá thị trường. Những khoản chi được coi là “không hợp lý” sẽ không được coi là chi phí được trừ về phương diện thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế trong những trường hợp cụ thể việc xác định các khoản chi phí được trừ còn tùy thuộc vào tính chất phát sinh thu nhập và chi phí có liên quan.

– Xác định niên độ độc lập khi tính thuế

Do tính chất phức tạp của các khoản thu nhập phát sinh và thời gian nhận được các khoản thu nhập, có những khoản thu nhập doanh nghiệp nhận được trong một năm, nhưng cũng có những khoản thu nhập nhận được trong nhiều năm. Vì việc quy định thời gian để xác định doanh thu và thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp là cần thiết. Trong thực tiễn các nước có quy định khác nhau về kỳ tính thuế, nhưng thông thường kỳ tính thuế là niên độ kế toán (năm tài chính), là khoảng thời gian 12 tháng. Niên độ kế toán có thể trùng hoặc không hoàn toàn trùng với năm dương lịch. Theo nguyên tắc niên độ độc lập, doanh nghiệp chỉ hạch toán các khoản doanh thu và chi phí liên quan riêng đến niên độ đó khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ. Nguyên tắc này thống nhất với nguyên tắc chỉ hạch toán các khoản thu nhập đã nhận được hoặc các khoản nợ chắc chắn phải trả. Như vậy, chỉ tính vào trong niên độ doanh thu của hàng hóa đã bán, dịch vụ đã cung cấp và các khoản chi phí phát sinh. Nguyên tắc này yêu cầu phải hạch toán các nghiệp vụ căn cứ vào thời điểm phát sinh trong niên độ, mặc dù chúng có thể chưa được thanh toán hoặc chưa thu tiền vào quỹ.

Nguyên tắc niên độ không chỉ giúp cho việc tính toán đơn giản, đảm bảo tính khả thi của việc đánh thuế mà còn đảm bảo nguồn thu cho NSNN và tính công bằng giữa đối tượng nộp thuế [17].

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm của thuế thu nhập doanh nghiệp[/message]

Các yêu cầu đối với đánh thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, thuế thu nhập doanh nghiệp phải bao quát được mọi khoản thu nhập phát sinh trong hoạt động của các doanh nghiệp. Việc bỏ sót nguồn thu không chỉ làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước mà còn vi phạm nguyên tắc công bằng khi đánh thuế. Tuy nhiên khi thiết kế thuế TNDN, tùy vào mục đích điều tiết hoặc các mục đích khác trong quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định, theo quy định của pháp luật có những khoản thu nhập không trong phạm vi điều tiết của thuế TNDN, hoặc tạm thời chưa nằm trong phạm vi điều tiết của thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, thống nhất cách xác định thu nhập chịu thuế. Để xác định chính xác thu nhập chịu thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cần có sự thống nhất giữa cách xác định thu nhập chịu thuế. Một số nhà kinh tế đưa ra quan điểm đánh thuế TNDN đối với toàn bộ thu nhập của nhà đầu tư đó là thu nhập bằng tiền mặt và cả phần lãi vốn đầu tư, dù lãi đó đang ở dạng tiềm ẩn (có thể nhận được trong tương lai – theo định nghĩa thu nhập hoàn chỉnh của Haig-Simons). Về phương diện lý thuyết thì quan điểm này có thể chấp nhận và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế thì lại khác, để có được thu nhập giống nhau thì mỗi chủ thể tạo ra thu nhập lại có chi phí khách quan khác nhau (chẳng hạn chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí khắc phục rủi ro…), hoặc khó có thể xác định được chính xác số thu nhập sẽ nhận được trong tương lai. Nên nếu dựa vào thu nhập hoàn chỉnh để làm cơ sở đánh thuế thì nguyên tắc công bằng không được đảm bảo và không khả thi. Do đó thu nhập chịu thuế phải được xác định trong các trường hợp cụ thể. Thu nhập phát sinh từ các hoạt động của doanh nghiệp phải là thu nhập bằng tiền mặt hoặc tính ra được bằng tiền và ghi nhận trong kỳ tính thuế. Thu nhập chịu thuế TNDN được xác định trên cơ sở doanh thu của doanh nghiệp và các khoản chi phí gắn liền với quá trình tạo ra doanh thu.

Thứ ba, xác định thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý. Thuế suất thuế TNDN có thể được thiết kế tỷ lệ thuận với lợi tức chịu thuế, lũy tiến theo mức thu nhập hoặc có thể phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động kinh tế. Việc phân biệt thuế TNDN giữa các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế thường chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu phát triển, ở các nền kinh tế chuyển đổi… Thuế TNDN bị chi phối trực tiếp bởi các chính sách kinh tế, xã hội của Nhà nước, do đó, trong khi thiết kế nên có thuế suất phổ thông, có các mức thuế suất ưu đãi và các trường hợp miễn, giảm thuế. Quy định như vậy là cần thiết để khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành nghề kinh doanh hoặc các lĩnh vực nhất định, nhưng không nên quá phức tạp, vừa làm giảm cơ sở tính thuế, vừa tạo điều kiện để đối tượng nộp thuế có thể tránh thuế và chi phí quản lý thuế tốn kém[20].

Nguyên tắc, yêu cầu đánh thuế thu nhập doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?